Thầy thuốc ưu tú và tâm hồn văn chương

435

Khác với Vũ Quần Phương hay Phan Thị Vàng Anh bỏ hẳn nghề y chuyển sang làm thơ, viết văn chuyên nghiệp, và cũng khác với Trần Hữu Nghiệp hay Đỗ Hồng Ngọc vừa hoạt động y tế vừa viết văn, dù đam mê văn chương nhưng tới khi về hưu, Thầy  thuốc ưu tú Phạm Đình Phú mới dành thời gian và tâm huyết cho trang viết…


Đại tá – Thầy thuốc ưu tú – nhà thơ Phạm Đình Phú

Đại tá, Thầy thuốc ưu tú – BS-CKII.Phạm Đình Phú là một trong những gương mặt quen thuộc của ngành quân y từ thời chiến tranh. Ông từng trải qua 2 chiến trường ác liệt ở Quảng Trị từ năm 1972-1975 và biên giới phía Bắc từ năm 1979-1982. Mùa xuân Canh Tý 2020, ông bước sang tuổi 75. Vừa qua, kỷ niệm Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27-2, giữa niềm vui chúc mừng, ông bùi ngùi nhớ về những đồng đội, đồng nghiệp đã vĩnh viễn nằm xuống trên các chiến trường, trong đó có Đặng Thùy Trâm từng sát cánh với ông.

Cũng với tâm trạng ấy, trong một lần tham dự trại sáng tác văn học ở chiến trường Mã Đà (Đồng Nai) do Hội Nhà văn TP.HCM tổ chức, Phạm Đình Phú với tư cách nhà thơ xúc cảm dâng trào đã sáng tác nhiều bài thơ đầy hoài niệm về một thời máu lửa hy sinh. Ông nói với chúng tôi rằng, trong chiến tranh, ngành quân y có nhiều đóng góp to lớn và cũng có những điều bí mật, góc khuất gian khổ đớn đau mà chỉ có người trong nghề mới hiểu.

Chính nỗi trăn trở trên, Phạm Đình Phú đã hoàn thành và xuất bản cuốn truyện ký Blouse màu lá. Ngoài những cuốn nhật ký sau này mới phát hiện như của Đặng Thùy Trâm hay Nguyễn Văn Thạc thì Blouse màu lá là một trong những tác phẩm hiếm hoi viết về ngành quân y từ thời chiến đến thời bình, với những câu chuyện thực tế xúc động về tinh thần xả thân xen lẫn những chuyện bi hài thật khó tưởng tượng. Cũng từ cuốn sách này, người đọc gần gũi với Phạm Đình Phú càng ngạc nhiên khi biết đằng sau vóc dáng nhỏ con, gương mặt hiền lành phúc hậu, nụ cười thân thiện dưới cặp mắt kính của ông là một tâm hồn đa cảm, một trí tuệ uyên thâm, một tính cách can trường, một nghị lực phi thường không bao giờ chịu đầu hàng nghịch cảnh.

Nhờ tâm hồn đa cảm mà BS.Phạm Đình Phú dễ cảm thông với bệnh nhân và những người bất hạnh, mang lại cho ông nguồn cảm hứng sáng tác nên những vần thơ nói hộ lòng mình. Ông cũng không ngừng say mê học tập, nghiên cứu, tổng kết thực tiễn thành những đề tài, công trình khoa học có giá trị. Tính cách can trường không chỉ giúp ông đứng vững giữa mưa bom bão đạn chiến trường mà còn đấu tranh không khoan nhượng trước những hiện tượng tiêu cực, bất công trong ngành quân y thời bình. Và nghị lực phi thường đã đưa ông từ cậu bé mồ côi đơn độc, gầy ốm nghèo đói, vượt qua rất nhiều hoàn cảnh nguy nan, éo le để trở thành chuyên gia hàng đầu về bỏng và tạo hình, sĩ quan cao cấp của quân đội, như lời thơ ông tự họa:

Chú mục đồng đi qua chiến trận
Trở về làng: đại tá quân y.

Phạm Đình Phú là người con độc nhất của một liệt sĩ chống Pháp ở Hương Sơn (Hà Tĩnh). Ông mồ côi cha lúc mới 6 tuổi, đến năm 10 tuổi thì mẹ tái giá, ông sống với bà nội trong hoàn cảnh chiến tranh đói khổ. Bằng tinh thần tự lập vượt khó học tập, Phạm Đình Phú đã đậu Trường đại học y khoa Hà Nội năm 1966, lội bộ 13 ngày từ Hà Tĩnh ra tận thủ đô nhập học. Thời sinh viên phải sơ tán lên tận rừng núi Thái Nguyên vừa học tập vừa tự tăng gia sản xuất rau xanh, chăn nuôi để cải thiện từng bữa ăn. Đầu năm 1972, sau khi hoàn thành chương trình đại học y, Phạm Đình Phú xung phong vào mặt trận Quảng Trị, trở thành bác sĩ trẻ đầu tiên có mặt tại chiến trường ác liệt này và cả sau khi Bệnh viện dã chiến 112 thu gọn để chuẩn bị tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh mùa Xuân 1975.


Vợ chồng bác sĩ Phạm Đình Phú – Diệu Mỳ (từ trái qua) với đồng nghiệp ngày ra mắt Blouse màu lá.

Đến cuối tháng 2-1979, bác sĩ Phạm Đình Phú lại rời Viện Quân y 105 để lên nhận nhiệm vụ Trưởng khoa Ngoại, Bí thư Chi bộ liên khoa, Đảng uỷ viên Bệnh viện Quân y dã chiến 43 đóng tại vùng đồi Yên Thế, Bắc Giang. Thêm một bước ngoặt nữa đối với người bác sĩ quân y có duyên với chiến trường, mà ở đây là mặt trận bảo vệ biên giới phía Bắc đang diễn ra khốc liệt.

Sau khi hoàn thành nhiệm vụ ở chiến trường biên giới phía Bắc, BS.Phạm Đình Phú quay trở về làm việc tại Viện Quân y 105 ở Sơn Tây rồi chuyển công tác vào Viện Quân y 175 ở TP.HCM. Nhờ trui rèn trong điều kiện khắc nghiệt, ông đã can đảm vượt qua những sóng gió bất ngờ ập đến, đồng thời càng dễ đồng cảm, chia sẻ với những số phận bất hạnh. Và trên hành trình đầy thăng trầm của mình, người thầy thuốc mang tâm hồn văn chương may mắn có người bạn đời Diệu Mỳ thủy chung, tận tụy. Và tình yêu lớn ấy đã trở thành nguồn cảm hứng cho thơ ông mãi cuộn trào:

Yêu nhau nơi chiến trường lửa đạn
Lễ vật đơn sơ, gìn giữ tới hôm nay
Bộ quân phục sờn vai trong ngày cưới
Đôi dép cao su mòn vẹt tháng ngày.

Theo Báo Đồng Nai