Thao thiết với sông quê – Tản văn Võ Văn Thọ

482

(Vanchuongphuongnam.vn) – Sông quê. Hai tiếng thân thương mộc mạc, lắng lòng trong mỗi người con nước Việt, sông gắn với quê hương có từ ngàn đời nay. Sông bên bồi, bên lở, sông chở nặng phù sa bồi đắp cho bao bãi bờ, nương lúa, nương khoai… sông mang nguồn nước tưới tắm cho bao cánh đồng xanh mướt, sông cung cấp nguồn thực phẩm cá, tôm, cua, ốc… cho đời sống người dân.

Ảnh minh họa

Sông tắm mát tuổi thơ những trưa hè oi ả, sông nuôi dưỡng tâm hồn thi ca, sông soi bóng trăng thanh, soi bóng dáng cha mẹ, dáng chị… dáng em gái thôn nữ yêu kiều dung dị, cho ta thêm yêu quê hương lũy tre, giếng nước, mái đình làng quê. Sông chính là người bạn đồng hành đáng yêu, tri kỷ của con người nơi có con sông qua thơ mộng, đáng yêu.

Tuổi thơ tôi lớn lên bên dòng sông Trầu của vùng đất hẹp, dẫu sông không rộng, không lớn, không bằng phẳng như những con sông chảy qua đồng bằng. Nhưng với tôi nó mãi là con sông chở nặng ân tình với bao nỗi nhớ thương, thao thiết. Sông biết cảm nhận, sẻ chia với người dân quê tôi với bốn mùa con nước theo từng mùa trong năm. Tuổi thơ tôi đã từng theo mẹ, chị xuống sống bắt ốc hái rau dớn trên bờ sông hay làm đìa trên sông vào mùa xuân, mùa hè, mùa thu để tát đìa bắt tôm, cua, cá cải thiện bữa ăn một thời khốn khó những năm của thập niên 80, 90 của thế kỷ trước.

Sông quê vẫn còn mãi thao thiết trong tâm trí những người con quê hương, đặc biệt với những người con xa quê hương, mưu sinh nơi đất khách. Chạnh nhớ những câu thơ trong bài thơ: Nhớ con sông quê hương của Nhà thơ Tế Hanh có đoạn viết: Quê hương tôi có con sông xanh biếc/ Nước gương trong chải tóc những hàng cây/ Tâm hồn tôi là một buổi trưa hè/ Toả nắng xuống lòng sông lấp loáng… Vâng đúng như vây, sông quê đã tắm mát tâm hồn, gợi cho chúng ta nhiều kỷ niệm đẹp, để rồi những kỷ niệm ấy mãi theo ta trong suốt cuộc đời.

Sông quê còn góp phần tạo cho bức tranh tươi đẹp, tạo cho xóm làng quê hương thêm mềm mại và đáng yêu biết bao nhiêu. Khi hừng đông mắt trời thức dậy, những tia nắng vàng óng ánh chiếu rọi trên mặt nước sông quê muôn ánh hào quang lấp lánh, đến khi hoàng hôn dần buông xuống, các đám mây đa sắc màu phảng phất trên mặt sông và khi ánh trăng lên in hình trên dòng sông thơ mộng, những em thôn nữ tóc dài tắm gội càng làm cho lòng sông thêm phần lung linh gợi cảm và quyến rũ.

Sông quê còn là đề tài cho bao nhiêu thi sỹ có cảm hứng, cảm xúc để sáng tạo. Tôi yêu con sông quê tôi còn vì trên đôi bờ dòng sông ấy có những lũy tre, cây xanh là nơi trú ngụ làm tổ của nhiều loài chim với biết bao âm thanh của tiếng chim, tiếng quốc… tạo nên giàn giao hưởng, bản nhạc đồng quê du dương thật thi vị. Hoàng hôn xuống, những đàn cò trắng, vàng sãi cánh bay về đậu trên những ngọn tre, tạo nên bức tranh sống động nhưng thanh bình, yên ả.

Tôi nhớ những năm còn học cấp 2 ở trường làng, sông quê luôn là đề tài cho các đợt thi học kỳ hay hết cấp. Như các em hãy phân tích và viết cảm nhận về bài thơ, đoạn thơ của các nhà thơ như: Tế Hanh, Giang Nam, Tố Hữu… Là những nhà thơ lớn đã có những tác phẩm hay được đưa vào giảng dạy. Và chủ đề về sông quê luôn tuôn chảy cảm xúc yêu thương, thiết tha và gần gũi trong mỗi bạn  học sinh thời tôi học. Chính vì vậy, nên rất nhiều bạn học sinh thời ấy thuộc như nằm lòng các bài thơ của các nhà thơ gạo cội viết về sông quê. Những bài thơ ấy, luôn có tính giáo dục rất cao giúp cho con người hình thành nhân cách, tình yêu quê hương, làng quê và tình yêu đất nước, yêu tổ quốc Việt Nam trọn vẹn nhất.

Tôi vừa may mắn được cùng đoàn Hội Văn học Nghệ thuật thành phố (là quê hương thứ hai nơi tôi đang sống và công tác) được về nguồn viếng hương tưởng nhớ các vị anh hùng dân tộc là ông, cha ta đã hy sinh qua cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc. Tôi được về tận mắt ngắm nhìn các con sông quê yêu dấu như: Sông Tranh, Sông Trường… của các vùng quê xứ Quảng, càng thôi thúc tôi viết những dòng cảm xúc về sông quê. Như để nhắc nhở tri ân và hâm nóng tình yêu quê hương, đất nước, con người và thiên nhiên luôn ấp ủ trong tôi.

Một chi tiết có lẽ cũng nên đề cập đến, nhớ con sông quê còn là nhớ đến những cây cầu bắc ngang qua sông. Trước đây đa số là cầu tạm, cầu tre, cầu dây hoặc phải đi bằng phà, đò, nhưng hiện nay đa số đã được thay bằng những cây cầu xây kết cấu bê tông, cốt thép rất chắc chắn, tạo điều kiện cho việc đi lại của người dân và các phương tiện giao thông thuận lợi, nhanh chóng hơn. Đó cũng là ước mơ của người dân nhất là về mùa đông nước lũ lên xuống thất thường, nhất là người miền Trung quê tôi không còn phải nơm nớp âu lo…

Không biết tự bao giờ sông quê đã cho tôi những cảm xúc, ân tình và tình yêu con sông quê hương luôn lắng đọng, khắc sâu trong tâm trí, sợi dây yêu thương, hoài vọng khát khao, những thao thiết rung động; để nuôi dưỡng tâm hồn, tình yêu quê hương, yêu dòng sông quê hương như yêu những gì thiêng liêng quý giá. Vì tôi biết đâu đó, trên những dòng sông, dòng suối, cánh rừng hay ruộng vườn chạy dọc hai bên bờ sông, những liệt sỹ hy sinh đã nằm lại đất này, để lòng sông trong xanh hơn và linh hồn đã hoá thành sông, núi… nên chẳng thể đánh đổi.

V.V.T