Thần tượng ở Văn Khoa

1352

Nguyễn Thanh

(Vanchuongphuongnam.vn) – Từ thuở nhỏ vốn đã mang mặc cảm tự ti về kiến thức nay lớn lên lại thêm phải sống một thời gian dài gần mười năm trong tình trạng bất phục tùng lúc đang dạy tư tại thành phố Cần Thơ, tôi quyết định xin ghi danh vào trường Đại học Văn khoa Cần Thơ. Lúc bấy giờ ở miền Nam, sinh viên vào Đại học không bị hạn chế về tuổi tác, nghề nghiệp và bất cứ ai cũng không phải đóng học phí hằng năm.

Giáo sư Huỳnh Văn Minh

Bẩm sinh tính say mê chữ nghĩa văn chương, trong mấy năm mài bút ở Đại học Văn khoa, tôi gặp duyên lành được thụ giáo môn Văn chương – Ngoại ngữ với nhiều giáo sư vốn là tác giả sách phê bình văn học, nhà văn, nhà thơ có tác phẩm nổi tiếng trên văn đàn như: Thuần Phong (nhà thơ Tố Phang), Bùi Đức Tịnh (Ngao Châu), Lý Chánh Trung, Nguyễn Văn Trung, Lưu Khôn, Nguyễn Văn Sâm, Nguyễn Quyết Thắng và … Huỳnh Văn Minh. Với giáo sư Huỳnh Văn Minh, ngoài công tác chuyên môn là giảng dạy bộ phận văn học Hán Nôm đời Lý Trần và Cổ văn Trung Quốc, thầy đã để lại nhiều ấn tượng đẹp cho sinh viên đang học lẫn phụ huynh sinh viên mãi về sau. Chính thầy Huỳnh Văn Minh là giáo sư duy nhất, từ khi bắt đầu đứng lớp trên giảng đường đại học, đã có sáng kiến rất độc đáo. Bắt nguồn từ lòng yêu nghề và lòng thương học trò, ngay từ năm đầu cầm phấn đứng lớp ở giảng đường Đại học Văn khoa Cần Thơ, giáo sư Huỳnh Văn Minh đã có ý thức tìm cách lưu giữ làm kỷ niệm những chiếc thẻ sinh viên xinh xắn giá trị như một giấy thông hành (laissez-passer hoặc giấy chứng minh nhân dân) được coi như là linh hồn học trò mình đại học.

Thầy Huỳnh Văn Minh (sinh năm 1938) là tên thật của giáo sư Huỳnh Văn Minh. Thầy gốc người quê hương Đồng Khởi Bến Tre, xuất thân trong một gia đình có 9 anh chị em. Song thân thầy là Huỳnh Duy Hinh (1899-1954) và Phan Thị Chi (1908-1999). Hiền phụ thầy là cô Đồng Thị Cúc, một viên chức văn phòng  mẫn cán của trường Đại học Cần Thơ được cảm tình của hầu hết các thành viên trong trường và sinh viên Đại học. Thầy cô có bốn cô con gái hiền ngoan là: Minh Huyên, Như Huyên, Xuân Huyên và Thu Trang hiện nay đều đã thành đạt rỡ ràng trong xã hội. Thuở nhỏ, Huỳnh Văn Minh sống với cha mẹ và học lớp Đồng Ấu tại quê nhà. Khi còn học trường Nam tiểu học Phan Thanh Giản tại Bến Tre, Huỳnh Văn Minh là học sinh xuất sắc, lãnh phần thưởng tối ưu. Thi đỗ hạng cao vào học trường Trung học Nguyễn Đình Chiểu, Mỹ Tho rồi lên Sài Gòn học tiếp tại trường trung học Đệ Nhị cấp Pétrus Ký, Sài Gòn sau đó Huỳnh Văn Minh thi đỗ bằng Tú Tài 2 Ban D (Văn – Cổ ngữ Hán).

Con đường học tập phía trước luôn thênh thang rộng mở với chàng sinh viên hiếu học xứ dừa Huỳnh Văn Minh. Sau khi đỗ Cử nhân tại trường Đại học Văn khoa Sài Gòn, Huỳnh Văn Minh tiếp tục chương trình Cao học Văn chương Trung Hoa tại Viện Đại học Sài Gòn và Cao học Giáo dục tại trường Đại học Sư phạm Sài Gòn. Ngay từ buổi đầu đời, thầy Huỳnh Văn Minh đã coi sứ mệnh giáo dục và sự làm việc để phục vụ cho thế hệ ngày mai như một lý tưởng trong sáng với lời nguyền thấm đẫm màu triết lý và tính nhân văn: “Ôi! Đời người có lẽ trở nên vô nghĩa, nếu ta thiếu tình thương yêu rộng rãi và sự làm việc”. Và thầy Huỳnh Văn Minh đã mạnh dạn thủy chung dấn bước trên con đường văn hóa giáo dục mình đã chọn.

Khi được bộ Giáo dục phân công làm giáo sư cơ hữu chính thức phụ trách bộ môn văn học Hán Nôm của Việt Nam và Trung Quốc tại khoa Văn học trường Đại học Cần Thơ, thầy đã tận tụy giảng dạy liên tục suốt từ niên khóa đầu tiên 1967-1968 của trường đại học cho đến ngày nghỉ hưu. Đã có sẵn phương châm làm việc trong sáng rõ ràng, thầy Huỳnh Văn Minh đã thể hiện đúng đắn vị trí và nhân cách của một nhà trí thức đích thực, một nhà giáo có lương tâm, luôn biết rõ trách nhiệm của mình trước thế hệ ngày mai.

Chân dung thầy Huỳnh Văn Minh có những nét không khó nhận ra trước hết ở thái độ nói năng từ tốn, dịu dàng, đi đứng chậm rãi, thong dong cả lúc công việc quá bận rộn, khuôn mặt hiền lành dễ gần. Với bản tính khiêm tốn đáng quý, những năm trường Đại học Văn khoa Cần Thơ mới khai giảng các khóa đầu, thầy mới đứng lớp trước khối lượng đông đúc sinh viên trong đó có cả những người tuổi bằng thầy hoặc đáng tuổi cha chú của thầy. Giáo sư Huỳnh Văn Minh vẫn thể hiện sự khiêm tốn, bình tĩnh trước hằng trăm sinh viên ở giảng đường Đại học. Dạy Văn học đã khó so với các môn khoa học xã hội khác hay Ngoại ngữ, dạy thơ văn Hán Nôm lại càng không dễ chút nào. Tôi là người học trò già của thầy dù đã mê đại ngàn văn học phương Tây phong phú như văn chương tiếng Anh (English literature), văn chương tiếng Pháp (Littérature francaise) nhưng lại quyết tâm theo học ngành Cử nhân Việt Hán với nhiều lý do. Tiếng Anh và tiếng Pháp là ngôn ngữ của thực dân đế quốc mà tôi đã khá vững ngay từ khi mới vào Tiểu học. Tôi chọn học ngành Việt Hán theo bản tính thích tìm cái khó để học hỏi, chọn con đường gian khổ mà đi. Tôi nghĩ, tiếng Hán là ngôn ngữ của người bạn lớn Trung Quốc gần kề với Việt Nam trong thời chống Mỹ trong khi nhiều bạn tôi chọn tiếng Anh (English language) dễ học, cho dễ đi xin việc làm lúc bấy giờ.

Ngoài tính cẩn thận, cần cù soạn bài trước khi lên lớp vì văn học Hán Nôm chữ Hán thật ra không dễ học và dễ dạy, thầy Huỳnh Văn Minh còn biểu lộ một đức tính thành thật rất dễ yêu khác. Gặp những chữ khó vì nhiều nét hoặc dễ nhầm nhau, thầy vẫn bình tĩnh không gần ngại nhìn vào sách để đồ lại chữ Hán từng nét một. Có lẽ do vậy nên người ta thường gọi giáo viên dạy Hán tự là thầy Đồ và người chơi thư pháp chữ Hán là những ông Đồ hiện nay thường thấy xuất hiện biểu diễn trên đường phố trong các dịp lễ hội hay ngày Tết Nguyên Đán, lễ Nguyên Tiêu ở Việt Nam.

*

Thầy Huỳnh Văn Minh sở hữu cái độc đáo duy nhất và ấn tượng nhất mà sinh viên, phụ huynh hay đồng nghiệp của thầy không một ai có thể tìm gặp ở một nhà giáo, giáo sư Đại học nào. Đó là thầy đã có ý thức góp nhặt, sưu tầm tất cả thẻ sinh viên của những học trò học ban Việt Hán với thầy trong suốt 46 năm thầy đứng lớp ở giảng đường Đại học Cần Thơ. Chắc chắn không sai là xuất phát từ lòng yêu nghề, từ tình cảm đằm thắm yêu thương sinh viên, học trò, thầy đã chịu dành những giờ phút nghỉ ngơi, chắt chiu chịu khó tìm những tấm thẻ sinh viên được xem như là hồn cốt của sinh viên để cất giữ làm kỷ niệm trong cuộc đời của một nhà mô phạm. Những ngày không đứng lớp giảng dạy, những chiếc sinh viên cất giữ trang trọng trong kệ sách đem ra nâng niu, nhìn ngắm tức là trông thấy lại được từng khuôn mặt với từng cá tính của đám đệ tử thân yêu. Không chỉ hoạt động năng nỗ trong không gian văn hóa giáo dục Đại học bằng tất cả tâm huyết nồng ấm của trái tim mình, thầy Huỳnh Văn Minh còn hoạt động tích cực rộng khắp trên lĩnh vực xã hội trong phong trào quần chúng.

Trong buổi bình minh lịch sử của đất nước sau ngày Hội lớn non sông 30/4/1975, hòa mình trong niềm vui lớn cùng đồng bào cả nước, khi tôi hoạt động trong Ban Chấp hành Hội Văn nghệ Giải phóng thành phố Cần Thơ, GS. Huỳnh Văn Minh đã hồ hởi hoạt động tích cực trong Hội Trí Thức yêu nước. Hiện nay, GS. Huỳnh Văn Minh đã nghỉ hưu nhưng tấm lòng của thầy vẫn không xa rời thế hệ tuổi trẻ. Như một cánh chim không mỏi, thầy Huỳnh Văn Minh vẫn dùng những giờ phút quý hiếm ít ỏi của người cao tuổi để những làm công việc có ý nghĩa. Thay vì nghỉ ngơi, thầy đã mở lớp dạy thêm Ngoại ngữ cho sinh viên học sinh tại địa điểm số 95/16 đường Mậu Thân, cách không xa ngôi trường Đại học Văn khoa tổ ấm của thầy và sinh viên năm xưa cách nay nửa thế kỷ. GS Huỳnh Văn Minh không cầm bút viết văn song những cống hiến ở kĩnh vực giáo dục và việc làm của thầy từ lúc còn đứng lớp dạy học cho đến ngày nghỉ hưu vẫn chan hòa sắc màu văn hóa. Thầy đã có vô số những đệ tử khoa danh đã thành đạt rực rỡ, với vị trí cao trọng trong xã hội thanh bình thịnh vượng hôm nay. Việc lưu giữ những chiếc thẻ sinh viên của học trò thầy ắt hẳn đã mang giá trị đích thực của những tác phẩm văn học giá trị chan hòa tính nhân văn cao quý và ý nghĩa giáo dục cho cả thế hệ hôm nay và mai sau. Công chúng, phụ huynh địa phương và anh em học trò thầy Huỳnh Văn Minh, vị giáo sư cất giữ hồn cốt sinh viên mình, trong đó có người viết bài này, xin được phép khắc tên thầy trong sâu thẳm trái tim mình như một thần tượng giáo dục ở Văn Khoa Cần Thơ.

                                                                                            N.T