Thầy tôi – Kho báu của của tôi

140

Lê Thị Thanh Vy

PGS Chu Xuân Diên thuộc thế hệ những nhà nghiên cứu tiếp thu lý thuyết thế giới qua con đường tiếng Nga và tiếng Pháp. Thầy đã tham gia dịch những công trình kinh điển về folklore học mà đặc biệt phải kể đến bộ sách 2 tập rất dày dặn là Tuyển tập V. Ia. Propp – giới thiệu gần như đầy đủ trước tác của một tác giả quan trọng hàng đầu của trường phái Hình thức Nga và nghiên cứu folklore…

PGS Chu Xuân Diên và tác giả

“Người cao tuổi là một kho báu”

Đó là một câu tục ngữ mà tôi đã dùng để gửi lời tri ân sâu sắc đến thầy Chu Xuân Diên – giảng viên hướng dẫn của tôi, khi tôi hoàn thành buổi bảo vệ luận án tiến sĩ của mình với đề tài “Nghiên cứu folklore trong bối cảnh: lý thuyết và ứng dụng (Trên cứ liệu tục ngữ trong văn học Việt Nam)”. Khi ấy, thầy tôi đã 87 tuổi; cũng vì lẽ đó mà tôi hay được thầy cô và các bạn đồng nghiệp gọi đùa là “bế môn đệ tử” – học viên cuối cùng mà thầy hướng dẫn chuyên môn trong sự nghiệp nghiên cứu và giảng dạy kéo dài hơn nửa thế kỷ của mình.

Thật ra tôi đã may mắn được đồng hành cùng thầy từ trước đó hơn 10 năm. Thầy đã giảng dạy cho hệ Cử nhân tài năng khoa Văn học khóa 2005-2009 chúng tôi một chuyên đề về các công trình nghiên cứu văn hóa dân gian hiện đại – đó cũng là lần đầu tiên chúng tôi được biết đến hai nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Huyên và Cao Huy Đỉnh với 2 công trình có tính chất “cắm mốc” của họ là “Hát đối của nam nữ thanh niên ở Việt Nam” và “Người anh hùng làng Dóng”. Khi tôi tốt nghiệp và được giữ lại Khoa Văn học để trở thành cán bộ giảng dạy cho Bộ môn văn hóa dân gian, thầy trưởng khoa khi ấy là PGS.TS Lê Giang đã trao đổi với thầy Chu Xuân Diên về việc hướng dẫn luận văn thạc sĩ cho tôi.

Tôi khi đó vừa tốt nghiệp đại học, hồ hởi và hồn nhiên trình bày với thầy Chu Xuân Diên về khuynh hướng quan tâm đến những hiện tượng văn hóa, văn học dân gian đương đại của mình, mong muốn theo đuổi một đề tài luận văn như thế. Khi ấy, thầy đã từ tốn giải thích cho tôi rằng không nên vội vàng, nên bắt đầu một cách căn cơ hơn, từ những lý thuyết văn hóa dân gian. Thầy dẫn chứng trường hợp GS Nguyễn Đức Dân – một nhà ngữ học uyên bác, thường xuyên xuất hiện trước đại chúng để trả lời về các vấn đề ngôn ngữ đương đại dựa trên những hiểu biết chuyên môn sâu sắc của mình. Trong lần gặp thứ hai, tôi đã trình bày nguyện vọng của mình về việc tìm hiểu và giới thiệu một lý thuyết folklore đương đại và ứng dụng vào nghiên cứu văn học dân gian Việt Nam. Khi ấy, thầy đã giới thiệu với tôi hướng tiếp cận bối cảnh trong nghiên cứu văn hóa dân gian – một khuynh hướng học thuật nổi lên tại Hoa Kỳ vào những năm 1970, tạo thành “bước ngoặt” trong ngành folklore với sự tham gia của các nhà nhân học hàng đầu của Hoa Kỳ lúc bấy giờ. Đây cũng là đề tài mà tôi đã thực hiện luận văn thạc sĩ và luận án tiến sĩ – một dấu mốc lớn hành trình học thuật của tôi.

Trong bước đầu chập chững đó, tôi đã học được ở thầy hai điều rất quan trọng về hướng dẫn khoa học. Đầu tiên, với nghiên cứu nhân văn, cần cân nhắc đến nguyện vọng, thiên hướng riêng của nhà nghiên cứu để chọn được hướng đề tài phù hợp. Được thực hiện một đề tài có kết nối cá nhân là một trong những tiền đề đầu tiên cho việc duy trì cam kết của nhà nghiên cứu với vấn đề mà mình theo đuổi. Bài học thứ hai là tầm nhìn xa trong việc gợi mở một hướng đi cơ bản, năng sản, nhiều triển vọng. Qua quá trình làm luận văn và luận án với thầy, tôi như được mở ra một chân trời với việc tìm hiểu lịch sử ngành folklore học, các khuynh hướng và phương pháp tiếp cận văn bản folklore, không chỉ giúp tôi hoàn thành luận án mà còn khơi mở và cung cấp cho tôi những công cụ, điểm nhìn để lý giải các hiện tượng văn hóa đương đại mà tôi quan tâm, hình thành nên các bài viết về folklore đương đại Việt Nam của tôi sau này. Với tôi, thầy thật sự là một kho báu.

Một nhà nghiên cứu có tầm nhìn rộng rãi và sự nhạy cảm khoa học

Để có thể nhận định về những thành tựu mà PGS Chu Xuân Diên đã cống hiến cho folklore học Việt Nam cần những bài viết công phu từ một nhà nghiên cứu có cùng tầm vóc với thầy – mà tôi nghĩ bài viết của GS Nguyễn Xuân Kính về thầy là một bài viết như thế. Với kinh nghiệm làm nghiên cứu hạn hẹp của mình, tôi chỉ có thể nêu hai cảm nhận lớn nhất của tôi về PGS Chu Xuân Diên qua quá trình được thầy đồng hành, là tầm nhìn rộng rãi và sự nhạy cảm khoa học của một nhà nghiên cứu lớn.

PGS Chu Xuân Diên thuộc thế hệ những nhà nghiên cứu tiếp thu lý thuyết thế giới qua con đường tiếng Nga và tiếng Pháp. Thầy đã tham gia dịch những công trình kinh điển về folklore học mà đặc biệt phải kể đến bộ sách 2 tập rất dày dặn là Tuyển tập V. Ia. Propp – giới thiệu gần như đầy đủ trước tác của một tác giả quan trọng hàng đầu của trường phái Hình thức Nga và nghiên cứu folklore. Bên cạnh đó, tình hình ngành folklore học Âu – Mỹ vẫn được thầy cập nhật thường xuyên qua các tạp chí chuyên ngành, các bộ sách dịch thuật từ những dự án của Viện Nghiên cứu văn hóa. Từ bộ sách Folklore thế giới: Một số công trình nghiên cứu cơ bản và Folklore thế giới: Một số thuật ngữ đương đại (GS Ngô Đức Thịnh và TS Frank Proschan chủ biên) mà thầy đã biết đến “contextual approach” (hướng tiếp cận bối cảnh) và mang đến những gợi ý quý giá cho tôi để theo đuổi.

Đọc sách của các lý thuyết gia thuộc trường phái bối cảnh trong folklore học, tôi thấy nhiều thao tác và phương pháp luận của họ đã từng được thầy đi đầu sử dụng tại Việt Nam từ trước đó – thời điểm mà lý thuyết bối cảnh trong folklore học hoàn toàn chưa được giới thiệu. Điều này thể hiện trong các phương pháp, quy trình sưu tầm mà khoa Ngữ văn – Báo chí (tiền thân của khoa Văn học) đã thực hiện trong các đợt điền dã từ rất sớm. Ghi nhận thông tin của cộng tác viên/ người cung cấp tư liệu folklore là một phương pháp luận rất hiện đại trong bối cảnh Việt Nam, hầu như không thấy trong các bộ sưu tầm văn học dân gian trước đó (điều này còn đặc biệt có ý nghĩa với những đợt điền dã quy mô lớn và kéo dài nhiều năm như các đợt sưu tầm văn học dân gian của cán bộ và sinh viên khoa Văn học). Hiển nhiên đây cũng là một phần của công tác quản lý hoạt động làm việc của sinh viên; nhưng phải nhìn nhận ở khía cạnh điều này đã cung cấp những thông tin rất hữu ích để chúng ta có thể diễn giải tư liệu folklore. Một trường hợp thú vị nữa là trong công trình Văn học dân gian Bạc Liêu, sản phẩm kết tinh từ các đợt thực tập thực tế của sinh viên khoa Văn học sau đó được xuất bản vào năm 2005, riêng câu chuyện Tấm Cám đã có một số lượng dồi dào hiếm thấy, lên đến 14 dị bản với những khác biệt rất thú vị, độc đáo so với những phiên bản quen thuộc nhiều người biết đến. Sau khi tìm hiểu thì tôi được biết điều này nằm trong “ý đồ” của thầy khi đó là trưởng đoàn thực tập: thầy đã yêu cầu các cán bộ hướng dẫn và sinh viên tại mỗi địa bàn cùng đề nghị người dân địa phương thuộc các xã khác nhau của tỉnh Bạc Liêu kể câu chuyện Tấm Cám. Tôi đã sử dụng những tư liệu này, cả văn bản và những thông tin hữu ích về giới tính và độ tuổi của cộng tác viên để phân tích trong bài viết Truyện Tấm Cám ở Nam Bộ của mình. Dĩ nhiên, hiện nay với sự hỗ trợ đắc lực và trực tiếp của các lý thuyết nhân học hiện đại, công tác điền dã và văn bản hóa tác phẩm văn học dân gian đã được chuẩn hóa tại nhiều khoa đào tạo folklore học trên thế giới, thông tin về cộng tác viên cũng đã được ghi nhận ở mức độ sâu sắc và dầy dặn hơn rất nhiều, nhưng tầm nhìn và sự nhạy cảm của một chuyên gia folklore học hàng đầu Việt Nam trong một bối cảnh còn nhiều hạn chế về tư liệu và nguồn thông tin tra cứu như những năm 1990 là một điều xúc động.

Sự nhạy cảm khoa học là rất cần thiết trong nghiên cứu nhân văn – ngành nghiên cứu gắn với những mô hình biểu đạt đa dạng của con người, thiên về định tính và sự diễn giải. Sự nhạy cảm là một phẩm chất phần nào có tính thiên bẩm, nhưng để có thể trở thành một phản xạ và phát huy hiệu quả thì nó đòi hỏi quá trình tích lũy và mài dũa liên tục của người nghiên cứu. Ở phương diện này, có thể nói PGS Chu Xuân Diên là điển hình của một học giả có tri thức “bách khoa” tại Việt Nam. Thầy không bao giờ tự giới hạn mình trong một chuyên môn hẹp: thầy đọc lý thuyết ngôn ngữ học, văn học, văn hóa học, nghiên cứu lịch sử, đọc tiểu thuyết nước ngoài và tiểu thuyết Việt Nam, thầy nghe nhạc cổ điển,…Có thể thấy ngay điều này qua “thư viện gia đình” hàng ngàn cuốn sách thuộc đủ các lĩnh vực của thầy.

Tôi có những kỷ niệm thân thương với thầy, như thầy từng dịch giúp tôi một bài báo tiếng Nga liên quan đến luận án của tôi. Tôi nhớ nỗi xúc động của mình khi cầm trên tay cuốn tập học trò, nhìn những dòng chữ bút bi xanh ngay ngắn và bay bổng của thầy (và cả những chi tiết nhỏ cho thấy sự tinh tế lúc làm việc như khi ghi chép, thầy luôn chỉ ghi một mặt bên phải của quyển tập học trò, mặt bên trái đối xứng dùng để có chỗ chỉnh sửa, ghi chú sau này). Lúc đó tôi quá đỗi bất ngờ; nhưng sau này khi hướng dẫn các bạn sinh viên làm nghiên cứu khoa học và khóa luận, tôi hiểu rằng khi hướng dẫn người học làm một nghiên cứu là đồng nghĩa với việc thầy và trò cùng nhau tìm hiểu; người thầy cũng có những tò mò khoa học khi đồng hành cùng học trò. Tinh thần hiếu tri, niềm vui chân thành của người thầy cao niên trước một điều gì đó “mới” khiến tôi thật sự xúc động.

Từ thầy Chu Xuân Diên và nhiều thầy cô ở khoa Văn học, tôi tin tưởng vào sự trao truyền giá trị, về sự tiếp nối và kết nối thế hệ. Di sản mà các thầy cô để lại không chỉ là một tập hợp dồi dào những giáo trình, công trình nghiên cứu, dịch thuật luôn mời gọi tiếp cận và đối thoại; mà còn là một thái độ sống, sự nghị lực và bản lĩnh văn hóa – trong đó, thầy tôi hiện lên như một đại diện của thế hệ trí thức Việt Nam thời hậu chiến đã vượt qua nhiều rào cản, thiếu thốn, để lặng lẽ và bền bỉ đóng góp.

L.T.T.V