Thầy giáo văn là một nghệ sĩ

1048

Nguyễn Thanh

(Vanchuongphuongnam.vn) – Đối tượng hoạt động trong xã hội của con người rất đa dạng. Với doanh nhân, đó là sản phẩm hàng hóa các loại. Ví dụ với người buôn thực phẩm, một nhu yếu cần thiết hằng ngày không có không được có thể là gạo, cá tôm… Ngay cả với người bán sách, một sản phẩm văn hóa vô cùng quan trọng thuộc phạm trù tinh thần cũng chỉ là những thứ vô tri giác, không có tri thức, hành động và cũng không biết cảm nhận. Với giáo viên văn, đối tượng là một thực thể sinh động, biết suy nghĩ và hành động. Do vậy, với chính trị gia hoặc nhà sư phạm – nhất là giáo viên dạy văn – thì mọi thứ đều khác.

Nhà giáo theo quan niệm chung, trước hết phải là người được rèn luyện kinh qua môi trường sư phạm theo tiêu chí quy định kinh điển rất bài bản về thời gian, kiến thức và tình cảm và nhân cách, hơn nữa “nhà giáo là kỹ sư tâm hồn”. Với giáo viên dạy văn, sứ mệnh dường như còn quan trọng và cao quý hơn, “Văn học là nhân học”(人: người hay 仁: lòng nhân, lòng thương người), Literature is Humanity. Theo đó, bài học giáo viên Văn truyền thụ cho học sinh vừa là môn học dạy cho thế hệ trẻ thành người (Nhân:人) cũng vừa dạy cho chúng có lòng nhân (nhân: 仁) – những con người có thiện tâm, biết yêu thương đồng loại và có đạo đức thực sự. Sâu sắc và cao quý thay!

Muốn đạt được tiêu chí đó, ngoài kiến thức chuyên môn tích lũy được từ trường học phổ thông, đại học, từ vốn sống ngoài xã hội, giáo viên Văn phải có phong cách kỹ thuật và nghệ thuật của một nhà sư phạm đích thực. Để học sinh tập trung đúng mức: nghe để cảm nhận rồi ghi chép có chắt lọc một cách khoa học, giáo viên phải diễn đạt khi giảng dạy như một nghệ sĩ. Từ bài giảng chuẩn bị đầy đủ trước, nghiêm túc để phong thái được thoải mái, tự tin, nhà giáo phải có giọng nói lớn, rõ ràng dễ nghe, trong y phục tư thế nghiêm trang, chủ động. Với bài văn trích giảng hay thực tập làm văn, tùy lúc giáo viên có thể kết hợp phần viết trên bảng đen với việc đứng tại bục giảng, nhưng đôi mắt cần bao quát cả lớp và nhìn thân thiện về đám học trò mình đang chú ý lắng nghe bên dưới. Bài giảng về văn học cần có lúc thì đọc thơ, văn với giọng diễn cảm như một nghệ sĩ, lúc thì bình tĩnh chậm rãi đến rắn rỏi cương quyết như giọng nói của một diễn giả chuyên nghiệp. Tùy vị trí mạch văn, tình tiết ở nội dung, giáo viên Văn có thể phát huy chất lửa của lòng yêu nghề từ ánh mắt, động tác và con tim mình khi đứng lớp để truyền đạt hồn văn cho học sinh.

Không ít giáo viên văn là nghệ sĩ có nhân cách, giàu lòng yêu nước hoặc có tâm hồn nghệ sĩ. Lâm Tấn Phác (Đông Hồ), Phan Thanh Viễn (Viễn Phương), Tạ Thành Kỉnh (Thầm Thệ Hà), Lê Ngọc Vị (Vita), Ung Ngọc Ky (Hoài Sơn),… Những con người đáng quý này, vừa cầm phấn vừa cầm bút hay cọ, đa phần chịu sống cuộc đời thanh bạch để góp phần vẽ thêm sắc màu chân dung con người đích thực trong “xã hội loài người” chan hòa lý tưởng chân thiện mỹ.

Tóm lại, văn học là một trong những môn học quan trọng bật nhất trong những môn học quan trọng ở nhà trường. Theo thiển ý, kinh qua mấy thập niên thủy chung theo nghề gõ đầu trẻ dạy Văn cho đến hôm nay, tôi vẫn còn hăng hái tiếp tục. Tôi nghĩ giáo viên Văn với lòng yêu nghề sẵn có, rất cần luyện cho mình có được một phong cách sinh động của một diễn giả, một kịch sĩ, hơn nữa một nghệ sĩ chuyên nghiệp trên sân khấu là bục giảng, trước khán giả là học sinh – sinh viên, những đối tượng sống của nhà giáo vốn được gọi bằng một hết sức kính trọng và cũng được tôn vinh là những kỹ sư tâm hồn của thế hệ ngày mai.

N.T