Tha La – Một bài thơ để đời

1436

Nguyễn Thanh

(Vanchuongphuongnam.vn) – Dù ít có dịp được nghe nhắc đến, trong bộ phận văn học yêu nước Nam bộ giai đoạn 9 năm kháng chiến chống Pháp (1945-1954), Vũ Anh Khanh vẫn là một cây bút kháng chiến sáng giá đặc thù giữa những tên tuổi như Thẩm Thệ Hà (1923-2009), Sơn Nam (1926-2008), Kiên Giang (1929-2014), Lý Văn Sâm (1921-2000), Dương Tử Giang (1918-1956)… trước thế hệ Nguyễn Quang Sáng (1932-2014), Anh Đức (1935-112014), Lê Văn Thảo (1939-2016), Viễn Phương (1928-2005)….

Số lượng tác phẩm: tiểu thuyết (3), truyện ngắn (4), thơ (3 tập) của Vũ Anh Khanh phát hành với số lượng chiếm kỷ lục. Được nhắc đến nhiều nhất là bài thơ “Tha La” hay “Tha La xóm đạo” được coi là một bài thơ để đời, nhiều nhạc sĩ đã phổ thành ca khúc: Dzũng Chinh (1941-1969), Thanh Sơn (1938-2012)… Bài thơ đó cũng được NSND Viễn Châu viết thành bài Tân cổ giao duyên và rất nhiều sinh viên học sinh cùng công chúng yêu thi ca chép vào sổ tay thơ để học thuộc lòng.


Vũ Anh Khanh là một cây bút chuyên viết truyện ngắn, thơ và tiểu thuyết.

Cách mạng tháng Tám thành công (1945), Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập ngày 2/9 tại quãng trường Ba Đình, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Nhân dân Việt Nam ở cả ba miền hưởng độc lập tự do mới chỉ hơn một năm, thực dân Pháp phản bội hiệp ước Fontainebleau – 1946, quay trở lại đánh phá Nam bộ. Hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị Tổng Tư lệnh tối cao của dân tộc, không chỉ có bộ đội mà mọi tầng lớp nhân dân cùng nhau tham gia chiến đấu tùy theo hoàn cảnh của mình. Trên mặt trận văn hóa văn nghệ ở Nam bộ, nhiều văn nghệ sĩ yêu nước cũng đã đem trí óc và cả sinh mệnh của mình để đóng góp vào sự nghiệp đuổi giặc giữ nước của toàn dân. Rum Bảo Việt, Hoàng Tố Nguyên (1929-1975), Lý Văn Sâm, Thẩm Thệ Hà,… điển hình là Vũ Anh Khanh được coi như một nhà văn – nhà thơ xuất sắc trên văn đàn kháng chiến chống Pháp ở Nam bộ trong giai đoạn 1945-1954.

Vũ Anh Khanh (1926-1956) tên thật là Võ Anh Khanh (có nơi ghi tên là Nguyễn Năm) gốc người Mũi Né, quận Hải Long, thuộc thị xã Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận, Trung bộ. Không có tư liệu ghi rõ về thân thế, người ta chỉ biết trước năm 1945, Vũ Anh Khanh vào Sài Gòn sống bằng nghề làm báo, viết văn. Sau ngày Bác Hồ kêu gọi Toàn quốc kháng chiến (19/12/1946), ông hoạt động cùng với nhóm văn nghệ sĩ yêu nước tại Sài Gòn. Do hoạt động văn nghệ báo chí không có lợi cho chính quyền đương thời nên bị thực dân truy lùng, Vũ Anh Khanh thoát ly ra vùng kháng chiến ở miền Đông Nam bộ (1950). Sau hiệp định Genève (1954), Vũ Anh Khanh tập kết ra Bắc. Tháng 12/1956, ông được cử làm đại biểu đi tham dự Hội nghị các nhà văn Châu Á tại New Delhi, Ấn Độ do Nhà văn Nguyễn Công Hoan làm Trưởng đoàn. Về nước, Vũ Anh Khanh tiếp tục hoạt động văn nghệ và mất ở Quảng Trị vào năm 1956.

Vũ Anh Khanh là một nhà văn – nhà thơ tài hoa có bút lực sung mãn với tác phẩm viết theo nhiều thể loại. “Chỉ trong vòng 5, 6 năm, ông đã có một số tác phẩm kỷ lục mà chủ đề, nội dung nói lên được thực chất tài năng nghệ thuật của ông trong dòng văn học lành mạnh, hào hùng trong một giai đoạn lịch sử nóng bỏng của dân tộc”.

Ngoài những tác phẩm văn xuôi gồm có tiểu thuyết và truyện ngắn hầu hết mang nội dung cổ vũ lòng yêu nước và tinh thần quật khởi vùng lên đấu tranh đánh giặc giữ nước, ba tập thơ Chiến sĩ hành, Tha La xóm đạoPhấn son của Vũ Anh Khanh cũng có chủ để tư tưởng không nằm ngoài quỹ đạo trong sáng lành mạnh đó.

Nếu Chiến sĩ hành viết theo thể song thất lục bát thịnh hành vào thế kỷ thứ 18 đan xen nhiều nét cổ xưa đậm màu sách vở, thì Phấn son làm theo thể thơ mới 7 chữ với cách gieo vần linh hoạt nhưng vẫn không thoát khỏi âm hưởng Đường thi. Thỉnh thoảng có những cặp câu thơ đối nhau: Hương dâng lẻo bẻo, chim trời hót / Pháo tịt ngòi xuân, súng nổ giòn ; thậm chí có cả câu thơ toàn chữ Hán: Xuân nhật đăng lâu, vọng cố nhân (Ngày xuân lên lầu, nhớ người xưa).

Đến bài thơ Tha La (Thơ mùa giải phóng – NXB. Sống chung, 1950), có nơi gọi là Hận Tha La hoặc Tha La xóm đạo thì người yêu thơ đã dễ dàng cảm nhận ra phong cách, bút pháp của nhà thơ Vũ Anh Khanh có nhiều điểm khác biệt rõ nét với Chiến sĩ hànhPhấn son.


“Tha La xóm đạo” của Vũ Anh Khanh được nhiều nhạc sĩ phổ nhạc.

Bài thơ Tha La, dài 92 câu được Vũ Anh Khanh viết theo thể thơ mới 4, 5 hoặc 8 chữ, có thể gọi là thơ tự do bởi cường độ cảm xúc của nhà thơ quá mãnh liệt dồi dào. Bài thơ lấy nguồn cảm hứng từ một xóm đạo cùng tên mà tác giả đã một lần cùng nhà thơ Kiên Giang – Hà Huy Hà có dịp đến viếng. Nguyên tên Tha La phát nguyên từ tiếng Khmer là Schla, đọc trại ra thành Tha La có nghĩa là trạm, trại… Là vùng đất xưa nơi người Chân Lạp định cư, Tha La trước kia còn rừng rậm hoang vu được quan quân và con dân chúa Nguyễn đến khai phá và định cư từ hơn 200 năm trước. Đất Tây Ninh có nơi cùng mang tên Tha La như sông Tha La ở huyện Tân Châu.

Hiện nay, Tha La xóm đạo, thuộc xã An Hòa, Trảng Bàng, Tây Ninh, cách thành phố Hồ Chí Minh khoảng 55 km. Khi Pháp chiếm Nam Kỳ, việc truyền đạo Thiên Chúa được nhà cầm quyền Pháp khuyến khích và giúp đỡ. Giáo dân gom tụ lại Tha La đông hơn và họ đạo Tha La được chính thức thành lập, trực thuộc Tòa thánh La Mã. Nhờ thực dân Pháp cho phép, họ đạo Tha La phát triển ngày càng mạnh mẽ, vững vàng. Tuy nhiên, người Công giáo không quay lưng lại với dân tộc. Mùa thu năm 1945, thanh niên Tha La nhất là thành phần trí thức đã tích cực tham gia phong trào kháng chiến ở Nam Kỳ. Vào chính thời điểm này, nhà thơ Vũ Anh Khanh cũng gia nhập phong trào yêu nước đi theo kháng chiến.

Bài thơ cho thấy rằng người Công giáo yêu nước kính Chúa trong xóm đạo Tha La, đã đặt tình yêu hương tổ quốc lên trên hết. Từ hiện thực hào hùng của đất nước, cảm xúc nghệ thuật dạt dào thể hiện lòng yêu nước nồng nàn, Vũ Anh Khanh đã sáng tác bài thơ Tha La.

Tha La là một bức tranh rực rỡ sắc màu với chi tiết tỉ mỉ, điểm xuyết bằng hình ảnh sống động mà tác giả về thăm trong một ngày nắng đẹp: Đây Tha La xóm đạo / Có trái ngọt cây lành / Tôi về thăm một dạo / Giữa mùa nắng vàng hanh. Với câu năm chữ, vần chính gián cách (đạo/dạo, lành/hanh), ngôn ngữ màu sắc dung dị, dễ thương (ngọt, lành, vàng hanh), tác giả sớm giới thiệu người đọc cái bối cảnh không gian thời gian bằng những nét hiện thực ở một xóm đạo ven rừng. Xóm đạo Tha La hiện ra với vẻ đẹp thanh bình yên ả. Tình cảm quê hương đan lồng trong xúc cảm tôn giáo qua hình ảnh những con chiên ra trận khi chiến tranh ập đến, gây điêu linh tang tóc cho đồng bào. Đã không hiếm lần ta bắt gặp hình ảnh giáo đường và chiến trường trong “Hoa trắng thôi cài trên áo tím” của nhà thơ Kiên Giang: Từ lúc giặc ruồng vô xóm đạo / Anh làm chiến sĩ giữ quê hương / Giữ màu áo tím người yêu cũ / Giữ cả lầu chuông nóc giáo đường. Đó là hai biểu tượng đối cực giữa chiến tranh và hòa bình nhưng cũng là những mâu thuẫn xét trong ý nghĩa niềm tin. Tôn giáo cấm sát sinh nhưng giết quân thù lại là việc làm đúng với đạo nghĩa nhân văn (Bình Ngô Đại cáo) của dân tộc trong hoàn cảnh đất nước bị xâm lăng. Ở một bình diện khác, những con chiên nặng lòng với Chúa, một tôn giáo đến từ phương Tây nhưng vẫn đứng về phía dân tộc mình trong cuộc chiến đấu chống lại những người đã mang Chúa đến với họ. Dù vậy, cảm xúc tôn giáo và cảm xúc yêu nước không đối lập mà hòa quyện vào nhau. Con chiên của Chúa dẫu ở chiến trường máu đổ, trước sau vẫn giữ tấm lòng lương thiện. Đó là cái thiện bản chất vốn có của dân tộc xưa nay: Lạy đức Thánh Cha / Lạy đức Thánh Mẹ / Lạy đức Thánh Thần / Chúng con xin về cõi tục để làm dân. Trên nền tảng phóng khoáng của thể thơ tự do câu dài ngắn đan xen, bài thơ Tha La với lời lẽ mượt mà tuôn chảy như một bản nhạc. Tiết điệu lúc khoan lúc nhặt như tâm trạng con người khi trầm tư lúc dồn dập. Những câu thơ dài tả tình dàn trải theo bước chân người viễn khách gây cho người đọc cái cảm giác thư thái. Biện pháp điệp ngữ, điệp cấu trúc câu thơ ngắn rất thành công trong việc tạo cảm giác sôi nổi, hăng hái, dập dồn: Tha La giận mùa thu / Tha La hận quốc thù / Tha La hờn quốc biến / Tha La buồn tiếng kiếm / Não nùng chưa, Tha La nguyện hy sinh.

Câu thơ dài buông xuống bất chợt mang giai điệu như một nốt lặng sau một đoạn nhạc hùng dồn dập. Bài thơ mở ra cái không khí câu chuyện về một chuyến đi với chi tiết thuật sự, tả cảnh… về sau thu dần vào thế giới nội tâm của nhân vật trữ tình với lời đối thoại giữa người viễn khách và vùng đất Tha La. Rồi sau đó lại vẽ ra bối cảnh đối thoại giữa người viễn khách và cụ già. Ở đây, tác giả có lẽ đã cố ý dùng nhiều từ ngữ Hán Việt và những hình tượng ước lệ tượng trưng như: lửa loạn, tiếng địch, tiếng kiếm, viễn khách, chiều xưa lửa dậy,… Nhiều đoạn trong bài thơ dài hơn 90 câu này khiến cho người đọc nhớ lại cảm thấy như gần gũi với không khí phảng phất màu huyền thoại cổ tích trong bài thơ Bến My Lăng của nhà thơ Yến Lan với hình ảnh người khách và ông lão.

Bài thơ khép lại bằng biện pháp vĩ thanh, lập lại đoạn đầu với khung cảnh thanh bình của xóm dạo Tha La, nhưng nhà thơ Vũ Anh Khanh đã thổi vào đó một cảm xúc khác không quạnh quẽ, đìu hiu mà thanh bình yên ả. Nhà thơ đã mở ra một ước vọng về một ngày mai thanh bình không còn giặc giã nơi Xóm đạo Tha La.

Chung kết lại, với sự nghiệp văn chương đa dạng gồm có tiểu thuyết, truyện ngắn và thơ tuy không đồ sộ nhưng Vũ Anh Khanh vẫn được văn học sử đánh giá là một nhà văn xuất sắc trong kháng chiến chống Pháp. Vũ Anh Khanh xứng đáng là một nhà văn xuất sắc của dòng văn học yêu nước Nam bộ trong 9 năm tranh đấu hào hùng của dân tộc. Ngày nay, mỗi khi nói đến bộ phận thi ca yêu nước ở miền Nam, người yêu thơ trước tiên phải nhắc đến bài thơ Tha La, một tác phẩm bất hủ xứng đáng để đời của Vũ Anh Khanh, một hồn thơ – chiến sĩ.

16/09/2021

N.T

* Tác phẩm của Vũ Anh Khanh (1926-1956).

1. Tiểu thuyết: – Cây ná trắc (Nhà Xuất bản Tân Việt, Sài Gòn, 1947) – Nửa bồ xương khô (2 tập – Nhà Xuất bản Tân Việt Nam, Sài Gòn, 1947) – Bạc xỉu lìn (Nhà Xuất bản Tiếng Chuông- Sài Gòn, 1949)

2. Tập truyện ngắn: – Sông máu (Nhà Xuất bản Tiếng Chuông – Sài Gòn, 1949) – Đầm ô rô (Nhà Xuất bản Tiếng Chuông – Sài Gòn, 1949) – Bên kia sông (Nhà Xuất bản Tân Việt Nam – Sài Gòn, 1949) – Ngũ Tử Tư (Nhà Xuất bản Tân Việt Nam – Sài Gòn, 1949).

3. Tập thơ: – Tha La xóm đạo – Chiến sĩ hành – Phấn son.

* Tham khảo: Trang Web văn học của trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TP. HCM. – Bến mơ (tiểu luận – Nguyễn Thanh) trên vanchuongphuongnam.vn – Từ điển Văn học, bộ mới (NXB Thế Giới, TP.HCM, 2004) – Văn học Việt Nam, nơi miền đất mới – Nguyễn Q. Thắng ((NXB Văn học, TP.HCM, 2008).