‘Thế giới của Truyện Nôm’ ghi nhận và giới thiệu hai tác phẩm nổi tiếng của Nguyễn Đình Chiểu

440

(Vanchuongphuongnam.vn) – “Thế giới của Truyện Nôm” của nhà nghiên cứu Maurice Durand (NXB Tổng hợp TP.HCM phối hợp dự án ERC – Vietnamica, Viện Viễn Đông Bác cổ Pháp tại TP.HCM vừa ấn hành), có giới thiệu hai tác phẩm nổi tiếng của danh nhân văn hóa Nguyễn Đình Chiểu.

Công trình được biên soạn bởi GS Đinh Gia Khánh, nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Nguyên, GS Philippe Papin và PGS Philippe Le Failler. Trong lần xuất bản mới nhất (kể từ lần đầu xuất bản năm 1998 chỉ có bản tiếng Pháp – chữ Nôm) được dịch từ nguyên bản tiếng Pháp và cải tiến thêm Việt ngữ bởi đội ngũ thực hiện hùng hậu: Olivier Tessier (tổ chức biên soạn), Marcus Durand (con trai tác giả), Nguyễn Thị Hiệp – Philippe Papin (dịch và giới thiệu), Võ Thị Minh Tâm (hiệu đính), Hoàng Ngọc Hiếu (chế bản chữ Nôm), ngoài ra còn sưu tầm thêm nhiều hình ảnh minh họa đặc sắc cho những truyện thơ.

Nguyên tác tiếng Pháp vốn là một bản di cảo còn dang dở vào thời điểm Maurice Durand qua đời (1966). Vì vậy Thế giới của Truyện Nôm không hoàn thiện và chưa thực sự ăn khớp như những trước tác của ông, thậm chí là khó tránh khỏi những thiếu sót, nhưng đội ngũ thực hiện về cơ bản vẫn tôn trọng nguyên tác và gắng công hoàn thiện nhất có thể với kho tư liệu mà tác giả để lại. Chuyên khảo này của Maurie Durand không chỉ cung cấp cho độc giả Pháp cái nhìn chính xác về hai thể loại văn học (truyện Nôm và ngâm khúc, ca…) trong văn học truyền thống Việt Nam, mà còn là một nghiên cứu phê  bình về một số lượng tác phẩm đáng nể.


Ấn phẩm được biên soạn bởi đội ngũ chuyên gia hùng hậu.

Được biết, công trình Thế giới của Truyện Nôm đã đi một chặng đường dài để đến tay độc giả một cách trọn vẹn nhất có thể. Đầu tiên, vợ của tác giả gom góp tư liệu dưới dạng bản thảo chép tay đầu tiên ở dạng bản nháp từ sau khi ông qua đời. Theo lời khuyên và tư vấn của những nhà nghiên cứu uyên thâm thân thiết với tác giả, bà gửi ông L. Vandermeersch (1994, Giám đốc Viện Viễn Đông Bác cổ Pháp) đầu tiên, rồi gửi tiếp đến ông Lê Hữu Mục (NNC Việt Nam sống ở Canada) tiến hành biên soạn và bổ sung thêm. Sau đó, bản thảo được đưa trở lại Viện Viễn Đông Bác cổ Pháp và ông L. Vandermeersch chuyển tiếp cho ông D. Lombard (Giám đốc kế nhiệm của Viện) – người trực tiếp mời GS Đinh Gia Khánh tham gia vào việc biên soạn lại cuốn sách để có thể công bố. Công việc đưa bản thảo từ dạng nháp đến gần như hoàn thiện là một chặng đường khá dài và phức tạp, đó cũng là nhờ vào công lớn của GS Đinh Gia Khánh.

Thông thường, người ta thường gọi Truyện Nôm là để chỉ những tác phẩm khá dài, thường là khuyết danh, viết bằng chữ Nôm, theo lối văn vần và phần lớn viết theo thể thơ lục bát. Những truyện này trước khi được phổ biến bằng chữ Quốc ngữ đã được diễn âm và truyền bá bằng chữ Nôm. Truyện thơ Nôm được sáng tác bằng chính ngôn ngữ dân tộc xuất phát từ tinh thần dân tộc, thể hiện niềm tự hào vô bờ, mong muốn kiến tạo một di sản văn hóa đặc thù mang hình ảnh nhân vật chính trị của dân tộc Việt Nam. Ngôn ngữ, văn phong, phân tích tâm lý, tình cảm, thái độ ứng xử của nhân vật đưa chúng ta vào một không khí đặc thù của Việt Nam. Hơn thế nữa, phong cảnh tuyệt đẹp được miêu tả trong tác phẩm thường gây xúc động bởi tính nhân văn sâu sắc của nhân vật. Chủ đề được khai thác trong truyện Nôm thường được lấy từ tiểu thuyết Trung Hoa, từ truyền thuyết, cổ tích Việt Nam, có khi từ những giai đoạn lịch sử nổi tiếng nhất của Việt Nam, hoặc là những sáng tác theo trí tưởng tượng của một số tác giả khuyết danh hay hữu danh. Nổi tiếng nhất phải kể đến các truyện thơ Nôm Kim Vân Kiều, Lục Vân Tiên, Lưu Bình Dương Lễ, Chinh phụ ngâm khúc, Nhị Độ Mai, Quan Âm Thị Kính…


Tác phẩm “Lục Vân Tiên” gắn liền với tên tuổi danh nhân văn hóa Nguyễn Đình Chiểu.

Hai trong số kiệt tác văn học Việt Nam nổi bật là Kim Vân Kiều và Lục Vân Tiên với số lượng xuất bản và nghiên cứu kèm theo đáng kể. Đặc biệt là năm 2022, UNESCO vừa trao văn bản công nhận vinh danh danh nhân văn hóa Nguyễn Đình Chiểu nhân kỷ niệm 200 năm ngày sinh của ông (1822- 2022), Thế giới của Truyện Nôm cũng ghi nhận và giới thiệu hai tác phẩm Lục Vân Tiên cùng Ngư tiều vấn đáp y thuật của ông.

M.N