Tác giả Ái Duy
Như thường lệ, sau khi đã chuẩn bị xong xuôi hành trang lên đường đi đâu đó tôi mới ghé nhà ba má báo cáo. Biết chắc đầu tiên sẽ nghe ba càm ràm đi gì mà đi miết, đôi khi cũng bị làm mặt giận ít ngày, và thi thoảng thì được cho thêm lộ phí vào giờ chót. Má thì khác, lúc thì toa rập giấu ba, bộ ổng không biết mày bao nhiêu tuổi rồi sao, lúc thì mừng vui khuyến khích đi đi con, thậm chí còn không giấu vẻ ganh tị. Qua được ải song thân, dù đôi khi buộc phải nói dối hoặc cãi bướng mà thấy nhẹ nhõm như đặt được một chân lên máy bay. Nhiều khi nghĩ cũng mắc cười, sao thấy mình hoài không lớn nổi trong mắt ba má.
Y như ngày xưa, nhà nguyên bầy con gái mới lớn ở giữa xóm lao động toàn giang hồ tứ chiến, ba má tôi thiếu điều nhốt luôn đám con sau cánh cổng khóa chặt. Cứ tan học là đúng mười lăm phút sau phải có mặt ở nhà. Ngoài giờ học đi đâu có ba chở. Đúng giờ ngồi vô bàn, hết giờ tắt đèn đi ngủ. Kiểm soát từ tóc tai, quần áo, giày dép cho tới sách báo. “Đoàn nữ binh mùa thu” là đây, như một tựa sách ngày ấy.
Chị Hai tôi nhắc, hồi đó mày hoang quá trời mà than thở gì nữa. Chị tôi lành tính và đằm đẹ chớ không bồng bột, thường hay bị con em kế gạ thành đồng phạm. Mười bốn tuổi học lớp 8, chị tôi mới được phép một mình đến nhà bạn dự tiệc sinh nhật, cách nhà mình 3 ngã tư chừng 800m. Khi quay về thấy chị buồn hiu chớ không háo hức như lúc chuẩn bị đi. Có lẽ chị sẽ không bao giờ quên được cái cảm giác lạc lõng và mắc cỡ khi một cô bé mới lớn bước vô buổi dạ tiệc đầu tiên trong đời với cái áo bông và quần lụa đen giữa vòng vây của đầm, rope, maxi… Mười tám tuổi, tôi có người yêu khi chị tôi, hai mươi vẫn còn mắt nai ngây thơ, nghe con em dụ dỗ tối tối lại xách xe đạp chở nó vờ ôm cặp lên trường học nhóm. Bữa thì bảy giờ tối con em leo tường rào đi chơi, ba vô phòng kiểm tra thình lình chị phải líu ríu dạ nó ra ngõ mua bắp hay đau bụng đi mua thuốc chi đó. Con em cũng trùm tẩy xóa bảng điểm mỗi tháng trường phát về cho phụ huynh ký, chị toàn hăm dọa tao mét ba. Hồi đi học tôi đại kỵ môn nữ công, bài may vá thêu thùa về nhà toàn nhờ chị làm. Có lần, chị quyết dạy cho con em bài học, nhất định không mó tay vô. Vậy là sắp tới giờ đến trường, nó vừa bày kim chỉ ra đâm chọt, vừa khóc hu hu. Phần ngứa mắt, phần sợ bị trễ lây theo nên chị giật phắt làm luôn cho nhanh.
Chị ở xa, điện thoại, nhắn chị vô đi chơi. Chị ngần ngừ để coi sao đã, mắc coi nhà, mắc giữ cháu, mắc mưa gió… Lần nào cũng vậy. Chị và chồng đã về hưu, kinh tế khá giả, con cái lập thân vững vàng. Nhà chị rộng thênh thang nằm giữa vườn cây, ra vô chỉ hai người. Tôi hay quạu quọ, chị thấy má không, rốt rồi giờ muốn đi đâu cũng chẳng được nữa rồi. Nói xong mới nghĩ, đám tụi mình sao bì với má. Đứa nào cũng chỉ một chồng hai con có đâu nguyên bầy chục đứa, con mọn suốt hơn hai mươi năm.
Ba tôi nói, mấy đứa nhỏ nhà này nhớ dai thiệt, cả chuyện ăn đòn hồi xửa hồi xưa cũng không quên, chắc nhờ giống bà. Lỡ miệng khen xong ba lảng đi chỗ khác ngay vì y như rằng má sẽ chứng minh lập tức. Lần nào kể chuyện ngày mới quen nhau, hồi chàng thư sinh nghèo dán thư tình lên sạp hàng nước của nàng ngoài chợ, luôn có mấy con quỷ kèm theo. Mấy con quỷ ấy là nữ sinh, áo lụa thướt tha tóc thề cột hờ hững bằng khăn mù soa trắng, hay kiếm cớ mượn sách, mượn vở để dặt dẹo gần gũi hoàng tử của nàng. Mấy chục năm sau, một trong những con quỷ đó ghé thăm còn liếc mắt đưa tình làm phừng phừng bao ký ức đã ủ tro. Gặp bữa xui xẻo má lôi cả kỷ niệm buồn ngày ba ở quân trường, má mang thai tôi lặc lè về nhà nội chịu tang, nước mắt như mưa mà không ai chịu coi là dâu con.
Chuyện ngày xưa của má bắt đầu từ thuở lên ba, khi theo cha mẹ tha phương lập nghiệp và dừng chân ở lại nơi này, Xóm Mới, đã hơn nửa thế kỷ. Gia đình bên nội tôi cũng đậu lại thành hàng xóm của nhau sau đó ít năm. Miền đất mới hoang vu, dân tình tứ xứ nghèo trần nghèo trụi nhưng ấm áp. Nhớ bà ngoại hay hò “Tới đây đất nước lạ lùng/ Con chim kêu cũng sợ con cá vùng cũng run”. Ông ngoại tôi tới trước, mua rẻ được miếng đất rộng vốn là trại nuôi dê, ai tới sau ở kề bên chật chội. Ông lẻo bớt cho dần, cho mòn riết rồi đất nhà mình như hình lập thể. Xóm Mới trở đi trở lại trong những trang viết của tôi là do má kể hoài, kể hủy không hết tuổi thơ của ba má, của chị em tôi, của một thời tao loạn. Lâu lâu sực nhớ hỏi độp một câu ngang xương, má má, hồi đó trên núi Một nghe nói có am thờ rắn thần phải không. Má la, rắn đâu mà rắn, toàn là khỉ ở trển, quá trời khỉ, cứ chiều lại là nó ùa xuống cả đàn ngồi trên mái nhà canh mình lơ một cái là trèo xuống ăn cắp, nhiều khi bưng cả cái nồi cơm chạy luôn. Mà không ai dám đánh đuổi lũ khỉ hết. Đó, nhà ông Bốn bắt được một con khỉ bèn trói nghiến nó lại phơi ngoài nắng, con khỉ nghẹt thở chết, mặt sưng phồng. Ít lâu sau, thằng con trai nhà ổng tự dưng mắc bệnh lạ. Khi mất, mặt nó cũng đỏ bừng và phù to làm mọi người khiếp sợ. Ba lắc đầu, sao bà nhớ chuyện xưa hay dữ.
Biết tôi sắp ba lô lên đường, má hỏi dồn:
– Ủa đi với ai, rồi con Hai nói sao, nó có vô không?
– Cũng chưa biết nữa má, chỉ nói để tính lại.
– Tính lại cái gì trời, đi chơi thì đi đi chớ tính tới, tính lui chi cho mệt. Nói là phải đi liền.
– Hay má đi chơi luôn?
– Không, má đi bỏ nhà cho ai coi, còn ba nữa chi. Sức mấy mà cho má đi một mình.
– Thì ba má đi luôn.
– Ba mày mà đi. Làm biếng lắm, suốt ngày hết bấm điện thoại rồi ôm cái máy tính. Chắc viết thư cho con quỷ nào. Trời, tao biết hết mà không thèm nói thôi.
Mấy cha con nghe chỉ biết cười sặc sụa. Ngoài lướt web cập nhật thông tin và lên facebook điểm danh con cháu thì ba còn là game thủ hàng đầu của Candy Crush Saga. Ở tuổi ngoài 80, ba tôi vẫn còn bắt nhịp rất nhanh với các sản phẩm công nghệ. Những năm 60, con đông chẳng dư giả gì nhưng lại là nhà duy nhất có cái ti vi trắng đen cho cả xóm xúm lại coi hàng đêm. Ba yêu nhạc họa, thích thơ văn, mê chụp ảnh. Nhớ cái máy cattsette đầu tiên ba mang về to như cái máy đánh chữ, những cuộn băng cải lương của má nghe tới nghe lui bắt thuộc làu làu. Ba cũng có một cái máy ảnh trắng đen, lâu lâu mới lắp phim chụp hết 36 kiểu rồi đi rửa hình. Chị em tôi đứa nào cũng có ảnh riêng từ ngày mới biết lật, trần truồng nằm sấp trên khăn lông trải ra bàn. Khai sinh gốc từng đứa luôn được kèm với tờ lịch ngày có dòng chữ viết tay của ba ghi giờ sinh đính kèm.
Vậy cho nên trên đầu giường ngủ của ba má hiện giờ luôn để một album to, trong đó có hình ba má từ thời còn chưa lấy nhau trải dài mấy mươi năm cho tới hiện tại, từng mốc thời gian đều có đủ. Này là hình lúc mới có đứa con đầu lòng và đang mang bầu đứa thứ hai. Này là hình chụp ở tiệm ảnh Nam Việt khi mới từ Biên Hòa về. Này là hình lúc mới có sui gia, rồi có cháu nội ngoại, và sau cùng là khi đã có cháu kêu bằng cố… Và trên mặt bàn gương rộng gần mét vuông ở giữa phòng khách là hình chân dung bầy con, không thiếu đứa nào.
Má tôi từ con gái cho đến giờ chỉ yêu màu tím, tím cẩm, tím Huế hay tím hoa cà, hoa sim đều yêu. Quai nón tím. Quai guốc cũng cườm tím. Áo dài bà ba các loại man mác tím. Đến màu son cũng chỉ ưng hồng cánh sen ngả tím. Sau này mỗi lần thấy ai tự trào hoặc tự hào thiếu nữ mộng mơ, lãng mạn, mong manh yêu màu tím là nhớ tới má.
Năm lên mười tuổi đã phải bươn chải phụ cha mẹ nuôi em rồi lấy chồng sinh con. Quần quật mấy mươi năm chỉ biết từ nhà ra chợ, chưa bao giờ biết ăn chơi theo nghĩa đen cho riêng mình, một dạ tòng phu, màu tím của má sao mà kiên cường.
Đến giờ này mấy đứa con gái mua lụa là may đồ cho má cũng chỉ chọn gam màu xưa cũ ấy. Ba nói, má vui lắm, thích lắm. Ba luôn được má đánh giá cao về mặt thẩm mỹ nên giờ phải kiêm luôn stylist. Những buổi hẹn hò cà phê hay đám tiệc đều được ba tôi lên đồ cho má, treo sẵn ra ngoài trước cả nửa ngày cho nàng đi qua, đi lại ngắm nghía. Có lần thấy má thay đồ xong, bẽn lẽn từ phòng riêng bước ra với đôi má hồng hồng, môi chúm chím màu mận đỏ, con gái đang cầm đồ makeup trên tay chờ sẵn, chưng hửng. Tác giả đi sau lưng, quê một cục thú nhận ba tô son đánh phấn cho má đó.
Má hỏi, đi chơi vui không, có chụp hình nhiều không, nghe nói bên đó có tuyết hả? Băng giá nữa, lạnh cho chết luôn. Con gái phải ngồi kể lể, lôi điện thoại bấm chọt phóng hình thật to minh họa, mắt má ánh lên niềm vui pha lẫn nuối tiếc.
– Ừ, đẹp quá, hay quá! Đúng đó, đi được thì cứ đi đi, chớ ở nhà làm chi.
– Vậy sao bữa con rủ má không đi?
Giọng má chùng xuống ngay, đầy hoang mang:
– Sao má bỏ đi được, tụi nó kéo tới rật rật đầy nhà, đông đúc lộn xộn quá, phải ở nhà coi chừng chớ.
– Ai? Ai tới?
– Thì đó đó, trên lầu kìa.
– Vậy sao? Đâu, má dẫn con lên coi thử.
Má nắm tay tôi kéo đi lên cầu thang tới trước cánh cửa phòng ngủ của mình đang khép kín. Bàn tay của má ngày càng nhỏ và mỏng mềm. Tôi giữ bộ mặt nghiêm trọng, áp tai nghe ngóng.
– Trong này hả má? Tụi nào mà phá quá vậy?
– Mở cửa ra thì biết.
Tôi xoay tay nắm rón rén mở cửa. Căn phòng quen thuộc hai mươi mét vuông có balcon, chan hòa ánh sáng.
– Thấy chưa? Tụi nó dắt nguyên đàn ngựa thả chạy lung tung, rộng rãi sướng quá mà, ăn rồi phá, đạp nát cây cối của mình hết. Chu cha, tha hồ chạy kìa, gió mát quá… người lớn con nít bắt đầy hà… Xê xê ra, không thôi ngựa nó đá.
Có một cái gì đó vừa đứt vỡ trong tôi.
– Ủa, ông này là ai vậy? Sao ông ở đây? Chồng tui đâu? Dẫn tui về nhà chồng tui đi.
Ba tôi đang tiến lại gần, trên tay là cuốn album. Cha con nhìn nhau cố nở nụ cười. Ba mở trang album cuối cùng, chỉ vô tấm hình chụp gần đây nhất có ba và má sánh vai nhau tươi tắn rồi đưa lên ngang mặt.
– Đây là bà nè. Còn đây, nhìn coi tui có giống ông này không?
– À… ờ… thấy cũng giông giống.
– Thì tui với bà chụp chung đó, tui là chồng bà mà tìm đâu nữa.
– Ủa.. sao kỳ vậy.
– Không tin má với ba lại trước gương soi đi. Má coi hình này có phải là ba với má không hen.
Vẻ bán tín bán nghi, má ngần ngừ rồi cũng chịu đi theo người đàn ông xa lạ tới soi gương. Không biết có cần phải hỡi gương thần hãy nói đi, ta là ai, người là ai.
Tôi còn biết phải làm gì nữa, đành chỉ lẳng lặng khép cửa phòng lại. Sau cánh cửa đó là thảo nguyên với cả một bầy ngựa tung vó, như má muốn…