Thằng mắc gió – Truyện ngắn của Chinh Văn

196

(Vanchuongphuongnam.vn) – Ký túc xá đột ngột mất điện. Căn phòng vốn dĩ chật hẹp giờ càng ngột ngạt hơn. Ngồi nhìn ra cửa sổ, tôi giật nảy người khi thấy trên cây dương ánh sáng lập lòe nhỏ nhoi của con đom đóm. Chút ánh sáng ấy như đi lạc từ cõi xa xăm nào bỗng ghé vào đây để kéo tôi về quá khứ. Tâm hồn tôi như bị giật ngược vào hố đen thăm thẳm và rồi mọi thứ hiện về…

Minh họa: Minh Sơn

Không biết tự bao giờ mà nó có tên là Thằng Mắc Gió? Có lẽ những trò tinh nghịch của nó đã khiến không ít lần các cụ mắng nó như vậy. Dần dà bọn chúng tôi cũng quên tên thật của nó là Thông. Cứ vậy, gặp nó hay nói về nó thì chỉ một tiếng mà gọi: Thằng Mắc Gió.

Quê tôi là vùng sông nước miền tây Nam bộ. Hàng năm, cứ đến ngày mười chín tháng giêng âm lịch thì dân trong vùng tổ chức ngày lễ tống ôn, tống gió. Theo nghĩa đen của từ này thì tống là tiễn đi, xua đi, gió ở đây là gió độc gây bệnh cho con người. Vì vậy khi mắc bệnh đột ngột thì dân gian thường dùng cụm từ “trúng gió”. Người dân ở đây quan niệm rằng, nguyên nhân của mọi căn bệnh gây ra cho con người đều do gió độc đem ôn dịch phát tán trong không gian, ai chẳng may “trúng gió” sẽ ốm đau. Cũng từ đó, tiếng “mắc gió” trở thành tiếng chửi rủa hay rầy la của các cụ dành cho bọn trẻ tinh nghịch. Cũng có khi được dùng như tiếng mắng yêu. Thằng Thông luôn là thằng đầu têu trong bọn trẻ  chúng tôi.

Ngày ấy, mùa hè là cả thiên đường của bọn chăn trâu chúng tôi. Không bị ba má gọi dậy học bài, không phải lội sình đến trường. Cứ ngủ đến sáng, tóm lấy những củ khoai nóng vừa được má luộc xong rồi ra chuồng thả trâu. Ngồi trên lưng trâu ung dung ra đồng vừa ăn vừa thổi những củ khoai.

– Ê thằng Mắc Gió ! Con Đực cổ của mầy hôm nay sẽ giúp tụi tao trả thù con trâu chiến tụi xóm giồng chứ?

Cánh đồng mênh mông là nơi chăn thả trâu chung các xóm. Điều khó tránh là những con trâu đực thường hay húc nhau để tranh đồng hay “tranh gái” mà bọn tôi gọi là “trâu chém lộn”.

– Yên tâm, chiều qua lúc dong trâu về tao đã mài sừng con Đực cổ rồi.

Con trâu có tên là Đực cổ là con to lớn nhất đàn của xóm tôi. Nó có tên như vậy bởi cổ nó có những bắp thịt săn chắc nhô cao trông như gánh trên vai cả một niềm kiêu hãnh. Cách mài sừng của thằng Mắc Gió cũng khá công phu. Nó dùng những mảnh chai tỉ mỉ vuốt sừng trâu cho nhọn hoắc rồi lau chùi đến sáng bóng, nhìn như cặp song đao.

          Quả đúng như dự đoán, khi những đàn trâu vừa ăn vừa chầm chậm tiến lại gấn nhau thì con Đực cổ đứng lại. Nó ngửa mặt lên trời không nhìn đối thủ. Con đầu đàn bên kia cũng vậy. Hai bên gườm nhau nhưng không nhìn nhau. Rồi cả hai lao vào nhau, tiếng sừng chạm nhau côm cốp pha lẫn tiếng cổ vũ vang trời của bọn trẻ hai bên. Hai trâu húc nhau bằng sừng, bọn trẻ chúng tôi “húc” nhau bằng miệng và cánh đồng vang dậy. Cuối cùng chiến thắng thuộc về con Đực cổ. Trâu bên kia chạy tóe nước và bọn chúng tôi cũng nhảy cẩng lên. Khi cuộc chiến vãn hồi thì bọn trẻ hai xóm cũng túm tụm trên những gò đất cao huyên thuyên trăm chuyện trên trời dưới đất. Thằng Mắc Gió ngồi trên chỗ cao nhất, thỉnh thoảng mới xen vào vài câu nhưng luôn là những câu phân xử. Tay nó mân mê cây gậy tre. Vật bất ly thân nầy bọn tôi đứa nào cũng có. Cũng may chưa bao giờ dùng tới trong các cuộc “đấu võ mồm”.

          Nắng đã lên cao, cái nắng giữa đồng nước lạ lắm. Nhìn ra xa, ta như thấy được hai mặt trời, một trên trời chiếu xuống và một dưới nước rọi lên. Mặt trời dưới nước có vẻ sáng hơn vì được lan tỏa bởi những sóng nước lăn tăn. Nói mãi cũng hết chuyện, bỗng thằng Mắc Gió kéo đứa bên cạnh vào. Hai thằng thì thầm gì đó rồi phá lên cười. Ánh nhìn cả bọn hướng về hai thằng đó nhưng nào biết hai đứa đó nói gì. Để phân tán sự tập trung cả bọn, thằng Mắc Gió đập đập cây gậy xuống nước và hát nghêu ngao. Bỗng nhanh như chớp, hai thằng lao tới vật ngã thằng xóm bên kia rồi ….cởi quần. Bọn chăn trâu chúng tôi nào có ăn mặc kín đáo gì đâu. Mỗi thằng chỉ chiếc áo ngắn tay và cái quần đùi. Tay chân phơi ra ngoài đen nhẽm. Vì vậy khi thằng Thân bị cởi quần thì “nửa giang sơn” phần dưới của nó lộ thiên. Thằng Mắc Gió cầm lấy quần thằng Thân rồi chạy như tên bắn. Nó nhảy lên lưng trâu còn thằng kia bám riết đuổi theo. Con trâu nào biết gì đâu nên vẫn nhởn nhơ gặm cỏ. Bị đuổi sát, thằng Mắc Gió móc chiếc quần đùi vừa cướp được lên sừng trâu rồi nhảy xuống quất vào mông trâu. Cuộc đua bất ngờ diễn ra trên đồng nước. Thằng Mắc Gió đuổi con trâu, thằng Thân thì đuổi theo thằng Mắc Gió. Bọn còn lại vừa hò la vừa cười ngặt nghẽo. Cố tình, con trâu được lùa chạy ngang chỗ mấy chị đang cấy lúa, thằng Thân tồng ngồng chay theo thì bỗng nhận ra mấy chị đang đứng lên nhìn. Nó ngồi bệt xuống ruộng nước….

          Mỗi ngày một trò đùa nghịch ngợm, thời gian cứ thế trôi đi. Vậy là đã bước sang năm mới. Cánh đồng nước ngày nào giờ đã gặt xong. Mênh mông đồng trơ gốc rạ. Nước trên đồng cũng cạn dần, mặt ruộng có nơi đã là những vũng bùn sền sệt. Đã hơn nửa tháng giêng âm lịch, đã vào những ngày người dân quê tôi làm lễ cúng tống gió. Thỉnh thoảng trên mặt nước sông quê có những chiếc bè cỏn con kết bằng thân cây chuối nổi bập bềnh. Ai cũng biết rằng đó là những chiếc bè  cúng tống gió. Trên đó, bao giờ cũng có dĩa muối, dĩa gạo và hấp dẫn hơn là con gà luộc. Đây được xem là món quà đặc biệt cho trẻ chăn trâu chúng tôi. Các cụ kể rằng, những đứa trẻ ba đời chăn trâu thì có khả năng ngoắc chiếc bè nầy vào bờ và tất nhiên là xơi luôn những gì trên đó. Bọn tôi nào quan tâm. May mắn thì bè tấp vào bờ sẵn. Nếu không thì bọn tôi cũng bơi ra mà vớt chúng vào. Gọi là bè nhưng chỉ là những khúc thân cây chuối được xiên lại với nhau.

          Nắng tháng giêng gay gắt quá. Lúc những con trâu đang dầm mình dưới vũng bùn sót lại trên đồng cũng là lúc bọn trẻ trâu tìm lùm cây để vào núp nắng. Cái nắng càng về chiều càng nóng. Đang lững thững đi bỗng tôi nghe một tiếng gọi nhỏ:

– Ê, vô đây ăn với tao.

Thì ra là thằng Mắc Gió. Nó đang ngồi chễm chệ trước chiếc bè tống gió trong lùm cây.

– Mày vớt hồi nào vậy?. Tôi hỏi

– Có vớt đâu. Bà ngoại tao vừa cúng xong và bảo tao mang ra sông thả trôi. Thả xuống rồi vớt lên cũng vậy, tao mang vô lùm nầy luôn.

Thế là hai thằng bẻ lá lót chỗ ngồi. Con gà luộc và dĩa muối ở giữa, hai thực khách hai bên. Hai phần ba con gà luộc được tống giam vào bụng thì hai thằng nằm kềnh ra đất. Quá no rồi. Gió chướng mang mùi rạ thổi nhẹ vào lùm cây đưa hai đứa vào giấc ngủ lúc nào không biết. Lúc thằng Mắc Gió lay tôi dậy cũng đã đến lúc lùa trâu về. Vậy là xong một ngày.

          Những đêm không trăng, lúc bản hợp xướng của ếch nhái, côn trùng cất lên trên sân khấu thiên nhiên nhấp nháy ánh đèn đom đóm cũng là lúc thằng Mắc Gió dẫn bọn tôi tìm trò chơi mới: bắt đom đóm làm đèn.Thế là những hũ chao thủy tinh đã ăn hết bị vứt bừa bãi ở góc vườn được chúng tôi rửa sạch để nhốt những con đom đóm. Chúng tôi gọi đó là đèn. Trong suy nghĩ bọn tôi lúc đó, thế giới nầy không loại đèn nào đẹp hơn. Đèn thằng Mắc Gió luôn sáng nhất, lập lòe nhất vì nó bắt được nhiều đom đóm nhất. Cả bọn cầm đèn mà huơ huơ trong không trung tạo thành những vệt sáng ma quái rồi cứ thế mà cười.

          Ánh điện bật sáng đã đưa tôi về thực tại. Mới đó mà đã gần chục năm rồi. Tôi bây giờ là sinh viên năm cuối. Thằng Mắc Gió cũng đã trở thành sĩ quan trong quân đội. Tâm thức đang bần thần giữa ranh giới hiện tại và quá khứ thì điện thoại bỗng reo vang. Cầm máy lên thì trong màn hình hiện ra ba chữ “Thằng Mắc Gió”./.

C.V