Theo dấu chân cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc – Bút ký Nguyễn Quế

814

(Vanchuongphuongnam.vn) – Trung, bạn tôi mới từ Hà Nội vào. Vừa gặp lại nhau sau hàng chục năm xa cách, anh bảo tôi:

     – Sáng mai cậu chở mình tới chùa Hội Khánh, sau đó đi một vòng tham quan thành phố nhé!

   Ngừng giây lát, Trung cho biết, anh đang tiến hành viết cuốn sách được ấp ủ từ lâu về Chủ tịch Hồ Chí Minh và muốn tìm hiểu thêm tư liệu để hoàn thành tác phẩm của mình. Vì vậy, anh quyết định tìm về những nơi cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc từng sinh sống sau khi rời chốn quan trường và hành trình “xuôi về phương Nam” trước khi xuất dương tìm đường cứu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong đó chùa Hội Khánh là địa chỉ không thể bỏ qua. Tính chất công việc là thế, nhưng qua ánh mắt và thái độ của Trung, tôi cảm nhận được những suy nghĩ và tình cảm nồng cháy trong anh. Đơn giản, bởi một lẽ, cụ Phó bảng chính là thân phụ của Chủ tịch Hồ Chí Minh, lãnh tụ vĩ đại và vô cùng kính yêu của dân tộc. Từ cảm nhận ấy, tôi tự trách mình, sống cách chùa Hội Khánh không xa và qua sách báo, từng biết cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc đã có thời gian sinh sống ở đây nhưng tôi chưa một lần ghé thăm ngôi chùa này.

    Sáng sớm, vừa cơm nước xong, tôi và Trung lên đường tới địa chỉ của chùa, số 29 đường Chùa Hội Khánh, phường Phú Cường, thành phố Thủ Dầu Một. Suốt đêm hôm trước và cả thời gian trên đường đi, tôi cứ suy nghĩ mãi: Giữa khu vực rộng lớn này, có biết bao đình chùa, nhiều nơi cũng rất nổi tiếng, sao cụ Phó bảng lại chọn chùa Hội Khánh làm nơi cư ngụ? Điều gì đã làm cho vùng đất Thủ Dầu Một nói riêng, tỉnh Bình Dương nói chung và các thế hệ người dân nơi đây có niềm vinh dự lớn, được trở thành một trong những địa chỉ có mối liên hệ máu thịt với thân thế và sự nghiệp vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh?

   Với ý nghĩ trên đây, tôi bước vào cổng chùa Hội Khánh với tâm thế của một người tìm về những điều hệ trọng liên quan đến cuộc đời mình và cả dân tộc. Có lẽ Trung cũng có tâm trạng giống tôi. Nét mặt và đôi mắt anh bộc lộ xúc cảm như nỗi niềm của một người con tìm về nguồn cội. Sau khi bước vào khuôn viên chùa, chúng tôi tìm gặp các vị chức sắc trình bày ý định của mình, xin được tiếp cận các khu vực và các nguồn tư liệu tại chùa. Nghe nói đến cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc và Chủ tịch Hồ Chí Minh, mọi người đều vui vẻ và nhiệt tình giúp đỡ. Theo chân một vị chức sắc lớn tuổi, chúng tôi chú ý quan sát thật kỹ cảnh vật xung quanh và các công trình kiến trúc của ngôi chùa với mong muốn ghi sâu vào ký ức tất cả những gì mắt thấy, tai nghe với sự tôn kính sâu sắc.

    Chùa Hội Khánh

     Qua quan sát, lắng nghe và tìm hiểu, chúng tôi được biết, chùa Hội Khánh là ngôi chùa cổ nhất ở Bình Dương. Chùa được Thiền sư Đại Ngạn (thuộc dòng Lâm Tế) khai sơn năm Cảnh Hưng thứ 2, đời Lê Hiển Tông, tức năm Tân Dậu (1741). Lúc đầu chùa được xây trên một ngọn đồi cao. Năm 1861, chùa bị phá hủy do chiến tranh và được xây lại dưới chân đồi, cách vị trí cũ khoảng 100 m. Tuy đã được trùng tu, mở rộng nhiều lần nhưng đây là ngôi chùa hiếm hoi vẫn còn giữ được phần lớn kiến trúc và vẻ cổ kính ban đầu. Xung quanh chùa cây cối xanh tươi, nhiều cổ thụ, trong đó có 4 cây dầu được trồng cách đây hơn một thế kỷ, tức sau khi chùa được xây lại không lâu. Tới chùa Hội Khánh, ta cảm nhận một không khí thật trong lành và yên bình, khác hẳn với nhịp sống sôi động của phố thị xung quanh.

   Bên cạnh nét cổ kính, chùa Hội Khánh còn là công trình kiến trúc độc đáo. Mỗi  hạng mục đều mang ý nghĩa riêng, thể hiện tinh thần của đạo Phật và nét văn hóa, nghệ thuật lâu đời của cha ông ta. Cổng chùa được trang trí rất cầu kỳ, tỉ mỉ, từng chi tiết đều mang đậm lối kiến trúc chùa cổ Việt Nam. Sau cổng Tam Quan có chạm rồng, phụng. Chùa bao gồm 4 công trình kiến trúc cơ bản: Cầu Thị Na, nơi Đức Phật nhập Niết bàn; vườn Lộc Uyển, nơi Đức Phật giảng kinh pháp luân; vườn Lâm Tì Ni, nơi Đức Phật cứu độ chúng sinh; Bồ Đề Đạo Tràng, nơi Đức Phật tu thành chánh quả. Một trong những điểm nhấn của chùa Hội Khánh là Phật đài cao 22 m, ở tầng trên đặt đại tượng Đức Bổn sư Thích Ca nhập niết bàn trong tư thế nằm, cao 12 m, dài 52 m. Đây là công trình đáng tự hào của Phật giáo Bình Dương nói riêng và Việt Nam nói chung, đã được ghi nhận là tượng Phật nhập niết bàn nằm trên mái chùa dài nhất châu Á. Khuôn viên giảng đường được xây dựng với 92 cây cột bằng gỗ quý. Đông lang và tây lang là 2 gian điện thờ 2 bên, được xây dựng theo lối ‘trùng thềm, trùng lương” đặc trưng của kiến trúc đền chùa thế kỷ 18. Chánh điện chùa được xây dựng với các loại gỗ quí hiếm, 3 bộ cửa thiết kế theo kiểu màn che truyền thống. Bên trong chánh điện đặt 100 bức tượng điêu khắc bằng gỗ mít được sơn son thếp vàng. Nổi bật nhất là 2 bức phù điêu khắc hình 18 vị La Hán cùng các vị Bồ Tát, tạo nên một công trình điêu khắc tuyệt mỹ, có giá trị nghệ thuật cao, mang phong cách đặc trưng của điêu khắc gỗ Bình Dương xưa. Một vị chức sắc lớn tuổi cho biết, những bức tượng và phù điêu này đều được tạo ra bởi bàn tay và khối óc của những người thợ tài ba ở đất Thủ, mang giá trị nghệ thuật lâu đời, phản ánh tín ngưỡng của các thế hệ người Việt. Chùa Hội Khánh còn là nơi lưu giữ những câu thơ, văn đối, thể hiện tinh thần vị nhân sinh của Phật giáo. Ngay trước chánh điện treo 2 câu liễn: “Nhược thực nhược hư trúc ảnh tảo giai trần bất động/ Thị không thị sắc nguyệt xuyên hải để thủy vô ngân”, nội dung hướng chúng ta đến cuộc sống thanh tịnh, thiện lương, bỏ lại phía sau những ham muốn phàm tục. Đặc biệt, ngôi chùa này còn lưu giữ câu đối của cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, với ý nghĩa ngôn từ hàm súc của thiền học: “Đại đạo quảng khai thố giác khuê đàm để nguyệt/ Thiền môn giáo dưỡng qui mao thằn thụ đầu phong”. Theo một vị chức sắc trong chùa, câu đối trên được tạm dịch: Mở rộng đạo lớn như sừng thỏ như mò trăng đáy nước/ Nuôi dưỡng mái chùa như lông rùa như cột gió đầu cây.

   Qua những điều đã lĩnh hội, bao thắc mắc trong lòng tôi được giải tỏa. Bởi, ngoài các yếu tố đặc trưng của ngôi chùa thuộc một tôn giáo ngoại nhập, từ lịch sử ra đời và hình thành đến lối kiến trúc và cách trang trí, bày biện bên trong của chùa Hội Khánh đều mang đậm nét văn hóa dân tộc. Nơi đây còn là địa điểm tổ chức các cuộc họp quan trọng của các nhà Nho yêu nước. Là người có đầu óc thông minh, tư duy độc lập, tự chủ lại có tinh thần yêu nước thương nòi và lòng tự tôn dân tộc, cụ Nguyễn Sinh Sắc chắc chắn đã có những cân nhắc kỹ lưỡng trước khi quyết định những vấn đề hệ trọng, và cụ chọn chùa Hội Khánh làm nơi cư ngụ là điều dễ hiểu.

   Với lòng kính yêu vô hạn đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh và thân phụ của Người, chúng tôi tiếp tục tìm hiểu và được biết, thời gian cụ Nguyễn Sinh Sắc ngụ tại chùa Hội Khánh là vào những năm 1923- 1926. Quãng thời gian ấy, nơi đây là trụ sở của Hội Danh dự, một tổ chức yêu nước, và chính cụ Phó bảng cùng với cụ Tú Cúc (Phan Đình Viện) và Hòa Thượng Từ Văn là những người đã sáng lập ra tổ chức này. Mục đích của Hội là cổ vũ cho lối sống đề cao đạo đức, coi trọng danh dự và lòng yêu nước, yêu quý đồng bào. Tuy hoạt động trong thời gian không lâu nhưng Hội đã gây được ảnh hưởng lớn. Một nhà nghiên cứu đã đánh giá: Những lời nói và việc làm của các cụ trong Hội Danh dự, trực tiếp hay gián tiếp, đã để lại cho người dân địa phương một ấn tượng tốt đẹp, ảnh hưởng sâu sắc đến lòng yêu nước của họ. Sau này, chùa Hội Khánh được nhiều lớp học sinh, thanh niên đến trọ học và không ít người trong số họ đã tham gia các phong trào yêu nước.

   Tiếp nối truyền thống cao đẹp trên đây, sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, chùa Hội Khánh trở thành trụ sở của Hội Phật giáo cứu quốc tỉnh Thủ Dầu Một. Trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, nhiều vị hòa thượng tại chùa Hội Khánh đã đứng lên dẫn đầu các phong trào yêu nước, sẵn sàng chiến đấu chống giặc. Nhiều nhà tu, Phật tử nơi đây đã đóng góp tâm huyết, công sức, máu xương cho độc lập, tự do của dân tộc, trong đó Hòa thượng Từ Tâm là tấm gương yêu nước tiêu biểu, đã bị thực dân Pháp bắt và đày vào nhà tù Côn Đảo. Từ năm 1983, chùa Hội Khánh là trụ sở của Hội Phật giáo tỉnh. Năm 1993, ngôi chùa này  được công nhận là Di tích Lịch sử – Văn hóa cấp Quốc gia. Hiện nay, chùa Hội Khánh là địa điểm du lịch tâm linh rất nổi tiếng, góp phần phát triển ngành “công nghiệp không khói” của Bình Dương.

   Thắm thoắt đã gần trưa. Chúng tôi cảm ơn và xin tạm biệt các vị chức sắc chùa Hội Khánh. Dọc đường về, tôi nhẩm tính, những năm 1923- 1926, khi cụ Phó bảng để lại những dấu ấn đẹp đẽ ở chùa Hội Khánh, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đang hoạt động sôi nổi ở nước ngoài. Trên đất nước của Lê nin, Người tham dự một loạt sự kiện nổi bật như Đại hội Quốc tế Nông Dân (10- 10- 1923), Đại hội Quốc tế Cộng sản Thanh niên lần thứ IV (từ 15- 6- 1924), Đại hội Quốc tế Cộng Sản lần thứ V (từ 17- 6- 1924), Đại hội Quốc tế Cứu tế Đỏ lần I (từ 14- 7- 1924), Đại hội Quốc tế Công hội đỏ lần thứ III (từ 17- 7- 1924)… Năm 1925, tại Paris, trung tâm sào huyệt của kẻ thù, “Bản án chế độ thực dân Pháp” của Người được xuất bản. Ở Quảng Châu (Trung Quốc), Người sáng lập “Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội” (tháng 6- 1925), ra báo Thanh Niên (21- 6- 1925), tổ chức truyền bá chủ nghĩa Mác- Lê nin vào phong trào công nhân và phong trào yêu nước, mở các lớp huấn luyện cán bộ (từ 1925- 1927) nhằm chuẩn bị các bước, tiến tới thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam... Tôi bồi hồi nhớ lại cuộc gặp cuối cùng của Chủ tịch Hồ Chí Minh với thân phụ tại hiệu thuốc bắc Phúc Thiên Đường, phố Galliém (nay là đường Trần Hưng Đạo), thành phố Sài Gòn vào đầu mùa Hạ năm 1911 trước khi Người ra đi tìm đường cứu nước. Sau bao tháng ngày xa cách và những biến cố đã xảy ra, hai cha con gặp nhau mừng mừng tủi tủi. Cụ Phó bảng dằn lòng, hỏi:

     – Con đến đây làm gì?

   Người trả lời:

     – Dạ, con đến đây để được gặp cha.

   Cụ Phó bảng trìu mến nhìn con trai rồi cẩn trọng nói:

     – Nước mất thì đi tìm hồn của nước chứ công chi mà phải tìm cha.

   Cách xử sự và câu nói của cụ Phó bảng một lần nữa cho chúng ta biết vì sao dân tộc ta lại vinh hạnh có được một lãnh tụ vĩ đại, hy sinh cả cuộc đời vì nước vì dân và có nhân cách cao đẹp như Chủ tịch Hồ Chí Minh. Lòng tôi chợt nhói đau khi liên tưởng tới sự kiện cụ Phó bảng qua đời vào năm 1929, tức chỉ một năm trước ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập Đảng (3- 2- 1930) và 16 năm trước khi Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công. Nhưng rồi tôi thấy nguôi ngoai khi nghĩ rằng, nhờ sự cống hiến, hy sinh to lớn của Người và các thành viên trong gia đình Người cùng biết bao đồng chí, đồng bào, đất nước đã “nở hoa độc lập, kết quả tự do” như ngày hôm nay.

     Tôi cùng Trung ghé thăm phố đi bộ Bạch Đằng, khu Trung tâm Hành chính tỉnh, chạy dọc Đại lộ Bình Dương tráng lệ và các ngả đường thân thuộc, ngắm nhìn các công trình, các khu công nghiệp, đô thị sầm uất, khang trang của đất Thủ.“Tuyệt quá! Dừng lại lấy cảnh này đi nhé!”, lời Trung vang lên bên tai tôi. Tay anh lăm lăm chiếc máy ảnh đời mới. Tôi quay qua nhìn Trung, mỉm cười, thầm đọc tình cảm và suy nghĩ của anh, nghe lòng trào dâng niềm vui sướng, tự hào về vùng đất quê hương./.

  N.Q