Thầy dạy văn của tôi

923

Nguyễn Thanh

(Vanchuongphuongnam.vn) – Thuở nhỏ còn ở chung với cha mẹ tại làng quê, tôi học vỡ lòng vỡ lòng tiếng Việt và tiếng Hán với cậu tôi (1). Sau khi đậu Sơ đẳng Tiểu học ra tỉnh ở trọ học trường Phan Thanh Giản tại Cần Thơ thì người thầy dạy môn Việt văn lớp Đệ Thất (2) cho tôi là Giáo sư (2) Dương Du Cam.

Cách nay hơn năm thập niên, sau khi học lớp Nhì E (Cours Moyen E) một năm với thầy Thái Công Ngữ – nhà ở đầu cầu Cái Khế, đường Paul Émery (nay là đường Nguyễn Trãi) năm sau lên lớp Nhất A (Cours Supérieur A) học một năm với thầy Hồ Quang Sớm, tôi thi đậu vào lớp Đệ Thất (3) trường Trung học Phan Thanh Giản sau một kỳ thi tuyển gay go. Có nhiều giáo sư dạy lớp, mỗi thầy phụ trách một môn, nhưng, tôi không quên thầy Dương Du Cam, vị giáo sư dạy Văn đầu tiên đã để lại trong tâm hồn tôi nhiều ấn tượng khó quên ở trung học.

Sau vài buổi học, tôi biết thêm thầy Du Cam viết chữ Hán rất đẹp trong những khi minh họa thêm cho bài Việt văn. Ngoài việc dạy học, thầy còn biên soạn và ấn hành thêm sách tiếng Việt hướng dẫn về Luật Chính tả, Hỏi ngã – đặc biệt đặt thầy đặt thành những câu thơ để dạy cho học sinh dễ nhớ. Đến nay, tôi còn nhớ được mấy câu thầy dạy cách nhớ và phân biệt chữ ác khi nào viết c, khi nào viết t : Ác vàng vừa lố bóng vầng đông/ Chim ác là kêu dội cánh đồng/ Mỏ ác trẻ con còn chửa cứng/ Ác nhơn phơi nắng để đầu không/…. Đường trơn ướt át khó đi giày…/ v…v…

Vì yêu văn thơ, thầy Du Cam cũng chủ trì thường xuyên những buổi tập hợp một nhóm anh em yêu thơ phú để cùng nhau đàm luận văn chương, ngâm vịnh , xướng họa thơ văn. Nhóm tao nhân mặc khách này quay quần gặp gỡ tại “Tao đàn Dương Chi” tại Chợ Gà (nay là ngả ba đường Hai Bà Trưng và Châu Văn Liêm ngày nay), bên cạnh sông Cần Thơ thơ mộng hữu tình. Thầy ở tư cách Tao đàn Nguyên soái chủ trì công việc ngâm thơ vịnh phú cho các bạn trẻ và giáo viên yêu thi ca .

Tất cả giáo sư phụ trách bộ môn đều hết lòng dạy dỗ chúng tôi, nhưng đối với riêng tôi, thầy Dương Du Cam là vị giáo sư rất yêu thương, tận tụy và gần gũi học sinh nhất. Bài giảng nào thầy cũng soạn nghiêm túc trước, chữ viết của thầy trên bảng hay trong tập vở, sổ sách đều sắc sảo mà chân phương, trông chữ thôi cũng dễ cảm tình với người viết. Giọng giảng bài của thầy bao giờ cũng từ tốn, rõ ràng, dễ tiếp thu và có lúc đi đôi với điệu bộ khá hùng hồn.

Dáng người nhỏ lại có da thịt nên trông thầy hơi thấp. Trong lớp có đứa nghịch ngợm, vẽ trái cam tròn lớn vào giấy dán lên bàn hoặc vẽ lên bảng đen trêu chọc thầy. Vậy mà thầy vẫn không giận, gọi đứa khác lên bôi rồi làm lơ như chẳng có gì. Tôi thì không vừa lòng với hành động nghịch phá ra vẻ vô lễ, có tính cách phạm thượng này. Nhưng vì bản tính nhút nhát, ít nói, dù rất yêu kính thầy nhưng tôi không có phản ứng nào để bênh vực thầy. Trong tiết dạy Văn, thầy có thói quen  dùng những phút cuối giờ dạy cho học sinh cách làm thơ. Từ tiếng bình, tiếng trắc đến niêm luật rồi qui tắc: “Nhất tam ngũ bất luận – Nhị tứ lục phân minh”, thầy giảng kỹ và cho ví dụ cụ thể để minh họa cho học sinh hiểu rõ. Nhờ thế, học trò dần dần cơ bản nắm vững nghệ thuật làm thơ tứ tuyệt, lục bát… Thầy Du Cam cũng đọc cho chúng tôi chép vào sổ tay những bài thơ hay và khuyên nên học thuộc lòng, một kinh nghiệm quí giá rất cần cho người học Văn và muốn tập tễnh gieo vần. Thỉnh thoảng, trong giờ học cuối tuần với thầy, thầy dành khoảng mười lăm phút cho học sinh thực hành làm thơ – có khi là ứng khẩu – ngay tại lớp. Ấn tượng nhất là cách luyện cho học sinh quen với nhạy bén với vần điệu các thể thơ vừa dạy cho học sinh trong lớp, thầy dùng luôn những câu thơ để nói chuyện với học trò.

Trong một lần, thầy cho học sinh thực hành cách làm thơ tứ tuyệt với đề tài tức cảnh. Nhân lúc bên ngoài sân trường các thầy thợ làm nhà đang xây cất thêm lớp học, thầy báo thời gian bắt đầu, tất cả học trò trong lớp im lặng. Đứa trầm ngâm, đứa đăm chiêu tìm ý. Quả là cái không khí tĩnh lặng cần thiết để cho những “khách thơ tập sự”. Đến giờ nộp bài để thầy đánh giá, vài anh nhanh nhẹn cho thầy xem sáng tác mới làm xong: Anh làm đúng luật mà thi tứ chưa hay, có anh bài tư tưởng khá mà thất luật, sai bằng trắc nên khổ độc. Thầy xem hết rồi nhẹ nhàng phân tích, góp ý để học sinh rút kinh nghiệm. Riêng tôi, nhờ trước đây có học qua luật thơ với thân phụ khi còn ở quê nên sau đó cũng góp được cho thầy một bài.

Thầy xem xong, trầm ngâm một chút rồi gật đầu nhè nhẹ.  Sau đó, thầy cầm bài thơ trên tờ giấy học trò tôi làm, nhìn xuống tôi và các bạn, thong thả đọc lớn lên cho cả lớp nghe: “Gạch chất chập chồng một góc sân/ Thợ thuyền bàn bạc tiếng vang rân/ Vô tình lưỡi xuổng đành đâm đất/ Anh thợ mệt nhoài, đứng chết trân.”

Rõ ràng là bài tứ tuyệt tôi làm thuộc loại thơ con cóc dù trong đó tác giả làm đúng vần, niêm luật và có sử dụng mỹ từ pháp như tả thực, ẩn dụ… Nhưng bài thơ tôi làm thực sự chưa có hồn – lúc ấy tôi chưa có ý niệm sâu sắc về hồn thơ là gì – Dù vậy, thầy vẫn nhẹ lời gọi tôi lên, khen vài câu khích lệ và trìu mến ôm tôi vào lòng. Thầy Dương Du Cam hôn lên trán tôi, làm tôi cảm thấy hồi hộp điếng người. Cả lớp cười rộ lên. Sau đó, trong sự chăm chú theo dõi của đám học trò, thầy chậm rãi lấy từ trong bóp tiền ra 2 đồng nhét vào túi áo tôi. Bọn bạn trong lớp lại cười rộ lên. Có đứa bạn bảo tôi để dành tiền làm kỷ niệm. Nhưng sau đó, trong giờ ra chơi, tôi đã âm thầm lấy hết số tiền thầy tặng, ăn cà rem mà không cho một đứa nào hay cả…!

Chuyện thầy trò dạy và học làm thơ ấy diễn ra cách đây hơn nửa thế kỷ nhưng tôi vẫn nhớ như in trong tâm trí. Đáng trân trọng nhất là hình ảnh người thầy tôi, vị ân sư tận tụy đáng kính dạy văn thơ tiếng mẹ cho học trò bằng tất cả hiểu biết và trái tim mình. Nhờ thầy Dương Du Cam, tôi biết được đôi điều về thi pháp, từ đó yêu thêm văn chương thơ phú và tập tễnh đi vào con đường dạy văn, làm thơ như thầy. Cũng nhờ học văn, tôi cảm thấy càng yêu thêm tiếng mẹ và cảm nhận sâu sắc thêm về tình cảm quê hương, đất nước và con người qua thi văn.

Bước chân ra đời, sau khi nối nghiệp thầy chọn học ngành Văn và dạy Văn, hơn nửa thế kỷ qua, nhiều lần tôi cứ mãi băn khoăn hỏi lại mình: Lòng tôn sư trọng đạo của tôi có thể hiện được mảy may nào đối với công ơn to lớn của thầy tôi, nhà giáo chân chính, người kỹ sư tâm hồn suốt đời chăm lo cho thế hệ ngày mai. “Văn học là nhân học”, thầy tôi hơn một người làm vườn tháng năm lo tận tụy trồng cây: “Vì sự nghiệp trăm năm, trồng người” (4) như lời Bác Hồ kính yêu đã dạy. Thậm chí, có khi thầy tôi cũng phải trăn trở vì trong đám học trò có đứa còn nghịch ngợm, nên thầy cũng phải âm thầm nhận xót xa, chẳng khác một người lái đò chịu mưa nắng hay sóng to gió cả đưa khách qua sông để cập vào bến bờ chữ nghĩa văn chương.

N.T

(1) Cha tôi: Anh em tôi gọi thân phụ tôi bằng cậu

(2) Ngày trước giáo viên dạy THCS và THPT được gọi là giáo sư

(3) Lớp 6 bây giờ.

(4) Trong câu “Vì sự nghiệp mười năm trồng cây, vì sự nghiệp trăm năm, trồng người”. Tư tưởng của Bác Hồ.