Thằng Bờm có cái nhà cao… – Truyện ngắn Chinh Văn

186

(Vanchuongphuongnam.vn) – Gọi lão bằng thằng, cả làng này ai mà dám thế? Chỉ trừ duy nhất một người: Ông già vợ lão: Ông Tám Trọng, ngoài ra gặp lão ai cũng chào “ông năm”, “chú năm” dù đằng sau tiếng chào không có vẻ gì kính cẩn.

Tên cúng cơm của lão là Buồm, Tống Văn Buồm. Nhưng cái tên Bờm mà lão phải mang như nhắc cho mọi người nhớ cái thuở hàn vi của lão. Không phải lúc nhỏ lão ngờ nghệch như thằng Bờm trong bài đồng dao mà là lão chăn trâu mướn cho nhà địa chủ. Tóc tai thì bờm xờm, thân hình đen nhẽm và khô đét. Ngẫu nhiên, cái têm Bờm ra đời từ đó bởi lũ chăn trâu, đến nay đã được khoảng hơn sáu mươi năm. Quá khứ nghèo hèn này của năm Bờm người thế hệ sau được biết là qua lời kể của ông tám Trọng. Ông Trọng năm nay đã ngoài chín mươi nhưng vẫn còn minh mẫn lắm. Chỉ có điều ít khi ông trò chuyện. Có lẽ một phần do tuổi tác, phần thì buồn con cái trong nhà. Ông đang sống với vợ chồng người con trai út. Lão Bờm thì xem gia đình bên vợ chẳng ra gì kể cả cha mẹ vợ. Thế là mâu thuẫn xảy ra bởi năm Bờm bây giờ giàu có. Người con út thì không cho ông tám sang  nhà, còn ông tám thì thương những đữa cháu ngoại tuy chúng không được coi là hiếu thảo. Dù vậy, thỉnh thoảng người trong làng vẫn gặp ông tám ngồi ngoài hàng dừa hướng cặp mắt đục mờ vào cái nhà cao của năm Bờm.

Xung quanh cái nhà cao này là cả một câu chuyện. Ban đầu, nó chỉ là cái nhà nhỏ bên cạnh cái chuồng trâu của cha năm Bờm để lại. Với cặp trâu mà cha dành dụm cả đời mới sắm được, năm Bờm bắt đầu xây cơ nghiệp. Rồi thì nhà lão cũng đủ mặc, đủ ăn. Con cái trong nhà lần lượt trưởng thành. Khổ nỗi chỉ có đứa con trai duy nhất ra đời sau sáu cô con gái.

Người đời thường nói “họa trung hữu phúc”. Quả vậy với năm Bờm, sáu cô con gái mà trước đây lão coi là “họa” ấy giờ thành “phúc” rõ ràng. Thuở còn nghèo khổ, lão ước gì mình có nhiều con trai để cày bừa thoát ra nghèo đói. Oái oăm thay, một lũ con gái lần lượt ra đời. Sau nốt mới được đứa con trai thì đã là cha già con mọn. Mấy cô con gái, lão toàn gả cho những nhà giàu mặc dù những chàng rể “sứt cùi gãy gọng”. Có lẽ vung vàng dù méo cũng úp được nồi đất dẫu tròn. Từ đó nhà lão Bờm trở nên dần khá giả.

Cơ may một lần nữa đến với năm Bờm khi chàng rể ngoài chợ trước kia vượt biên ra nước ngoài giờ bảo lãnh con gái lão sang. Năm Bờm trở thành cha vợ Việt kiều. Nghe đâu sang bên đó con gái lão bỏ chồng, không biết giờ làm gì mà dollar gởi về nhiều quá. Từ cuộc sống khá giả, lão trở nên giàu có nhất vùng quê. Dạo này năm Bờm đổi đời và cũng được dân làng đổi tên: Ông năm Chỉ. Xuất xứ cái tên này người ta giải thích không mấy rõ ràng. Người thì cho rằng ông hay chỉ trỏ khi nói chuyện, người khác lại bảo “chỉ” ở đây là chỉ vàng vì ông đeo chiếc nhẫn vàng rất lớn. Có lẽ cả hai cách giải thích đều đúng vì mỗi lần ông chỉ trỏ thì trên ngón tay ấy ánh lên một khâu vàng khoảng chừng năm chỉ như cố ý khoe khoang.

Có lẽ hôm nay là ngày không vui với ông năm Chỉ. Ra đến chợ đầu làng mua cá về cho đám thợ xây nhà ăn bữa cơm trưa, nhưng ông năm không chỉ tay như thường lệ mà lấy gậy gõ gõ vào rổ cá biển xem còn tươi hay đã sình ươn. Con nào tươi thì lào khều về phía mình, con nào ươn thì hất về phía người bán cá. Người bán cá trố mắt ngạc nhiên nhìn, còn những người khác thì bĩu môi đứng dậy bỏ đi. Rời hàng cá, lão hướng về phía quán cafe, không quên mua theo ổ bánh mì thịt. Quái lạ! Vừa trả tiền bánh xong, năm Chỉ vứt bánh ngay cho con chó chạy rong gần đó, những người ngồi trong quán ai ai cũng thấy. Bước vào quán, lão nghe tiếng chửi đổng của ai đó cất lên:

– Cha mẹ nó ngày xưa dẫu nằm mơ cũng không có bánh mì nguội mà ăn, đi ăn giỗ mà phải mượn áo của người hàng xóm nữa kìa.

Không biết người vừa nói là ai, lão bực lắm, nhưng có lẽ là người giàu có nhất ở đây nên lão dõng dạc:

– Của cải nhà tao nằm không mà ăn ba đời cũng chưa chắc hết.

Cuộc đối đáp không lộ diện này kết thúc bằng việc năm Chỉ bước ra khỏi quán.

Về đến nhà, nhìn ngôi nhà cao đang xây dang dở thì nỗi bực dọc lúc nãy của ông được thay bằng thái độ mãn nguyện vô cùng. Người vùng này ai được ngôi nhà như thế?

– Chú năm xây nhà kiểu nước nào vậy?

– Kiểu bên Tây bên u gì đâu, xây nhà cao hơn ngọn dừa ở chơi vậy mà.

Lúc trước lão trả lời với mọi người như vậy khi được hỏi.

Thật lòng năm Chỉ cũng không biết gọi đó là kiểu nhà gì? Theo kiến trúc nào? Gác không ra gác mà lầu chẳng phải lầu. Ông tám Trọng thì gọi đó là “cái nhà cao”.

Thêm một lần nữa câu nói chữ Nho của ông tám Trọng linh nghiệm: “Phước bất trùng lai, họa vô đơn chí”. Nhà ông năm Chỉ hôm nay gặp họa. Đứa cháu nội duy nhất của ông chết đuối dưới ao. Vậy là cái giàu có của ông năm Chỉ đâu có đời thứ ba để hưởng. Đứa con trai độc đinh của ông không có con dù đã cưới vợ hơn chục năm nay. Xin được thằng bé trai về nuôi cũng rơi xuống ao mà chết. Mọi người ái ngại cho ông năm Chỉ sau này nằm xuống ai bưng bát nhang hay di ảnh. Riêng ông thì bình thản như lời ông từng nói “Chỉ lo không có cứt, có cứt thì thiếu gì chó!”. Hai năm sau ông chết. Câu nói phủ nhận tình nghĩa và ngạo mạn ấy đã linh ứng như một lời nguyền. Ngày ông năm Chỉ chết, con trai duy nhất của ông phải bưng trầu rượu sang từng nhà để năn nỉ hàng xóm đến đưa tang.

Thời gian sau này người ta thấy ông tám Trọng yếu đi nhanh lắm. Ông đã lẩm cẩm. Thi thoảng nghe ông thều thào một câu, nói không phải nói mà hát không ra hát:

Thằng Bờm có cái nhà cao

Giàu sang như nó ai nào có ham

Vô tình, đứa cháu gọi ông bằng cố cãi lại:

– Ông ơi, ông hát sai rồi !

Và cất giọng hồn nhiên, nó đọc liền một mạch bài đồng dao: Thằng Bờm có cái quạt mo….

C.V