Thần sông báo mộng – Tập truyện ngắn của Nguyễn Tam Mỹ

946

 

                                  Võ Văn Trường

(Vanchuongphuongnam.vn) – “Thần sông báo mộng” là một trong năm truyện ngắn được nhà văn Nguyễn Tam Mỹ đặt tên cho cả tập truyện ngắn, vừa ra mắt bạn đọc tháng 3/2020.   

Nhà văn Nguyễn Tam Mỹ

 Điều ít gặp hay nói cách khác cái duyên mà tác giả chọn để in là cả năm truyện ngắn đều nói về một vùng quê mà ở đó tác giả là chứng nhân, với những hiểu biết rất phong phú để “giải mã” những sự vật, núi non, làng mạc vốn là hồn cốt của mỗi vùng đất. Đó là chưa nói có thể tác giả đã dùng những câu chuyện theo trí tưởng tượng của mình để gắn vào các sự vật, quê kiểng nhưng điều quan trọng cuối cùng là tính hấp dẫn, sức hút khi ai đó muốn tìm hiểu về vùng đất này.

Vùng đất mà nhà văn Nguyễn Tam Mỹ nói đến là miền quê có con sông Tiên nước chảy ngược dòng, miền quê đã sản sinh ra một con người mà Chủ tịch Hồ Chí Minh rất trọng vọng – cụ Huỳnh Thúc Kháng. Và, thần sông báo mộng cũng là câu chuyện cùng với việc giải mã những địa danh vùng đất, nhà văn còn đi “giải mã” một con người. Chuyện lưu truyền qua các cụ cao niên về tuổi thơ của cụ Huỳnh, ở quê nhà có tên gọi là Huỳnh Hanh. Huỳnh Hanh thông minh từ thời trẻ và được đám trẻ trâu tụng xưng sư phụ, nhưng là người lanh trí, có khi hơi ương bướng kiểu tố chất hơn người. Truyện kể mộc mạc, giản dị của lối truyền miệng nhưng đôi khi nhuốm màu sắc huyền thoại, huyền thoại hóa những gì quê kiểng. Tưởng tếu táo nhưng chân thật, đó là lúc cậu bé Huỳnh Hanh chén cả con gà luộc và mấy đĩa xôi vang trên bè chuối để cúng thần sông. Điềm báo ngay đêm đó, ba Huỳnh Hanh là Huỳnh Tấn Hữu đã mơ nhìn thấy cụ già mặc đồ trắng toát, râu tóc bạc phơ, tay cầm cây phất trần, trách móc: “Ngươi có con mà không biết dạy dỗ để hắn dám hỗn láo với ta!”. Huỳnh Tấn Hữu sảng hồn thưa: “Cụ nói thằng Huỳnh Hanh? Cháu nó hiếu động song biết giữ phép nhà, cả làng Thạnh Bình ai cũng thương quý cháu…”. Cụ già trắng toát cả cười: “Trưa hôm qua hắn phá hết lễ vật người đời cúng tế ta. Lẽ ra hắn phải mất mạng vì phạm tội tày trời. Nhưng hắn là người có chân mệnh đế vương, sau này sẽ làm vua nước Nam, ta bất lực không làm gì được! Ta là thần sông Đá Giăng. Ta báo cho người biết điều đó, liệu mà dạy dỗ hắn nên người”…

Quả nhiên lời thần sông báo mộng linh ứng sau hơn năm mươi năm. Cụ Huỳnh sau khi đỗ tiến sỹ Hán học, thấm thía nỗi nhục mất nước đã cùng với cụ Phan Châu Trinh và Trần Quý Cáp thực hiện chuyến Nam du, kêu gọi sỹ phu tỉnh ngộ. Bài phú “Lương ngọc danh sơn” do Huỳnh Thúc Kháng và và Trần Quý Cáp làm chung tại trường thi Bình Định, ký tên Đào Mông Giác đã gây tiếng vang lớn trong giới sỹ phu yêu nước lúc bấy giờ. Năm 1908, nhân phong trào kháng sưu, cự thuế ra đời ở quê nhà Quảng Nam rồi lan cả Trung kỳ, thực dân Pháp khép tội cụ Huỳnh “thông với người bội ước”, khởi xướng thuyết dân quyền để bắt đày ra Côn Lôn. 13 năm sống nơi địa ngục trần gian cụ vẫn không hề nao núng. Mãn hạn tù cụ ứng cử Viện dân biểu Trung Kỳ, giữ chức Viện trưởng một thời gian, cụ nhận ra đó là dân chủ giả hiệu nên từ bỏ để làm báo Tiếng Dân. Rồi cách mạng tháng 8.1945 bùng lên nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời. Cụ Huỳnh được Chủ tịch Hồ Chí Minh mời tham gia Chính phủ của nước Việt Nam mới, rồi đảm trách Quyền Chủ tịch nước khi cụ Hồ công cán sang Pháp.

Tập truyện ngắn Thần sông báo mộng

Đó là truyện “Dưới chân núi Bằng Lim”, thông qua nhân vật đôi lứa yêu nhau, người con trai ấy đã kể cho cô gái cả kho truyện cổ tích về dòng suối, con sông, đỉnh núi, tên gọi các địa danh thú vị nơi đây bằng lý lẽ rất có duyên. Hãy nghe một đoạn văn Nguyễn Tam Mỹ kể “Liên tò mò hỏi. Chiều lòng người yêu, Khan hào hứng kể, nhiều người cho rằng nó vốn có tên là Chan, chứ không phải là Khan. Chan là cái Chan tóc mà các bà, các chị dùng độn thêm vào để búi tóc cho đẹp. Bởi đoạn sông cuối của con sông Tiên ít thác ghềnh, từ xa trông giống y hệt cái chan tóc trải dài mềm mại…” rồi cũng như câu chuyện con suối Ồ Ồ, thác Ồ Ồ trước là cả câu chuyện dài về các nàng tiên giáng trần mà tôi xin tóm gọn: Ố Ồ là tiếng kêu của những nàng tiên tắm ở đó không may mất hết xiêm y… khi nhận lại cũng lúc ánh mắt chàng trai xuyên vào nên các nàng bật thốt Ố…Ồ, …để rồi sau này đọc chệch đi là Ồ Ồ.

Mạch truyện cứ hồn nhiên, tự tại nhưng khéo xui người đọc hình dung kiểu tuổi thơ khi nghe những câu chuyện cổ tích do ông bà kể vào những đêm mưa… cho đến khi giấc ngủ ở đâu đó ập đến. Cổ tích về làng trong truyện dưới đỉnh Bằng Lim có chuyện về con người và cọp. Đó là ông Hợm và con cọp mà ông đã giúp nó rút cây gai đâm xuyên bàn chân ở núi Bằng Lim, nhưng ai sống sao, nhân nào quả ấy…

Truyện Trầm tích Lộc Yên viết về ngôi làng cổ Lộc Yên nổi tiếng vùng quê này. Truyện kể đã khéo gắn với ngôi nhà cổ độc nhất vô nhị của ông Nguyễn Huỳnh Anh. Chuyện có thật hoàn toàn, vào những ăn xa xưa khi Ngô Đình Khôi còn làm tổng đốc Quảng Nam. Lúc bấy giờ Ngô Đình Diệm nương nhờ ở nhà anh trai, có lần lên chơi làng Lộc Yên, thấy ngôi nhà rường cổ có nhiều tác phẩm điêu khắc trên các đầu kèo, ông ta ngắm nhìn mãi. Lên làm Tổng thống Việt Nam cộng hòa, ông đã hai lần phái tỉnh trưởng Quảng Nam Thân Ninh đích thân đến nhà gạ mua cho bằng được. “Gia đình muốn bao nhiêu vàng, Ngô Tổng thống sẽ trả bấy nhiêu, không đắn đo do dự”. Chủ ngôi nhà rường vẫn từ chối. Nền đệ nhất cộng hòa sụp đổ, từ đó ngôi nhà rường cổ ở Lộc Yên mới được yên. Đó là chuyện về cô sinh viên có tên loài hoa rất đẹp Xuyến Chi học ở trường đại học Đà Lạt dẫn người yêu về quê để rồi tác giả đã mượn lời nhân vật giới thiệu đến người đọc một đặc sản độc đáo của vùng đất này, đặc sản mà vua Gia Long từng ban tặng tên chữ là nam trân – có nghĩa là trái quý phương nam, còn tên dân dã mà người dân quê thường gọi là trái lòn bon.

Đó là Trấn yểm Sơn Ve, câu chuyện kể đầu những năm đầu của thế kỷ XX, chuyện về viên quan ba Pháp và viên tri huyện Tiên Phước huy động dân đinh các làng xã thuộc tổng Tiên Giang đào núi trấn yểm… một kiểu làm phép chặn sự nổi loạn của những con người vùng đất này lúc đó là bộ ba Huỳnh Khúc Kháng, Trần Quý Cáp, Phan Châu Trinh. Riêng chủ thuyết Tam Dân “khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh”  của Phan Châu Trinh đã được cụ Lê Cơ thực hành xuất sắc ở làng Phú Lâm, nay thuộc xã Tiên Sơn, huyện Tiên Phước. Sau đó bộ ba, Trần Quý Cáp bị xử chém ngang lưng tại Khánh Hòa, Huỳnh Thúc Kháng và Phan Châu Trinh bị kết án tù đày ra Côn Lôn. Từ trò trấn yểm ở ngọn núi Sơn Ve, nhà nước bảo hộ Pháp và chính quyền Nam triều lu loa rằng vùng đất dịa linh nhân kiệt Tiên Phước không còn sinh vương, cũng chẳng còn sinh tướng. Minh chủ biệt tăm, thủ lĩnh vắng bóng, đám đông dân chúng nuôi lòng tạo phản ắt sẽ tự phân rã.

Truyện Năm tháng đi qua lại khác hẳn bốn truyện trong tập. Truyện không đi “giải mã” cảnh vật, sơn thủy, đặc sản, tuồng tích huyền thoại… vùng đất mà đi lý giải những đau thương vùng đất này trong chiến tranh. Một nhân vật có tên Dư Hoài Vịnh từng gây tội ác tày trời ở đây sau thoát chết khi ta giải phóng Tiên Phước, 10.3.1975 đã giấu nhẹm thân phận, đến vùng đất khác mưu sinh, lấy vợ, sinh con đẻ cái, nhưng rồi ám ảnh về tội ác, về những năm tháng đã qua đã buột ông ta khăn gói về nơi cũ, với phận phận ăn mày để không ai nhận ra mình. Ông ta về gặp lại những người quê vùng ông từng gây tội ác, trùng hợp những ngày nhà nhà nơi đây giỗ chạp liên tục bởi đó là những tháng ngày tang thương của nhiều gia đình có người thân bị sát hại, khi bọn phản động thực hiện khẩu hiệu “Đảng viên thì diệt, trung kiên thì giết, còn có cảm tình với kháng chiến và thiện cảm quốc gia thì cho biến thành ma… không đầu”. Nhưng điều bất ngờ với Dư Hoài Vịnh bởi sự đối đãi tử tế của người dân mà chính ông là người gây ra tội lỗi. Để rồi sau khi trở về lại với gia đình, mặc cảm tội lỗi tiếp tục ám ảnh ông, biến ông tâm tính khác hẳn trước đây, suốt ngày lặng lẽ trong căn phòng. Và ông đã tìm đến cái chết khi người con trai phát hiện trong căn phòng đóng chặt cửa, lá thư tạ tội người dân Sơn, Cẩm, Hà còn chưa ghi địa chỉ gửi đi như một lời trăn trối.

Nhân câu chuyện này cũng xin được nói thêm, nhà văn Nguyễn Tam Mỹ là tác giả tiểu thuyết Máu và tội ác viết về vùng quê Sơn, Cẩm, Hà ở huyện Tiên Phước sau hiệp định Giơnevơ 1954. Lịch sử địa phương cũng đã ghi lại điều này, đó là thời điểm, sau khi cuộc kháng chiến của nhân dân ta kết thúc thắng lợi, thực dân Pháp buộc phải ký hiệp định Giơnevơ, thừa nhận độc lập chủ quyền của Việt Nam, đế quốc Mỹ đã nhảy vào miền Nam đưa tay sai Ngô Đình Diệm lập nên chính phủ bù nhìn. Ở Quảng Nam, bọn Quốc Dân Đảng chủ trương ly khai và thành lập Chính phủ phản động của chúng tại ba xã Tiên Sơn, Tiên Cẩm, Tiên Hà huyện Tiên Phước. Vào tháng 2/1955, bọn chúng đưa tên Nguyễn Đình Thiệp, Tỉnh ủy viên Quốc Dân Đảng lên làm Tư lệnh trực tiếp chỉ huy, lập ra cái gọi là chiến khu Nam Ngãi Bình Kỳ nhằm chống lại chính quyền Diệm và tàn sát cộng sản. Chỉ trong thời gian từ tháng 2 đến tháng 9/1955, bọn chúng đã thực hiện nhiều chính sách tàn bạo đối với cán bộ, chiến sĩ và đồng bào nơi đây như bắt bớ, giam cầm, tra tấn man rợ làm 400 người hy sinh… Trong thời gian này tại vùng Sơn, Cẩm, Hà không có đêm nào là không có cảnh đầu rơi máu chảy. Tiểu thuyết Máu và tội ác của nhà văn Nguyễn Tam Mỹ được trao giải A cuộc vận động sáng tác văn học về đề tài thương binh liệt sỹ và người có công, nhân kỷ niệm 70 ngày TBLS 27.7.1947 – 27.72017 do Bộ LĐ-TBXH phối hợp với Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức.

Năm truyện viết về một vùng quê, vùng quê thật nhỏ nhưng ở đó lại không thiếu những điều lớn lao trong câu chuyện chung về đất và người xứ Quảng trải qua bao biến cố thăng trầm để có những định danh hôm nay rất đáng để đọc và suy ngẫm.

                                                                                                    V.V.T