Thẩm bình ‘Hội thề’ của nhà văn Nguyễn Quang Thân

718

Vương Quốc Hoa

(Vanchuongphuongnam.vn) – Người trực tiếp soạn bia khoa Nhâm Tuất 1442 là Thân Nhân Trung (1419-1499), đỗ Tiến sĩ năm 1469. Năm 1484, theo lệnh của vua Lê Thánh Tông, khi dựng bia Tiến sĩ, mở đầu cho việc soạn bia, Thân Nhân Trung đã viết “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia, nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh mà hưng thịnh, nguyên khí suy thì thế nước yếu mà thấp hèn. Vì thế các bậc đế vương thánh minh không đời nào không coi việc giáo dục nhân tài, kén chọn kẻ sĩ, vun trồng nguyên khí quốc gia làm công việc cần thiết”.

Nguyễn Quang Thân (1936-2017) là một nhà văn hiện đại Việt Nam, chuyên về truyện ngắn và tiểu thuyết. Ông còn là một nhà viết kịch bản. Các bút danh khác là Song Ân, Hồng Nga. Nguyễn Quang Thân sinh ngày 15 tháng 04 năm 1936 tại Sơn Lễ, Hương Sơn, Hà Tĩnh, mất ngày 4 tháng 3 năm 2017. Ông từng sinh sống ở Hải Phòng trong thời gian dài, sống tại Hà Nội từ năm 1996. Ông đã cùng gia đình chuyển vào, sống tại TP Hồ chí Minh từ tháng 5 năm 2008.


Nhà văn Nguyễn Quang Thân.

Truyện ngắn:

Nước về, sáng tác năm 1957; Hương đất, 1964; Cô gái Triều Dương, 1967; Ba người bạn, 1970; Những người chinh phục, 1977; Nếp gấp, 1978; Những chùm các biển, 1979; Người không đi cùng chuyến tàu, 1989; Vũ điệu cái bô, 1991; Hoa cho một đời, 1996; Giao thừa trắng, 1996; Giữa những điều bình dị (Amongst and in the simple things); Tập truyện ngắn song ngữ ANH – VIỆT của Nguyễn Quang Thân do First News và Văn Hóa Sài Gòn xuất bản 2007.

Tiểu thuyết:

Lựa chọn, 1977 ( NXB Phụ Nữ)

Một thời hoa mẫu đơn, 1988 ( Nhà Xuất bản Tác Phẩm Mới Hội Nhà Văn)

Ngoài khơi miền đất hứa, 1990 ( NXB Tác Phẩm Mới Hội Nhà Văn) Bản dịch tiếng Pháp: “Au Large De La Terre Promise” do Kim Bayard NXB Philippe Picquier ( Pháp ) xuất bản năm 1997.

Con ngựa Mãn Châu, 1991 ( NXM Hội Nhà Văn )

Chú bé có tài mở khóa, 1983 NXB Kim Đồng, Hà Nội

Hội thề, 2009 NXB Phụ Nữ Hà Nội

Kịch bản:

Cây bạch đàn vô danh, 1993

Hội thề, 2005

Giải thưởng:

– Giải chính thức văn học cho thiếu nhi của Hội nhà văn Việt Nam năm 1985 cho tác phẩm Chú bé có tài mở khóa

– Giải nhì truyện ngắn báo Văn nghệ năm 1992 cho tác phẩm Vũ điệu cái bô.

– Giải A cuộc thi sáng tác kịch bản phim truyện lịch sử Thăng Long nhằm tìm ra kịch bản cho dự án phim kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long với tác phẩm Hội thề.

– Giải A cuộc thi tiểu thuyết của Hội Nhà Văn VN 2006 – 2009 với cuốn tiểu thuyết HỘI THỀ.

Thẩm bình Hội thề:

Những năm gần đây trong nền văn học Việt Nam đương đại Việt Nam, tiểu thuyết ngày càng nở rộ. Các cuộc thử nghiệm kiếm tìm hình thức mới cho tiểu thuyết khá phong phú và vẫn đang còn là tiếp tục. Dạng tiểu thuyết ngắn bắt đầu định hình. Những tác phẩm mượn chất lịch sử để tạo ra “gương mặt giả định” với các cuốn tiểu thuyết: Hồ Quý Ly của Nguyễn Xuân Khánh, Sông Côn mùa lũ của Nguyễn Mộng Giác, Giàn thiêu của Võ Thị Hảo, Bão táp Triều Trần của Hoàng Quốc Hải… cũng đang góp phần mở rộng quan niệm về tiểu thuyết lịch sử. Và gần đây nhất (năm 2008) là cuốn tiểu thuyết Hội thề của Nguyễn Quang Thân cũng gây được tiếng vang lớn. Nhưng nhìn chung các tác phẩm của trên, đặc biệt là cuốn Hội thề của Nguyễn Quang Thân vẫn chưa thực sự thuyết phục được bạn đọc khó tính.


Bìa cuốn tiểu thuyết “Hội thề” của Nguyễn Quang Thân.

Trong lời nói đầu của tiểu thuyết Cánh rừng mong đợi, nữ văn sĩ Hà Lan Hella Hadesse đã viết: “Một cuốn tiểu thuyết được đánh giá là hay hay không, phải luôn là một sự phản chiếu thế giới bên trong của tác giả ở một thời điểm nhất định trong cuộc đời họ”. Cuốn tiểu thuyết Hội thề của nhà văn đã ra mắt bạn đọc vào năm 2008 (Nxb Phụ Nữ) đã cho chúng ta thấy nhà văn đã biết chọn chủ đề và từ đó viết nên một cuốn tiểu thuyết lịch sử khá hay.

Ở Việt Nam các nhà văn viết tiểu thuyết lịch sử không nhiều bởi vì các nhà văn viết thể loại này phải là những người am hiểu lịch sử, chí ít ra cũng phải có kiến thức sâu rộng về lịch sử. Chỉ có như vậy khi viết về tiểu thuyết lịch sử mới có thể tạo ra kiệt tác bất hủ, làm vẻ vang cho đất nước, được người đương thời và hậu thế ngưỡng mộ, tôn vinh. Những người tái tạo và làm phong phú lịch sử bằng văn ấy, những người tái tạo và làm phong phú lịch sử bằng văn ấy phải có tầm khái quát lịch sử và nhất định phải có phương pháp đặc dụng và hữu hiệu riêng của mình. Ở điểm này thì Nguyễn Quang Thân đã thành công.

Sau khi cuốn tiểu thuyết Hội thề ra đời thì có một số cây bút khen tác phẩm này như sau: “Quan điểm giành chiến thắng mà không gây đổ máu của Nguyễn Trãi được Lê Lợi, thủ lĩnh tối cao của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn ủng hộ và thực thi. Nguyễn Quang Thân không tước bỏ ở ông vua khai mở triều Hậu Lê nét thô lậu của một thổ hào người Mường – Thanh Hóa, nhưng bên cạnh đó ông vẫn nhấn mạnh những phẩm chất của đế vương Lê Lợi…” – Nhà phê bình Nguyễn Hoài Nam – (Thời báo kinh tế Sài Gòn).

Nhà văn Ngô Thị Kim Cúc (báo Thanh niên, ngày 20/12/2010) đã viết: Hội thề là sự nhiệm sắc chính sử, là lời ngợi ca mối quan hệ quân – thần, đề cao tầm nhân văn của trí tuệ người Nam. Với khát vọng được sống yên bình bên cạnh một nước lớn luôn nuôi mộng xâm lấn. Nhân danh đức Hiếu Sinh Đại Việt trong Bình Ngô Sách, Lê Lợi đã quyết cho Vương Thông được phép cầu hòa, để có một Thăng Long phi chiến địa: “Chỉ có những giấc mơ mà thiên hạ cùng mơ mới biến được thành sự thật. Đánh giặc là thế không đừng nhưng bớt được tổn thất sinh linh là điều chúa công ta hằng mong mỏi”. Nguyễn Trãi nói trong mối quan hệ với Thị Lộ và Thư Phúc có lẽ là chân dung đậm nét nhất về một văn tài đầy may mắn mà cũng đầy bất hạnh.

Đọc lời 2 bài nhận xét trên, chúng ta thấy Hội thề đã được ca ngợi, tung hô hết lời. Nhưng những lời nhận xét ấy có đáng được ca ngợi như vậy không? Hay chỉ là nhận xét của một số người mà thôi?

Thực tế, những ai đọc cuốn Hội thề nếu có chút ít kiến thức về lịch sử thì sẽ dễ dàng nhận ra: Đây là một cuốn tiểu thuyết có thể đọc được, chứ không thể coi đây là một tác phẩm hay được? (Vậy mà Hội nhà văn Hà Nội vẫn trao giải)

Về mặt lịch sử: Một vài chi tiết “nhầm lẫn” đáng tiếc trong Hội thề.

1. Hai hàng rùa dưới chân bia Tiến sĩ?

Mở đầu tác phẩm nhà văn đã trích dẫn một câu thơ trong Bên kia Sông Đuống của Hoàng Cầm để làm câu đề từ: “Mấy trăm năm thấp thoáng mộng bình yên”. Và về cuối tác phẩm, nhà văn đã lập lại “Hai hàng rùa dưới chân bia tiến sĩ, từ ba trăm năm thấp thoáng mộng bình yên, ung dung ngắm nhìn dân chúng Đông Quan giẫm đạp lên nhau trước chính điện nơi thờ Khổng Tử”.

Hỏng, hỏng hẳn! Dân chúng mà đông đúc, chen chúc như nêm đi nghe đọc Bình Ngô Đại Cáo còn được, chứ dân chúng Đông Quan như nhà văn tả là “giẫm đạp lên nhau” hóa ra đây là một cảnh hỗn loạn chứ không phải cảnh thanh bình. Chúng ta thử tưởng tượng ví dụ trong một sân vận động xảy ra sự cố, cảnh hỗn loạn dân chúng mới giẫm đạp lên nhau và như thế thì người chết nhiều lắm… Vậy cách dùng từ của nhà văn đã không chính xác. Hơn nữa cái sai cơ bản của nhà văn ở đoạn kết này chính là cái tri thức am hiểu về lịch sử của nhà văn còn bị hạn chế. Điều này được thể hiện qua đoạn văn nhà văn miêu tả “Hai hàng rùa dưới chân bia tiến sĩ…”.

Cảnh mà nhà văn miêu tả là cảnh mà Nguyễn Trãi đóng “làm một nho sinh gầy gò mặc áo lương hai lớp, chiếc khăn xếp kéo gần mắt, đứng dựa vào gốc muỗm trong vườn Văn Miếu, cách xa đám đông đang nêm chặt sân chính điện và sân nhà Thái Học phía sau”. May mà Nguyễn Trãi đứng cách xa đám đông chứ không khéo lại bị dân chúng Đông Quan giẫm đạp mà chết mất. Đặc biệt là nhà văn Nguyễn Quang Thân miêu tả đoạn “Hai hàng rùa dưới chân bia tiến sĩ”

Trên thực tế thì bia tiến sĩ được dựng năm 1484 thời vua Lê Thánh Tông (1460 – 1497) và trải qua thăng trầm lịch sử, hiện nay ở Văn Miếu Quốc Tử Giám có 82 tấm bia tiến sĩ. Nhưng tất cả lại có 84 con rùa đội bia tiến sĩ. Theo các nhà khoa học thì vào năm 1976, họ đã tìm thấy trong lòng hồ Văn Miếu con rùa đá có chiều dài 1,15m bị chặt đầu. Vào năm 1990, lại tìm thêm được một con rùa đá nữa dài 1,36m và đầu cũng bị chặt. Hai con rùa đá này trên lưng cũng bị khoét rãnh để đặt bia. Rõ ràng đây là những con rùa đá đội bia tiến sĩ (nhưng bia không còn nữa, vì thế khó đoán được niên đại của hai con rùa đá trên). Chính việc khai quật được hai con rùa đá bị chặt đầu ở Văn Miếu đã cho chúng ta thấy văn bia tiến sĩ ở Văn Miếu thực ra nhiều hơn 82 tấm bia còn lại đặt trên lưng rùa ở Văn Miếu.

Thực ra nếu tra cứu thư tịch cổ, số năm có khoa thi, số năm tổ chức khắc bia thì con số bia và rùa còn nhiều hơn thế (117 bia tiến sĩ). Trải qua năm tháng, bia và rùa cũng tản mát khắp nơi. Hai con rùa đá bị chặt đầu vớt được dưới hồ Văn Miếu đã nâng tổng số rùa đá lên đến 84 con. Ngày nay, đến Văn Miếu, khách tham quan sẽ thấy 2 con rùa đá để ngay cạnh cổng đi vào khu nhà bia vẫn đội mưa nắng vì không có mái che như 82 con rùa đá khác.

Theo cuốn Lịch sử Việt Nam đến năm 1884 của Giáo sư Nguyễn Phan Quang – Tiến sĩ Võ Xuân Đàn – Nxb Tổng hợp tp HCM năm 2000 ở trang 239 có ghi về việc dựng bia tiến sĩ như sau: Năm 1484, Thánh Tông sai dựng bia đá, khắc tên những người đỗ tiến sĩ từ khoa thi 1442 đến khoa thi 1481, mỗi khoa dựng 1 bia (gồm 9 bia), nội dung mỗi bia tán tụng công lao sự nghiệp của nhà vua, liệt kê quê quán những người đã trúng tuyển.

Theo cuốn sách Tiến trình lịch sử văn học Việt Nam (Nguyễn Quang Ngọc chủ biên) Nxb Giáo dục 2003, trang 125 – 126 có ghi: Các đời vua thời Lê Sơ đều đã cho sửa sang, tu bổ Văn Miếu – Quốc Tử Giám. Đợt trùng tu mở rộng lớn nhất là năm 1483 đời vua Lê Thánh Tông. Nhà vua cho dựng ở Văn Miếu các công trình Đại Thành Môn, nhà Giải vũ Đông Tây, điện Canh phục, kho Tể khí, nhà bia Tiến sĩ (1484 cho dựng 10 bia tiến sĩ kể từ khoa thi 1442). Đối với Quốc Tử Giám cho dựng nhà Minh luân, giảng đường Đông Tây, nhà nghỉ cho Giám sinh. Rất nhiều cuốn sách khác khi ghi chép về lịch sử Việt Nam, ghi chép về Văn Miếu – Quốc Tử Giám đều khẳng định Văn Miếu được xây dựng năm 1484 đời vua Lê Thánh Tông.

Ở Văn Miếu hiện nay: 82 bia Tiến sĩ dựng ở hai bên phải trái của giếng Thiền Quang, mỗi bên 41 tấm dựng thành 2 hàng ngang, mặt bia đều quay về giếng, giữa 2 vườn bia xây một tòa đình vuông, 4 mặt bỏ trống, nền cao, giữa nền có bệ cửa đền trông thẳng xuống giếng. Đây là 2 tòa đình thờ bia. Xưa kia hàng năm xuân thu, nhị kì trong Văn Miếu làm lễ tế, thì ở đây cũng làm lễ vật cúng bái các vị tiên nho của nước ta mà quý tính cao danh còn khắc trên bia đá. Trong bộ bia đá còn sưu tập cho đến ngày hôm nay tấm sớm nhất dựng vào năm 1484, khắc tên các vị Tiến sĩ đỗ khoa Nhâm Tuất niên hiệu Bảo Đại năm thứ 3 (1442). Tấm cuối cùng dựng vào năm 1780, khắc tên các tiến sĩ đỗ năm Kỷ Hợi, niên hiệu Cảnh Hưng năm thứ 40 (1779) đời vua Lê Hiển Tông (1740-1786).

Người trực tiếp soạn bia khoa Nhâm Tuất 1442 là Thân Nhân Trung (1419-1499), đỗ Tiến sĩ năm 1469. Năm 1484, theo lệnh của vua Lê Thánh Tông, khi dựng bia Tiến sĩ, mở đầu cho việc soạn bia, Thân Nhân Trung đã viết: “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia, nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh mà hưng thịnh, nguyên khí suy thì thế nước yếu mà thấp hèn. Vì thế các bậc đế vương thánh minh không đời nào không coi việc giáo dục nhân tài, kén chọn kẻ sĩ, vun trồng nguyên khí quốc gia làm công việc cần thiết”.

Vấn đề ở đây là bia Tiến sĩ được dựng vào năm 1484. Vậy mà năm 1428, sau khi đánh thắng quân Minh, Lê Lợi cho đọc Bình Ngô Đại Cáo, tức là phải 56 năm sau bia Tiến sĩ mới được dựng. Lúc đó Nguyễn Trãi đã thành người thiên cổ, hay nói đúng ra, vào năm 1428 bia Tiến sĩ chưa được dựng. Vậy mà nhà văn đã tả: Hai hàng rùa dưới chân bia Tiến sĩ. Về điều này có lẽ nhà văn phải nên tìm hiểu kĩ lại rồi mới viết. Văn viết càng đuối nên mới có sai lầm cơ bản trên. Vậy câu đề từ lặp ở đoạn kết đã làm cho tác phẩm kém đi.

2. Lời nói của Nguyễn Trãi về Hồ Quý Ly là thiếu cơ sở

Về mặt lịch sử, nhà văn Nguyễn Quang Thân còn có khá nhiều sai sót khi đề cập tới vấn đề này, ví dụ như Nguyễn Trãi bảo: “Hồ Quý Ly còn làm vua 7 năm thì 5 năm xây thành, chết không có đất chôn cũng đáng” ( trang 259).

Trong lịch sử Việt Nam, Hồ Quý Ly chỉ làm vua có một năm, sau đó nhường ngôi cho con là Hồ Hán Thương và lên làm Thái Thượng Hoàng. Vậy mà nhà văn đã mượn lời của Nguyễn Trãi mà nói rằng: “Hồ Quý Ly làm vua được 7 năm…”. Hơn nữa đây lại là lời của Nguyễn Trãi nó khiến cho chúng ta phải suy nghĩ rất nhiều. Nguyễn Trãi liệu có thể thốt ra những lời như vậy không? Chắc là không, mà ở đây chỉ là nhà văn gắn với mồm Nguyễn Trãi.

Sau khi triều đại nhà Hồ sụp đổ (1407), vua quan nhà Hồ bị bắt giải sang Trung Quốc. Nguyễn Trãi đã từng làm quan cho nhà Hồ và bản thân cha con Nguyễn Trãi rất trung thành với nhà Hồ. Nguyễn Trãi còn định theo cha là Nguyễn Phi Khanh sang Trung Quốc nhưng người cha đã khuyên ông quay về Đông Quan sau đó vào Lam Sơn theo Lê Lợi. Ở điểm này, chúng ta thấy nếu so sánh sự khác nhau giữa văn hóa phương Bắc và văn hóa phương Nam về vấn đề yêu nước thì chúng ta thấy hoàn toàn khác nhau. Bởi vì người Trung Quốc họ coi trọng gia đình hơn. Còn người Việt Nam yêu nước là trên hết sau đó là gia đình (ví dụ như trường hợp của Nguyễn Trãi ở trên. Ở Trung Quốc vì gia đình Ngũ Tử Tư thời Chiến Quốc có thể đem quân nước Ngô về giày xéo nhân dân nước Sở quê ông…). Yêu nước đâu phải chỉ có Việt Nam?

Vấn đề ở đây cho chúng ta thấy nhìn cách một người như Nguyễn Trãi, chắc chắn không bao giờ nói về triều của nhà Hồ như thế. Bởi vì ngày xưa vấn đề trung quân, ái quốc lớn lắm, đặc biệt là những người như Nguyễn Trãi. Đúng là nhà văn đã không tìm hiểu kĩ về triều đại nhà Hồ và Nguyễn Trãi.

Nếu chỉ dừng lại ở đấy thì vẫn có thể chấp nhận được, nhưng đấy là những tác phẩm kém chất lượng. Bởi vì một tác phẩm bất hủ và hay, đặc biệt là một tác phẩm lịch sử thì những câu từ như trên (chỉ cần một câu thôi) sẽ làm hỏng cả một tác phẩm mà tâm huyết của tác giả đã bỏ vào đấy sẽ ra sông ra bể. Trong việc nghiên cứu, thực ra có khi chỉ cần một câu nói hoặc một từ nào đó, ví dụ như nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân có công trình: Đi tìm dấu tích cung điện Đan Dương – Sơn Lăng của Hoàng đế Quang Trung (Nxb Thuận Hóa – 2007) chỉ dựa vào một câu: “Cung điện Đan Dương là Sơn Lăng Phụng chứa bảo y tiên hoàng ta” trong tập Hoàng Hoa đồ phả, câu nguyên chú trong tác phẩm Cấm Hoài của Ngô Thì Nhậm, một trọng thần của vua Quang Trung trong tập thơ Đi sứ sang Trung Quốc(1793) – trích báo Thanh Niên ngày 3/3/2012. Chỉ cần dựa vào một câu của nhà nghiên cứu, nhà viết sử có thể nghiên cứu tìm hiểu, viết ra cả một quyển sách. Vậy một câu nói mà nhà văn gán cho Nguyễn Trãi như trên là một điều khó có thể chấp nhận được.

3. Sử dụng ngôn từ không chuẩn

Sau khi cuộc kháng chiến chống quân Minh kết thúc thắng lợi, Nguyễn Trãi đã thay mặt Lê Lợi viết Bình Ngô Đại Cáo. Thực ra thì việc Lê Lợi đánh thắng quân Minh, cuộc khởi nghĩa Lam Sơn thắng lợi nhưng tại sao lại gọi là “Bình Ngô” thì có rất nhiều người giải thích khác nhau. Chỉ có điều trong cuốn Hội Thề của Nguyễn Quang Thân đã nhầm lẫn rất đáng tiếc, cứ lấy “râu ông nọ cắm cằm bà kia” thì độc giả đúng là chịu. Ví dụ như trang 162 có câu: Giữa lúc giới sĩ nước ta gồm những kẻ có chút chữ nghĩa hay đỗ đạt đều đua nhau tuyển mộ sang Ngô để được nhà Minh “đào tạo”. Sang Ngô để nhà Minh đào tạo đúng chỉ có tác giả mới hiểu được? Không những thế nhà văn Nguyễn Quang Thân còn bị “ngộ” vì ngôn từ, lúc thì xị ngậu cả lên (vấn đề này người biên tập không nhận ra cũng là một điều đáng trách). Trong cả cuốn tiểu thuyết nhà văn Nguyễn Quang Thân đã 86 lần dùng từ “Ngô”, ví dụ như: “quân Ngô”, “ giặc Ngô”, “tướng Ngô”… và đối lập với từ “Ngô” là từ “Minh”. Nhà văn cũng đã tổng cộng nhắc đến 30 từ “Minh”, ví dụ như: “quân Minh”, “giặc Minh”.

Người Việt Nam thường có những câu so sánh rất hay, ví dụ như: “giặc bên Ngô không bằng bà cô bên chồng”. Giặc bên Ngô thâm hiểm và độc ác như vậy mà không bằng cả bà cô bên chồng. Điều này chứng tỏ bà cô bên chồng mới là kẻ nguy hiểm nhất! Bà cô bên chồng thì ai cũng biết, người được ví đó là em gái của chồng ta (người con gái đi lấy chồng, chồng có con gái) nhưng còn giặc bên Ngô là giặc nào? Xin nói rõ giặc bên Ngô ở đây là giặc Ngô ở Trung Quốc thời Tam Quốc (220 – 280) nhà Ngô thay nhà Hán đô hộ nước ta.

Vào năm 248, Bà Triệu (Triệu Thị Trinh) đã khởi nghĩa ở Thanh Hóa, chống lại nhà Ngô nhưng đã thất bại. Nhà Ngô cai trị nước ta, với nhiều thủ đoạn bạo ngược, coi nhân dân ta như cỏ rác. Thiên hạ căm giận chúng đến tận xương tủy và cũng đã có người ví giặc Minh lúc bấy giờ là “quân Ngô”, như “giặc Ngô” thời Tam Quốc. Nhưng trong cuốn Hội Thề này, chính nhà văn Nguyễn Quang Thân đã làm lộn tùng phèo hết cả lên, lúc thì quân Ngô, giặc Ngô, lúc thì lại quân Minh, giặc Minh? Chính nhà văn đã không hiểu lại bắt người đọc phải theo những gì mà nhà văn đã viết ra.

Thực tế thì Lê Lợi kháng chiến là chống lại nhà Minh đô hộ. Một cuốn sách viết về giai đoạn này tốt nhất là nên dùng từ cho chuẩn như “quân Minh, giặc Minh” như thế thì đảm bảo bạn đọc khó tính nhất cũng khó mà bắt bẻ được. Còn nếu không đã “trót” dùng từ “giặc Ngô, quân Ngô, tướng Ngô” thì cứ thế mà dùng, đằng này lại không nhất quán trong nghệ thuật sử dụng ngôn từ. Chính vì thế mà đây cũng là một hạn chế đã làm cho tác phẩm này mất đi nhiều giá trị.

Không những thế, cách sử dụng ngôn từ “loạn” như trên, đỉnh điểm của cách dùng từ này là nội dung cuộc đối thoại giữa Nguyễn Trãi và Tư Tề trang 192 – 193:

– Ta thấy chúa công rất hài lòng về công tử. Người có bảo ta, đây là lần đầu tiên Tề được giao trọng trách vậy mà ta đã tỏ rõ tài năng điều binh khiển tướng. Nhưng chuyện gì xảy ra làm công tử phật lòng?

– Thưa sư phụ, tối qua cùng ăn tối với vua cha, thần đã bị Người mắng nhiếc nhục nhã.

– Chúa công mắng về chuyện gì?

– Người không nói rõ, chỉ bảo rằng Tề này không xứng đáng đạo làm tôi, đạo làm anh và có mầm mống phản phúc. Thần không chợp mắt được là vì thế.

Tư Tề đang nói chuyện với Nguyễn Trãi vậy mà lại nói “Thần bị người mắng nhiếc nhục nhã” hay “Thần không chợp mắt được là vì thế”. Tư Tề đang nói chuyện với Nguyễn Trãi mà lại xưng thần. Thế hóa ra Nguyễn Trãi cũng là vua à? Những sai sót như trên quả thực là rất khó để chấp nhận được, đặc biệt là trong các tiểu thuyết lịch sử. Một tác phẩm có nhiều sai sót thế này có thực sự xứng đáng được giải A của Hội nhà văn Việt Nam không?
Những đóng góp của nhà văn Nguyễn Quang Thân.

Nhìn chung, với cuốn Hội thề, Nguyễn Quang Thân cũng đã có những đóng góp nhất định đối với nền văn học Việt Nam.

Trên thực tế, những nhà văn ở Việt Nam viết tiểu thuyết lịch sử không nhiều, bởi vì ở thể loại này, người viết phải thực sự có tâm huyết và phải có kiến thức hiểu biết sâu rộng về lịch sử thì viết văn mới thành công được. Một số nhà văn đã thành công ở lĩnh vực này phải kể đến Hoàng Quốc Hải, Nguyễn Xuân Khánh, Võ Thị Hảo… Đối với Nguyễn Quang Thân, đóng góp của nhà văn cũng rất lớn, điều này đã góp phần mở rộng về quan niệm tiểu thuyết lịch sử.

Hội thề – Cuốn tiểu thuyết lịch sử này đã đặt ra cho chúng ta nhiều vấn đề cần suy nghĩ và gắn liền với nó là tên tuổi của nhà văn Nguyễn Quang Thân, xứng đáng được ghi nhận, bởi những gì nhà văn đã đóng góp cho lịch sử văn học đương đại Việt Nam, đặc biệt là trong lĩnh vực tiểu thuyết lịch sử.

V.Q.H

Tài liệu tham khảo:

1. Giáo trình văn học Việt Nam hiện đại, tập 2, Nxb ĐHSP.
2. Lịch sử Việt Nam từ nguồn gốc đến 1884. GS Nguyễn Phan Quang – TS Võ Xuân Đàm. Nxb Tp HCM. 2000
3. Các triều đại Việt Nam. Quỳnh Cư – Đỗ Đức Hùng. Nxb Thanh Niên, 1999
4. Tiến trình lịch sử văn học Việt Nam. Nguyễn Quang Ngọc( chủ biên), Nxb Giáo dục, 2003
5. Đại cương lịch sử Việt Nam, tập 1, Trương Hữu Quýnh (chủ biên), Nxb Giáo dục, 2000.
Vương Quốc Hoa