‘Thi bá’ người Việt được đề cử giải Nobel: Tài năng không thua kém Xuân Diệu, Huy Cận

228

Năm 1972, nhà thơ Vũ Hoàng Chương được đề cử giải Nobel Văn học. Sự kiện này vừa được công bố vì theo quy định, sau 50 năm kể từ khi trao giải mới công bố danh sách những người được đề cử.

Nhà thơ Vũ Hoàng Chương. Ảnh chụp tại sân trường Gia Long, Sài Gòn năm 1958

Sự nghiệp “chạy và chạy”

Nhà thơ Vũ Hoàng Chương (1915-1976) quê ở Nam Định, nguyên quán tại Hưng Yên và lên Hà Nội học ở trường trung học Albert Sarraut – một trong những trường trung học nổi tiếng nhất ở Đông Dương.

Năm 1938, Hoàng Chương theo học một trường luật ở Hà Nội nhưng bỏ để làm Phó Kiểm soát Sở Hỏa xa Đông Dương, phụ trách đoạn đường Vinh – Na Sầm.

Năm 1941, ông bỏ Sở Hỏa xa để đi học cử nhân Toán tại Hà Nội, rồi lại bỏ dở quay về Hải Phòng dạy học. Trong thời gian này, nhà giáo Hoàng Chương không ngừng sáng tác thơ và kịch.

Sau đó, ông quay lại Hà Nội, cùng bạn bè (trong đó có nhà thơ Nguyễn Bính) lập ra “Ban kịch Hà Nội”.

Sau Cách mạng tháng Tám (8.1945), Hoàng Chương đến Nam Định. Ở đây, ông đã đạo diễn vở kịch thơ “Lên đường” nổi tiếng của nhà thơ Hoàng Cầm (1952).

Khi kháng chiến toàn quốc nổ ra (12.1945), ông cùng gia đình tản cư sang Thái Bình và làm nghề dạy học.

Năm 1950, quân Pháp càn quét dữ dội, ông bỏ miền quê và quay lại Hà Nội dạy học. Từ đây, Hoàng Chương tập trung vào con đường nghệ thuật và phát triển tài năng thi ca của mình.

Tên ông có trong danh sách đề cử giải Nobel 1972.

Năm 1972, nhà thơ Vũ Hoàng Chương được đề cử giải Nobel Văn học. Sự kiện này vừa được Viện Hàn lâm Thụy Điển công bố vì theo quy định, sau 50 năm kể từ khi trao giải, Viện Hàn lâm Thụy Điển mới công bố danh sách những người được đề cử giải Nobel Văn học của năm đó.

Sau nhà văn Hồ Hữu Tường (1969), Hoàng Chương trở thành người Việt Nam thứ hai được đề cử giải Nobel (Văn học). (1 năm sau đó, ông Lê Đức Thọ trở thành người Việt Nam đầu tiên được trao tặng giải Nobel Hòa bình nhưng ông đã từ chối nhận giải thưởng này).

“Tiếng thở dài của phương Đông trầm mặc”

Trong phong trào Thơ mới, tài năng của Vũ Hoàng Chương không hề thua kém những anh tài khác như Xuân Diệu, Huy Cận hay Chế Lan Viên.

Văn phong trong thơ và kịch của ông có dư vị hoài niệm, giàu chất nhạc và đậm “sắc thái Đông phương”.

“Sắc thái Đông phương” ở đây chính là “cái say”, say của rượu, của tình, của nhạc và của thơ.

Để rồi sau “cái say”, con người trở về với bản thể nguyên gốc của mình, ngước nhìn xung quanh mà tạo ra “tiếng thở dài của phương Đông trầm mặc”:

Say đi em say đi em

Say cho lơi lả ánh đèn

Cho cung bậc ngả nghiêng điên rồ xác thịt

Rượu rượu nữa và quên quên hết

(Say đi em)

Trong tác phẩm “Thi Nhân Việt Nam“, tác giả Hoài Thanh và Hoài Chân với cặp mắt xanh tinh đời thấu suốt đã giới thiệu về thi sĩ Vũ Hoàng Chương như sau:

“… Ý giả Vũ Hoàng Chương định nối nghiệp của những thi hào xưa của Đông Á: cái nghiệp say… Người lại còn “hơn” cổ nhân những thứ say mới nhập-cảng: say thuốc, say nhảy đầm. Bấy nhiêu say sưa đều nuôi bằng một say sưa to hơn mọi say sưa khác: say thơ”. Đó là cái “say sưa có chừng mực, say sưa mà không hẳn là trụy lạc”.

Cõi say-cõi tỉnh, cõi hư-cõi thực trong thơ Vũ Hoàng Chương bện chặt vào nhau, gợi nỗi da diết, có phần phóng túng nhưng ấn chứa trong đó là một tâm hồn thơ tuyệt vọng.

Ông xây dựng riêng thế giới thơ của mình, thế giới của sự thăng hoa, nơi ranh giới của lý trí và hiện thực bị xóa nhòa.

Chính bởi vậy, các nhà phê bình văn học thường nhắc đến “cõi ngông” của Tản Đà, “cõi điên” của Hàn Mặc Tử” và “cõi say” của Hoàng Chương.

Hoàng Chương không chỉ thả hồn trong “cõi say” của riêng ông mà còn viết nên những áng thơ hào hùng khí thế về lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc.

Bài thơ dài hơn trăm câu ông viết làm khai màn cho vở kịch “Nguyễn Thái Học” của Ban kịch Thế Lữ vang dấu một thời tại các rạp hát Hà Nội năm 1945 tạo ra một nỗi niềm xúc động ghê gớm:

“Trải bốn nghìn năm dựng nước nhà

Sông khoe hùng dũng núi nguy nga

“Trả ta sông núi!” bao người trước

Gào thét đòi cho bọn chúng ta…

“Trả ta sông núi!” từng trang sử

Dân tộc còn nghe vọng thiết tha.

Ngược vết thời gian, cùng nhắn nhủ:

“Không đòi, ai trả núi sông ta!”…

…Ngày nay muốn sông bền núi vững

Phải làm sao cho xứng người xưa.

Yêu nòi giống, hiểu thời cơ

Bốn phương một ý phụng thờ Giang Sơn.

Đừng lo yếu, hãy chung hờn

Cần câu đánh giặc từng hơn giáo dài!

(Trả ta sông núi)

Theo Bảo Huy/Vietnamnet