Thanh niên ba nước Đông Dương cùng đồng lòng “ươm mầm” hữu nghị

729

(Vanchuongphuongnam.vn) – Ngày 1/11 vừa qua, tại Bảo tàng Áo dài Việt Nam (TP.HCM), đã diễn ra chương trình Giao lưu “Ươm mầm hữu nghị” với sự tham gia của gần 300 học sinh – sinh viên ba nước Đông Dương. Đây là sự kiện có ý nghĩa đặc biệt, không chỉ thắt chặt tình đoàn kết, hữu nghị truyền thống lâu đời của ba dân tộc mà còn tạo điều kiện giao lưu, kết nối cho các bạn trẻ.


Gần 300 quan khách và bạn trẻ 03 nước cùng tụ họp tại Chương trình giao lưu “Ươm mầm hữu nghị”.

Chương trình do TW Hội Hữu nghị Việt Nam – Campuchia, Hội Hữu nghị Việt Nam – Lào TP. Hồ Chí Minh phối hợp với Công ty Dấu Ấn Việt Nam, Bảo tàng Áo Dài Việt Nam cùng Tỉnh Đoàn Bình Phước tổ chức. Mục đích của chương trình nhằm hướng đến kỷ niệm 67 năm Ngày quốc khánh Vương quốc Campuchia (09/11/1953 – 09/11/2020), kỷ niệm 45 năm Ngày quốc khánh nước CHDCND Lào (02/12/1975 – 02/12/2020), hưởng ứng Lễ hội Áo Dài TP. Hồ Chí Minh năm 2020.

Người trẻ ba nước tỏa sáng các sắc màu trang phục dân tộc của mỗi quốc gia.

Trong khuôn khổ của buổi giao lưu, hoạt động “Ươm mầm hữu nghị” trong 02 năm 2019 – 2020 đã được tổng kết với nhiều kết quả khả quan. Hoạt động này được Hội Hữu nghị Việt Nam – Campuchia triển khai từ năm 2012 và được lãnh đạo cấp cao 02 nước hoan nghênh, ủng hộ. Tính đến nay, tại Hà Nội có 300 em học sinh, sinh viên Campuchia được Hội đỡ đầu, tại TP. Hồ Chí Minh có 132 em.


Vũ điệu flash mob “Việt Nam I love” đầy khí thế sôi động của các bạn trẻ Bình Phước đã làm không khí của buổi giao lưu nóng lên.

Các sinh viên Campuchia tạo nhiều ấn tượng với quan khách khi cùng múa hát và thể hiện văn hóa truyền thống.


Tiết mục biểu diễn đầy đặc trưng văn hóa của các sinh viên Lào nhận được những tràng vỗ tay không ngớt từ các khán giả.

Thông qua hoạt động, các sinh viên Campuchia tại Hà Nội hoặc TP. HCM được cha mẹ nuôi là người Việt Nam đỡ đầu, hỗ trợ về cả vật chất lẫn tinh thần; trong đó, hàng tuần, các sinh viên Campuchia sẽ được các gia đình nuôi đón về nhà để cùng sinh hoạt trong không khí ấm cúng, học hỏi về văn hóa Việt Nam và có nhiều trải nghiệm thực tế sinh động khác.

Tại Chương trình giao lưu, 17 sinh viên Campuchia đã nhận gia đình nuôi của mình, nâng tổng số sinh viên Campuchia tại TP. HCM được đỡ đầu lên 149 sinh viên. Sau khi được mẹ nuôi tiếp nhận tại buổi giao lưu, nữ sinh viên Pheng Sothida quê ở thủ đô Phnôm Pênh, Campuchia hào hứng chia sẻ: “Em rất vui mừng khi có một gia đình thứ hai tại Việt Nam. Em sẽ mang những kỷ niệm đẹp với gia đình nuôi trong những tháng ngày tới về Campuchia sau khi tốt nghiệp Đại học.”

Mẹ nuôi của Pheng Sothida – cô Huỳnh Thị Gấm – giảng viên Khoa Tư tưởng Hồ Chí Minh, Học viện Chính trị khu vực II – TP. HCM tươi cười cho biết đây là lần thứ hai gia đình cô nhận sinh viên Campuchia làm con nuôi. Lần đầu tiên đã diễn ra hơn chục năm trước. Cô con nuôi trước đây – học trò cũ của chồng cô khi dạy ở Kiên Giang đã về Campuchia, thường xuyên giữ liên lạc với cô và mong có dịp về thăm lại gia đình nuôi.
Phát biểu tại buổi giao lưu, ông Than VuThy, Lãnh sự, Tổng lãnh sự quán vương quốc Campuchia tại TP. HCM và ông Vănxay Xay Sếna – Phó Tổng lãnh sự nước CHDCND Lào tại TP. HCM nhấn mạnh “Ươm mầm hữu nghị” là hoạt động có ý nghĩa nhân văn và tính giáo dục cao, là nhịp cầu hữu nghị lâu dài từ thế hệ này qua thế hệ khác giữa 02 dân tộc Việt Nam – Campuchia.

Cũng tại sự kiện lần này, hàng chục bạn trẻ ba nước đã cùng biểu diễn các tiết mục văn nghệ đậm bản sắc văn hóa của mỗi quốc gia trên bán đảo Đông Dương và thể hiện tinh thần hữu nghị quốc tế Việt Nam – Lào – Campuchia. Ngoài ra, các bạn trẻ ba nước đã cùng tham quan Bảo tàng Áo Dài Việt Nam nằm trong khuôn viên rộng đến 20 nghìn m2 – ra đời từ ý tưởng và sự công phu kiến tạo của hoạ sỹ, nhà thiết kế Sỹ Hoàng trong suốt hơn 10 năm – nơi tái hiện lại khung cảnh miền quê Việt Nam với nhà trưng bày lịch sử áo dài qua các thời kỳ, khu trưng bày di sản văn hóa,  nhà cổ Kim Đồng, nhà trưng bày gốm bàu Trúc, khu miệt vườn, hồ cá Koi, hồ Chân lạc, Vọng Nguyệt lầu…

Theo Tiến sĩ Lê Hồng Liêm, Phó Chủ tịch TW Hội Hữu nghị Việt Nam – Campuchia, Chương trình giao lưu đã góp phần tăng cường tình đoàn kết, hữu nghị giữa nhân dân Việt Nam – Lào – Campuchia, tạo cơ hội để thanh niên 03 nước tìm hiểu về đất nước, con người và lịch sử mối quan hệ tốt đẹp, về, từ đó tiếp tục phát huy, gìn giữ bản sắc văn hóa  dân tộc, cùng nhau vun đắp tình đoàn kết hữu nghị giữa 03 quốc gia.

Nhiều bạn trẻ TP. HCM và Bình Phước đã khoác trên mình tà áo dài Việt khi tham dự Chương trình, qua đó tôn vinh vẻ đẹp của áo dài, góp phần quảng bá các giá trị truyền thống của trang phục dân tộc Việt Nam đến sinh viên Lào và Campuchia. Mặc áo dài có họa tiết hoa sen trên thân áo, đưa 30 bạn trẻ Bình Phước đến dự sự kiện này, Bí thư Tỉnh Đoàn Bình Phước Trần Quốc Duy cảm thấy rất đỗi tự hào và tận dụng mọi cơ hội để giới thiệu về áo dài – biểu tượng văn hóa của dân tộc Việt Nam đến bạn bè quốc tế.
Nam sinh viên Beby Manyvanh, Trường Dự bị Đại học TP. HCM (sinh ra và lớn lên ở tỉnh Sê Kông, Lào) nhoẻn miệng nói rằng anh cực kỳ thích tà áo dài Việt của nam giới và chưa có dịp được mặc thử. Anh cảm thấy rất hào hứng với những hoạt động giao lưu hôm nay.

Hớn hở khi khoe rằng mình từng tham gia Lễ hội Áo Dài TP. HCM 2020, nữ sinh viên Van Bopha (quê ở Phnôm Pênh, Campuchia) cho biết bản thân là một fan cuồng của áo dài Việt Nam. Cô đã tự may những chiếc áo dài xinh xắn để diện vào những dịp lễ hội tại Việt Nam. Với cô, buổi giao lưu hôm nay là cơ hội kết nối để biết thêm nhiều bạn mới, học thêm nhiều nét văn hóa độc đáo của ba nước.

Bên cạnh đó, các bạn trẻ Lào và Campuchia đã đua nhau khoác trang phục truyền thống của đất nước mình với tinh thần tự hào dân tộc. Dịp này, sân chơi ẩm thực và giao lưu văn nghệ ngoài trời đã được tổ chức, mang lại nhiều cơ hội cho hàng trăm bạn trẻ thưởng thức những món ăn phong phú của Việt Nam và cất cao tiếng hát, hòa cùng các vũ khúc thắm tình hữu nghị quốc tế. Đồng thời, tại buổi giao lưu, Ban tổ chức chương trình đã kêu gọi các đoàn đại biểu đóng góp ủng hộ đồng bào miền Trung chịu thiệt hại lũ lụt.

Thắng Trân