Tháp cát – Một thân phận, một cảnh ngộ, một tâm trạng

723

Phạm Văn Hoanh 

(Vanchuongphuongnam.vn) – Đọc “Tháp cát” của Trần Hữu Sơn, ta nhận thấy mỗi bài thơ như là một thân phận, một cảnh ngộ, một tâm trạng… của nhân vật trữ tình. Vì vậy mà thơ anh đã đi vào tâm hồn người đọc một cách dễ dàng. 

Bìa tập thơ Tháp cát

“Tháp cát” là tập thơ thứ hai của Trần Hữu Sơn (Hội viên Hội VHNT Quảng Ngãi, Phó chủ tịch Hội thơ Đường luật Quảng Ngãi) do Nhà xuất bản Hội nhà văn ấn hành năm 2019, sau tập “Miền trăng” (Nhà xuất bản Lao động – 2016).

90 bài thơ trong “Tháp cát”, với nhiều thể thơ khác nhau, từ thất ngôn bát cú Đường luật, năm chữ, bảy chữ, tám chữ, lục bát đến tự do, tất cả đều thành công về mặt nghệ thuật và nội dung, đã đem đến cho người đọc những rung cảm về tình yêu gia đình, quê hương đất nước, tình yêu lứa đôi.

Viết về tình yêu gia đình, quê hương đất nước, thơ Trần Hữu Sơn nhẹ nhàng vừa mang hơi hướng cổ điển, vừa hiện đại: “Mây nước Trà Giang lắm mộng mơ/ Người đi còn hẹn cõi trăng mờ/ Long Đầu Hý Thủy lưu nhân ảnh/ Thạch Bích Tà Dương dậy ý thơ/ Nắng rọi Ấn sơn ngời tuấn kiệt/ Mây vờn Thiên Bút tạo duyên cơ/ Ngược xuôi vạn dặm đời muôn nẻo/ Đất mẹ ngàn năm mãi đợi chờ” (Tình đất mẹ). Quê hương là cội nguồn là nơi chôn nhau cắt rốn. Trong cuộc đời ta có biết bao nhiêu nơi chốn để đến nhưng chỉ có một nơi để quay về: đó là quê hương, gia đình. Bởi vậy Trần Hữu Sơn đã dành cho quê hương, gia đình, đặc biệt là người  mẹ những vần thơ trân quý nhất: “Chẳng quản gian lao ngày hạ gắt/ Nào sờn khó nhọc buổi đông sang/ Nhường cơm xẻ áo vì con trẻ/ Lặng lẽ thân gầy chẳng thở than!” (Tình mẹ) hay: “Gót nứt da sần đầu búi cục/ Tay phèn lưng khụ dáng tời nông/ Ngùi thương cảnh mẹ quanh nương rẫy/ Sống cảnh giàu sang… ai biết không?” (Mẹ nhà nông). Bài thơ “Tình mẹ”“Mẹ nhà nông”, với thể thơ thất ngôn bát cú Đường luật cùng với câu hỏi tu từ tác giả đã ca ngợi công lao to lớn của người mẹ và lòng biết ơn của người con.

Bên cạnh những bài thơ viết về tình yêu gia đình, quê hương là những bài thơ viết về những mối tình ngang trái như: “Tháp cát”, “Đêm đông”, “Mưa mây”, “Tình đầu”, “Khóc biệt ly”, “Mùa trăng khuyết”… Đọc những bài thơ trên ta không khỏi chạnh lòng: “Bến xưa đò cũ tình nồng/ Bãi hoang chim cuốc gọi vòng vọng xa…/ …Em đi quên mối tình đầu/ Em đi quên cả dây trầu buồng cau” (Mưa mây). Khổ thơ không chỉ đơn thuần là tiếng con chim cuốc gọi bạn mà còn là chính nỗi lòng của tác giả khi người yêu bỏ đi. Anh than thở: “Nhớ ngày nào em tuổi mười ba/ Cõng em hái trái chà là đồi hoang” (Mùa trăng khuyết). Vậy mà đến khi: “Tóc mây môi thắm má hồng/ Em mặc áo mới sang đồng… bỏ anh!” (Mùa trăng  khuyết). Đọc những câu thơ trên ta không khỏi xót xa cho nỗi đau của nhân vật trữ tình trước “cơn địa chấn” ái tình: “Em xa lạ đưa ta về quan ải/ Ngồi một mình xây tháp cát mênh mông” (Tháp cát). Tháp ái tình anh xây ngày nào giờ không khác gì những tháp cát của những chú dã tràng. Bởi vì “Em xoa tay xóa bỏ cuộc tình nồng/ Chôn kỷ niệm xuống mồ hoang vạn kiếp/ Cuộc sống cao sang cành vàng ngọc diệp/ Đưa em về với gác tía lầu son/ Bỏ lại nơi đây tháp cát xói mòn/ Ta một bóng dã tràng xây ảo ảnh” (Tháp cát). Và anh đã nhận ra công dã tràng của mình nên đã đem những kỷ niệm đốt dưới trăng ngàn để tiễn người yêu đi lấy chồng: “Hành trang xếp lại từng trang mỏng/ Đốt dưới trăng ngàn… khóc biệt ly!” (Khóc biệt ly). Bài thơ “Khóc biệt ly” nghe thật não ruột. Không riêng gì “Khóc biệt ly” mà dường như tất cả những bài thơ viết về tình yêu lứa đôi trong “Tháp cát” đều sầu não như vậy: “Một chiều cuốn sợi nắng dài/ Đồng hoang cỏ úa tình phai hoa vàng/ Đưa em qua bến đò ngang/ Con đò còn đó mà nàng biệt tăm/ Trời đông lất phất giọt căm/ Khối sầu nổi sóng sông xanh mịt mờ!” (Tình đầu). Đọc những câu thơ như thế này tôi đã đắng lòng trước những nỗi niềm của tác giả.

Đọc “Tháp cát” của Trần Hữu Sơn, ta nhận thấy mỗi bài thơ như là một thân phận, một cảnh ngộ, một tâm trạng… của nhân vật trữ tình. Vì vậy mà thơ anh đã đi vào tâm hồn người đọc một cách dễ dàng.

P.V.H