“Thành phố đã cho ta tình yêu”

1055

Triệu Phong

(Vanchuongphuongnam.vn) – 40 năm sau. Cậu Măng sớm ra đi nhưng thành phố, tuổi trẻ vẫn hát bao bài ca cậu sáng tác. Như cậu vẫn còn đây trên mỗi vòm me, mỗi con đường, mỗi bờ rạch dòng kênh, mỗi ngọn gió bay về tự Cà Mau…

Nhạc sĩ Thanh Trúc

Thuở nhỏ trong khu văn công Cầu Giấy, có hai người tôi gọi là cậu (Vì đều quê ở miền Nam tập kết, thiếu hơi ấm gia đình, nên mẹ tôi nhận các cậu là em nuôi).

Hai cậu đều quê ở Cà Mau, mảnh đất chót cùng Tổ quốc mà ngày ấy với miền Bắc là thiêng liêng và xa mờ lắm (Thơ Xuân Diệu: Tổ quốc tôi như một con tàu/ Mũi tàu ta đó mũi Cà mau). Thuở nhỏ các cậu đi làm liên lạc, lớn lên chút ít được đưa đi tập kết, được đưa về đoàn ca múa TW học đàn và biên chế làm diễn viên kéo đàn violon của đoàn. Cậu Chánh Trực to cao, nhưng tính tình mềm mại, ngọt ngào, cậu Lâm Quang Măng người nhỏ hơn, nhưng nhiệt tình, sôi nổi. Cậu Măng lên đường trở về quê hương chiến đấu từ rất sớm, vào đầu những năm 60, họạt động trong đoàn văn công giải phóng, viết được nhiều bài hát hay như Câu hát bông sen, Người lính già vui vẻ… Sau ngày giải phóng, cậu là đoàn trưởng đoàn ca nhạc nhẹ Tháng Tám nổi tiếng, và cậu tiếp tục có nhiều bài hát hay khác như Thành phố tình yêu, Vì đâu em chết, Ngày mai anh lên đường, Ký ức Cachiusa… Còn cậu Chánh Trực tiếp tục được đưa đi đào tạo ở nước ngoài, sau giải phóng làm đoàn phó đoàn Bông sen và Đoàn trưởng đoàn ca nhạc nhẹ TPHCM, cùng đoàn Tháng Tám của cậu Măng (Lúc này gọi là nhạc sỹ Thanh Trúc – nôm na là Măng đã mọc thành Trúc) là hai đoàn nhạc nhẹ xuất sắc và tiêu biểu nhất của TPHCM..

Nhớ những chiều khu văn công Cầu Giấy, mẹ nấu cơm và hai cậu cùng mình xúm xít quanh mâm cơm. Chuyện các cậu thật sôi nổi, chuyện quê hương, chuyện nghệ thuật, lại còn cãi nhau tại sao con cá lóc mà ở ngoai này mẹ lại gọi là con cá quả… Rồi khi hoàng hôn xuống, cậu Chánh Trực thường sang đoàn cải lương Nam bộ thăm cô Lê Thiện, còn cậu Măng xách vợt đi đánh bóng bàn, mà nếu không tìm được ai chơi bóng, thì lại giở đàn violon réo rắt những giai điệu quê hương. Ngày ấy tôi nhớ cậu hay kéo bài “Gửi Cà Mau”

Nơi quê hương tôi xa xôi Cà Mau

Nghe tiếng quê hương ngồi nhớ năm nào

Tôi thuộc từng đường đi góc phố

Từng bờ kênh xóm nhỏ những dòng sông

Nơi đây quanh năm không qua mùa đông

Nói thật ngày ấy nghe bác Quốc Hương hát bài này, trái tim thơ trẻ của tôi đã nhói lên vì cảm động. Nhưng khi nghe tiếng đàn cậu Măng, không hiểu sao tôi lại muốn khóc. Thấy thương cậu quá…

Mẹ tôi nghe tiếng đàn cậu trong những hoàng hôn nhớ nhà ấy, cũng rơm rớm nước mắt bảo: “Thằng này tâm hồn lắm, nó sẽ là một nhạc sĩ sáng tác tương lai…”.

Rồi suốt cuộc đời, tôi sẽ nhớ mãi tiếng đàn và giai điệu ngọt ngào của bài hát ”Gửi Cà Mau” của cậu Măng… Hôm cậu lên đường về Nam, vì bí mật nên rất lặng lẽ, chẳng một ai hay. Thế mà không hiểu sao mẹ tôi lại biết, cứ chạy theo tiễn đưa cậu, nước mắt cố nén mà cứ trào ra…

*

Những ngày ở chiến trường miền Nam của nhạc sỹ Thanh Trúc qua lá thư từ R của nhạc sỹ gửi nhà thơ Bảo định Giang:

“Chú Bảy kính mến. Anh Thắm đã đọc được thư của chú gửi anh ấy cho cháu và bạn bè nghe. Qua những câu chuyện về chú, các bạn và các em trong Đoàn Văn công Giải Phóng như thấy đã quen biết chú từ hồi nào rồi, nhất là chú đòi làm hậu đài cho Đoàn… lại càng thấy chú là một đồng chí già Nam bộ sâu đậm nghĩa tình, thông cảm và yêu mến một lớp người đàn, súng ngang vai trong cuộc kháng chiến kì diệu này. Chú đã trải qua rồi những buồn vui những cực khổ, gian lao cho nên chú hiểu và quý trọng họ. Anh chị em của cháu tuy chưa biết mặt chú, mỗi người hình dung một khác nhưng đều có một ấn tượng chung là chú Bảy phúc hậu, giàu xúc cảm, chịu chơi. Họ trân trọng cái yêu mến và quý trọng của chú. Một đồng chí lãnh đạo có nhiều mồ hôi và nước mắt với Văn nghệ miền Nam giải phóng. Cháu cũng thấy tự hào là một đứa cháu nhỏ của chú và vô cùng biết ơn về sự quan tâm của chú đối với cháu và N. mặc dù chú nhiều công việc. Có người nói: Chú Bảy của chúng ta là cái gạch nối giữa hậu phương tiền tuyến, là con chim nhạn của nhiều cuộc đời, còn cháu thì: trên con đường đi về với những trái tim chú Bảy là chiếc xuồng tình dọc ngang đi qua dòng sông chia cắt. Cháu hy vọng nhiều người như cháu sẽ có dịp nào đó đón chú Bảy vô đây, tại nơi mà chín năm chú đã từng cắt rừng, từng đói cơm đói muối, tình nghĩa treo trên cây… đãi chú những bữa cơm rừng vui vẻ, giăng võng dưới những chiếc tăng nylon dã chiến đêm lồng lộng ánh trăng. Đưa chú tới những nơi mà Đoàn Văn công mang nhiều sự tích này đã làm chỗ tập, chỗ ở… Chú sẽ xem những cây đàn: Xuồng, đàn hồ, đàn độc huyền mới tự làm ra, xem cái nhà bếp mà tổ nhạc mới làm xong hôm qua và cuối cùng sẽ đãi chú bằng những đêm biểu diễn hào hùng trên sân khấu đất, tự nhiên dưới rừng cây huyền ảo. Nghèo, thiếu về trang bị vật chất, non nớt về tài năng, đơn sơ về tổ chức. Chú có thể bị tắt đèn rất nhiều lần khi đang ngồi xếp bằng dưới đất xem, nhưng Đảng, Cách mạng, nhân dân và quê hương đánh Mỹ thắng Mỹ đã vun đắp chăm sóc cho chúng cháu. Nói riêng một vườn hoa nghệ thuật thật đáng kiêu hãnh và tự hào. Ngoài số anh em của A nay đã quen thuộc, còn đa số là anh chị em từ chân đất, tay chai bước lên “Thánh đường tôn nghiêm” cầm đàn múa hát. Chú sẽ xem khoảng năm đêm liền tiết mục khác nhau có các môn tổng hợp và xung kích. Nói về cái gì của mình sao cháu cứ muốn nói hoài bởi vì có chuyện để nói hoài, nói không hết cái muốn nói chú Bảy ơi! Có lúc anh chị em ước ao một ngày nào đó sẽ được ra ngoài ấy với các chú các anh với bà con hậu phương để thăm hỏi và kể chuyện nhau nghe. Ăn cơm nước muối quậy bột ngọt, hái lá trâm sắn chấm mà bàn chuyện đi dạo hồ Gươm, nhai nuốt cũng thấy ngon chú à. Cháu đã viết xong mấy bài hát, vừa rồi có nhờ anh Sáu Lăng gửi ra và một ca cảnh “Giải phóng vùng ven” khoảng 30 phút. Chú Tư Siêng bảo thu Đài gửi ra và chép tông phổ gửi nữa. Vừa rồi mang qua thường vụ biểu diễn đã được các chú các anh yêu mến và hoan nghênh. Giúp ý kiến chỉ bảo cho các cháu rất nhiều. Chú Sáu Bằng, chú Ba Kiến… có cả chú Ba Thọ coi và khen đoàn lắm. Chúng cháu hân hoan vô cùng, mặc dầu đường sá cực khổ có nề chi. Hôm qua đây cháu vừa viết và đã dựng xong một tốp ca nam châm biếm “bù nhìn mạt vận” để nện vào mặt mấy thằng tay sai trước khi nó chịu ngồi vào bàn hội nghị. Tổ trực chiến của Tiểu Ban thưởng cho cháu một gói trà cháu thấy vững dạ và hồ hởi, chú Tư Siêng và các anh ở đây có những chỉ bảo và hài lòng về công việc của cháu. Cháu sẽ nỗ lực hơn, nếu cần những đêm trăng để làm giai điệu cháu sẽ có đủ sức, tuy sức khỏe của cháu không khá lắm. Chúng cháu trong này rất muốn biết tin về sức khỏe của chú Lành. Có một lần ở trong thư chú Bảy có nói tới sự quan tâm của chú. Cháu vô cùng xúc động và biết ơn. Cháu gửi lời kính thăm chú Lành và thím” Cháu T.T

“Chú Bảy giang kính mến. Cháu đã nhận được thư của H. nhờ chú chuyển (thư viết đêm trước khi H. lên đường) cháu cũng đã nhận được tấm ảnh do chú chụp gửi cho cháu. Cháu xin thay mặt “tình yêu” biết ơn chú. Cháu vừa đi công tác về Đông Xuân 66-67, nghỉ có hai ngày là lao vào công tác mới. Tuy thỉnh thoảng khớp xương có hành nhưng không sao cháu vẫn đi trọn vẹn các đợt. Bây giờ đã quen lắm rồi. Cháu đã về Bình Tân, Nhà Bè, “với tay là tưởng chừng như có thẻ dỡ ngói trên nóc nhà Chợ Lớn được”, vào các ấp chiến lược, diễn gần bót từ 150 đến 300 mét. Vào làng Dầu Tiếng diễn cách chốt Mỹ 700 mét thôi; cũng đã bị con vét ở địa đạo Củ Chi đất thép cắn sần mình, đầu đội pháo cực nhanh và B.52 của Mỹ, vậy mà chẳng hề hấn gì hết. Cháu cũng đi với Giải phóng quân trọn một mùa Đông Xuân 66-67, theo từng bước của trận càn “Giăng-xơn xi-ty”. Phương thức hoạt động chiến trường này hoàn toàn phù hợp với nguyện vọng và năng lực của cháu. Bây giờ “cháu trai” của chú cũng tham gia múa mà múa được mấy bà má thưởng tiền nữa, hát trong tốp ca dân tộc, đóng ca cải lương – vai Bảy Lỳ trong vở Đất của anh Nguyễn Vũ. Ngoài ra cháu cũng tranh thủ sáng tác ca khúc và viết ký sự. Những bài viết của cháu đều được phục vụ ở đây. Tuy khả năng bị hạn chế  – vì chú xem suốt thời gian mười mấy năm ở ngoài kia cháu có được ngồi học ở trường ngày nào đâu. Chỉ được hưởng thụ cái lớn lên của phong trào thôi nên về đây gặp một số khó khăn về kỹ thuật. Nhưng tuyệt nhiên về mặt khác không gặp trở ngại gì, cháu đã khắc phục cái nhược ấy bằng sự nhiệt tình và sự hăng say xốc tới, dám nghĩ dám làm “một cái trường học mà không còn bao lâu nữa mãn khóa, không bao giờ mở lại nữa”. Cháu đang được đào luyện trong cái nhà trường ấy đấy chú Bảy kính mến. Nhớ hoài hình ảnh chú bệnh hoạn, phúc hậu, lo cho mọi người… Các chú, các anh và các cháu ngồi lại “U.T.Q” bến bờ suối nhắc chú luôn. Đời sống chiến đấu ở đây khổ nhưng mê lắm chú Bảy ơi, cháu chẳng bao giờ đổi một cuộc sống khác đâu. Nhớ Hà Nội da diết. Nhớ bạn bè và nhớ những người thân. H. nó nói rằng: “Chú Bảy lo lắng cho chúng ta, anh chớ bao giờ làm phụ lòng chú Bảy”. Cháu sẽ cố gắng. Nếu tính từ 15 tháng 12 năm 1964 đến 15 tháng 12 năm 1967 tuổi quân của cháu vừa đủ nhận huân chương quyết thắng rồi. Mới đó mà mau quá chủ Bảy ạ. Cháu đã nhận được thư ba má và gặp những người quen. Anh Phan Miêng đã đi I.3. Xong đợt công tác đặc biệt này chúng cháu lại đi vào đợt công tác của thời kỳ “đáng ghi nhớ”. Mong được thư của chú Bảy, hôn chú Bảy và các em. Cháu T.T (tức Lâm Quang Măng) Hòm thư 2613XB12 TB: Chú Bảy cho cháu kính lời thăm chú Lành và thím. Cháu Măng rất nhớ chú và đang học chú làm thơ. Không còn bao lâu nữa cháu sẽ mời chú về rừng đước Cà Mau thân yêu của cháu”.

*

Sau giải phóng ít năm, tôi chuyển vào Sài gòn. Có một lần đi qua Nhà hát TP, thấy tấm pano giới thiệu chương trình biểu diễn của đoàn ca nhạc nhẹ Tháng Tám, có ghi chỉ đạo nghệ thuật là nhạc sỹ Thanh Trúc. Nghĩ có lẽ đây là cậu Lâm Quang Măng năm xưa – trước đây tôi có nghe mang máng như thế, nên quyết mua vé vào để xem hư thực thế nào…

Vừa bước vào Nhà hát, thấy ngay ở lối cửa ra vào một người trung niên tầm 40 tuổi, áo đại cán 4 túi, đầu chải rất mượt mà, khuôn mặt rất giống cậu Măng ngày ấy, mới tiến tới rụt rè hỏi: ”Thưa… cậu Măng có phải không ạ”. Ông nhìn tôi một lúc, rồi đưa hai tay ôm chầm lấy tôi: “Trời, thằng Hoài, con chị Tân Nhân phải không? Cậu Măng đây, cậu Măng đây cháu! Hồi cậu đi B cháu còn bé xíu, có hàm răng hô hô (Nghĩa là vẩu vẩu. Răng tôi hồi nhỏ vẩu thật). Rồi năm 73 cậu từ R ra để đi biểu diễn nước ngoài, tới thăm mẹ thì nghe mẹ cháu nói cháu đang ở mặt trận…”. Tôi rất xúc động vì cậu vẫn còn nhớ tôi, nói không sai một chi tiết nào, và vòng tay cậu rất thân tình, ấm áp… Một lát cậu bảo: ”Cháu vào xem đi. Rồi sau buổi diễn nhớ chờ cậu ở đây cậu cháu mình đi ăn đêm nhé”…

Cánh màn nhung mở ra, tiếng đàn tiếng hát sôi động. Những Cẩm Vân, Lo bo Quốc, Lâm Xuân, Thanh Long, Quang Lý, Kim Thanh, Khắc Triệu… Nhưng sao trước mắt tôi chỉ hiện lên gương mặt cậu Măng năm xưa. Đã bao năm tháng. Kể từ ngày ở ca múa TW khu Cầu Giấy, đến lúc cậu đi chiến trường, tay đàn tay súng, cùng những nghệ sĩ Nam bộ, cùng những nghệ sĩ gạo cội miền Bắc tăng cường như biên đạo múa Thái Ly, và những chàng trai cô gái Hà nội như Trần Mùi, Tô Lan Phương, Việt Cường, Minh Nguyệt, Thúy Hợi, Diệu Hùng, Duy Nãi, Thanh Đính… trong Đoàn văn công giải phóng lấy chiến hào làm sân khấu, lấy những kênh rạch cho những câu hò tiếng hát bay xa, lấy người chiến sĩ và bà con cô bác quê hương làm lời ca tiếng hát của mình.

Lại nhớ lời tiên đoán của mẹ tôi năm xưa về cậu Măng: “Thằng này tâm hồn lắm, nó sẽ là một nhạc sĩ sáng tác tương lai”. Quả đúng như thế. Chiến trường đã giúp cậu trở nên một nhạc sĩ sáng tác, bên cây đàn violon cố hữu đã biết sàng sê những câu vọng cổ, còn là những bài ca cậu viết cho đoàn biểu diễn, cho bà con nghe qua làn sóng phát thanh, những bài ca cậu viết trong lửa đạn, những bài ca của người nhạc sĩ miền Nam quê Cà Mau tên là Thanh Trúc, khi măng đã mọc thành trúc trong lửa đạn chiến trường…

*

40 năm sau. Cậu Măng sớm ra đi, nhưng thành phố, tuổi trẻ vẫn hát bao bài ca cậu sáng tác. Như cậu vẫn còn đây trên mỗi vòm me, mỗi con đường, mỗi bờ rạch dòng kênh, mỗi ngọn gió bay về tự Cà Mau…

Rồi có một lần, tôi bật tivi kênh QPVN, bất chợt gặp lại cậu trong màn hát:” Ngày mai anh Lên đường”( Mà cùng với cậu, là nhà thơ Lê Giang, vợ nhạc sỹ Lư Nhất Vũ tác giả của ”Hãy yên lòng mẹ ơi và là mẹ vợ nhà thơ Cao Xuân Sơn bạn tôi. Nhà thơ Lê Giang là tác giả phần lời bài hát này).

“Câu Măng”, tôi thốt lên. Sao người ca sỹ (Giáp Thịnh) ấy giống cậu Măng tôi ngày ấy đến thế. Cũng bộ quân phục còn thơm mùi hồ, chiếc mũ tai bèo mềm mại, cũng cái miệng tươi tắn với hàm răng có phần hơi khấp khểnh, và đặc biệt là tâm hồn, là tiếng hát: ”Ngày mai anh lên đường/ Ngày mai anh ra chiến trường/ Để lại em yêu dấu có khoảng trời rừng núi/ Lung linh ngàn vì sao sáng trên đường hành quân diệt thù” Tôi nhớ buổi ấy cậu còn đi với một người thiếu nữ nữa, cũng tươi tắn như người ca sỹ (Hoài Phương) đang hát với Giáp Thịnh, từ nơi tập trung Hòa Bình cùng về chào mẹ tôi ngày mai đi chiến trường…Mẹ tôi khóc nhiều lắm vì thương cậu đi vào nơi lửa đạn. Nhưng cũng yên tâm vì bên cậu có một người thiếu nữ cùng ra đi. Trái tim cậu không đơn côi, dù là trên con đường ra trận…

Câu Măng. 42 năm, tôi lại được gặp lại người cậu Cà Mau thân yêu của mình. Thật ra đã nhiều lần, tôi được nghe nhiều ca sĩ hát bài hát này của cậu, nhưng đôi song ca này làm tôi yêu thích đặc biệt vì lý do trên. Cảm ơn Giáp Thịnh – người học trò xuất sắc của nghệ sỹ Lê Gia Hội, em hát xúc cảm lắm, cùng ca sĩ Hoài Phương… các em đã làm tôi càng thêm nhớ, thêm yêu người cậu Cà Mau – Nhạc sỹ Thanh Trúc – Lâm quang Măng – dù bao năm tháng đã trôi qua… Tôi lại càng thêm nhớ lời Đạo diễn, NSND Đình Quang: ”Mọi thứ trên đời rồi đều băng hoại, chỉ văn học nghệ thuật là vĩnh cửu mà thôi…”

T.P