Thành phố mùa xuân – Tùy bút của Diễm Thi

663

(Vanchuongphuongnam.vn) – Anh hẹn và chờ Phượng tại bến Ninh Kiều, Tây Đô dập dìu du khách và tài tử giai nhân, tấp nập thuyền ghe, ngày đêm chói lọi ánh hoa đăng như một đất nước bốn mùa xuân: “Bến xa lớp lớp đò chiều/ Đêm về mở hội Ninh Kiều đèn hoa/ Tiếng đàn quyện ấm lời ca/ Hôm nào thành phố không là hội xuân”.

 

Tây Đô, ngày…tháng…năm 2020 

Phượng,

Khi em đọc thư này, chúng mình đã ở cách xa nhau muôn dặm trùng dương. Phượng đừng hờn anh đã chối từ không rời bỏ quê hương để cùng em ra sống chung nơi hải ngoại. Anh nghĩ nỗi cách trở quan san trong đời sẽ làm tình yêu nồng mặn và những khoảnh khắc nhớ nhung kẻ đầu sông cuối sông sẽ có cơ hội giúp ta thêm cảm thông, yêu thương nhau nồng đậm hơn.

Phượng hiểu cho anh, từ khi cấp sách đến trường, dù không sinh ra tại thành phố miền Tây sông nước, nhưng anh đã đến gắn bó, lưu luyến và yêu tha thiết mảnh đất cầm thi màu mỡ này trước khi yêu em: Cần Thơ gạo trắng nước trong/ Ai đi đến đó, lòng không muốn về.

Với Cần Thơ, một thành phố đang vời vợi lên xuân, anh có cả một không gian kỷ niệm tuổi thơ buồn vui trong thẳm sâu ký ức khiến anh không chút nào muốn rời xa nó. Những ngôi trường xưa còn đẫm hương sách vở từng in bóng những danh sĩ yêu nước Lưu Hữu Phước, Sơn Nam… là dấu ấn vàng son không bao giờ phôi pha trong ký ức của một thời anh cấp sách đến trường. Từng góc hẻm nhỏ hẹp tồi tàn đến khu phố lộng lẫy xa hoa, dường như đâu đâu cũng mang dấu chân anh dãi dầu qua bốn mùa sương nắng: Cần Thơ đường hồng hay đường xanh/ Bao nhiêu năm in dấu chân anh/ Tư mùa cuối phố hay đầu ngõ/ Mưa gió đi về cũng gọi tên. Ngày mới vừa từ quê ra tỉnh học, anh đã sống và quyến luyến ngay từ đầu với xóm Vú Sữa nghèo xơ xác nằm cặp bờ sông Cái Khế hiền hòa đã mang đến cho anh nhiều huyền sử thú vị. Nơi con hẻm nhỏ quanh co bò qua khu xóm um tùm lau sậy này, anh may mắn gặp được văn sĩ Nhất Tâm quê ở Cái Răng, một cây bút có thiên lương đã cam chịu sống trong hoàn cảnh không may để theo đuổi nghề văn mà Nhất Tâm coi là thanh cao cũng như anh đã chọn theo nghề gõ đầu trẻ và cầm bút cọ của mình ngay từ những ngày thơ ấu.

Anh tiếp thu được ở Nhất Tâm bài học quý giá về ý chí vươn lên từ hoàn cảnh nghiệt ngã, lòng yêu văn chương tiếng mẹ cùng bài học làm người, hứa hẹn để anh làm hành trang đời mình. Gốc ở Cái Răng, từ thuở bé, Nhất Tâm đã yếu chân, đi đứng khập khễnh, trong nhà phải lần vách. Ra khỏi nhà đi đâu xa, Nhất Tâm phải được người dìu anh. Đã vậy, tai Nhất Tâm bẩm sinh rất khó nghe. Thế mà, dù không có điều kiện đến trường lớp, Nhất Tâm vẫn tự học tiếng Việt, tiếng Pháp, và tiếng Hán về sau đã trở thành học giả, nhà văn. Phượng còn nhớ, trong lần về nước khi em và anh đến thăm Nhất Tâm, nhà văn đã dùng bút đàm để trao đổi với chúng mình. Dù là khuyết tật, với lạ quen hay khách, Nhất Tâm vẫn vui vẻ, không hề tỏ ra mặc cảm trong khi trò chuyện. Ngày ngày, chị Nhất Tâm như một điệp khúc, thức sớm từ giữa khuya ra bến Ninh Kiều, bán từng hủ tương, keo chao kiếm tiền hỗ trợ tiếp chồng nuôi các con ăn học. Gan góc vượt lên khỏi cảnh nghiệt ngã túng nghèo bằng ý chí, Nhất Tâm đã âm thầm sáng tác hơn 15 bộ sách biên khảo giá trị và nhiều bộ từ điển danh nhân, lịch sử, ấn hành bởi các nhà xuất bản uy tín tại trung ương. Hỗ trợ chồng, chị Nhất Tâm là tấm gương thật đáng kính trọng không khác nào vợ giáo sư-nhà văn – nhà báo Hồ Hữu Tường cũng ở Cái Răng. Cả hai người đàn bà đã chắt chiu bán từng trái chanh trái ớt, lá trầu cọng rau để nuôi chồng làm văn nghệ. Nhắc đến Cái Răng, anh cảm thấy lòng bồi hồi nhớ lại nhiều kỷ niệm ngọc ngà khi anh từ giã đất Cờ Đỏ xa xôi chuyển về dạy học tại thị trấn chợ nổi sầm uất này.

Trong cuộc đời cầm phấn, định mệnh đã khiến anh trôi giạt đến những ngôi trường heo hút nơi vùng nước đục đồng chua khỉ ho cò gáy như Long Mỹ, Vị Thanh, Cờ Đỏ… đến các tỉnh lẻ xa xôi như Bạc Liêu, Trà Vinh… trước khi về lại đất cầm thi. Nhưng về thị trấn Chợ Nổi miền Tây, ngôi trường Trung học Cái Răng yêu thương là nơi cho anh nhiều kỷ niệm êm đềm quý giá, đến nay còn mãi lắng sâu trong ký ức. Ngoài tư cách giáo viên tổ trưởng bộ môn Văn học, là khối trưởng, giáo viên hướng dẫn lớp (giáo viên chủ nhiệm), anh còn nhiệm vụ phụ trách ban Báo chí – Văn nghệ nhà trường. Trong ba năm liền trước ngày thống nhất đất nước, với vai trò biên tập và trình bày mỹ thuật, anh đã thực hiện hoàn chỉnh ba tờ Giai phẩm Xuân “Nắng Mới” với ba chủ đề ý nghĩa – các nhà thơ yêu nước Việt Nam thời kháng Pháp: Nguyễn Đình Chiểu, Phan Văn Trị và Bùi Hữu Nghĩa, Lê Vĩnh Hòa với sự trợ giúp nhiệt tình của thầy Hiệu trưởng tiến bộ Phan Tấn Muôn và đồng nghiệp tri âm Đỗ Ngọc Phúc cùng các học sinh yêu văn chương, mê thích làm báo chí. Làm báo xuân trường học ở quận lỵ này, khi đi xin quảng cáo các nơi, anh được hiểu thêm về chuyện tập kích oanh liệt vào Cái Răng của chiến sĩ vệ quốc quả cảm Lê Bình. Trong cuộc chiến đấu anh hùng đó có sự tham gia của nhà thơ – nhà giáo Hoài Sơn khi thực dân Pháp quay đầu trở lại chiếm miền Nam khiến anh và các em học sinh càng ý thức sâu sắc thêm bổn phận gìn giữ và bảo vệ quê hương mình trước kẻ thù ngoại chủng. Trở lại Thùy Dương trang bên hồ Xáng Thổi để hồi tưởng lại những khoảnh khắc chúng mình ở bên nhau trong không gian công viên ngan ngát hương ổi, hương ngâu phả theo từng cơn gió nhẹ sẽ khiến chúng mình nhớ lại dũng sĩ vệ quốc Lê Bình, nhà thơ – chiến sĩ Hoài Sơn…trong trận tập kích thần tốc vào thị trấn Cái Răng làm quân thù khiếp vía; chiến sĩ cách mạng Ngô Hồng Giỏi, Huỳnh Phan Hộ đoạt súng đại bác ở Tầm Vu; nhà cách mạng Ung Văn Khiêm tại đồn điền Cờ Đỏ bao la thời chống Pháp. Thời chống Mỹ, em đừng quên nữ liệt sĩ Nguyễn Việt Hồng đã làm quân thù nể mặt với lòng quả cảm của người con gái đất Tây Đô tại đường Quang Trung; nữ sinh Phạm Thị Hồng Hạnh ở cạnh chùa Ba Cô với “Bài thơ định mệnh” với chủ đề nội dung cháy bỏng tinh thần yêu nước. Lộ Vòng Cung máu lửa huyền thoại ở Ô Môn: Vòng Cung đi dễ khó về/ Đạn chen đầu đạn, bom kề hố bom với chàng Thạch Sanh Trường Lạc Phan Văn Còn cùng anh em nông dân giết giặc bằng búa bửa củi. Một nhà thơ cảm xúc từ con đường tuyến lửa huyền thoại này đã cảm xúc thốt lên: “Bất đáo Vòng Cung phi nghệ sĩ” (Không đến Vòng Cung thì chưa phải là nghệ sĩ) trong một lần đi thực tế về vùng đất lịch sử này. Rồi con đường Mạc Tử Sanh ngùn ngụt khí thế sinh viên học sinh trong mùa bão nổi năm xưa mà anh đã có dịp góp phần. Tất cả đều là những dấu ấn không phai, rạng rỡ nét son vàng của thành phố quê hương Cần Thơ bất khuất anh hùng. Thành phố anh cũng như đất nước này, không đợi đến dũng sĩ can trường, mà chỉ một bụi lúa ma mong manh cũng đủ làm quân thù khiếp sợ. Đó là những lý do anh cam đành không theo Phượng ra sống nơi hải ngoại xứ người cũng như anh đã từ chối bao cô gái đáng thương khác đã đi qua đời anh.

Phượng, mong em hãy hiểu cho anh.

Là biểu tượng của quê hương máu thịt, thành phố cầm thi đáng yêu này với anh như một mảnh đất thiêng liêng không ai muốn xa rời nó, và một tấc đất thô, một cành cây dại cũng đều là máu thịt, không một thế lực xa xôi nào được quyền xâm phạm.

Anh hẹn và chờ Phượng tại bến Ninh Kiều, Tây Đô dập dìu du khách và tài tử giai nhân, tấp nập thuyền ghe, ngày đêm chói lọi ánh hoa đăng như một đất nước bốn mùa xuân: “Bến xa lớp lớp đò chiều/ Đêm về mở hội Ninh Kiều đèn hoa/ Tiếng đàn quyện ấm lời ca/ Hôm nào thành phố không là hội xuân”.

30.4.2020

D.T