Tết Trung thu từ gia đình

1546

04.10.2017-21:10

NVTPHCM- Tháng Tám mùa thu, heo may về. Trên những con phố bắt đầu nhộn nhịp đèn hoa, thoang thoảng mùi bánh nướng, bánh dẻo.

 

Những năm tháng còn ngồi ghế giảng đường ở Cu-ba, tận bên kia bán cầu, Trung thu đối với sinh viên quý lắm, vì bánh nướng, bánh dẻo đã hiếm, mà tình cảm gia đình còn thiếu thốn hơn.

 

Mỗi lần có người về nghỉ hè ở Việt Nam, chúng tôi lại nhờ mua một hộp bánh Trung thu. Đầu tháng 9 tựu trường, bánh “bay” sang tới nơi là được cất ngay vào ngăn đá tủ lạnh chờ đúng Rằm còn “phá cỗ”. Một hộp bánh, vài gói trà túi lọc cùng bộ ấm chén xinh xinh là đủ để mười đến hai mươi sinh viên quây quần dưới ánh trăng.

 

Tôi có đứa cháu, cứ đến Ngày quốc tế Thiếu nhi, Tết Trung thu… cậu bé lại khấp khởi vui mừng. Bởi chỉ những dịp như vậy, cậu mới có cơ hội ở gần bố mẹ. Bố mẹ đi suốt ngày, cuối tuần cũng chẳng ở nhà, cậu cứ thế lớn lên với bà giúp việc.

 

Xã hội ngày càng phát triển, các bậc phụ huynh lại càng xa cách con cái. Có những người bố, người mẹ quanh năm bận công tác, đi làm ăn xa, rồi có người nhiều khi sẵn sàng bỏ cả ngày trời đi chơi golf với đối tác, nhưng một vài giờ đồng hồ ở bên con thì rất khó. Họ bận rộn tới mức, chỉ đến khi trường, lớp thông tin tăng học phí, hoặc đưa ra những khoản thu vô lý thì mới đùng đoàng đòi “ba mặt một nhời” với giáo viên.

 

Tết Trung thu đã xuất hiện nhiều sự biến tướng. Bánh nướng bánh dẻo – những món đồ thanh đạm trong tiết thu sang, chẳng hiểu từ khi nào trở thành món quà biếu xén. Đồ chơi Trung thu truyền thống với giấy bồi, giấy bóng kính, que tre… dần biến mất, nhường chỗ cho đao kiếm, súng ống, máy bay… Chẳng thấy bố mẹ, anh chị nào làm đồ chơi cho con em nữa.

 

Những mâm cỗ tầng tầng lớp lớp, rõ ràng được chuẩn bị kỹ lưỡng, nhưng lại đầy chất “công nghiệp”. Nhiều nơi, các hội phụ huynh của trường, của khu dân cư họp nhau lại, thuê về nào chị Hằng, nào chú Cuội, thậm chí cả đoàn lân sư rồng cho con em vui “phá cỗ”. Tốn kém hàng chục triệu đồng, nhưng nhiều “lễ hội” nho nhỏ kiểu như vậy lại gói gọn trong bốn bức tường, thiếu ánh trăng!

 

Đời sống vật chất đầy đủ hơn. Trăng rằm vẫn vành vạnh trên đầu. Nhưng sao vẫn thấy thiếu hương vị, thiếu không khí của Tết Trung thu hồn hậu, ấm áp của những năm xưa? Không hẳn cái thiếu thốn thanh bần của quá khứ khiến người ta nhớ lâu và coi là khuôn mẫu, mà quả thật những rằm tháng Tám chưa xa ấy có sự quây quần, có sự chăm sóc, hòa quyện giữa các thế hệ trong một gia đình khi tự chuẩn bị phần lớn mọi thứ cho ngày Tết, khi ông bà, cha mẹ, các cháu đều có những ngày vui bên nhau để mang niềm vui cho con trẻ.

 

Tết Trung thu xét cho cùng bắt nguồn từ gia đình. Bởi thiếu niên và nhi đồng luôn cần có mẹ cha ở bên. Không chỉ nuôi nấng, chăm sóc, cha mẹ còn là chỗ dựa tinh thần vững chắc cho con cái. Thay vì những món quà đắt tiền, hào nhoáng, hãy tạo một góc sân, một khoảng trời, để Trung thu trong con trẻ mãi ngọt ngào như truyền thống.

 

LINH PHAN

 

 

>> XEM TIẾP NHỮNG VẤN ĐỀ KHÁC…