Thầy Cóc – Truyện ngắn của Trần Đình Nhân

1794

Nhà văn Trần Đình Nhân

Thầy Cóc sống ở vùng đầm này lâu lắm rồi. Thầy chỉ biết ở đây rất đông dân cư và cũng có thuỷ triều lên xuống, còn cái đầm thông với những đâu thầy chẳng quan tâm. Cả đầm có mỗi mình thầy là hay chữ, biết làm nghề dạy học. Chẳng thế mà bọn trẻ trong đầm, từ họ nhà Lươn, Cua, Ếch, Nhái, Chẫu Chuộc rồi Kèng Kẹc… đều phải đến xin được nhận làm học trò, mong thầy dạy cho cái chữ! Mỗi khi ra đường, thấy mọi người chắp tay cung kính: “Chào thầy ạ!” là thầy sung sướng nở từng khúc ruột. Học trò đông, bổng lộc của thầy cũng hậu! Đấy là chưa kể các dịp lễ, tết, sinh nhật…

Lẽ ra thầy chỉ sống bằng nghề gõ đầu trẻ cũng tươm chán! Khổ nỗi, tính thầy tham công tiếc việc. Thành ra, kiến thức của thầy trước sau chỉ có vậy mà lại có phần mai một. Tính chăm chỉ, hay làm có ai dám chê đâu! Chỉ tại thầy say sưa với việc thu nhập phụ quá nên xao nhãng cái mà trăm họ ở vùng Đầm trông chờ. Một đêm, thầy mải với gánh hàng xay, hàng xáo. Mệt quá, thầy ngủ thiếp đi, vợ thầy đi chợ sớm. Lúc thầy bừng tỉnh thì mặt trời đã lên quá ngọn sào. Thầy vội vàng mặc quần áo, cắp cặp, đeo mục kỉnh, chạy một mạch đến lớp. Lũ học trò đang túm năm, tụm ba tán chuyện, nhác thấy bóng thầy, chúng vội nhốn nhào vào lớp. Lớp trưởng là một chú Chẫu Chuộc, chú ta đứng dậy, toan hô: “Các bạn đứng!” để chào thầy. Bỗng chú ta ngớ người rồi ngoác miệng ra cười, cười đến nỗi lăn từ trên ghế xuống đất. Lũ học trò và cả thầy Cóc đều ngây ra! Chẳng hiểu có chuyện gì? Cuối cùng, lũ học trò vốn tinh mắt, chúng cũng nhận ra và bắt đầu ôm bụng mà cười. Thầy Cóc tím mặt! Thầy không hiểu tại sao lũ học trò lại dám vô lễ quá! Thầy dậm chân, trợn mắt, nghiến răng kèn kẹt khiến lũ Lươn, lũ Cua, lũ Cáy sợ quá! Chúng vội lỉnh cả xuống nước mà vẫn không sao nhịn được cười. Tiếng cười của chúng đùn lên tràng… tràng những bọt là bọt làm xao động cả mặt đầm. Thì ra, trong lúc vội vã, không để ý nên thầy Cóc đã mặc quần áo trái để đến lớp. Biết thì đã quá muộn! Chữa ngượng, thầy liền ra bài kiểm tra mười lăm phút. Trong lúc bọn trẻ tập trung làm bài, thầy lỉnh ra ngoài, vào một hộc cây lộn lại quần áo. Để lấp liếm tai tiếng, thầy vung tay cho mỗi đứa một điểm mười đỏ choét.

Chuyện tưởng đến thế là cùng. Nào ngờ, thầy Cóc chứng nào vẫn tật ấy! Một hôm, thầy lên lớp. Chẳng hiểu mới sáng ra, thầy đã lọ mọ những đâu mà quần áo thầy nhem nhúa những bùn là bùn. Đã thế lại còn bốc lên cái mùi rất khó chịu nữa chứ. Lũ học trò lúc đầu còn cố chịu! Song, sức chịu đựng của chúng không thể được nữa rồi. Đầu tiên là lũ Lươn, chúng ngoắng đuôi một cái rồi nhào cả xuống nước chuồn thẳng. Sau đến lũ Cua, Cáy, chúng phun ra một đám bọt ở cửa miệng rồi vừa vật nhau vừa lộn tùng phèo xuống nước… Lũ Ếch, Nhái cũng bắt đầu ca cẩm… Lũ Kèng Kẹc thì cố nín thở, chúng làm như môi trường đang bị ô nhiễm nặng! Thành thử lâu quá, hơi không thoát ra được mà cứ phình ra mãi tạo thành một bọc tướng ở dưới hầu. Lũ Chẫu Chuộc vốn nóng tính, chúng bắt đầu ngoác cái miệng ra hét:

– Chẳng thuộc giống nào cả… Chẳng thuộc giống nào cả…

Thầy cóc giận lắm! Nhưng thầy lại làm bộ buồn rầu! Giọng thầy nghe thật thống thiết:

– Các em phải biết tôn trọng những người yêu lao động chứ! Lớn lên, các em sẽ hiểu thế nào là chuyện cơm áo!

“Thật quá quắt!” Bọn Chẫu chuộc nghĩ thế. Và chúng cứ gân cổ lên mà dóng: —– Chẳng thuộc giống nào cả! Chẳng thuộc giống nào cả…!

Lũ Ếch, Nhái lại xì xèo:

– Có lẽ bộ cánh của thầy chẳng bao giờ giặt cả…

Còn lũ Kèng kẹc vẫn tiếp tục nín hơi. Thầy cóc tư lự lắm nhưng về tới nhà, thấy gánh hàng sớm mai của vợ còn đợi đấy. Thầy lại nghĩ: “Bọn trẻ hỗn. Có lẽ tại mình chưa nghiêm.” Cả cái vùng Đầm này, ai mà chẳng biết có mình thầy biết dạy cái chữ kia chứ, đố đứa nào dám bỏ học đấy! Bỏ học có mà mù chữ suốt đời! Thầy sẽ có cách trị được bọn nhóc, Phải dạy cho chúng biết thế nào là “Tôn sư trọng đạo” mới được. Khổ nỗi, điều đắc ý của thầy chưa kịp thực hiện thì bọn trẻ đã bỏ học mất rồi. Thầy phải thông báo tới mọi nhà thì mới hay, bọn trẻ vẫn đi học đấy nhưng chúng có đến lớp đâu kia chứ. Trời ơi! Chẳng nhẽ chúng không cần cái chữ của thầy nữa? Không! Không thể thế được! Thầy bậm môi suy nghĩ: “Như vậy mình còn mặt mũi nào…” Thầy triệu tập cuộc họp gặp mặt các phụ huynh học sinh để làm cho ra nhẽ. Mọi nhà đến đủ, chỉ thiếu mỗi nhà Lươn. Sau mới biết, họ nhà này đã tìm thầy và gửi con ra học ở bên ngoài cái đầm này cả tháng nay rồi. Những ngày còn lại của năm học, thầy Cóc có sự cố gắng rất nhiều nhưng làm sao có thể khỏa lấp được những khoảng trống không hay về thầy trong lòng bọn trẻ. Thành thử, càng ngày chúng càng sinh nhờn! Chúng tọc mạnh chỉ cốt tìm cho ra khuyết điểm của thầy để cợt nhả. Thầy chỉ cần nổi cáu một chút là chúng dở quẻ. Đầu têu bao giờ cũng là bọn Chẫu Chuộc, chúng cứ gân cổ lên mà hét… Rồi đến bọn Cua, bọn Cáy, chúng đua nhau phùn ra một đống bọt ở miệng vừa vật nhau, vừa tụt xuống nước để cười… Rồi đến bọn Ếch, Nhái, bọn Kèng kẹc… Cuối cùng là chúng tự giải tán lớp học. Những ngày đầu như thế, thầy Cóc chịu không nổi. Nhưng thầy nhận ra, thầy bất lực dần sau mỗi lần dậm chân, trợn mặt với lũ học trò. Có lúc, thầy bàng hoàng nghĩ tới địa vị tôn kính của thầy ở vùng Đầm này có nguy cơ sụp đổ. Thầy chỉ muốn hét thật to để phá tan ý nghĩ đáng nguyền rủa ấy… Nhưng rồi, thầy lại tự an ủi mình: “Ở cái vùng Đầm này, ai có thể xứng mặt thế chân thầy kia chứ! Lũ nhóc sẽ phải trả giá! Thầy sẽ có cách…” Những lúc như thế, sinh lực của thầy mới dồi dào làm sao! Thầy tiếp tục lao vào việc đồng áng và bao toan tính về lũ học trò. Cuối cùng, những ngày nặng nề đằng đẵng như thế cũng qua đi. Đây đó đã có những đợt gió heo may khiến không gian co lại vì lạnh. Lũ học trò chào thầy Cóc để đón nhận mùa nghỉ học bằng tất cả các trò cợt nhả, tai quái của chúng. Chúng chẳng cần biết thầy nghĩ gì? Chúng cũng bỏ ngoài tai cả những lời răn đe lẫn nỗi lo âu của cha mẹ về cái tội bất kính với thầy. Giữa lúc ấy, bọn trẻ nhà Lươn trở về, đây là một sự kiện làm chấn động cả cái vùng Đầm! Bởi bọn trẻ nhà Lươn, đứa nào về cũng thi nhau khoe kiến thức mà chúng học được. Nhất là thằng Lươn Đầu Đàn, nó được bố mẹ gửi ra học ở mãi tận ngoài biển. Phải thừa nhận, nó học được nhiều thứ thật! Nó bảo, nó có thể đọc và viết được cả ngoại ngữ! Thế rồi, nó xổ ra một tràng dài khiến dân vùng Đầm đều trợn tròn mắt!

Chẳng ai biết là nó nói cái gì hay đang chửi ai?

– Ôi! Thích quá! Thích quá! – Đám trẻ kêu lên đầy thán phục còn cha mẹ chúng thì buột miệng thốt lên:

– Thật tội nghiệp cho lũ trẻ, học thầy Cóc mãi rồi mà chữ Tác vẫn đánh chữ Tộ!

Rồi họ thở dài ngán ngẩm, bảo nhau:

– Năm tới đến phải cho chúng ra ngoài học như đám trẻ nhà Lươn mất thôi.

– Nhà tôi cũng vậy! Cũng vậy!

Chẳng biết những chuyện như thế có lọt đến tai thầy Cóc hay không? Chuyện là thế này, cứ đến mùa học sinh nghỉ, bao giờ nhà thày cũng đóng cửa im ỉm. Dân vùng Đầm bảo, đó là thời gian thầy cóc xả láng. Thành thử, rất hiếm gặp được mặt thầy. Vì vậy, câu chuyện về bọn trẻ nhà Lươn chắc gì thầy đã biết. Thời tiết chuyển hẳn sang mùa, ngày thì nắng đục, đêm thì lạnh nặng như đeo chì. Ngoài ra lại còn gió nữa chứ. Ôi chao! Cái gió mới lạnh buốt làm sao! Dân vùng Đầm đành phải đóng cửa và gác cái chuyện học hành của đám trẻ lại. Cái mùa đông khốn khổ rồi cũng qua đi. Đất trời như lột xác. Vài vạt nắng mềm mại như tơ hoà quyện với những hạt mưa phùn, những ngọn gió nồm mới ngọt ngào, nồng ấm làm sao, dường như vạn vật đều bừng tỉnh. Thầy Cóc mở bung cửa, vươn vai hà hít không khí trong lành, làm vài động tác thư giãn gân cốt. Ngoài trời, mưa phùn hoà quyện với những chồi non tinh khiết tạo lên thứ hương vị ngọt ngào của đất trời. Thầy lim dim cặp mắt trước những chồi xanh, lộc biếc và cả những âm vang cuộc sống ở cái vùng đầm đang trỗi dậy mà thấy lòng xốn xang… Những chuyện bực mình với đám học trò hỗn xược cũng đã tiêu tan hết. Thầy lại nảy biết bao nhiêu những tham vọng, những dự kiến… Thầy sẽ có cách và đủ mọi điều kiện để có tất cả! “Ha… ha…” Bất giác, thầy cười thành tiếng và giơ bàn tay xoa xoa cái bụng phệ no tròn. Thầy nghĩ, đó là biểu hiện cái phúc của tuổi già. Càng nghĩ, thầy lại cảm thấy cuộc đời thầy mới oai, mới ý nghĩa làm sao! Trước tiên là phải thông báo để khai giảng năm học mới cái đã. Nhưng, thông báo đến cả tuần lễ rồi mà trường, lớp vẫn vắng tanh, vắng ngắt. Chẳng có đứa trẻ nào đến xin học cả.

Thầy cóc đã bắt đầu sốt ruột, hết đi ra lại đi vào. Mọi năm, thời điểm này thầy bơi ra không hết việc với cái lũ học trò ấy chứ! Thế mà, năm nay… Không biết chúng đi đâu hết cả?!

Bất giác, thầy nhớ lại những chuyện cũ. Chẳng nhẽ, cả bố mẹ chúng cũng đồng loã với chúng, không thèm cái chữ của thầy nữa ư?

Thật tai họa!

Thầy bàng hoàng cả người! Thầy cảm tưởng như vừa bị mất một vật gì quý giá lắm. Thầy không còn thiết gì đến chuyện tính toán làm ăn khác. Thầy tha thẩn khắp ngõ ngách dân cư vùng đầm thì mới hay, dân vùng đầm đều bắt chước họ nhà Lươn, gửi con ra bên ngoài học cả rồi. Những nhà nghèo, chưa có điều kiện thì cũng để con ở nhà chứ nhất định không cho theo học thầy nữa.

Thầy cóc buồn lắm!

Vợ thầy cũng buồn theo, mất đứt khoản thu hậu hĩnh còn gì!

Thầy Cóc lại khác. Thầy buồn không hẳn vì mất cái khoản thu nhập kia. Cả vùng Đầm này, ai dám bảo thầy ngại chân lấm, tay bùn cơ chứ! Điều khiến thầy phải buồn rũ, buồn rĩ kia lại là cái mà thầy đã từng được cả dân vùng Đầm kính trọng! Bây giờ, đã gần hết cuộc đời mà lại thành ra tay trắng! Thầy không xót xa sao được. Thầy trầm ngâm nói với vợ:

– Mình chịu khó vất vả, trông nom nhà cửa! Tôi phải đi xa một chuyến.

Vợ thầy thảng thốt:

– Ông già rồi, còn định đi đâu?

Thầy Cóc ngậm ngùi trong tiếng thở dài:

– Chuyến này, tôi phải ra tận ngoài biển để bồi dưỡng, nâng cao kiến thức, học hỏi kinh nghiệm của đồng nghiệp rồi về mới mong dạy được cho lũ trẻ ở vùng Đầm này.

Vợ thầy cũng như ngấm nỗi đau của chồng. Mặc dù ái ngại lắm, song cũng phải ngậm ngùi rớt hai hàng lệ. Đêm hôm ấy, thầy Cóc mất ngủ. Hồi ức trở về với thầy cứ lãng đãng như một giấc mơ. Bất giác, nước mắt thầy ứa ra. Nước mắt của tuổi già mới mặn chát làm sao? Và cứ thế, nước mắt âm thầm chảy dài, tan dần, tan mãi giống như cuộc đời và khát vọng của thầy vậy.

Sớm hôm sau, lẽ ra là chuyến đi tu nghiệp nhưng không hiểu tại sao thầy lại lầm lũi dắt vợ, dọn đến một nơi vừa ẩm thấp, vừa vắng vẻ. Thầy sống ẩn dật, xa lánh với cộng đồng. Từ đấy, chỉ những khi tiết trời oi nồng quá, dân vùng Đầm mới thấy tiếng thầy than thở! Có lẽ, đấy là những lúc thầy không nén được nỗi đau mất mát. Tiếng than của thầy nghe mới thắc thỏm, ai oán làm sao! Nó nửa như oán hận cả đất trời, nửa như tiếc nuối một thời trai trẻ. Tiếng than ấy khiến nhà trời cũng động lòng thương! Mỗi lần như thế, nhà trời lại sai các thần tưới xuống hạ giới một trận mưa, chừng như muốn làm dịu bớt nỗi đau của thầy Cóc! Và có lẽ, cũng chính vì thói quen hỗn xược, cợt nhả của đám học trò thầy Cóc đã trở thành thuộc tính của các họ dân cư từng ở vùng đầm ngày ấy chăng?

T.Đ.N