Thầy Trần Chút, nhân hậu và nghĩa tình!

593

Trần Thế Tuyển

(Vanchuongphuongnam.vn) – Cách đây hơn mười ngày, thầy Trần Chút lỡ hẹn với chúng tôi trong chuyến đi trao quà cho học sinh nghèo vượt khó, học giỏi tại huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai. Tôi gọi điện hỏi thăm thầy. Giọng thầy vẫn sang sảng: “Mình về Xuân Lộc thăm các cháu. Dạo này yếu quá rồi. Không biết có thăm được chúng nữa không“. Tôi chúc thầy có chuyến đi vui vẻ, ấm áp và hẹn thầy gặp lại trong dịp kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam sắp tới do Trung tâm Phát triển Giáo dục và Truyền thông tổ chức, nơi thầy trò chúng tôi nhận lời làm Tư vấn và tham gia giảng dạy. Thế mà hôm qua, giám đốc Trung tâm Phát triển Giáo dục và Truyền thông – Ngô Văn Hiền – gọi điện báo tin: “Bệnh viện đã trả thầy Chút về nhà”! Tôi thảng thốt gọi cho Hồng Anh, con gái của thầy. Giọng Hồng Anh buồn da diết: “Bố em yếu lắm rồi. Không biết gì nữa…”


Nhà giáo Ưu tú Trần Chút, phó trưởng Khoa Văn đầu tiên của Trường ĐH Tổng hợp TP.HCM, đã qua đời tối 1-10 sau thời gian bệnh nặng.

Tài hoa và trong sáng 

Tôi là học trò của thầy Trần Chút từ những năm đầu thập kỷ tám mươi của thế kỷ trước. Ấy là những năm cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam và làm nghĩa vụ quốc tế ở
Cam Pu Chia đang diễn ra phức tạp. Đơn vị cho chúng tôi về ôn thi vào khoa ngữ văn trường Đại học Tổng hợp TP.HCM (nay là trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn thuộc Đại học quốc gia TP HCM). Trúng tuyển, chúng tôi được làm học trò của các thầy cô – những tên tuổi lừng danh trong diễn đàn giáo dục, học thuật, văn chương nước nhà như các giáo sư Hoàng Như Mai, Lê Đình Kỵ, Hoàng Thiệu Khang, Trần Chút… Thầy Trần Chút dạy chúng tôi môn ngôn ngữ. Đã từng nghe danh thầy, nhưng khi gặp thầy, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng.

Thầy Trần Chút trước mặt chúng tôi thật bình dị, gần gũi. Dáng người thanh cao, cặp kính trắng luôn hiện diện trên khuôn mặt xương gầy, càng tôn vinh dáng nho nhã, tri thức của thầy. Với giọng nói nhỏ nhẹ, luôn nhìn thẳng vào người nghe, những bài giảng của thầy với vốn kiến thức thâm sâu như tầng, như vỉa của núi đồi khiến chúng tôi say mê, khó có thể quên được. Lớp chúng tôi có vài sinh viên mặc áo lính, thầy dành cho tình cảm đặc biệt. Thầy bảo, thời trẻ, các anh chị bận đánh giặc. Nay về học cũng chưa muộn. Cái sự học không bao giờ là muộn cả. Sau này tôi mới biết, thầy chính là một trong những tác giả của đề án giáo dục này. Mở lớp đào tạo những người không có điều kiện học đại học chính quy.

Thầy Trần Chút không có nhiều danh học hàm, học vị nhưng là một trong những người thầy mà chúng tôi kính trọng nhất. Trước tiên bởi nhân cách và ngay sau đó là tài năng của thầy. Được đào tạo bài bản, thầy sinh ra như để nghiên cứu và giảng dạy ngôn ngữ. Ít ai có vinh hạnh như thầy, được Bộ GD và ĐT mời tham gia nhiều công trình khoa học ngôn ngữ liên quan đến sách giáo khoa Tiếng Việt. Thầy là tác giả, chủ biên và đồng chủ biên các giáo trình Ngữ pháp Tiếng Việt từ năm 1975. Sách ngôn ngữ Tiếng Việt cho bậc trung học cơ sở và trung học phổ thông thật phức tạp, nhạy cảm, dễ gây tranh cãi. Nhưng với vốn kiến thức thâm sâu và bản lĩnh nghề nghiệp của mình, thầy đã cùng cộng sự bảo vệ thành công. Các giáo trình ấy ngày càng đi vào cuộc sống. Nhà giáo ưu tú Trần Chút dành cả cuộc đời cho giáo dục.

Hơn 40 năm gắn bó với nghề “đưa đò”, thầy vẫn là thầy giáo “đạm bạc”, trong sáng như xưa. Bù lại lớp lớp học trò của thầy trưởng thành. Trong đó có những người đứng đầu cương vị lãnh đạo đất nước, quân đội. Dù trọng trách có bao nhiêu trước thầy, họ cũng nhỏ bé, khiêm nhường như một thời làm sinh viên, học trò của thầy. Sự trong sáng của Nhà giáo Ưu tú Trần Chút không chỉ trong đời thường mà còn ở nghề nghiệp. Là một trong những chuyên gia hàng đầu về ngôn ngữ của đất nước, thầy Trần Chút coi ngôn ngữ Việt là hồn cốt của dân tộc, là truyền thống, bản sắc văn hoá Việt.

Nhân hậu và nghĩa tình 

Tôi có cơ duyên khi cả hai thầy trò về hưu đều tham gia công việc nghĩa tình. Đấy cũng là lúc tôi có dịp hiểu người thầy đáng kính hơn. Dù tuổi cao, sức không còn nhiều, nhưng thầy luôn có mặt trong những “sự kiện”, việc làm tình nghĩa. Tôi đã có dịp “tháp tùng” thầy đi làm công tác xã hội ơ nhiều vùng hẻo lánh, nghèo khổ của Đắc Lắc, Vĩnh Long, Cần Thơ, Đồng Nai… Đến nơi đâu thầy cũng được mọi người kính trọng bởi sự sẻ chia và gần gũi của bậc cao niên, sức khỏe không nhiều nhưng còn rất nhiều tình nghĩa. Nhớ lại cách đây vài tháng, thầy đến dự lễ thành lập Hội Hỗ trợ gia đình liệt sỹ. Đôi mắt ngấn lệ, thầy bảo, các anh chị đã nghỉ hưu, đáng lẽ dành thời gian cho gia đình, mà vẫn tiếp tục hy sinh, cống hiến cho đồng đội, đặc biệt những người đã hy sinh vì Tổ quốc. Thật cảm động và đáng trân trọng!

Một sinh viên biết tin thầy trút hơi thở cuối cùng về với tổ tiên, gọi điện cho tôi, anh ơi, em đến trường, đứng dưới gốc cây Ngọc Lan hơn 40 tuổi mà không sao cầm được nước mắt. Cây còn đây, hoa lá còn đây, hương vị còn đây mà thầy mãi mãi đi xa không bao giờ trở lại.

Tôi lặng người. Chợt nghĩ, không chỉ thế, thầy Trần Chút ra đi về cõi vĩnh hằng không chỉ để lại cây Ngọc Lan với hương thơm lạ thường đã được thầy tự tay trồng từ hơn 40 năm trước đây, khi thầy về làm Phó Trưởng khoa Ngữ văn đầu tiên của trường mà điều đáng suy ngẫm, trân trọng nhất là thầy đã để lại nhiều cây trong sự nghiệp trồng người, trong đó có nhiều cây – họ là những chính khách, người đứng đầu, những kỹ sư tâm hồn… đã có đóng góp đáng kể cho sự nghiệp giải phóng, xây dựng và bảo vệ tổ quốc.

Đêm 2 tháng mười 2020

T.T.T