(Vanchuongphuongnam.vn) – Khi nhà văn Lê Xuân thông báo trên Facebook rằng sắp trình làng tác phẩm “Cảm nhận về vẻ đẹp Văn hóa, Văn nghệ dân gian”, tôi comment chúc mừng. Không ngờ anh nói rằng “Hán nhắn địa chỉ, mình sẽ gửi sách tặng”. Tôi là một kẻ suốt đời tôn thờ cái đẹp nên mừng lắm. Sau một tuần hồi hộp đợi chờ, hôm nay (25.3) tôi đã có trên tay cuốn sách quý đó.
Nhà thơ, nhà lý luận phê bình Lê Xuân.
Đọc trên lỉa bìa 2, mới biết tên thật của anh là Lê Xuân Bột. Cái tên này tôi quen lắm, bởi tôi đã đọc một số bài viết của tác giả này trên các báo và tạp chí Văn hóa, Văn nghệ lâu lắm rồi. Quê anh ở Thanh Hóa, hiện sống và viết tại thành phố Cần Thơ. Anh đã trình làng 6 tác phẩm riêng đủ các thể loại: Thơ, Bình thơ, Truyện ký văn học, Tiểu luận và Phê bình văn học, Chân dung văn học, Tiểu luận – Khảo cứu. Hiện anh là hội viên của 5 hội Văn nghệ Trung ương và địa phương, như: Hội ngôn ngữ học Việt Nam, Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam…
Anh nhận được nhiều giải thưởng về Văn học Nghệ thuật, trong đó có các giải về bình thơ, bình ca dao…
“Cảm nhận về vẻ đẹp Văn hóa, Văn nghệ dân gian” (NXB Văn hóa – Văn nghệ, quý I, 2020) là một tác phẩm dày dặn, gần 200 trang khổ 13×19. Bìa và sách trình bày thanh nhã, với vẻ đẹp bình dị như ca dao tục ngữ. Sách gồm 32 bài, được chia ra ba phần. Phần I: Bàn về ca dao, dân ca, tục ngữ; Phần II: Kiến trúc đình chùa, lễ hội, ẩm thực đờn ca tài tử; Phần III: Hình ảnh 12 con Giáp trong ca dao, tục ngữ. Trong lời nói đầu, tác giả thủ thỉ tâm tình: “Từ ấu thơ được tắm mình trong lời ru của bà, của mẹ qua mỗi vần ca dao và những chuyện kể xen lẫn tiếng võng đưa kẽo kẹt của những buổi trưa hè hay khi hoàng hôn buông xuống. Tôi chìm vào giấc ngủ nhẹ êm, mơ tới những cô Tiên, ông Bụt, được bay đến nhiều bến bờ xa lạ của những miền sông nước mênh mang hay miền núi cao xanh thẳm của Tổ quốc”. 75 tuổi – quãng thời gian đủ dài để sống và chiêm nghiệm, Lê Xuân đã đặt chân đến nhiều vùng đất khác nhau từ Bắc vào Nam. Dù đến đâu, trong hoàn cảnh nào anh cũng luôn say đắm với vẻ đẹp của ca dao, dân ca, tục ngữ Việt Nam. Từ “Một điệu hò dô huầy của xứ Thanh, một điệu chầu văn, cò lả, hay một làn hát xẩm, hát ghẹo, hát xoan của đồng bằng Bắc Bộ, một câu quan họ Bắc Ninh, một giọng hò mái nhì, mái đẩy của xứ Huế, hoặc một câu hò, điệu lý Nam Bộ … luôn xao xuyến hồn tôi”. Tất cả vẻ đẹp ấy đã kết tinh trong tâm hồn anh, để bây giờ anh viết nên những trang sách về văn hóa, văn nghệ dân gian này như là một món quà “gửi tặng những con người và vùng đất đã qua”. Một món quà vô giá mà chỉ những người suốt đời gắn bó và yêu mến thiết tha cái đẹp mới dệt nên.
Đánh giá về tác phẩm “Tiếng nói Tri âm”, một tác phẩm về Tiểu luận và Phê bình văn học của Anh trước đó (2011), trong “Lời nói đầu”, Nhà PBVH – Nhà thơ Lê Quang Trang nhận xét: “Từ vốn hiểu biết ca dao chung của dân tộc, anh đi sâu tìm hiểu tính độc đáo của ca dao Nam Bộ, cùng những phát hiện khá thú vị về miền đất chằng chịt kênh rạch. Và từ đó, những con người mộc mạc có lối phô diễn tâm hồn thật bộc trực, dễ thương nhưng không phải không ẩn giấu những điều tinh tế”. Còn nhà thơ – TS Phạm Đình Ân khẳng định: “ Ngòi bút khảo cứu, phê bình của anh luôn thiên về phương diện cảm nhận cái đẹp Chân, Thiện, Mỹ của dân gian bằng một sự cuốn hút đam mê và trân trọng” (báo Văn nghệ, 26.10.2013). Theo tôi, với tác phẩm “Cảm nhận về vẻ đẹp Văn hóa, Văn nghệ dân gian” mới trình làng, tác giả Lê Xuân còn làm được nhiều hơn thế. Bạn đọc có thể kiểm chứng nhận xét của tôi qua tìm đọc tác phẩm này.
Xuân Canh tý, mời bạn thưởng thức một trích đoạn về chuột:
Hình ảnh con chuột trong ca dao tục ngữ
Trong số 12 con vật mà người xưa dùng để đặt tên cho năm, tháng thì hình ảnh con chuột đi vào ca dao, dân ca, tục ngữ, thành ngữ, tranh dân gian và văn học khá nhiều. Chuột đứng đầu trong 12 con giáp, là biểu trưng chỉ loại người tinh khôn nhưng xấu tính, hay đục khoét của cải, tiền bạc của người khác, hay gieo rắc bệnh tật, phá hoại mùa màng…
Người ta thường có nhiều “định nghĩa” về loài chuột như: loại dịch hạch, loại gặm nhấm mồm nhọn, loại hôi thúi… Có rất nhiều câu ca dao, dân ca, tục ngữ, thành ngữ, câu đố mang hình ảnh loài chuột.
Chỉ loại người yêu đương trai gái lăng nhăng có các thành ngữ: loại mèo chuột, loại chim chuột. Ca dao có câu: “Chớ ham mèo chuột anh ơi/ Của tan nhà nát, miệng đời mỉa mai”. Con chuột cũng rất láu cá khi gặp con mèo giả vờ đến “hỏi thăm”, nó đã trả lời một cách xa xôi, bóng gió: “Con mèo mà trèo cây cau/ Hỏi thăm chú chuột đi đâu vắng nhà/ – Chú chuột đi chợ đằng xa/ Mua mắm mua muối giỗ cha chú mèo”. Câu trả lời hộ của chú chuột nhà bên tưởng như một lời “nịnh” nhưng hóa ra là lời chửi “cha” chú mèo.
Chỉ loại người cơ hội, hay khoe khoang có các thành ngữ: nửa dơi nửa chuột, làm dơi là chuột, dơi không ra dơi chuột không ra chuột, nói dơi nói chuột, mặt dơi mày chuột. Chỉ loại người xấu tính, xấu nết, hay ăn bẩn, hay trốn tránh, đục khoét, có các câu: trốn như chuột, hôi như chuột chù, lý lắt như chuột, thụt thò như chuột, thối như chuột chết, cháy nhà ra mắt chuột… Chỉ một người bỗng dưng gặp may có các câu: chuột sa chĩnh gạo, chuột sa chĩnh nếp, chuột sa lọ mỡ. Chỉ sự nguy hiểm, liều lĩnh có câu: chuột liếm chân mèo, chuột cắn dây buột mèo. Tự khen mình là tài giỏi, là tốt có câu: Mèo thì khen mèo dài đuôi/ Chuột khen chuột nhỏ dễ chui dễ trèo.
Người con gái mượn hình ảnh con chuột để nhắc nhở “người yêu” của mình đi đêm “ăn vụng” phải cho nhẹ nhàng, kín đáo: Chuột kêu rúc rích trong gương/ Anh đi cho khéo, đụng giường mẹ hay/ Mẹ hay, mẹ hỏi: đi đâu?/ Con đi bắt chuột cho mèo nó ăn. Một cô gái tự kiêu về mình, chửi thẳng mấy anh chàng lóc nhóc dám chọc ghẹo các chị, ca dao có câu: Chúng chị là đá trên trời/ Chúng mày chuột nhắt cứ đòi lung lay/ Cha đời chuột nhắt chúng mày/ Đá mà rơi xuống chúng mày nát xương. Một cô gái đã lánh mặt lâu ngày, không muốn tiếp chuyện nhưng chàng trai vẫn cố dò la tìm gặp, có câu: Mẹ em để em trong bồ/ Anh tưởng con chuột anh vồ đứt đuôi.
Hình ảnh con chuột trong văn học dân gian cũng như văn học viết thường được dùng để ám chỉ những hạng người đáng khinh trong xã hội. Đó là những kẻ nhút nhát, bạc nhược, liều lĩnh, giảo trá, nịnh bợ, ngu muội, lừa đảo, gian manh, độc ác… cần lên án và loại bỏ. Trong mối quan hệ giữa người với người hiện nay không ít kẻ như chuột làm nhiều điều bất chính, đục khoét tài sản của dân của nước. Chúng là loại “chuột hai chân” còn nguy hiểm hơn cả “chuột bốn chân”, rất cần phải tiêu diệt. Chúng ta cần phải có thuốc đặc trị để diệt tận gốc loại chuột mặt người này, đem lại sự giàu có, bình an, trong sáng cho con người và xã hội.
Lê Quốc Hán