Thằng hương khói – Truyện ngắn Việt Thắng

763

(Vanchuongphuongnam.vn) – Ai cũng bảo nó giống Huy thế, nếu ai không biết họ cứ nghĩ nó là con đẻ. Vợ chồng Huy thì cưng chiều nó thôi thì khỏi phải nói. Bên ông bà nội thì mừng hết nói. Cứ ít ngày là ông bà lại đón xe từ dưới quê lên thăm, để được ẵm bồng cái thằng cháu đích tôn hương khói.

Nhà văn Việt Thắng

Chiến tranh bùng nổ. Huy là con trai duy nhất trong gia đình nên phải viết đơn tình nguyện mới được đi bội đội, khi đang học dở dang cấp ba. May mắn là được đơn vị cho đi học khóa y sĩ. Sau hai năm ra trường được điều vào một trạm quân y tại chiến trường Tây Nguyên. Trong trạm quân y có cô y tá cùng huyện. Trước là đồng hương, sau hợp ý thành ra thân và quý mến nhau, dần dà yêu nhau hồi nào cũng không hay. Có lẽ Huy yêu cô ta cũng vì tính nhanh nhẹn hoạt bát. Rồi thành vợ, thành chồng.  Hòa bình. Hai người ra quân xin về làm việc trong một bệnh viện dân sự của tỉnh quê hương Huy. Sau mấy năm công tác, anh cố gắng vừa làm vừa học, cũng lấy được bằng bác sĩ. Chị vợ cũng phấn đấu học lấy bằng y sĩ.

Những năm đầu trong thời bao cấp, hai vợ chồng phải ở nhà của cơ quan cấp tạm. Hai năm sau sinh đứa đầu lòng là con gái, đôi lần vợ Huy đi coi thầy bói đoán rằng đứa sau sẽ là thằng con trai. Vợ chồng cứ tự nhủ với nhau, đợi đứa chị cỡ gần chục tuổi, kinh tế vững vàng thì sinh đứa thứ hai. Thấy chậm trễ trong đường sinh nở, bố mẹ chồng cứ hối thúc sinh thêm thằng con trai để nối dõi tông đường. Vì trong dòng họ, bố Huy lại là trưởng họ, trên Huy chỉ có hai chị gái. Vợ chồng Huy cứ lần lữa hẹn với ông bà, hết năm này đến năm khác. Khi cơ chế thị trường bật mở, kinh doanh tư nhân được bung ra. Hai người cũng đã thuê mướn nhà mở phòng khám tư. Công việc tất bật, ngày thì làm trong bệnh viện. Tối về hai vợ chồng lại lo khám bệnh, tại phòng mạch tư nhân của mình. Ky cóp rồi anh chị cũng mua được căn nhà ngoài mặt tiền đường gần bệnh viện. Dời phòng mạch về căn nhà mới mua, khỏi phải trả tiền thuê mướn mặt bằng. Kinh tế đã vững vàng sau gần chục năm. Chị có bầu và đi siêu âm, hai vợ chồng sững sờ vì cái thai trong bụng đang là đứa con gái, dù siêu âm mấy lần cũng vậy. Chị vợ lúc này mới hỏi chồng:

– Bây giờ anh tính sao? Gia đình anh là con trai duy nhất, trong khi ông bà lại là trưởng họ?

Huy nhìn vợ nghiêm nét mặt:

– Trai gái thì cũng là giọt máu của chúng mình. Bỏ thì mang tội chết em ơi!

Chị vợ nhăn mặt thở dài thườn thượt:

– Các cụ nhà mình có hiểu cho không, hay là lại đổ thừa cho em là vô phúc là tuyệt tự.

Huy vò đầu bứt tai:

– Vài năm nữa mình cố gắng đẻ thêm.

Cô vợ giãy nảy:

– Anh điên rồi à? Cán bộ công chức chỉ được sinh hai con. Đường công danh anh đang lên như diều gặp gió; vậy mà đẻ nữa để rồi chấm hết hay sao?

Bực mình vợ Huy chửi đổng:

– Mẹ cha cái lũ thày bói ăn mọ nói mò, ở đó mà tin họ có ngày…

Huy làm bộ mặt buồn thiu chêm vào:

– Thày bói coi mình sẽ có con trai nữa, nhưng em phải đẻ tới gần hết trứng cơ.

Vợ Huy đỏ mặt, đấm thùm thụp vào lưng chồng. Hai vợ chồng cứ ôm nhau mà cười khúc khích.

Nhờ chính sách cởi mở trong thời kinh tế thị trường. Các nhà đầu tư nước ngoài đổ vốn vào Việt Nam ào ạt. Những khu công nghiệp cũng thi nhau mọc lên. Đông người thì các dịch vụ ăn theo cũng tăng theo tỷ lệ thuận. Phòng mạch của vợ chồng Huy cũng tăng dần số bệnh nhân tới khám. Đáng chú ý nhất, có một bệnh nhân nữ tên Hồng hay tới khám bệnh phụ khoa, tuổi đời đã ngót nghét bốn mươi, vì hoàn cảnh gia đình chưa hề kết hôn lần nào. Dáng người cũng đầy đặn tròn trịa, một đôi lần rồi vợ Huy thấy cũng mên mến. Lâu ngày hiểu ý nhau rồi thành bạn bè. Hỏi cặn kẽ vì sao không lấy chồng, mới được Hồng kể rõ hoàn cảnh nhà em đông, thương cha mẹ cứ lo làm lụng.

Lúc xuân thì cũng đôi ba lần có người đánh tiếng nhưng cô cứ lần lữa. Tháng ngày trôi đi vùn vụt, chẳng chờ đợi tuổi xuân ai. Đến tuổi trên ba mươi chả thấy ai đả động gì. Nhân có các nhà máy mở trong khu công nghiệp gần thành phố. Cô bỏ quê lên làm công nhân trong xí nghiệp. Một tháng dù có vất vả làm tăng ca, cũng được dăm ba triệu đồng. Chứ ở quê cả gia đình bám vào mấy sào ruộng. Suốt ngày bán mặt cho đất bán lưng cho trời vậy mà đôi khi sâu rầy, thiên tai, vốn bỏ ra còn chẳng thu lại nổi nói chi lời với chả lãi. Vì vậy gia đình bao năm sống dưới thời bao cấp, tới thời mở cửa cũng vẫn nghèo. Thành thử các em của cô có được học hành tới nơi tới chốn đâu. Mong chi được làm ông này bà kia; còn có cơ may xà xẻo được ít nhiều tiền của công, dưới hình thức này hoặc hình thức khác. Nhìn dáng vẻ bên ngoài bản chất nông dân, nên tính tình cũng hiền dịu thật thà. Có lần vợ Huy nảy ra ý nghĩ đột phá, mới ướm hỏi cô ta:

– Không lấy chồng thì cũng kiếm đứa con mà nuôi; để có người hủ hỉ cuối đời còn lo cho lúc tuổi già chứ.

Hồng chỉ gượng cười:

– Em nghèo quá, nuôi bản thân và phụ dưỡng cha mẹ già ở quê còn chả xong nữa là.

Vợ Huy nhìn vào mặt cô ta cười cười:

– Nói chung đàn ông đa phần thấy gái như mèo thấy mỡ mà em còn phơi phới thế này. Coi anh nào khỏe mạnh, dáng vẻ được được. Đặt thẳng vấn đề là chỉ xin đứa con, chứ không dính dáng gì về sau, dù họ có vợ con miễn sao cho mình đứa con là được. Thời buổi này chuyện không chồng mà có con thiên hạ đầy ra đấy.

Hồng cúi gầm mặt trả lời nhát gừng:

– Ai đời… em là con gái mà lại ngỏ lời xin con… để cho đám đàn ông nó khinh như cơm mẻ à.

Vợ Huy bỏ câu thòng:

-Nếu em có ý định kiếm đứa con mà ngại… Để chị tìm người cho nha?

Hồng liếc nhìn vợ Huy, hai gò má cứ đỏ bừng lên.

Sau bao lần suy nghĩ đắn đo. Đêm nay, khi đã lên giường nằm ngủ, vợ Huy ôm cổ chồng âu yếm thủ thỉ:

– Anh à… Em tính bàn với anh một chuyện hệ trọng; chẳng biết anh có đồng ý theo kế hoạch của em không?

Huy nghiêng người qua nhìn vào mắt vợ:

– Ở với nhau gần hai chục năm rồi, có gì mà nay còn bày đặt rào trước đón sau vậy?

Cô vợ ôm đầu Huy hôn chùn chụt ra vẻ thắm thiết:

– Chuyện hệ trọng thật mà. Anh phải bình tĩnh nghe em trình bày, không được ngắt ngang nghe chưa.

Huy đưa ngón tay trỏ lên ngéo tay vợ ra vẻ đồng ý.

Vợ Huy thủng thẳng:

– Anh còn nhớ cái cô bệnh nhân năm ngoái, tới phòng mạch mình khám phụ khoa. Tuổi đời đã ngót nghét bốn mươi nước da bánh mật, hay tới chơi với em không?

Huy chen ngang:

– Thì mắc mớ gì tới anh?

Vợ huy tằng hắng:

Qua chuyện trò nhiều lần, em được biết cô ta cũng chưa hề xây dựng gia đình với ai. Hiện tại đang làm công nhân nhưng phải lo phụng dưỡng cha mẹ già ở quê. Hôm rồi em có gợi ý, sao không đi kiếm đứa con mà nuôi để đến khi tuổi già còn có người hủ hỉ chăm nom?

Nghe tới đây Huy ngồi bật dậy nhìn vợ, xẵng giọng:

– Em vớ vẩn thật, chuyện chồng con của bạn bè em mắc mớ gì kể cho anh nghe?

Vợ Huy kéo chồng nằm xuống giường, giọng nhỏ nhẹ:

– Anh không bỏ được tính nóng vội à. Em tính thế này… Em sẽ cố gắng thuyết phục cô ta, cho anh gửi cô ấy một đứa con, biết đâu sẽ là con trai thì sao. Anh không nhớ à, đi xem bói thày nào cũng nói anh còn đứa con trai nữa mà.

Huy giật tay khỏi bụng vợ cười sằng sặc:

– Em điên rồi! Không còn chuyện gì để nói hay sao? Hôm nay lại lẩn thẩn muốn cưới vợ hai cho chồng thật à?

Vợ Huy nắm tay chồng vắt ngang bụng mình, thủ thỉ:

– Thật tình là em muốn anh đi gửi cô nào đấy một đứa con trai. Bấy lâu nay mới tìm được cô này. Em thấy tính nết cô Hồng hiền lành, nên hỏi ý kiến anh. Phải kiếm được thằng con trai anh ạ, để sau này nối dõi tông đường. Phải kín đáo giấu giếm chuyện này; trên danh chính ngôn thuận mình sẽ nhận đứa trẻ là con nuôi. Thế là chẳng ảnh hưởng gì tới đường công danh của anh. Sau này về hưu, lúc đó công bố nó là con đẻ của mình, cũng đâu có muộn màng.

Huy ngồi bật dậy nhìn vợ:

– Em tính dàn xếp việc này như thế nào?

Vợ Huy cũng nhổm dậy nhìn chồng:

– Ở đời chả ai dại gì san sẻ tình cảm vợ chồng cho người khác. Em thương yêu anh, tội nghiệp cho ông bà mòn mỏi trông chờ thằng cháu nội trai. Chứ ai tự dưng tìm gái cho chồng bao giờ.

Vừa nói vợ Huy lấy ngón tay trỏ dí vào trán chồng ra vẻ ghen tuông âu yếm:

– Em tính thế này anh ạ: Hôm nào em thủ thỉ ý định cho cô ấy nghe. Với lại gia đình cô ấy nghèo, nên cô ta phải vất vả quá. Trong thời gian cô ấy mang thai, mình sẽ bảo cô ấy nghỉ làm trong công ty. Mình sẽ chi tiền nuôi cô ấy; với lại em tính… Sau này sinh xong nếu là con trai thì phúc đức cho nhà mình. Thôi thì tiền bạc biết bao nhiêu cho đủ, mình dành dụm và cho cô ấy vài trăm triệu làm vốn. Đứa con thì mình sẽ nuôi, cô ấy vẫn tự do đi lại thăm nom.

Ngừng lại giây lát, vợ huy nguýt chồng:

– Đừng… “có cá quên nơm” đấy nha!

Huy hai tay nắm vai vợ, xoay đối diện hai mặt lại với nhau nghiêm mặt nói:

– Chuyện này là em bày vẽ ra, mai này không có đổ thừa tại anh đấy nhá! Với lại đẻ xong liệu cô ấy có chịu giao con cho vợ chồng mình không? Điều đó mới là vấn đề quan trọng.

Cô vợ nhìn Huy cười:

– Cái này anh cứ để em lo. Em sẽ thực hiện chính sách: “Mưa dầm thấm lâu”. Nói chung là nhìn cô ấy hiền lành dễ bảo mà.

Cả khu bệnh viện nơi vợ chồng Huy làm việc, ai cũng biết họ xin được đứa con trai làm con nuôi. Nghe nói con của một cô công nhân trong khu công nghiệp không có chồng cho. Càng lớn lên nhìn nó rất kháu khỉnh, trắng trẻo bụ bẫm dễ thương. Ai nhìn thấy cũng muốn bế, cũng muốn hôn lên hai má phúng phính của thằng bé. Có đôi khi họ nựng quá làm hai má nó đỏ ửng, đến khi nó khóc thét lên họ mới chịu buông tha. Điều đặc biệt là ai cũng bảo nó giống Huy thế, nếu ai không biết họ cứ nghĩ nó là con đẻ. Vợ chồng Huy thì cưng chiều nó thôi thì khỏi phải nói. Bên ông bà nội thì mừng hết nói. Cứ ít ngày là ông bà lại đón xe từ dưới quê lên thăm, để được ẵm bồng cái thằng cháu đích tôn hương khói. Lâu lâu mẹ ruột cháu cũng đảo qua làm bộ đến chơi, nhưng thực tế là thăm con. Ôm con nựng nịu, miệng cười mà hai hàng nước mắt cứ lăn dài trên hai gò má.

Huy có một người bạn tên Thỉnh thua anh gần chục tuổi, làm khác khoa cùng bệnh viện. Bề ngoài quý mến vì tay nghề anh lâu năm hơn, phần anh lại là một cựu quân nhân trong chiến tranh chống Mỹ. Khi nào rảnh rỗi, hoặc đôi khi trực bệnh viện hết ca cứ hay ghé nhà. Có khi hai anh em nhẩn nha nhấm nháp với nhau chai bia, nói chuyện về chuyên môn hoặc chuyện đời. Anh thì trầm tính, còn Thỉnh thì nhanh nhảu mồm mép hơn. Trong các cuộc họp chi bộ, hoặc chuyên môn Thỉnh luôn né tránh những vấn đề nhạy cảm. Phần nhiều có phát biểu cũng lựa theo chiều gió của cấp trên. Vì vậy mà mới ra trường chưa được chục năm đã lên tới chức phó khoa. Qua mấy lần đi học chuyên môn, Thỉnh cũng đã leo lên tới chức trưởng một khoa ngoại. Trong khi Huy mày mò cả hàng chục năm mới leo lên chức trưởng khoa nội.

Cuộc họp của ban cán sự bệnh viện đã đến phần bỏ phiếu đề cử giám đốc mới, vì đồng chí giám đốc đương nhiệm đã tới tuổi về hưu. Những người được đề cử vào chức giám đốc bệnh viện gồm hai người trong đó có Huy và Thỉnh. Sắp sửa tới phần bỏ phiếu kín thì Thỉnh giơ tay xin ý kiến:

– Thưa tất cả các đồng chí! Tôi rất khâm phục về trình độ chuyên môn của đồng chí Huy. Đồng chí đã từng là một quân nhân trong chiến tranh chống Mỹ. Luôn luôn phục vụ bệnh nhân hết mình. Nhưng…

Mọi cặp mắt đều đổ dồn vào Thỉnh. Thỉnh đảo quanh nhìn tất cả mọi người. Tằng hắng lấy giọng:

– Tôi nói chuyện này mọi người sẽ nói tôi là kèn cựa, tham chức quyền, vì tôi với đồng chí Huy là bạn thân và đều được Đảng ủy đề cử là ứng viên cho chức giám đốc bệnh viện. Nhưng không nói thì tôi cảm thấy bức xúc…

Ngừng lại giây lát, nhìn khắp lượt mọi người. Thỉnh nói to hơn:

– Các đồng chí có tin rằng đứa con trai mà đồng chí Huy nói là con nuôi; lại chính là con đẻ của đồng chí ấy không?

Cả phòng họp ồn ào hẳn lên, người ta xầm xì bàn ra tán vào. Chủ tọa phải đứng lên yêu cầu mọi người im lặng. Phòng họp trả về sự yên lặng, chủ tọa yêu cầu Thỉnh đưa ra bằng chứng. Thỉnh lôi trong cặp giơ lên một tờ giấy có những dòng chữ và con dấu đo đỏ ở cuối:

– Các đồng chí ở đây ai có ghé nhà đồng chí Huy, nhìn đứa con trai mà vợ chồng đồng chí Huy nói là con nuôi, giống đồng chí Huy như cắt mặt để qua không?

Có ai đó nói to: “Con người đôi khi giống nhau là chuyện thường.” Thỉnh vẫn thản nhiên:

– Các đồng chí để tôi nói rõ, từ cái nhìn thấy giống nhau như đúc đó. Tôi sinh nghi nên để giải tỏa nỗi nghi ngờ nhân một lần thấy đầu đồng chí Huy có mấy sợi tóc bạc, tôi bảo: “Tóc anh có mấy sợi bạc để em nhổ cho”. Thế là tôi đã nhổ mấy sợi tóc đó bỏ vào túi. Nhổ xong mấy sợ tóc của đồng chí Huy. Tôi quày quả làm bộ bế thằng bé, cũng vội nhổ được mấy sợi tóc của nó dễ dàng. Sau đó tôi đem tới viện… xin xét nghiệm.

Cả cuộc họp lại xầm xì: “Nhìn mặt hiền lành mà ghê gớm quá nhỉ? Dò sông dò biển dễ dò…”

Thỉnh giơ tờ giấy xét nghiệm lên, đưa cho chủ tọa cuộc họp là đồng chí bí thư đảng ủy. Sau khi đọc kỹ tờ xét nghiệm. Đồng chí bí thư chậm dãi nói:

– Theo như tờ xét nghiệm thì kết quả ADN, cả hai cái đều trùng khớp với nhau; chứng tỏ là gien di truyền huyết thống. Đồng chí Huy là đối tượng mà đồng chí Thỉnh đưa ra vấn đề, xin đồng chí có ý kiến.

Huy đứng dậy, anh quay nhìn tất cả mọi người trong cuộc họp:

– Thưa tất cả các đồng chí! Gia đình tôi chỉ có mình tôi là con trai, trong khi bố tôi lại là trưởng họ. Vợ chồng tôi chỉ sinh được hai cô con gái. Bố mẹ tôi rất buồn vì vậy tôi đã cố gắng đi tìm một đứa con trai, để làm vui lòng cha mẹ. Bây giờ tôi xin khẳng định, thằng con trai đó là con ruột của tôi. Xét về điều lệ Đảng và qui chế cán bộ công chức thì tôi đã sai. Bây giờ các đồng chí trong Đảng ủy và Ban Cán sự bệnh viện có hình thức kỷ luật gì tôi hoàn toàn xin chịu.

Cả cuộc họp ồn ào hẳn lên, phần nhiều họ đều cảm thông và tội nghiệp cho Huy. Thế là còn một ứng viên duy nhất vào chức giám đốc bệnh viện. Thỉnh đã nghiễm nhiên trở thành tân giám đốc. Cuộc họp bế mạc, mọi người cứ xúm vào an ủi Huy, cũng chẳng thiếu những lời chê bai Thỉnh.

Huy chỉ biết cảm ơn mọi người, còn vui vẻ cười nói:

– Hư danh chỉ là cái bả nhất thời. Phúc đức cho gia đình tôi, đã kiếm được thằng hương khói nối dõi sau này.

V.T