Thầy giáo trường huyện – Truyện ngắn của Nguyễn Thanh

681

Nguyễn Thanh

(Vanchuongphuongnam.vn) – Ngày tốt nghiệp Đại học sư phạm, Phong nhận quyết định về dạy ngay trung tâm một thành phố lớn miền Tây. Thương Nguyên quê ở miền Trung, mồ côi cha, mẹ lại già yếu bệnh tật, Phong hoán chuyển cho bạn, về dạy trường huyện Long Mỹ vì Nguyên nghe nói đất Trà Ban là vùng Việt Cộng. Huyện lỵ cách xa thành phố trên năm mươi cây số giữa đồng bằng mà con lộ sơn xuyên trắc trở. Hành khách ngồi xe đò sáng sớm từ Cần Thơ đi Long Mỹ, luôn chịu cảnh nắng bụi phủ đầu cổ, mưa bùn lấm lem quần áo, mệt nhọc cả ngày mới tới được điểm đến là chỗ cùng đường. Đôi khi, hành khách chịu cảnh ngủ đêm trên xe giữa đường vì đường lộ bị đào đứt, chưa kịp lấp hoặc để tránh súng đạn giao tranh.

Nhà văn Nguyễn Thanh

Từ giữa lòng thành phố, ngồi trên ô tô tại bến xe đi Long Mỹ đường cây Bã Đậu, đến quận Cái Răng, Phong đã bâng khuâng cảm thấy mình như đang hành hương trên con đường huyền thoại còn in đậm những dấu ấn kháng chiến của chiến sĩ vệ quốc đoàn từ cuộc tập kích oanh liệt của Lê Bình vào thị trấn lịch sử này. Những địa danh: Cái Tắc, Tầm Vu, Rạch Gòi, Kinh Cùng, Xẻo Trân, Vĩnh Tường rồi Vị Thanh, Hỏa Lựu, đoạn đường Cây Mít quỳ…mỗi khi xe đi ngang qua luôn nhắc Phong nhớ đến những trận chiến đấu quyết liệt của nhân dân với kẻ thù.

Mòn mỏi vượt hơn năm mươi cây số trên con đường dài chông chênh khúc khuỷu, chiếc xe đò cà tàng đời cũ khục khục lên mấy tiếng nghẹn rồi dừng hẳn, bỏ lại phía sau từng vệt khói mù xám xịt tan dần trong khoảng không gian miền quê.

– Tới Long Mỹ cùng đường rồi đó thầy giáo.

Chị hành khách bạn hàng trẻ tuổi, vui tính nói chuyện suốt trên xe, ngồi cùng băng, biết Phong là thầy giáo mới đến nhận nhiệm sở, đã mỉm cười nhắc anh.

Long Mỹ là một quận lẻ heo hút, buồn tênh lần đầu tiên trong đời Phong mới đặt chân đến. Còn gọi là Trà Ban Lớn, huyện Long Mỹ dạo ấy nối mạch giao thông với Cần Thơ bằng một hương lộ nhỏ bé, lởm chởm đá núi và lục cục đất nung. Người từ các nơi khác đến đây luôn có cảm giác gian nan như đường vào đất Thục.

Tại bến xe ọp ẹp, trông sang thị trấn quận lỵ, hành khách nhìn thấy nhà lồng chợ tiêu điều, nằm chênh vênh giữa mấy căn nhà tôn cũ, mái nhà thấp lè tè như ngủ yên trong không gian. Trung tâm thị xã gối đầu trên doi đất giao thoa mỗi năm giữa hai mùa nước lợ của dòng kênh Trà Ban thẳng tắp và con sông Cái Lớn hiền hòa từ biển Kiên Giang chảy về. Mùa nước nổi dâng ngập bờ sông, tôm cá dập dềnh, theo dòng nước nườm nượp về trên sông. Sáng sớm chiều muộn, những đám rong rêu hồ hải xanh rờn và những giề lục bình lãng tử với sắc hoa cà tím lạt trôi lềnh bềnh trên mặt sông quê.

Về đất Long Mỹ làm nghề gõ đầu trẻ, Phong phụ trách môn Việt văn và Mỹ thuật theo nguyện vọng trong lúc anh đủ tư cách dạy Toán và ngoại ngữ.

– Thầy Phong là dân văn nghệ, dạy Văn là thích hợp với một tâm hồn nghệ sĩ của anh, hiệu trưởng Lâm Đức Hùng gợi ý .

Không như vài thằng bạn hay nói vui theo ngành văn chương, làm thơ văn là để cua gái. Phong yêu văn chương, quan niệm dạy văn là dạy tiếng mẹ, tiếng nói của quê hương, chứa đựng tình tự muôn đời của dân tộc. Dạy Văn là dạy cho học trò những bài học về đạo lý làm người vì “Văn học là nhân học”. Là người của công việc, ngoài đứng lớp dạy văn chương và mỹ thuật, Phong biên tập tờ báo Niềm tin in ronéo, thành một lập ban văn nghệ học đường, đồng thời mở một lớp võ thuật cho học sinh của trường theo đề nghị của nhà trường:

– Anh Phong nên tổ chức tờ báo cho trường ngay vào Tết này để làm diễn đàn cho giáo viên và học sinh. Một giáo viên hiểu Phong, chân thành đề nghị trước hội đồng giáo viên.

– Tôi đề nghị thầy Phong thành lập ngay ban văn nghệ nhà trường cho thầy cô và học sinh tập ca hát, trình diễn văn nghệ trong những ngày lễ Tết. Hiệu trưởng Trung học Văn Trương nêu ý kiến.

– Thầy Phong mở lớp dạy võ cho chúng em, để hỗ trợ thêm cho môn thể dục của nhà trường. Trong phòng hiệu trưởng, một học sinh khép nép, thay mặt cho các bạn yêu võ thuật chậm rãi, lễ phép bày tỏ nguyện vọng.

Hơn ba năm cầm phấn đứng lớp gắn bó với học trò, đồng nghiệp ở một vùng sâu, Phong cảm nhận ra thêm lòng yêu tha thiết tuổi trẻ, yêu nghề ở một người gieo chữ được lòng cảm mến yêu thương của tất cả phụ huynh. Trừ lớp võ thuật phải tạm ngưng vì có các anh công an cộng hòa gần trường bất ngờ xin vào học, công tác giảng dạy chuyên môn ở trường và các hoạt động văn nghệ báo chí Phong đã hoàn thành tốt đẹp. Một hôm vào đầu hè gần ngày kết thúc năm học, bỗng nhiên như đất bằng dậy sóng, Phong nghe tin có lệnh gọi trình diện đi học khóa sĩ quan Thủ Đức. Anh ăn ngủ không yên rồi không kèn không trống, trốn học sinh bè bạn, âm thầm lánh mặt về thành phố. Trở lại Tây Đô, sống lầm lũi Phong, xa lánh bè bạn, người thân trong mặc cảm một thầy giáo dạy tư ở tình trạng bất phục tùng vì sợ họ bị liên lụy. Mỗi ngày, vừa hết canh ba Phong thức dậy dẫn chiếc xe đạp cà tàng ra bến xe ôm ở Chợ Gà hay bến bắc đón khách, kiếm thêm chút phụ thu, mua nhanh vài con ba khía, cá biển hoặc rau muống mang về cho đám con mồ côi nheo nhóc ở nhà. Sau những bận rộn lo toan kinh tế cho gia đình, Phong tranh thủ vào giảng đường Đại học ngồi cặm cụi ghi bài học với các bạn sinh viên nhỏ tuổi hơn anh.

Sau gần mười năm trốn lính, vượt khỏi qua tuổi động viên, Phong làm đơn, viết thư xin với Nha Trung học ở Sài Gòn để được tiếp tục đi dạy học lại. Nhờ giám đốc Nha Trung học, giáo sư Đàm Xuân Thiều, nguyên là giáo sư của Phong ở trường Chu Văn An Sài Gòn còn nhớ anh là học trò giỏi môn Sử của mình, Phong được cấp quyết định về dạy giờ lại tại Trung học Cờ Đỏ tại thị trấn Thới Đông.

Cờ Đỏ ngày ấy là một quận lỵ heo hút cách xa thành phố hơn năm mươi cây số ở giữa ranh ba tỉnh Cần Thơ – Rạch Giá – An Giang với những cánh đồng lúa mênh mông trải dài như tấm thảm lụa vàng vào những ngày mùa. Thị trấn nằm ngay xã Thới Đông, vắt mình lên hai ven bờ xanh um cây lá của một con sông ngầu đục phù sa đầy tôm cá, chạy thẳng vô giữa những đồng lúa ngút ngàn. Mùa nước lên, hoa điên điển rở rộ trông xa như một rừng mai vàng ối: Thới Đông đồng lúa mênh mông/ Hoa điên điển nở, mười phương mai vàng.

Nằm cách xa thành Miên và dấu ấn lẫm lúa cũ của thời Tây vài trăm mét, trường Trung học Cờ Đỏ có một dãy lầu khiêm tốn với những phòng học. Thích sống phóng khoáng một mình, Phong không thuê nhà trọ ngoài trường. Hành trang gồm vài bộ quần áo cũ với giá vẽ và cây đàn guitar, thầy giáo Phong xin hiệu trưởng được ở trên một phòng cuối cùng còn bỏ không của dãy lầu. Nơi đây, buổi sáng sớm, qua lớp sương mù giăng giăng mờ mịt cánh đồng lúa bát ngát mênh mông bên ngoài, Phong thích thú được trông thấy cảnh bình minh rực rỡ khi mặt trời đỏ ối nhô lên như một lòng trứng khổng lồ nơi không gian xa tít của thành phố quê mình. Những buổi hoàng hôn trông về rừng núi An Giang, Hà Tiên, Phong cảm thấy chạnh lòng hoài hương khi nhìn về phương trời Tịnh Biên mịt mùng trong màn mưa núi: Mưa Tịnh Biên mịt mùng biên cương/ Gió mưa thêm gợi sầu tha hương/ Sưởi lòng không thuốc, cà phê đắng/ “Vọng mỹ nhân hề thiên nhất phương” (*) với dãy Thất Sơn hùng vĩ xa mờ hiện ra níu liền mặt đất mênh mông với mây trời lãng đãng, làm phong phú thêm tâm hồn lãng mạn và óc nghệ sĩ của anh.

Ở Cờ Đỏ, Phong vừa dạy học vừa viết bài gởi các báo ở Sài Gòn trong ba ngày đầu tuần, chiều thứ tư, Phong quày quã về Tây Đô để các ngày còn lại, vừa đi dạy thêm, vừa vào giảng đường Đại học. Phong hoạt động không ngừng nghỉ: làm chủ bút báo Văn khoa, hướng dẫn bạn gieo vần làm thơ. Anh mài miệt sách đèn học rồi tốt nghiệp Cử nhân, sau đó lên Sài Gòn tiếp tục ghi danh ban Cao học Văn chương.

Chính quyền đương thời chủ trương bắt lính và quân sự hóa học đường. Các phong trào chống đối mạnh mẽ của sinh viên Cần Thơ thường nổ ra ngày đêm qua các cuộc hội thảo, mít-tinh rồi xuống đường đi biểu tình…Anh em hát nhạc phản chiến rồi tham dự với các nhà giáo, nhà văn yêu nước qua các bài thuyết trình có lửa về hoàn cảnh trớ trêu của nhiều người trước tình hình chiến tranh: Rớt Tú Tài anh đi trung sĩ/ Vợ ở nhà lấy Mỹ nuôi con/ Thanh bình trở lại nước non/ Về nhà đã có Mỹ con anh bồng (GS. Lý Chánh Trung). Sau những đêm không ngủ, sáng sớm hôm sau, anh em sinh viên cùng nhau rầm rộ, xuống đường đi biểu tình. Là dân có máu văn nghệ báo chí, Phong đã góp một phần công sức nhỏ bé vào phong trào. Qua các cuộc đấu tranh bị chính quyền đương thời kêu gọi giải tán, anh từng bị ăn lưu đạn cay, uống nước vòi rồng. Lắm ngày, Phong về nhà muộn với đôi mắt đỏ hoe, mặt mày phờ phệch, quần áo lấm lem vì tham gia biểu tình với sinh viên. Mấy đứa em trong nhà và bà con hàng xóm thấy vậy ngạc nhiên hỏi, Phong bảo là đi dạy học, bị xe ủi té xuống mương lộ.

Mùa bão nổi trong cao trào đấu tranh của sinh viên yêu nước Cần Thơ, Phong được chuyển về dạy tại Cái Răng. Như cánh chim không mỏi, tại quận lỵ chợ nổi còn mang dấu ấn lịch sử của Lê Bình và nhà thơ Hoài Sơn, Phong hoạt động thăng hoa nhờ sự quan tâm đặc biệt của hiệu trưởng vốn là một giáo sư có cảm tình với kháng chiến và yêu văn nghệ báo chí. Ở cương vị thầy giáo tổ trưởng khối Văn – Triết kiêm Trưởng ban Văn nghệ – Báo chí nhà trường, Phong hướng dẫn học sinh nhà trường đi tham quan có thuyết trình luôn tại phần mộ các nhà thơ yêu nước Phan Văn Trị, Bùi Hữu Nghĩa. Nhờ hòa mình vào phong trào đấu tranh của sinh viên, Phong lại cơ hội gặp gỡ lại bàn chuyện văn nghệ với các nhà văn yêu nước như Vũ Hạnh, Sơn Nam, Kiên Giang,… Phong biên tập, tự trình bày và minh họa những giai phẩm Xuân Nắng Mới 1, 2 và 3 trong ba năm liền 1972, 1973, 1974 với nội dung có lửa về bốn tác giả yêu nước Nam bộ: Nguyễn Đình Chiểu, Phan Văn Trị, Bùi Hữu Nghĩa và Lê Vĩnh Hòa.

Một năm trước ngày thống nhất nước nhà, thầy giáo huyện Nguyễn Tường Phong nhận được hai niềm vui lớn thuyên chuyển về trường trung học Lương Khê gần gia đình. Theo gợi ý của giáo sư bảo trợ Bửu Cầm ở Đại học Sài Gòn, Phong lo chuẩn bị ngày ra hội đồng giáo sư thẩm định để hoàn tất ban Cao học Văn chương.

Về đứng lớp tại một trung học lớn, lâu đời ở miền Tây những ngày đầu, Phong cảm nhận ra hết cả vui mừng xen lẫn nỗi băn khoăn khi anh trình diện với hiệu trưởng Trần Cồ. Vui mừng vì được làm việc gần nhà tiện việc chăm sóc các con và lo lắng cho gia đình, nhưng Phong vẫn không tránh khỏi chạnh lòng. Có người vào hàng chức sắc đã chóng biểu lộ sự thay đổi thái độ lạnh lùng xa lạ với một thầy giáo trường huyện quê mùa từ vùng đồng chua nước mặn mới về, thành ra tính đố kỵ khi biết Phong đã sở hữu được nhiều thứ mà họ không có được. Dù vậy, các ngài cũng giao cho anh những công việc mà nhà trường chưa thực hiện.

– Anh Phong chuẩn bị ra ngay tờ giai phẩm vào xuân này. Hiệu trưởng Trần Cồ phán.

– Tuần sau, anh Phong khắc tấm bia đá kỷ niệm bên cột cờ tại sân trường. Lê Uyên, giám học có máu văn nghệ, với nét mặt vui vẻ, tỏ ra hồ hởi phát biểu trước hội đồng giáo sư.

Đội màn nắng hè thiêu đốt, thầy giáo Phong hoàn tất tốt đẹp công tác đầu tiên được giao: Hồn thiêng sông núi/ Xương máu tiền nhân…Những câu thơ bay bướm nghe mang mang sâu đậm ý tình, hiển thị lên với nét chữ đẹp từ những ngón tay gầy guộc rướm máu của Phong đã móc thủng nền xi măn ướt trong suốt mấy ngày ròng rã đội nắng lao động nghệ thuật!

Về trường mới tại tỉnh nhà có ngôi trường cũ yêu thương, Phong cảm thấy vui vì mình có nhiều kỷ niệm êm đềm trong suốt thời trung học. Vài bạn cũ đồng nghiệp như Mạnh, Lâu, Tý… tỏ vẻ tán thành ý kiến của của lãnh đạo, giục giã Phong:

– Này Phong, mày làm báo không vì là một giáo viên mới đổi về đóng góp công sức cho trường mà còn ở tư cách một học trò cũ lâu năm của trường.

Vâng lệnh cấp trên và nghe theo ý kiến bạn thực hiện một công tác thích hợp với khả năng và thỏa mãn cho niềm đam mê trong đời của mình, Phong coi là một niềm hãnh diện. Phong vui vẻ sắp xếp ngay công việc giảng dạy ở nhà trường và ở gia đình lên Sài Gòn in báo trong lúc không một ai ở trường dám bỏ gia đình đứng ra đảm nhận công tác văn nghệ báo chí ở một nơi xa nhà. Sau hơn tháng thông báo kêu gọi giáo viên, học sinh viết bài nộp cho ban biên tập, Phong nhờ người chị ở quê ra trông nom hộ đám con nhỏ tại nhà, và bạn cùng môn thay thế giờ dạy trong thời gian anh vắng mặt ở trường. Ròng rã hơn hai tuần bám trụ tại nhà in Nguyễn Bá Tòng đường Bùi Thị Xuân, Sài Gòn, đêm đêm, Phong dựa vào tường, ngủ gà ngủ gật trong không gian chật chội ngột ngạt, rì rầm tiếng máy in. Đôi lúc đang chập chờn giú giấc ngủ hờ, Phong phải bật dậy theo tiếng gọi của thợ in thức dậy sửa bài, viết bài trám trang hoặc vẽ minh họa thêm vào tờ báo cho đến khi giai phẩm được tốt đẹp ra đời trước ngày nghỉ Tết.

Buổi sáng muộn ngày chớm đông quang đãng, cơn gió hiu hiu se lạnh từ sông Hậu xào xạc thổi qua. Những cây còng lão buông những cánh hoa vàng úa và trái khô khốc cong queo xuống mặt sân trường lún phún cỏ dại. Đang trò chuyện cùng các bạn ở phòng giáo viên, Phong nhận được tin báo của thầy ký Cương, thủ quỹ trường gọi anh lên lĩnh lương. Sau khi nhận tiền, Phong vô cùng ngạc nhiên, không tránh khỏi băn khoăn và xót xa khi được thủ quỹ cho biết lý do lương mình bắt đầu bị bớt đi mỗi tháng vì đã tiêu xài quá phung phí trong thời gian lên Sài Gòn in báo. Hiệu trưởng Trần Cồ im lặng không giải thích. Giám học Lê Uyên cũng phớt lờ, không tỏ ra thông cảm với Phong, chẳng có lời lẽ bênh vực cho anh là người đã lao tâm khổ trí vì tờ báo. Những thằng bạn cũ Mạnh, Lâu, Tý từng đòi vào nhóm thực hiện tờ giai phẩm cùng Phong, lại thờ ơ, im lặng như biểu lộ một thái độ đồng tình. Hơn một năm, thầy giáo Nguyễn Tường Phong âm thầm chịu lĩnh phần lương tháng bị xén bớt một cách máy móc, thiếu mất tính nhân văn, gây khó khăn không ít cho một thầy giáo trường huyện mới đổi về.

Ngồi một mình trong ngôi nhà nhỏ, trầm ngâm với hố mắt buồn, Phong đau đáu nghĩ suy không ít về những hệ lụy từ văn chương nhưng anh không  bao giờ nản chí. Trải qua hơn ba lần đứng lớp nơi trường huyện xa xôi rồi về thành phố, Phong trải nghiệm được nhiều về thế thái nhân tình. Nhưng mỗi lần bị thiên hạ nhẫn tâm vùi xuống là một lần cho Phong những bài học. Anh nhớ mãi lời thầy đã dạy anh những vấp ngã, đau thương cho ta những kinh nghiệm quý giá, giúp ta ngoi lên chỗ cao hơn và tìm được thế đứng thẳng, cách vượt xa hơn về phía trước và bay cao hơn: Đời là một vũng bùn, ta cố ngoi lên ở chỗ cao. Khảng khái đinh ninh “Dĩ bất biến thành vạn biến”, với ý chí sắt thép, thầy giáo huyện Phong đã coi thường những trắc trở gian nan thậm chí cả đến chèn ép nhỏ nhoi hay dập trù thâm hiểm của con người nhỏ hẹp. Tất cả những vụn vặt, nhỏ nhoi, thâm chí đến cả đố kỵ, anh đều xem như sỏi đá dưới chân, chỉ lót tốt đường đi cho anh vươn lên tới đỉnh cao thành tựu vinh quang. Đồng thời nó cũng làm cho kẻ đố kỵ anh được sáng ra đôi tròng mắt tục vì đã coi thường thiên hạ.

Từ ngày ngậm ngùi giã từ trường huyện xa xôi về lại tỉnh nhà, Phong không vẫn quên những ngày thầy trò vui vẻ xúm xít làm báo hay đi vẽ ngoài trời, những đêm đàn ca, diễn kịch trên sân khấu nơi nhà lồng chợ cùng các học sinh và bè bạn. Đôi lúc thầy giáo Nguyễn Tường Phong thầm nghĩ: phải chăng tên mình cha đặt ra với mong ước con có được sức mạnh thần kỳ như cuồng phong, bão tuyết để nhắc nhở anh luôn vượt xa và bay cao hơn chính mình. Phong tự nghĩ, có lẽ vì trót đã hiếm giống ai nên luôn bị người đời đố kỵ. Nhưng tuyệt nhiên, Phong tự nghĩ dù: bị ganh ghét, ta vẫn không để bị họ coi rẻ khinh thường là hạng người bất tài vô dụng! Bất chợt Phong lẩm bẩm tự an ủi “Mãnh hổ rừng xanh và đại bàng biển Đông thường đi một mình”. Thôi, mặc thế đời đen bạc, ta cứ lầm lũi độc hành đi tìm hoa nguyệt quế ở hướng mặt trời lên!

N.T