Thầy Hải của tôi – Tản văn của Lê Xuân

792

(Vanchuongphuongnam.vn) – Bài viết này thay nén tâm nhang dâng lên hương hồn thầy Trần Quế Hải kính yêu của tôi  nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11/2021.

Thầy Trần Quế Hải    

Trong số mấy chục thầy cô giáo mà tôi theo học từ Tiểu học tới Đại học thì thầy Trần Quế Hải là người đã để lại trong tôi nhiều kỷ niệm sâu sắc, êm đẹp nhất. Những năm trước 1960, với hệ phổ thông 10 năm, các thầy cô mới ra trường, dạy cấp II (THCS) chỉ lớn hơn học trò vài tuổi. Thầy Hải vừa tốt nghiệp Trung cấp Sư phạm hệ (7+2) ngành Toán- Lý, thì được phân về dạy ở cấp II Thọ Xuân, quê tôi. Thầy chủ nhiệm lớp tôi 5E, 6E và 7E suốt ba năm (1957- 1960).

Những giờ Toán của thầy có một lực hấp dẫn lạ thường. Giọng thầy cao, trong và ấm. Thầy có tài vẽ đường tròn không cần com-pa mà vẫn tròn vo làm chúng tôi phục lắm. Khi thầy viết chữ in, chữ đứng thì nét rắn rỏi, khi viết những chữ hoa, chữ nghiêng thì mềm mại, bay bướm. Thầy lại có tài kể chuyện và hát hay nên càng có sức lôi cuốn. Chúng tôi thường mong tới giờ sinh hoạt lớp ngày thứ bảy để được nghe thầy hát hoặc kể chuyện.

Từ đó tôi thầm nhủ sau này sẽ đi theo nghề dạy học của thầy. Những lần thi báo tường, hay văn nghệ lớp tôi thường đoạt giải Nhất toàn trường, cũng nhờ thầy tận tâm dạy hát, dạy kẻ vẽ, dạy viết các kiểu chữ. Thầy dạy tôi cách viết chữ pa-tông, rô-man, chữ li-tô, viết hoa, viết thảo…Thầy thường nhắc nhở chúng tôi “Nét chữ nết người”. Có lẽ vì thế mà sau này khi đã làm thầy chữ của tôi cũng khá đẹp, được học sinh yêu thích. Nhưng tôi phục nhất là thầy chế được “ga-len” (một kiểu radio đơn giản) bằng những vật liệu tự tạo. Cứ sau mỗi buổi học, đã gần 12 giờ trưa nhưng chúng tôi vẫn nán lại xuống phòng thầy ở khu tập thể để nghe vài phút “Đây là tiếng nói Việt Nam”…. Những tiếng ồ ồ của tạp âm, nhiễu sóng át cả tiếng nhạc, tiếng phát thanh viên nhưng chúng tôi vẫn thích lắm. Đi đâu học sinh lớp 5E cũng tự hào, khoe: “Thầy tao chế được đài”. Có thể nói thầy là thần tượng toàn diện của chúng tôi lúc đó.

Ánh mắt ấm áp của thầy luôn nhìn thẳng vào trò và có thể phán đoán khá chính xác đứa nào thuộc bài, đứa nào chưa làm bài tập hay đang làm việc riêng… Thầy nghiêm khắc lắm nhưng lại rất độ lượng, vị tha. Những đứa nào chưa hiểu bài, chưa làm được bài tập cũ, thầy thường bắt ở lại sau mỗi buổi học khoảng mười lăm, hai mươi phút để giảng thêm và gợi ý cách giải bài tập. Thầy còn giành một khoản tiền lương để mua tập vở, bút mực giúp những trò nghèo. Nhà tôi xa trường gần 6 cây số, những hôm học hai buổi thầy thường gọi tôi về phòng thầy ăn cơm và nghỉ trưa. Tôi là đứa được thầy yêu nhất lớp, vì bé nhưng học giỏi, chữ viết đẹp và hát hay, lại có tài thổi sáo. Những buổi thầy bận họp, không có giáo viên thay, tôi thường được thầy giao nhiệm vụ giải bài tập lên bảng cho các bạn chép.

Khi chúng tôi tốt nghiệp lớp 7 (cấp 2) thì cũng là lúc phải xa thầy. Thầy được chuyển về quê Thái Bình dạy học, còn chúng tôi đứa thì học tiếp lên cấp 3 (THPT), đứa thì vào học các trường Trung cấp, Sơ cấp chuyên nghiệp. Buổi chia tay thầy đứa nào cũng khóc. Cái Na lớn và đẹp nhất lớp khóc nhiều hơn cả, vì chúng tôi biết ngoài tình cảm thầy trò, nó còn nuôi một tình cảm khác khó nói. Đoán được điều đó, thầy nói với chúng tôi: “Thầy coi các em như em ruột của thầy. Thầy chỉ hơn các em sáu, bảy tuổi. Vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, thầy không được học tiếp Cấp 3 và Đại học mà phải vào đời sớm, đó là một thiệt thòi. Thầy sẽ cố gắng tự học để làm sao có được tấm bằng Đại học. Năm nay thầy mới hai mươi bốn, theo lời các cụ dặn “tam thập nhi lập” (nghĩa là con trai ba mươi tuổi mới đủ chín chắn để lập gia đình). Các em còn trẻ lắm hãy cố mà học thành tài”. Thầy còn nói nhiều nữa, nhưng thầy càng nói bọn con gái càng khóc lớn, và cuối cùng thầy cũng rơm rớm nước mắt. Lặng im đôi phút  bỗng thầy cười rồi bắt chúng tôi hát vang bản nhạc Nga: “Cả tình yêu trao cuộc sống…”…, rồi thầy lại kể tiếp truyện “Thanh kiếm và lá chắn”, hoặc truyện “Một nghìn, một đêm lẻ”. Kẹo bánh còn nhiều nhưng chẳng đứa nào buồn ăn. Tôi xa thầy từ hè đó.

Nghe theo lời thầy, sau khi tốt nghiệp lớp 10 tôi vào Đại học sư phạm, rồi xung phong lên Tây Bắc dạy học. Miền Nam giải phóng, tôi được chi viện vào Cần Thơ giảng dạy, và  vẫn luôn hỏi thăm bè bạn để tìm địa chỉ của thầy nhưng vẫn biệt vô âm tín. Hơn hai mươi năm trôi qua, bỗng một hôm, thầy Chương, dạy cùng trường với tôi, báo tin: “Có một người tên là Hải bên Xí nghiệp tàu cuốc hữu Sông Hậu đang tìm cậu”. Hóa ra lâu nay cả  thầy và trò cùng tìm nhau mà không gặp. Tôi vội đạp xe ngay tới chỗ thầy. Hai thầy trò ôm nhau nghẹn ngào, hai mái đầu muối tiêu áp sát vào nhau, rồi cùng ôn lại quãng đường xưa suốt buổi chiều mà chưa hết. Từ đó có miếng gì ngon, có niềm vui hay nỗi buồn hai thầy trò lại cùng nhau chia sẻ.

Thầy cho biết: sau khi về Thái Bình dạy được một năm, thì tiếp tục học hàm thụ Đại học Sư phạm – khoa Toán. Tốt nghiệp, thầy lại học học tiếp Đại học Bách khoa- ngành Điện. Với hai tấm bằng Đại học loại Giỏi, thầy được một người bạn thân giới thiệu về làm ở Xí nghiệp tàu Cuốc hữu sông Hậu. Thầy tâm sự: “Làm bên này tuy lương có cao hơn bên giáo dục nhưng thầy vẫn nhớ bảng đen phấn trắng lắm”.

Khi cháu thứ hai vừa thi đỗ Thủ khoa Đại học Bách khoa Hà Nội, đang làm thủ tục để đi học ở Ba Lan thì đùng một cái, thầy đã vội “đi xa”. Trong một chuyến công tác qua sông Châu Đốc, khi đò ra giữa sông thì trời nổi giông tố, mưa như trút nước, sóng cuồn cuộn dâng cao. Đò tắt máy vì buzi bị ướt, có nguy cơ bị chìm. Mọi người nhốn nháo lo sợ. Thầy hô to: “Ai biết bơi hãy nhảy xuống cho đò nhẹ để cứu đàn bà và trẻ em”. Vừa hô xong, thầy và một số người nhảy ngay xuống để bơi vào bờ, nhưng sóng to gió lớn đã cuốn thầy đi, để rồi không bao giờ thầy trở về nữa. Ba ngày sau người ta mới tìm thấy xác thầy ở Ngã ba Vàm Cống, cách Châu Đốc hơn 40 cây số. Mộ thầy được để ở nghĩa trang Long Tuyền, nơi dành riêng cho những cán bộ, chiến sĩ. Mỗi lần ra thắp nhang viếng thầy lòng tôi lại quặn đau thương tiếc. Năm năm sau tôi cùng cô Tiên – vợ thầy, bốc mộ, hỏa táng, và rước thầy về Thành phố Hồ Chí Minh an nghỉ gần với gia đình. Bốn người con của thầy giờ đây có người là tiến sĩ, người thạc sĩ, cử nhân, đều là những cán bộ khoa học giỏi ở Thành phố Hồ Chí Minh. Nhiều học trò của thầy là những nhà khoa học, kỹ sư, bác sĩ, nhà giáo ưu tú.

Thầy ơi! Ngọn lửa trong tim thầy  đã nhen lên trong em tình yêu nghề dạy học từ những ngày ở lớp 5E Thọ Xuân, Thanh Hóa. Và em đã trung thành với nó hơn 40 năm qua.

L.X