Tết và tản mạn pháo – Nguyễn Đại Duẫn

290

(Vanchuongphuongnam.vn) – Tôi về quê ăn Tết. Việc đầu tiên là chúc thọ ba, mẹ tôi, rồi mừng tuổi cho các cháu. Ở quê, tục thăm Tết họ hàng như đã trở thành thông lệ. Người thân gặp nhau để hỏi han sức khỏe, làm ăn sau một năm và chúc nhau năm mới phát đạt.

Ảnh minh họa

Tôi cùng các thành viên trong gia đình đi thăm hỏi bà con lối xóm. Gặp đứa cháu họ gọi tôi bằng ông, nói: “Tết năm nay dở ẹc, chẳng thấy mấy ai đốt pháo nổ cả”. Tôi đưa phong bao lì xì mừng tuổi rồi giải thích cho nó việc Nhà nước cấm đốt pháo nổ, hạn chế bắn pháo hoa. Không biết nó có hiểu gì không, tay cầm bao kì xì cười tươi, lễ phép cảm ơn rồi vù chạy đi. Những ký ức tuổi thơ tôi với những bánh pháo Tết xưa hiện về.

Tết là dịp mà mọi đứa trẻ như tôi luôn háo hức mong chờ. Được nghỉ học, được vui chơi, ăn ngon và diện quần áo mới. Đặc biệt điều mong chờ nhất là được đốt pháo. Ngày ấy, đối với tôi cũng như bao đứa trẻ thôn quê, việc có tiền để mua pháo đốt chơi cũng là một ước mơ. Việc đốt pháo cũng dè sẻn, phải xé lẻ ra từng quả pháo để đốt. Cả bọn tụm năm, tụm ba rủ nhau tìm ống bơ rồi bỏ pháo vào đốt để nghe tiếng nổ to hơn. Thấy nhà nào đốt phong pháo dài và to, cả đám trẻ con bu xung quanh, để nghe tiếng pháo nổ giòn. Chờ khi pháo nổ xong là lao vào giành nhau từng quả pháo tịt, mất ngòi trong làn khói mù mịt. Mặt mũi đứa nào đứa nấy đen nhẽm khói pháo nhưng vẫn háo hức. Nhà có tiền thì chọn mua pháo Bình Đà, nối hai ba phong treo từ mái ngói thả xuống sát mặt đất. Nhà khá hơn thì trưng phong pháo dài chừng sải tay. Nhà nào nghèo cũng có một phong pháo tép. Giao thừa đến, nhà nhà thi nhau đốt pháo, tiếng pháo vang rền tứ phía, khói phủ mịt mù. Tiếng pháo như làm không khí yên bình của thôn quê náo động hẵn lên. Tiếng chó sủa, tiếng reo hò của lũ trẻ ồn ả cả góc làng. Như một sự “kiêu hãnh” giữa các gia đình, của lũ trẻ trong việc pháo nổ to, nổ nhỏ. Sáng dậy, xác pháo đỏ hồng cả một khoảng sân. Sân nhà nào lắm xác pháo là hãnh diện với lối xóm lắm lắm.

Theo quan niệm xưa, tiếng pháo ngày Tết có ý nghĩa để xua đuổi tà ma và mong ước cho một năm làm ăn thịnh vượng, suôn sẻ. Tết xưa đói thật chỉ mong có bánh chưng, có kẹo, có bát xôi đầy, trên đắp một miếng thịt lợn nhẫy mỡ. Nhưng vui nhất vẫn là đám trẻ con chúng tôi thi nhau nhặt tìm xác pháo chưa nổ để về chế lại. Hết Tết rồi mà âm thanh và mùi thuốc pháo vẫn còn lan tỏa, rải rác tiếng nổ trong các lễ cúng đầu năm cứ kéo dài cho đến “ngày mở cửa rừng”.

Nhưng có những cảnh tượng đốt pháo làm tôi không bao giờ quên, ám ảnh đến bây giờ. Đó là việc mấy đứa trèo lên ngọn cây, chờ các cô, các mệ đi chợ về chúng đốt cho pháo cháy ngòi rồi quẳng xuống. Thình lình nghe tiếng nổ, họ giật mình hốt hoảng, có khi rơi cả gánh hàng. Lũ con nít nhảy trên cây xuống ù chạy trong tiếng la mắng của các cô, các mệ. Rồi cảnh mấy đứa giành nhau pháo lép, xảy ra đánh nhau. Rồi có đứa bị thương khi tranh pháo có ngòi nổ chậm. Hay có đứa bị pháo đùng nổ  trên tay toe ngón, máu chảy ồ ạt phải đưa đi cấp cứu. Đâu đó còn có những vụ chở pháo lậu nổ cháy xe, người chết thật thương tâm.

Bây giờ việc đốt pháo nổ như ngày xưa đã không còn. Thế nhưng, vào mỗi độ Tết đến, xuân về tiếng pháo và mùi pháo Tết vẫn còn như một sự hoài niệm trong tâm thức thời trẻ con của tôi. Đúng vậy, khi ta đã sống rất lâu trong một thói quen như trở thành “lệ”, ta sẽ cảm thấy tiếc nuối khi thiếu nó. Không có tiếng pháo, Tết như thiếu hẳn một cái gì rất khó giải thích.

Kể từ khi có lệnh cấm đốt pháo Tết, tình hình mấy ngày Tết rất an bình, không khí trong lành. Không còn cảnh tai nạn pháo. Không còn sống trong cảnh mù mịt khói thuốc súng. Và, nhờ không đốt pháo, người dân tiết kiệm được một số tiền không nhỏ. Chúng tôi xem đốt pháo là một trong những thói quen không lành mạnh. Bây giờ tôi và mọi người mới thấy rằng việc cấm đốt pháo là hợp lý. Bởi vì, việc đốt pháo tốn kém tiền của, gây nguy hiểm đến sức khỏe cộng đồng và dễ gây hỏa  hoạn. Trẻ con bây giờ đã khôn hơn chúng tôi ngày xưa, chúng đã quen với văn hóa không đốt pháo đêm giao thừa. Không còn cảnh “gà tức nhau tiếng gáy” vì tiếng pháo nổ to, nổ nhỏ. Không còn những xác pháo hồng đầy sân nữa. Giờ đây sân nhà rực rỡ những sắc hoa.

Với giọng bùi ngùi, ba tôi nói: “Tết có pháo kể cũng có phần vui tai đấy. Nhưng cứ mỗi lần nghe pháo nổ làm cho ba bồi hồi nhớ về đồng đội. Những trận đánh với tiếng pháo nổ, mùi thuốc súng, mùi đạn pháo và những sự mất mát, hy sinh của đồng đội cứ ám ảnh ba. Có khi nghe pháo nổ không ngủ được bởi tiếng ồn nhức óc, điếc tai. Cứ ngỡ đâu đây cảnh chiến tranh tàn khốc đang hiển hiện. Không có pháo cũng chẳng sao cả, phải không!”.

Tết Quý Mão năm nay Nhà nước đã cho phép bắn pháo hoa loại không nổ do Bộ Quốc phòng và một số sản phẩm pháo của Nhà máy Z121 sản xuất. Lần đầu tiên khi pháo được bán rộng rãi trên thị trường, sức mua rất lớn, gây ra tình trạng “cháy hàng” và giá bị đẩy lên cao gấp 2-3 lần, cho thấy nhu cầu thị trường về pháo rất cao. Việc bắn pháo hoa không còn lén lút nữa.

Tuy nhiên ý thức một số người, nhất là những người hám lợi bất chấp những nghiêm cấm của Nhà nước đã cố tình buôn bán trái phép pháo nổ, pháo hoa. Một số thanh niên không ý thức đã cố tình làm pháo tự chế để dùng, gây hậu quả đáng tiếc. Theo thống kê nguồn Báo Điện tử Dân Sinh: “Từ ngày 15-11-2022 đến nay, sau 6 tuần thực hiện cao điểm tấn công trấn áp tội phạm theo chỉ đạo của Bộ Công an, lực lượng tại các địa phương đã bắt giữ 588 vụ, 766 đối tượng, thu 16.570kg pháo trái phép; trong đó có 17 vụ, 29 đối tượng chế tạo, sản xuất pháo trái phép, tịch thu 252,7 kg pháo”. Và theo nguồn Báo Điện tử Chính phủ, trong 06 ngày nghỉ Tết Nguyên đán 2023, số ca khám, cấp cứu tai nạn pháo nổ, pháo hoa là 403 ca, có 02 ca tử vong. Một con số thiệt hại về người không nhỏ.

Thiết nghĩ, việc cấm đốt pháo Tết là một việc nên làm và cần làm triệt để. Chính phủ đã cấm thì “cấm cho trót” đừng để trong lòng người dân những mơ tưởng chuyện đốt pháo ngày Tết nữa. Bởi vì việc đốt pháo kéo theo rất nhiều hệ lụy như: mất an toàn cho người dân, dễ dẫn đến cháy nổ nguy hiểm. Đặc biệt là tình trạng buôn lậu pháo dẫn đến thất thoát ngân sách của Nhà nước, gây khó khăn trong công tác quản lý. Việc cấm đốt pháo giúp chúng ta hàng năm tiết kiệm được nhiều tỷ đồng. Trong khi ở nước ta, nhiều vùng quê kinh tế còn khó khăn, thu nhập bình quân đầu người chưa cao, cần sự quan tâm đầu tư, còn rất nhiều người nghèo cần được chia sẻ, đùm bọc, số tiền tiết kiệm được từ việc đốt pháo sẽ đóng góp đáng kể để giải quyết những việc trên.

N.Đ.D