Thầy giáo cấp huyện – Tản mạn của Vương Huy

522

(Vanchuongphuongnam.vn) – Tường dạy Văn, tôi dạy Công Dân, cùng chung một trường. Nhà Tường ở xã, một vùng đất ven thị xã, như một vùng ngoại ô. Ngoài cái nhà ra, Tường còn có năm công ruộng thuộc đất hương hỏa do ông bà để lại. Sau giờ dạy, Tường lao động như một nông dân thực thụ.

Tôi hay vào nhà Tường chơi, có khi ngồi ở bờ ruộng nhìn Tường rải phân. Tường bước đi từng bước, giở chân lên cắm sâu vào bùn đất, tay vung phân về bên phải hoặc bên trái. Xong, về nhà, lại bày ra nhậu. Vài ly rượu cuối chiều như một phép thư giãn. Nhà Tường ban đầu mái ngói. Sau ngói hư, Tường thay mái lá tạm thời. Giờ thì nhà cửa khang trang, mái tôn, cửa gỗ. Trước sân trồng mấy chậu mai, mấy chậu sứ, thêm bông trang nữa. Coi như như thế là thành khoảnh, mãn nguyện một đời người. Tường có hai đứa con gái, sống chung bà má. Má Tường mới mất gần đây do tuổi cao sức yếu. Năm công đất trước trồng lúa, giờ Tường lên liếp trồng cây ăn trái. Coi như Tường tiên phong trong vùng ấy chuyển đổi từ trồng lúa sang cây ăn trái. Có chiều tôi vô tìm Tường, Tường còn ngoài ruộng. Bóng dáng đen đúa lam lũ của Tường hòa trong bóng chiều sắp tắt. Trời chạng vạng, côn trùng rỉ rên một bài ca bất tận. Xóm Tường ở gọi là Kênh 12. Nói trại ra của từ Kênh 12. Có lẽ dân miền ngoài di cư vào ở thành làng xã. Cả xóm của Tường đều là bà con xa gần. Có lần tôi vào thăm Tường, Tường ngồi xo ro trên chiếc ghế dựa trước nhà, chân quấn đầy vải trắng. Số là Tường bị bệnh Gút, thế nhưng Tường vẫn nhậu đều. Tường nói: “Vào chơi không mua nổi cho mấy đứa trẻ một bịch bánh. Còn không, mua chổi chà cũng được“. Tường cười xởi lởi, hàm răng trắng phớ trên khuôn mặt đen nhẻm. Tường thèm nhậu mấy món dân dã đặc sản. Có lần Tường và tụi trong xóm vây bắt con rắn lọt vào cái ao sau nhà. Chiều có một bữa nhậu thịt rắn xào, hỉ hả. Chếch nhà Tường là nhà anh Bình. Anh vốn làm nghề khuân vác lúa ở mấy máy chà. Anh chất phác, ít nói. Tôi, Tường, anh Bình ngồi lai rai trên chiếc sạp tre trước sân, có mái che. Trời mưa đổ rào rào, ly rượu đưa lên môi ấm lạ, ấm hương vị nghĩa tình.

Ảnh minh họa 

Hồi chưa có vợ, Tường đi dạy về thường say xỉn. Nhiều lần lộn cổ xuống con rạch kề bên đường đi. Đêm tối, người dân nghe cái đùng, họ chạy ra vớt Tường lên, kéo chiếc Honda lên. Người và xe ướt mèm. Tường cười trừ và sau đó tiếp tục nhậu. Từ ngày nghỉ dạy, tôi ít vô nhà Tường chơi. Gặp nhau bên bàn trà tâm sự, Phương nói :

– Ông nghỉ dạy uổng quá.

– Chán quá, tôi nói. Học sinh thì không học, xem thường môn Công Dân. Ban lãnh đạo làm khó dễ, kiểm điểm lên xuống.

– Phải kiên trì, ai cũng vậy.

– Biết rồi, nhưng tôi không còn đứng lớp nổi nữa.

– Thì thôi, chờ cơ hội khác.

– Có một lần lễ kỷ niệm ngày nhà giáo 20 – 11, một đứa học sinh cầm nguyên hộp đựng chiếc áo sơ mi loại tốt vào căn – tin nơi tôi với Trung đang ngồi, đưa tặng cho Trung. Còn tôi, nó không hỏi một tiếng. Nản lắm. Có sự phân biệt các môn học trong lòng học sinh.

– Ừ, bất công quá.

           Hồi trẻ, Tường và tôi ốm nhom. Nhưng Tường thấp hơn tôi. Tường học khoa Ngữ Văn. Tôi học khoa Chính Trị Đại học Sư Phạm. Dạy Văn thì lãng mạn, nghệ sỹ, phóng túng. Dạy Chính Trị thì quan điểm, lập trường. Tôi ngồi giảng đường 5 năm học chuyên ngành Chính Trị, tốt nghiệp Cử nhân khoa học hệ chính quy. Ra trường tôi đổ bệnh, đầu óc u ám, đời sống buồn bã bế tắc. Nhưng chương trình mà tôi theo học rất chuyên sâu vào các tác phẩm kinh điển của Các Mác, Ăng – ghen, Lê – nin. Năm năm học như vậy không điên là may mắn rồi. Giờ thì nghỉ dạy một thời gian dưỡng sức rồi ra dạy tiếp 10 năm nữa. Thấm thoát, tôi nghỉ dạy đến nay đã 10 năm. Tôi ở nhà phụ ba tôi lao động, tiện gỗ, vườn tược.

             Cảnh là thầy của Tường ở Đại học. Đám cưới Tường, Cảnh có dự. Cảnh làm vài ly rượu rồi lấy ra một miếng cao su, miệng vừa hát, tay vừa búng vào miếng cao su, tạo thành một giai điệu vui nhộn. Cảnh chế lại lời một bài hát Trịnh Công Sơn. Có lần Cảnh trên đường từ thành phố về quê, ghé ngang ghé thăm Tường. Bữa nhậu có tôi. Cảnh dẫn theo một cô sinh viên. Tường nói với tôi, mỗi khóa Cảnh cặp với một em sinh viên. Vợ Cảnh cũng là giảng viên của trường nhưng họ đã thôi nhau từ lâu vì không chịu nổi cách sống của Cảnh. Bữa nhậu bình thơ Bùi Giáng. Tôi đọc hai câu thơ của Bùi Giáng: “Hỏi rằng người ở quê đâu – Thưa rằng tôi ở rất lâu quê nhà“. Cô sinh viên nói: câu thơ vô thưởng vô Phạt. Tôi nói: quê nhà ở đây hiểu theo nghĩa triết học. Cảnh nói : “Tào lao“. Tôi im, vì họ có quyền uống bia phê bình một nhà thơ đầu đường xó chợ như Bùi Giáng, vì họ có bằng cấp về văn học.

            Ban đầu tôi dạy Công Dân, ở tổ Sử Địa. Nhưng ông tổ trưởng lại ý kiến ý cò, đuổi tôi qua tổ khác, có lẽ vì tôi không nghe lời như mọi người. Sau thầy Lễ hiệu trưởng chuyển tôi sang nhập vào tổ Thể dục – Quốc phòng. Nhưng lại gặp Quyền tổ trưởng quá hà khắc, tôi không thích. Thầy Lễ nói: ở tổ đó mang màu sắc chiến trận quá. Cuối cùng chuyển tôi sang tổ Văn. Tổ ghép Văn – Công Dân, chung tổ với Tường. Tường ở tổ được một năm rồi lên làm hiệu phó. Ban đầu là hiệu phó cơ sở vật chất, và giờ lên hiệu phó chuyên môn, quyền bính đứng thứ hai sau hiệu trưởng. Họp tổ, tôi đọc thơ chế nhạo Tường : “Tường ơi ta bảo Tường nầy – Tường ra ngoài ruộng Tường cày với ta – Cấy cày vốn nghiệp nông gia – Ta đây Tường đấy ai mà quản công – Bao giờ cây lúa còn bông – Thì còn ngọn cỏ ngoài đồng Tường ăn “.

          Hồi đó, tôi, Tường và thầy Khoát chơi thân với nhau. Thầy Khoát dạy Toán. Chúng tôi uống rượu thường xuyên. Một chiều mưa bay lất phất, thầy Khoát che dù ra quán Cầy ngồi cùng tôi với Tường. Thầy Khoát đọc mấy câu thơ cổ: “ Bồ đào mỹ tửu dạ quang bôi – Dục ẩm tỳ bà mã thượng thôi – Túy ngọa sa trường quân mạc tiếu – Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi”. Thầy tạm dịch: Rượu bồ đào, chén dạ quang – Uống đi, tiếng tỳ bà thúc giục lên ngựa – Đừng cười tôi say nằm nơi chiến trường – Xưa nay ra trận mấy ai trở về. Ngoài kia mưa bay, rượu cay nồng và thơ hay. Cứ thế chúng tôi sống qua những tháng ngày lương thấp, nghề nghiệp bọt bèo. Có lần tôi sống với vợ tôi ở nhà trọ gần đó. Vợ giận tôi, bỏ ra ở trọ. Sau nầy chúng tôi ly dị. Lần đó tôi đi bộ đến nhà thầy Khoát, tâm trạng buồn bã nặng nề. Thầy Khoát kéo tôi vào nhà sau uống rượu nghe nhạc Phạm Duy. Nhạc xoáy vào tim tôi cô độc như một mũi tên ngôn từ âm thanh. Nhịp điệu của trống đập tan những đau buồn trong tim tôi. Tiếng đàn thăng hoa bất tận. Tôi nghe nhạc nhiều nhưng lần đó là thấm thía nhất. Có lẽ nhạc ru tôi vào lãng quên khi cuộc sống quá buồn đau. Sau đó, tôi và vợ ra tòa ly dị. Cả hai không còn sống với nhau được nữa, chịu đựng nhau như thế là đủ rồi, ly dị là biện pháp tốt nhất cho cả hai. Vợ tôi dạy Văn chung trường tôi. Những người dạy văn tánh tình lãng mạn. Còn tôi dạy Công Dân – bộ môn tư tưởng nhức đầu. Sau khi chia tay tôi, cô ấy lấy chồng khác, giờ đã có hai đứa con. Cô ấy vẫn còn dạy, tôi tạm nghỉ vì căng thẳng quá. Gặp nhau trên đường ra quán cà phê tôi hay ngồi, cả hai nhìn nhau mắt rưng rưng.

             Hồi đi dạy, rất vui. Cứ chiều là tụm lại nhậu. Hôm nọ, kiếm đâu ra được một con chó, lại bàn nhau mần thịt nhậu. Chiều tôi dạy 5 tiết, đang dạy trên lớp là mấy anh dưới sân thui chó chuẩn bị nhậu. Anh Tân chịu trách nhiệm thui chó. Con chó thui thơm phức, mùi thơm bay lên lớp học. Chén rượu của thầy giáo cũng đạm bạc lắm, chủ yếu là vui. Anh Tân vốn là bảo vệ trường kiêm nghề giữ xe. Anh Tân học hệ từ xa lấy bằng Đại học ngành Tin học. Thời bà Hồng còn làm hiệu phó, Tân là em chồng bà Hồng. Tân xin dạy môn Tin học. Tân dạy được một tháng thì bị thưa gởi nên nghỉ dạy, trở lại nghề bảo vệ kiêm giữ xe. Tân có anh là ông Linh – người chỉ học đến lớp 10 nhưng mê triết học, đọc sách rất nhiều. Một lần nhà Tân đám giỗ, Tân mời anh em về nhà nhậu. Bữa đó tôi đọc hai câu thơ Bùi Giáng: “Em về giũ áo mù sa – Trút quần phong nhụy cho tà huy bay“. Tôi vốn thuộc thơ Bùi Giáng, những câu lục bát thần tình. Hồi còn dạy, tôi thường đọc thơ cho học sinh nghe như: Màu tím hoa sim của Hữu Loan, thơ Đinh Hùng trong tập Mê Hồn Ca. Có lẽ vì môn Công Dân khô khan trừu tượng nên thêm vào một ít thơ cho nó nhẹ nhàng đi bớt. Tôi dạy môn Công Dân, học sinh rất thích. Tụi nó gọi tôi là tiến sỹ gây mê. Mẹ kiếp! Nhất quỷ nhì ma thứ ba học trò. Nhưng tôi thích dạy môn Công Dân vì tôi được đào tạo chính quy để phụ trách môn nầy. Môn Công Dân hồi đó không thi tốt nghiệp, dạy rất khỏe. Kiến thức có sẵn trong đầu do 5 năm học hành và quá trình công tác, tôi cứ thế tuôn ra từng mảng, từng mảng được nối kết nhau bằng một logich nội tại trong tâm thức.

              Sau nầy, tuy đứng lớp nhưng cuộc sống tôi rơi vào suy đồi hẳn. Những đêm lang thang nhậu nhẹt với Long – một thầy giáo trẻ mới về trường. Cứ dạy xong là tôi xách cặp ghé quán. Tôi và Long cưa bia khá nhiều. Có lẽ sức khỏe tôi xuống dốc trầm trọng. Chặng sau nầy cuộc sống buồn bã đơn dộc – cái kết không có hậu cho người dạy môn Chính trị. Long được chuyển về trường, chơi thân với tôi ngay. Long chỉ tốt nghiệp Cao đẳng Tin học. Tôi cho Long mượn tiền và khuyên Long nên lấy bằng Đại học. Long học thêm hai năm nữa lấy bằng kỹ sư tin học. Sau khi tôi nghỉ, Long cũng chuyển về quê tiếp tục dạy. Tại đây Long lấy bằng hệ từ xa ngành Luật. Hiện tại Long có hai bằng đại học: một thuộc khoa học tự nhiên, một thuộc khoa học xã hội. Cũng rất mừng cho Long. Ngày đám cưới Long ở quê tôi có về dự đám. Long vượt qua những bê tha cùng tôi và đạt được mục đích.

            Bây giờ tôi đã khoẻ nhưng căn bệnh trầm cảm thỉnh thoảng cứ giày vò nội tâm. Tôi sống lặng lẽ ở thị xã, không lập gia đình. Có lẽ cuộc hôn nhân chóng vánh của tôi đã để lại một dấu ấn sâu đậm khó phai mờ. Tôi độc thân và thường ngồi làm thơ trong quán cà phê bình dân. Cũng như cái truyện ngắn nầy tôi ngồi viết trong quán bình dân quen thuộc, một cây bút và dăm tờ giấy – cái truyện hình thành.

V.H