Thảnh thơi sống giữa ngày bão giông

818

Trúc Thiên

Bài giới thiệu Tập sách: “Cô-vy tự sự – Gió và Tình Yêu vẫn thổi”

(Vanchuongphuongnam.vn) – Vậy là chúng ta lại đón nhận những ngày lòng mình chênh chao. Cơn đại dịch Covid như vẫn còn ám ảnh trong tâm thức rất nhiều người. Chúng ta gọi đó là những ngày buồn, chúng ta xem đó là một khoảng đời bão giông. Cơn đại dịch để lại một hậu quả khôn lường cho kinh tế, cho xã hội, cho mỗi một cá nhân. Nhưng chắc chắn một điều, cũng chính cơn đại dịch đó, đã hình thành một thế hệ biết sống đẹp giữa những ngày đau đáu niềm riêng nỗi chung.

Tập sách: “Cô-vy tự sự – Gió và Tình Yêu vẫn thổi” ra đời trong bối cảnh nóng hổi như một lời gởi gắm đến tất cả chúng ta, dù bất cứ sóng gió bão giông nào, miễn lòng mình biết chọn lấy cách bình tĩnh mà đương đầu. Đó vẫn chính là ngày càng đáng sống nhất.

“Cô-Vy tự sự – Gió và Tình Yêu vẫn thổi” là một tuyển tập những nỗi niềm của con người trên mọi miền đất nước, thậm chí cả ở trời Tây xa xôi, trong những ngày dịch bệnh bão tố. Không chỉ tái hiện diễn trình xâm lấn của một đại dịch có thực đang gieo rắc kinh hoàng khắp năm châu – virus Corona, người đọc còn bắt gặp một cơn đại dịch khác đang ập đến trong lòng mỗi người: đại dịch của những lo lắng, bất an, những hoang mang, sợ hãi. Không chỉ là nỗi lo về cái chết, bao hàm trong đó còn nỗi lo về cơm, áo, gạo, tiền, về kế sinh nhai, về một chuỗi ngày khủng hoảng kinh tế – xã hội rồi đây có thể tiếp diễn.

Nhưng cũng từ đó, niềm tin, tình yêu, lòng nhân ái, sự sẻ chia lại hiện hữu, như một phép màu trấn an tất cả, làm cho mọi người vững tin và hy vọng, làm cho người gần người hơn, người thương người hơn. Sự hoảng loạn thay thế bằng những phút giây sống chậm lại, nhìn nhận lại bản thân, có thời gian hiểu hơn những người xung quanh, hoặc chỉ đơn giản là có thời gian để nhớ về kỷ niệm – những ký ức tưởng chừng đã bị cuộc sống xô bồ vội vàng này làm cho lu mờ…

Bạn đọc bắt gặp một Nguyễn Hữu Tài, trái tim thiên di luôn hướng về đất Mẹ, anh chàng tác giả định cư tại Mỹ đã lâu, nhưng vẫn giữ một giọng văn bình dị mộc mạc đậm chất “nẫu”. Tác giả đem đến câu chuyện ngày giỗ ba giữa cơn đại dịch càn quét khủng khiếp trên đất Mỹ. Vẫn là những món ăn quen thuộc của ba, nhưng nhắc nhớ chúng ta về nhiều kí ức đẹp, về những tình cảm ấm áp của tình thân gia đình. Giữa xứ sở lạ xa, giữ được nếp nhà trong những ngày giãn cách xã hội, là một điều vô cùng trân quí cho tấm lòng hiếu thảo. Dẫu tấm lòng ấy vẫn khiến chúng ta rưng rức vì trong cái đủ đầy hôm nay vẫn thiếu thốn một thứ gì đó khó nói thành lời. Một thứ gì đó chỉ được cảm nhận lặng lẽ từ bên trong.

Hay chúng ta sẽ bắt gặp lại một Nguyễn Văn Học đầy sắc nét trong một truyện ngắn có nhân vật thuộc nhóm cách ly tập trung trong cơn dịch, khiến nhân vật còn lại phải làm “gà trống nuôi con” tạm thời. Chính khoảng thời gian sống chậm đó, nhân vật lại càng thấu cảm mọi gian khó của vợ khi chăm sóc con một mình. Câu chuyện lệ thường vẫn đang diễn ra nhan nhản ngoài đời khi cuộc sống gia đình cuốn người đàn ông vào guồng quay của cơm áo gạo tiền, quên bẵng đi ở cái nơi mình gọi là nhà, vẫn còn có người luôn trọn vẹn sự mong chờ. Từ trong những ngày cách ly tập trung đó, yêu thương lại được hong ấm. Không cần ai nhắc nhở, tự nhân vật nhận ra giá trị của những thứ tuy nhỏ bé nhưng đủ lãng mạn để giữ lửa cho một cuộc hôn nhân.

Điều mà cơn đại dịch đi qua để lại cho chúng ta, chính là những giá trị lâu nay vốn dĩ hiển nhiên hiện hữu chỉ là chúng ta vô tâm chẳng nhận ra. Tập sách nhỏ gọn nhưng đem đến những câu chuyện dung dị đời thường thôi, lại như những vết cắt, cứa sâu vào lòng độc giả, khiến độc giả gấp trang sách lại, vẫn ngồi lặng người mà chiêm nghiệm những luân lý cuộc đời. Nặng hay nhẹ âu cũng là do lòng mình. Giữa những bão táp phong ba, an lành luôn trú ẩn ngay trong chính trái tim mình. Chỉ là do chúng ta chưa lần nào soi thấu được.

Như câu chuyện của chàng trai trẻ Phát Dương, tác giả trưởng thành từ cuộc thi Văn Học Tuổi Hai Mươi, giữa những ngày giản cách, chàng trai chọn nhặt nhạnh những dung dị đời thường để làm niềm vui sống. Mỉm cười và an nhiên đi qua giai đoạn khó khăn này. Sau những cơn bão giông, cầu vồng luôn xuất hiện với nhiều sắc màu rực rỡ. Bạn sẽ là sắc màu nào của cuộc đời này. Màu vui tươi ánh rạng, hay chìm đắm u tối?

Chọn cho mình sự chia sẻ và kết nối với nhau giữa cơn đại dịch, lan tỏa một thông điệp sống đẹp, sống vì nhau, sống như những đóa hoa vốn dĩ cứ thong dong qua bao bận gió giông vẫn cứ đượm hương thắm sắc. Cứ thảnh thơi sống, xem khoảng đời này, cũng chỉ như một cuộc chơi, càng đi qua khó khăn thử thách, cuộc chơi càng ý nghĩa trăm ngàn lần.

Một sáng cuối tuần, khi cơn đại dịch bắt đầu nhá nhem quay lại trên quê hương mình, tôi chọn một góc nhỏ tĩnh lặng giữa Sài Gòn, lần giở từng trang sách mới thơm màu mực in, nghe gió và tình yêu rào rạt thổi tận sâu trong tâm khảm mình.

T.T