Thanh Kim Huệ – ‘nàng Lan’ huyền thoại của cải lương

711

Cố nghệ sĩ Thanh Kim Huệ để lại cho đời giọng ca, cách diễn cải lương độc đáo, nhất là vai nàng Lan bạc mệnh của “Lan và Điệp”.

Tin Thanh Kim Huệ qua đời ở tuổi 67, chiều 23/12, khiến đông đảo nghệ sĩ và người mộ điệu bàng hoàng. Một thời gian dài, nghệ sĩ mắc ung thư nhưng kín tiếng, chỉ chia sẻ với một số đồng nghiệp thân thiết và âm thầm điều trị. Hay tin dữ, nghệ sĩ Minh Vương – đàn anh Thanh Kim Huệ – lặng người: “Vậy là cô Lan đã xa rồi”.

Thập niên 1970, Thanh Kim Huệ làm nên cơn sốt trên thị trường băng đĩa với tuồng Lan và Điệp (soạn giả Loan Thảo). Từ đây, suốt 50 năm làm nghề, tên tuổi Thanh Kim Huệ luôn gắn chặt với Lan – nhân vật huyền thoại của sân khấu cải lương.

Thanh Kim Huệ là trường hợp điển hình của những cô đào nổi tiếng chỉ sau một vai diễn. Cuối những năm 1960, soạn giả Loan Thảo viết tuồng Chuyện tình Lan và Điệp dựa trên phiên bản chuyển thể của Trần Hữu Trang, Lan là vai ông nung nấu nhất tác phẩm. Khi ấy, ông muốn giao cho Lệ Thủy nhưng sau đó đổi ý. Ông tìm một giọng ca mới vào nghề để diễn trọn vẻ ngây thơ, e ấp khi yêu của Lan. Tình cờ, cô bé Bùi Thị Huệ – lúc đó mới 14 tuổi – vừa ký hợp đồng cho hãng đĩa Việt Nam, nơi Loan Thảo đang làm giám đốc kỹ thuật. Trước đó, cô chỉ kinh qua vài dạng vai nô tỳ, đào hạng ba ở đoàn Kim Chung. Sau một lần nghe Bùi Thị Huệ cất giọng, soạn giả quyết định chọn Thanh Kim Huệ thu chính cho băng cùng Chí Tâm – vai Điệp.


Thanh Kim Huệ ở tuổi ngoài 60 vẫn hát sung sức trên sân khấu. 

Lần đầu được giao vai lớn, đứng trong phòng thu, bà toát mồ hôi vì chưa có kinh nghiệm lẫn cảm xúc để nhập vai. Được soạn giả khuyên cứ hát bằng chính sự mộc mạc, ít trau chuốt của mình, bà dần hòa mình vào dòng tâm tình của Lan. Tiếng ca của nghệ sĩ lúc nũng nịu, hờn dỗi, khi xót xa, đau đớn trong đoạn Lan tiễn Điệp lên thành phố, trao cho anh “ba đồng hai”, dặn anh “gõ dây thép về cho má vui”. Thanh Kim Huệ diễn trọn vẻ bối rối lẫn thiết tha của một thiếu nữ miền Tây trước mối tình đầu. Đến đoạn Lan nhận ra Điệp phản bội lời thề, bà hát dốc lòng, giọng vang lên đầy tủi hờn, chua xót. “Đến lời ‘Có vợ rồi nên tử tế với người ta’, nghe đờn kìm vang lên, tôi vỡ òa vì khóc thương cho nhân vật”, nghệ sĩ hồi tưởng trong một lần phỏng vấn vào tháng 3/2020.

Phân cảnh Lan sắp trút hơi thở cuối cùng trên tay Điệp đi vào lịch sử cải lương như một trong những trích đoạn tiêu biểu. Thanh Kim Huệ lấy bao nước mắt của khán giả nhiều thế hệ khi xuống vọng cổ: “Lá bàng ngoài kia cũng ngập ngừng rơi trong gió/ Như nỗi buồn xưa chồng chất giữa tim sầu/… Mái tranh xưa chắc u buồn quạnh quẽ/ Vì người con gái tên Lan không về nữa bao giờ”. Lối hát của bà lúc này không còn nức nở, nghẹn ngào mà thản nhiên, nuốt nỗi đau vào trong, như cách Lan sắp từ giã cõi trần mà tơ lòng chưa dứt.

Ra mắt năm 1974, đĩa nhạc lập tức gây tiếng vang, đưa Thanh Kim Huệ đến đỉnh cao danh vọng. Nghệ sĩ cho biết, một thời gian dài lưu diễn các tỉnh miền Tây, đi đến đâu, bà và Chí Tâm đều được khán giả đề nghị hát lại các trích đoạn, gọi bằng biệt danh “cô Lan”, “anh Điệp”. Thanh Kim Huệ nghiễm nhiên bước vào hàng những giọng ca nữ ăn khách nhất sau năm 1975, các hãng đĩa liên tiếp mời cộng tác. Nghệ sĩ Bạch Tuyết đánh giá trước đó và sau này, không ai diễn vai Lan qua được Thanh Kim Huệ bởi làn hơi dài đặc trưng, chất giọng kim vang, sáng như “xuyên tâm” khán giả. “Cả đời đi hát, tôi thấy chỉ có vài nữ nghệ sĩ có chất giọng ‘lạ’ như thế. Ngoài Mỹ Châu, Lệ Thủy, người thứ ba là Thanh Kim Huệ”, bà nói.

Thành công của Lan và Điệp còn tạo áp lực lên Thanh Kim Huệ. Dù nhiều bầu show ngỏ ý, bà chưa từng nhận lời diễn hay thu lại vai Lan vì sợ không qua được cái bóng chính mình. Đến năm 2019, sau khi được nghệ sĩ Gia Bảo thuyết phục, bà mới diễn tuồng này sau hàng chục năm. Lần đầu đóng Lan trên sân khấu, ở tuổi ngoài 60, giọng bà vẫn vang ngân, có lúc lấn lướt bạn diễn Chí Tâm. Tiếng ca đôi chỗ đã nhuốm màu tuổi tác nhưng được bù đắp bởi kỹ thuật diễn tinh tế trong cách Lan khẽ quay mặt, đôi vai rung lên, nhận ra tấm lòng đã bị cự tuyệt. Sau hơn 40 năm, Thanh Kim Huệ chứng thực thành công ngày nào đến với bà không chỉ vì may mắn, khi liên tiếp những tràng pháo tay của khán giả vang lên suốt đêm diễn đó.

Vai Thị Hến là một minh chứng khác cho tài biến hóa trên sân khấu của Thanh Kim Huệ. Thập niên 1980, bà lần đầu đóng đào lẳng trong tuồng kinh điển Ngao, Sò, Ốc, Hến của đoàn cải lương Sài Gòn 1.

Nghệ sĩ nghiên cứu kỹ tích cổ, tự sáng tạo để thể hiện nhân vật khác biệt với nguyên tác. Vai Thị Hến qua nét diễn hội tụ thanh sắc của Thanh Kim Huệ trở nên giàu sức sống trong điệu bộ chua ngoa, lối quẩy tay, cách đánh hông ngúng nguẩy. Màn quan huyện xử án, Thanh Kim Huệ khoe làn hơi ca cổ đầy nội lực, ngân dài – cho đến nay chưa có nghệ sĩ nào tái hiện được trọn vẹn nhân vật kinh điển này của bà.

Trong nhiều phân đoạn, khán giả tưởng bà diễn ngẫu hứng, kỳ thực đều có tính toán kỹ lưỡng. Cùng hai nhân vật quan huyện (Thanh Điền) và Trùm Sò (Giang Châu), vai Thị Hến trở thành tâm điểm của vở diễn. Mỗi lần đi diễn ở các tỉnh, công chúng thường gọi bà bằng tên Thị Hến thay vì nghệ danh.

Cũng như Lan, Thanh Kim Huệ học cách chấp nhận nỗi đau đời bà. Đầu thập niên 1990, khi cải lương thất thế vì thị trường băng đĩa, ca nhạc lên ngôi, mái ấm của bà và chồng – nghệ sĩ Thanh Điền – nhiều phen lao đao. Lúc đó, đoàn hát Sài Gòn 1 do vợ chồng Thanh Kim Huệ quản lý rơi vào cảnh bấp bênh. Nhiều đêm liền, hàng ghế sân khấu trống trơn, tiền vé không bù nổi tiền công. Bất đắc dĩ, vợ chồng bà bán nhà vì thua lỗ. Sau này, họ mở một tiệm ảnh, gây dựng cuộc sống trở lại để nuôi hai con ăn học.

Cú sốc lớn nhất đời bà là khi con gái đột ngột qua đời sau một lần bạo bệnh. Một thời gian dài, bà ôm nỗi nhớ con vào trong, tìm đến Phật pháp để khuây khỏa. Nghệ sĩ Bạch Tuyết – đàn chị thân thiết với bà – nói khi ấy đến thăm, bà cảm nhận nghệ sĩ gắng gượng, can đảm để sống tiếp với nỗi đau tột độ. “Huệ bảo, mình đau đớn nhưng có người còn khổ hơn mình, đời người ai mà không qua sinh lão bệnh tử, có đến thì sẽ có đi thôi”, bà nói.


Thanh Kim Huệ trong trích đoạn cuối của tuồng “Lan và Điệp”. 

Những năm cuối đời, âm thầm chịu đựng bệnh tật, Thanh Kim Huệ sẵn lòng nhận lời biểu diễn khi được mời vì nhớ khán giả. Hồi tháng 5, quay cho chương trình Dấu ấn huyền thoại, bà vẫn khoe giọng hát khỏe, lối ca ngọt ngào. Theo anh Song Minh – một người quen của gia đình, suốt buổi quay ở phim trường, bà ngất xỉu bảy lần vì sức khỏe xuống dốc. Lúc nhập viện điều trị, bà vẫn hát “chay” trọn bản vọng cổ, gửi lời cảm ơn y – bác sĩ ở tuyến đầu.

Tin Thanh Kim Huệ qua đời làm chùng lòng nhiều khán giả trong chiều cuối năm. Trên mạng xã hội, nhiều người đăng lại các bản tân cổ gắn liền tên tuổi bà, như Tiếng chày trên sóc Bom Bo, Cô gái tưới đậu, Chợ Mới…, tưởng niệm giọng ca gạo cội của cải lương miền Nam. “Thanh Kim Huệ qua đời khi đang chờ xét danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân, nhưng với đông đảo người mộ điệu, từ lâu bà đã là giọng ca gắn liền ký ức tuổi thơ – người nghệ sĩ của nhân dân”, khán giả Tuấn Nguyên nói.

Theo Mai Nhật/VNE