Thế giới tự nhiên trong ‘Góc sân và khoảng trời’

7109

 Trần Thanh Xem

(Vanchuongphuongnam.vn) – Góc sân và khoảng trời là tập thơ in đậm dấu ấn tuổi thơ của Trần Đăng Khoa. Đó là tuổi thơ ở làng quê, tuổi thơ của một thời binh khói. Ở đây, hồn thơ trong Góc sân và khoảng trời có sự xôn xao trong từng câu chữ. Tuổi thơ ấy gắn bó mật thiết với miền quê, nơi nhà thơ sinh ra và lớn lên. Vì thế, chúng ta bắt gặp một thế giới tự nhiên tràn ngập và đáng yêu trong tập thơ này.

Tập thơ Góc sân và khoảng trời của nhà thơ

Trần Đăng Khoa

Mở đầu tập thơ là hình ảnh góc sân và khoảng trời rất thân quen và gần gũi với nhà thơ:

Góc sân nho nhỏ mới xây
Chiều chiều em đứng nơi này em trông
Thấy trời xanh biếc mênh mông
Cánh cò chớp trắng trên sông Kinh Thầy”

Hồn thơ này không phải từ trên trời rơi xuống mà nó gắn chặt với quê hương đất nước mình. Thơ thiếu nhi bao giờ cũng gắn với hiện thực với đời sống ở xung quanh nó. Vì thế, đọc thơ Trần Đăng Khoa, chúng ta bắt gặp có một thế giới làng quê chứ không phải là một thế giới xa lạ viễn vông, không phải là sản phẩm của một trí tưởng tượng vu vơ. Chúng ta đọc được ở trong thơ Trần Đăng Khoa hình ảnh một luống khoai, những hàng chuối mật, những đêm lấp lánh trăng lên:

“Vườn em có một luống khoai
Có hàng chuối mật vối hai luống cà
Em trồng thêm một cây na
Lá xanh vẫy gió như là gọi chim…
Những đêm lấp ló trăng lên
Vườn em dậy tiếng dịu hiền gần xa
Em nhìn vẫn thấy cây na
Lá xanh vẫy gọi như là gọi trăng”

Hồn thơ ấy gắn bó với những gì thân thiết nhất. Quê hương ngấm sâu vào hồn thơ của tác giả. Chúng ta có thể cảm nhận được một cách tinh vi những mùi vị đặc trưng của làng quê bình dị:

“Mùi bùn đang ngấu
Mùi phân đang hoai”

Hay:
“Mùi bùn ngấu và mùi lúa chín
Mùi trăng non những đêm ngủ sân đình”

Những ai từng sống ở làng quê ngày xưa mà chưa từng ngủ quên với bạn ở sân đình bị bố mẹ cho ăn roi. Trẻ con ngày ấy nghịch và hồn nhiên. Ban đêm dành cho tuổi thơ vui chơi, giải trí. Sân đình là nơi hình thành tình yêu quê hương làng xóm của chúng, vì thế, ngày xưa làng quê in đậm trong tâm hồn trẻ thơ. Điều đó cho thấy, tình bạn và tình yêu quê hương được hình thành một cách tự nhiên và rất sớm. Nó không chỉ tác động đến trẻ thơ mà còn tác động đến cả người lớn. Thơ Trần Đăng Khoa đã khiến người lớn bâng khuâng, nhớ tới một thời đã qua của tuổi thơ, một thời hồn nhiên nơi làng quê, một thời sống chung vói chúng bạn vui đùa và hết sức vô tư.

Góc sân và khoảng trời là tập thơ của tuổi thơ. Đậm đặc chất đồng quê là đặc trưng của thơ Trần Đăng Khoa:

Nửa đêm nghe ếch học bài
Lưa thưa vài hạt mưa ngoài hàng cây
Nghe trời trở gió heo mây
Sáng ra vại nước rụng đầy hoa cau”

Nghe tiếng ếch kêu mà liên tưởng đến chuyện học bài chắc chắn đó là dấu ấn của hồn thơ trẻ thơ đồng quê. Bắt được chiếc cầu nối giữa tiếng ê a trẻ em học bài với tiếng ếch kêu, không đơn giản chỉ là sự quan sát bằng tai, bằng mắt, đây rõ ràng là sự quan sát bằng cả hồn người.

Một sự cảm nhận tinh tế về thiên nhiên đó là đặc điểm nổi trội của thơ Trần Đăng Khoa. Biệt tài của nhà thơ là ở khả năng hòa nhập, hóa thân vào thế giới tự nhiên. Sự hòa nhập, hóa thân này được tập trung với một cường độ rất cao. Vì thế biện pháp nhân hóa, là rất phổ biến trong thơ của Trần Đăng Khoa. Tác giả có thể xưng hô một cách hết sức tự nhiên, hồn nhiên với thế giới tự nhiên:

Ông trời nổi lửa đằng đông
Bà sân vẫn chiếc khăn hồng đẹp thay
Cậu mèo đã dạy từ lâu
Cái tay rửa mặt, cái đầu nghiêng nghiêng
Mụ già cục tác như điên
Làm thằng gà trống luyêng thuyêng một hồi”

Trần Đăng Khoa tiếp cận, mô tả và thể hiện thế giới tự nhiên giống hệt như mô tả và tiếp cân thế giới con người. Trong thơ Trần Đăng Khoa thế giới tự nhiên và thế giới con người hòa trộn với nhau như:

“Đứng canh trời đất bao la
Mà dừa đủng đỉnh như là đứng chơi”
Hoặc:

Ao trường vẫn nở hoa sen
Bờ tre vẫn chú Dế Mèn vuốt râu”
Góc sân và khoảng trời là tập thơ đầu tay của Trần Đăng Khoa. Tập thơ đã đem lại thành công trên chặng đường sáng tác văn chương của tác giả. Thơ trong Góc sân và khoảng trời thật tự nhiên. Tự nhiên như cuộc sống vốn thế. Đó là tất cả những gì diễn ra hàng ngày dưới con mắt của một cậu bé rất gần gũi, dung dị nhưng cũng rất tinh tế, thiết tha với quê hương đất nước.

T.T.X