Tết thời Covid: Thay đổi để thích ứng với trạng thái “bình thường mới”

475

Nguyễn Duy Xuân

(Vanchuongphuongnam.vn) – Tết sum vầy là điều được người Việt nhắc đến từ xa xưa, bởi quanh năm đi làm ăn xa, ai cũng muốn nhân dịp Tết cổ truyền của dân tộc về thăm ông bà, cha mẹ, quê hương, trước là vui xuân, đón Tết sau là tri ân các đấng sinh thành và thưởng thức không khí Tết quê đã ăn sâu vào máu thịt. 

Tác giả Nguyễn Duy Xuân 

Thế cho nên, Tết chưa đến mà cả người đi xa lẫn người ở nhà đều mong ngóng, đợi chờ. Những ngày giáp Tết, hàng xóm gặp nhau, câu đầu tiên chào hỏi là các con, các cháu đã về ăn Tết chưa. Người ở quê nhắc hoài khiến người xa quê càng thêm sốt ruột, hắt hơi, không thể không về. Thế là cha con, vợ chồng lại rồng rắn, dắt díu nhau lên tàu, lên xe về quê ăn Tết.

Nhưng không phải cứ về quê mới có Tết sum vầy

Tết Tân Sửu này dịch Covid-19 lại bùng phát. Bao dự định về một cái Tết sum vầy đành chựng lại. Hải Dương, Quảng Ninh, rồi Hà Nội, Gia Lai, Bình Dương,… “Cô vít” đang trỗi dậy. Nhiều nơi bị phong tỏa, hạn chế đi lại. Hàng ngàn người đành phải trả vé máy bay, vé tàu xe đã đăng ký từ hơn một tháng trước. Báo chí đưa tin, do lượng khách trả vé dồn dập khiến Công ty đường sắt Sài Gòn, ga Dĩ An không còn đủ tiền mặt để trả lại cho khách. Tôi nghĩ, đó là tín hiệu đáng mừng, khởi đầu cho một sự thay đổi theo xu hướng “bình thường mới”. Trước nguy cơ của dịch bệnh, người dân không thể chậc lưỡi để đánh cược tính mạng của mình. Tết sum vầy – kỳ vọng lớn lao của bao người đấy – cũng đành phải nhường chỗ cho sự bình an của mỗi cá nhân và cộng đồng.

Tôi có một cậu con trai đang làm nghiên cứu sinh ở một nước mà dịch giã còn nguy hiểm gấp trăm lần ở ta. Đã ba cái Tết cháu xa nhà gần nửa vòng trái đất, một mình nơi đất khách quê người. Nghỉ hè cũng không thể về được vì Covid. Hoàn cảnh buộc cháu phải chấp nhận. Rất may là thời cộng nghệ số, cha mẹ, con cái, vợ chồng vẫn gặp nhau thường xuyên trên Zalo. Khoảng cách địa lý như giảm bớt, Tết sum vầy vẫn chưa mất đi ý nghĩa của nó. Nhờ mạng Internet, nỗi buồn, cô đơn của đứa con xa xứ cũng vợi đi rất nhiều. Và tôi biết, xung quanh tôi còn có hàng ngàn, hàng vạn những cảnh ngộ tương tự: Những người chồng, người vợ, người cha, người mẹ, người con xa nhà sang xứ người học tập, lao động, công tác không thể về nước để sum vầy cùng người thân trong ba ngày Tết. Vậy thì, ta sum vầy bằng cách online thôi!

Và thăm hỏi, chúc Tết qua tin nhắn, mạng xã hội

Theo tục lệ truyền thống, Tết là phải đi thăm hỏi, chúc nhau không chỉ đối với anh em ruột thịt mà còn cả với bà con hàng xóm, bạn bè. Đó là một nét đẹp trong đời sống văn hóa của người Việt, có từ xa xưa. Nó là biểu hiện của lối sống trọng tình, lời chào cao hơn mâm cỗ; là hệ quả của nền sản xuất nông nghiệp luôn đối mặt với rủi ro, mất mùa, đói kém; là cách để ông cha ta cố kết với nhau trong tình cảm cộng đồng, gắn bó sẻ chia.

Thế nhưng, thời Covid, chuyện thăm hỏi, chúc Tết cũng phải xem lại, thay đổi, điều chỉnh cho phù hợp với trạng thái “bình thường mới”.

Theo số liệu mới nhất, Việt Nam có 96,9 triệu dân; số lượng thuê bao di động là 145,8 triệu thuê bao; số lượng người dùng internet là 68,17 triệu người; số lượng người dùng mạng xã hội là 65 triệu người. Đây là điều kiện thuận lợi nhất để chúng ta “chuyển đổi số” trong việc thăm hỏi, chúc Tết nhằm hạn chế tối đa sự tiếp xúc cá nhân, tụ tập đông người. Covid dù có ghê gớm đến mấy cũng không đáng sợ khi mọi người dân cùng hợp tác, tự giác phòng, chống dịch cho bản thân và cộng đồng.

Tất cả vì sức khỏe cá nhân, cộng đồng và sự bình an của đất nước. Đấy là mục đích cao nhất của Tết Việt thời Covid. Mỗi người bớt đi một chút ích kỷ, tạm gác tình cảm, ham muốn cá nhân ngày Tết để cộng đồng cùng an vui.

“Xuân này con không về” nhưng vẫn đong đầy tình thân, tình quê hương xứ sở. Mong lắm thay, Xuân Tân Sửu 2021!

N.D.X