Theo mạ về với cậu – Tản văn Lê Hà

145

Tôi chở mạ chạy chầm chậm trên con đường xanh ngắt cây lá dẫn vào nghĩa trang Trường Sơn, nơi cậu tôi và các đồng đội của mình đang yên nghỉ. Mạ nói chuyến đi lần này biết đâu là chuyến cuối. Gần tám mươi tuổi, đôi chân mạ đã rệu rã, sức cũng đã cạn kiệt vì những trận ốm liên miên… Quãng đường từ Huế ra Quảng Trị thì dài… Giọng mạ trầm trầm, buồn hiu trong buổi chiều lưa thưa nắng nhạt.

Ảnh minh họa

Quê chúng tôi ở Nghệ An, nhưng khi tìm được mộ cậu ở Nghĩa trang Trường Sơn, mạ đã chuyển cả gia đình vào Huế. Lí do có nhiều, nhưng cái chính là để mạ được gần cậu hơn.

Năm nào mạ cũng về đây, ít nhất là một lần vào tháng bảy. Hồi mạ còn khỏe, tết xong là mạ xách giỏ ra thăm cậu. Mùa xuân đi tảo mộ, mạ nói thế. Mồ mả tổ tiên nơi quê nhà cần phải thăm nom hương khói, thì không lí gì cậu nằm lại ngoài kia lại bị người thân thưa vắng thăm nom. Dù mạ biết nơi cậu nằm vẫn được chăm sóc. Nhưng mạ luôn muốn tự tay mình thắp lên mộ cậu một nén nhang thơm. Phải về đây, ngồi bên mộ cậu, giữa bạt ngàn mộ chí lạnh căm, giữa cây lá xanh rì lộng gió, mạ mới có thể yên lòng…

Từ Huế, mạ thường bắt xe đò hai lượt, rồi đổi sang xe ôm đi mất một quãng nữa mới đến được nơi. Có bận tôi hỏi, sao mạ không đưa cậu về quê để cậu được gần ông bà tổ tiên. Mạ dõi mắt nhìn ngọn nắng trải dài trước khoảng sân nhỏ, nắng vắt ngang giàn sử quân tử đang thả từng chùm hoa đỏ rực. Trưa vắng đến độ có thể nghe tiếng vỗ cánh của mấy con ong nghệ bay tới bay lui hút mật. Hương hoa dìu dịu theo làn gió trưa nhè nhẹ len khắp ngôi nhà ba gian xưa cũ. Gió thổi tốc chiếc màn thưa, trên bàn thờ, tấm ảnh của cậu đã ố vàng. Đôi mắt chàng trai ngoài đôi mươi sáng long lanh với nụ cười tươi rói như con nắng ngày hè. Mạ nói, ông bà đã không còn, cậu ra đi khi còn quá trẻ, vợ con chưa có. Mạ để cậu tiếp tục nằm lại nghĩa trang Trường Sơn vì mạ nghĩ nơi đó còn nhiều đồng đội của cậu, những chàng trai cô gái ấy hẳn sẽ vui khi tiếp tục được bên nhau.

Mạ kể cậu hi sinh vào mùa hè đỏ lửa, trong trận chiến 81 ngày đêm bảo vệ Thành Cổ. Nên những ngày nắng rực lửa tôi hay thấy mạ ngồi bên khung cửa ngẩn ngơ nhìn cây phượng vĩ nở hoa đỏ rực cả con ngõ. Tôi biết mạ lại nghĩ về cậu. Cổng nghĩa trang Trường Sơn cũng có mấy gốc phượng già. Tháng bảy năm nào cùng mạ về, nhìn những xác hoa đỏ ối lối đi, tôi thầm bật ra những câu hỏi: Những chàng trai cô gái năm xưa khi giã từ sách vở để ra chiến trường, trong ba lô có ai mang theo cánh phượng ép trong trang vở học trò? Có ai từng hẹn nhau một ngày về lại mái trường xưa, khi đất nước đã lặng im tiếng súng?

Vào những đêm trăng mùa hè thơm màu nắng ngọt, mạ hay ngồi bên hiên mân mê những cánh thư. Những nét chữ đã mờ nhòe theo năm tháng. Mạ lấy thư của cậu ra ve vuốt để hồi tưởng, chứ những dòng chữ mạ đã thuộc như in. Đây là bức thư lần đầu tiên cậu gửi về kể từ khi rời nhà; bức này cậu vừa tham gia một trận đánh, cậu bị thương ở vai nhưng đã lành; bức này cậu hớn hở khoe khi được đứng trong hàng ngũ của Đảng, niềm vui hạnh phúc như tràn ra trong từng con chữ; bức thư này cậu kể về không khí Quảng Trị vừa được giải phóng, hào hứng và sục sôi, đó cũng là bức thư cuối cùng của cậu. Nhà bao nhiêu lần sửa sang, có thứ này thứ khác thất lạc, riêng chiếc hộp gỗ xoan đào đựng mấy bức thư, vài tấm hình của cậu, chiếc cúc áo, cây viết mà đồng đội cậu mang về…, mạ giữ thật kĩ.

Ngay từ hồi ở quê mạ đã hay kể chuyện về cậu cho tôi nghe. Giờ ở Huế mạ vẫn kể. Dường như mạ sợ nếu không nhắc đến cậu thì sẽ chẳng còn ai nhớ về chàng trai có nụ cười rất tươi và chiếc răng khểnh rất duyên ấy. Mạ không biết rằng tôi nhớ cậu, nhớ những gì xung quanh cậu còn hơn mạ nghĩ.

Tôi nhớ mợ Duyên, người phụ nữ sống ngay bên cạnh nhà tôi ở quê. Mạ kể năm đó cậu và mợ Duyên chỉ vừa làm lễ ăn hỏi thì cậu nhập ngũ. Khi cậu hi sinh, bà tôi giục mợ lấy chồng, nhưng mợ cứ lảng đi.

Tôi nhớ những đêm trăng bên hiên nhà, mợ và mạ thường ngồi bên nhau kể những câu chuyện cũ. Những câu chuyện mà cậu bao giờ cũng là nhân vật chính. Tôi hay xích lại ngồi bên khi đã học xong bài vở, lặng im nghe. Hình bóng cậu cứ thế mà trở nên thân thuộc. Tôi tưởng như thấy được cả dáng cậu khoác chiếc áo trên vai, vừa đi vào ngõ nhà vừa huýt sáo. Tôi thấy cậu chân trần đi ra ngõ nhỏ, tay cầm rựa phát hàng chè tàu thẳng tắp dẫn vào nhà. Những đêm trăng, cậu hay ra đồng cắm câu, tiếng bà cằn nhằn khi cậu trở về giữa khuya, mang theo bao nhiêu là ếch cá…

Những câu chuyện như thế dường như là nguồn sống của mợ Duyên, đi theo mợ hết thời son trẻ, giúp mợ chối từ mọi cám dỗ để đợi chờ, hi vọng… Rồi mợ cứ thế già đi, già đi… Năm mợ mất, mở chiếc rương của mợ, mọi người sững sờ và bật khóc khi thấy có chiếc áo cô dâu mợ may sẵn, đợi ngày cậu về làm đám cưới…

Ngồi bên mạ giữa bốn bề cây lá nghĩa trang, tôi như thấy dáng cậu mỉm cười đâu đó, trong nghi ngút khói hương bảng lảng và nắng chiều rớt trên những ngôi mộ trùng trùng. Gió trên đồi rất khẽ, cây lá thầm thì như đang kể chuyện. Có câu chuyện nào của cậu được gió lan đi?

Chiều lặng lẽ lùi dần, nhưng mạ vẫn ngồi, đôi tay gầy khô chi chít vết đồi mồi cứ vuốt ve mãi ngôi sao trên mộ cậu, khóe mắt khô cằn ứa ra lệ đục.

Dù cố chùng chình nhưng tôi cũng phải đưa mạ trở về. Những lối nhỏ trong nghĩa trang cứ chạy dài miên man. Mạ thở dài, lập cập bước theo tôi nhưng đầu cứ ngoái lại như cố gắng thu hết cảnh vật nơi này.

Chúng tôi ra tới cổng nghĩa trang khi vạt nắng cuối cùng đã tắt. Cỏ cây trong trời chiều vẫn xanh rì. Trong khắc khoải nỗi nhớ thương đến cháy bỏng cõi lòng, tôi ôm mạ thật lâu, như cái ôm mạ vẫn dành cho tôi ngày bé. Tôi cảm thấy tấm thân già của mạ rung lên nhè nhẹ. Tôi biết mạ đang nghĩ gì. Vâng, mạ ơi. Rất có thể với mạ thì đây là chuyến thăm cậu lần cuối. Nhưng mạ hãy yên tâm. Dẫu một ngày mạ không còn, thì con, con của con, cháu của con… vẫn sẽ về với cậu, như hàng triệu người con trên dải đất này, vẫn luôn nhớ về những người anh hùng đã khuất.

L.H/ Văn nghệ Quân đội