Tập thơ Chất vấn thói quen của nhà thơ Phan Hoàng sau khi được dịch và phát hành bằng các thứ tiếng nước ngoài, vừa được trao tặng Giải thưởng Nghệ thuật Danube 2022, nhân dịp kỷ niệm 200 năm ngày sinh Anh hùng dân tộc, Đại thi hào Sandor Petofi của Hungary (1823-2023). Đồng Nai cuối tuần có cuộc phỏng vấn nhà thơ PHAN HOÀNG về sự kiện này, nhằm tìm hiểu về động lực sáng tác và hội nhập của các nhà thơ Việt Nam hiện nay.
Thưa nhà thơ Phan Hoàng, xin chúc mừng giải thưởng mới dành cho ông, ông có thể chia sẻ cảm xúc của mình về giải thưởng vừa được nhận?
– Đầu tháng 1-2023, tôi ra Hà Nội để tham dự Ngày Thơ Việt Nam lần đầu tổ chức tại Hoàng thành Thăng Long. Trong sự kiện này có việc giao lưu với 2 nhà thơ, dịch giả của Hungary sang thăm Việt Nam. Đến khi chương trình giao lưu bắt đầu, nhà thơ Attila F Balázs – Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật Danube kiêm Giám đốc NXB AB-ART đề nghị Ban tổ chức thêm vào chương trình phần trao giải thưởng. Khi xướng tên người lên nhận giải thưởng, tôi cũng như mọi người trong hội trường đều bất ngờ. Được các nhà thơ, nhà văn Nguyễn Quang Thiều, Trần Đăng Khoa, Khuất Quang Thụy, Vũ Quần Phương, Hữu Ước… và đông đảo các đồng nghiệp trong lẫn ngoài nước cùng bắt tay chúc mừng, tôi rất vui và xúc động.
Nhà thơ Phan Hoàng
Giải thưởng có lẽ là kết quả của sự kết nối tự nhiên giữa tác giả và tác phẩm, xuất phát từ sự đồng cảm và niềm yêu thích, đồng thời dựa trên những giá trị văn hóa và nghệ thuật mà 2 quốc gia, 2 dân tộc Việt Nam – Hungary đã chia sẻ, giao lưu cùng nhau.
Tôi là người may mắn, khi trong số rất nhiều tác phẩm mà các nhà thơ, dịch giả nước bạn đã đọc và giới thiệu, tập thơ Chất vấn thói quen phù hợp những tiêu chí, phẩm chất mà các bạn thấy cần thiết có sự ghi nhận đối với văn học nghệ thuật Việt Nam.
Như ông vừa nói, quá trình gặp gỡ giữa tác phẩm và người đọc, người dịch là một sự kết nối tự nhiên, còn việc đánh giá lại được đặt trên một hệ thống tiêu chí rõ ràng. Phải chăng những tiêu chí này rất khó… chinh phục?
– Tôi là tác giả Việt Nam thứ 4 nhận giải thưởng này. Trước tôi có nhà văn Bảo Ninh, nhà văn Trần Quang Đạo và nhà văn, dịch giả Kiều Bích Hậu.
Tôi nghĩ sáng tác thi ca trước hết là việc nhà thơ chinh phục chính mình. Cuộc sống hàng ngày đi vào thi ca đối với tôi là chất liệu, là thử thách, là tự vấn… Trong hành trình đơn độc ấy, tôi gặp được những người đồng hành chính là bạn đọc, là dịch giả đã cảm nhận, chia sẻ và quảng bá, cho tác phẩm một đời sống mới, đặt người viết và tác phẩm vào một hành trình mới…
Tiêu chí quan trọng khác có lẽ là ngôn ngữ. Khi viết Chất vấn thói quen tôi đã cố gắng viết những câu thơ bằng ngôn ngữ hiện đại nhưng mang tính phổ quát các giá trị đời sống, cố gắng chạm vào trái tim người đọc bằng nhiều phương cách, mà có khi chính tôi không biết gọi thế nào…
Tập thơ Chất vấn thói quen
Giáo sư, nhà thơ, dịch giả Sándor Halmosi nhận định tập thơ Chất vấn thói quen: “Tác giả đã đưa ra những vấn đề cốt lõi và quan trọng trong cuộc sống đương đại, đó là mối quan hệ giữa hiện đại và truyền thống”. Có lẽ đó cũng là mối quan hệ cơ bản trong tiến trình đổi mới và hội nhập văn học nghệ thuật hiện nay?
– Hội nhập quốc tế là một chiến lược lớn. Trong việc bang giao, quảng bá hình ảnh đất nước ra thế giới, tôi nghĩ văn hóa và văn học đóng vai trò hết sức quan trọng, mà trong đó thi ca là cầu nối quyến rũ và thiêng liêng!
Tập thơ Chất vấn thói quen được chuyển ngữ và nhận giải thưởng của nước bạn trước hết là thành công của dịch giả, bạn đã mang tâm hồn, tiếng nói, nhiệt huyết của tôi truyền đạt bằng một ngôn ngữ mới.
Mối quan hệ giữa hiện đại và truyền thống đúng là một nội dung lớn trong tiến trình đổi mới và hội nhập văn học nghệ thuật của nước ta hiện nay. Tôi vinh dự được trở thành một cầu nối, bên cạnh các nhà văn tiền bối và những người đồng nghiệp. Song với Chất vấn thói quen, tôi luôn là một người viết, là người kiếm tìm trong kho tàng truyền thống những “bụi vàng” (từ của nhà văn Sơn Nam), và dự cảm về tương lai, về cái mới, tìm cách gắn kết và sống trong cuộc kiếm tìm ấy bằng tất cả tâm hồn mình. Sự vận động của thơ ca tinh lọc và bí ẩn, khác biệt trước cuộc sống, nhưng hình như nó là sự phản chiếu của tư duy, sự kết hợp của các cá thể, của dòng tư tưởng và sáng tạo. Tôi chỉ là một con thuyền nhỏ được chế tác bằng các chất liệu văn hóa truyền thống, và hòa vào dòng chảy đổi mới, hội nhập của dân tộc hôm nay.
Được biết ông viết và xuất bản thơ không nhiều, song các tập thơ đều gây tiếng vang trên thi đàn. Chất vấn thói quen là tập thơ thứ 3, xuất bản lần đầu năm 2012, và vẫn nhận được nhiều sự quan tâm của bạn đọc và các nhà phê bình văn học. Đến thời điểm hiện tại ông có xem đây là một cái ngưỡng cần phải vượt qua?
– Có nhiều nhà phê bình cho rằng Chất vấn thói quen mang dấu ấn lịch sử và tầm nhìn thời đại, tác giả không ngủ yên trong bản thể mà luôn kiếm tìm đến cội nguồn của đời sống, của tri giác, của tình yêu… Cái nhìn đôi lúc mang tính báo chí, thời sự, nhưng tinh thần là của thơ ca, của cái đẹp, của bản năng sáng tạo…
Tôi nhận thấy đó là một cách “đọc” minh triết, và không chỉ tác phẩm của tôi, mà chính tôi cũng đã được “đọc” bằng nhiều cách, qua nhiều nhận định và lý giải khác nhau. Tôi đã nhận được nhiều sự “chất vấn” như thế từ bạn đọc, từ bạn thơ, từ đồng nghiệp, và cả các bạn trẻ. Tôi cho rằng sự chất vấn đa chiều ấy là một hành trình không có kết thúc. Phần đầu của tập thơ Chất vấn thói quen: Văn bản dở dang phần nào nói lên sự phủ định của phủ định trong thơ, nhà thơ chỉ có thể cảm nhận chứ không thể diễn ngôn trọn vẹn.
Song nếu cho rằng Chất vấn thói quen mang “slogan” hành động của một nhà thơ hiện đại, thì tôi – với tư cách tác giả – xin khẳng định thi ca là một sự xác tín thiêng liêng đối với cuộc đời, với quê hương, dân tộc. Chất vấn thói quen có thể chỉ là vế đầu của thi ca mang những trăn trở, hoài nghi, khát vọng; song sự xác tín thiêng liêng mới thật sự lớn lao và còn ẩn ở vế sau của hành trình sống, chiêm nghiệm và sáng tác. Đó chính là tiếng Việt, là mạch nguồn văn hóa Việt, là những con người thân thương sống quanh tôi, cho tôi cuộc sống tỏa rộng nhiều chiều, thúc đẩy tôi tư duy và làm việc. Thơ đối với tôi luôn là ma lực, là sự thử thách mà tôi cố gắng vươn tới và vượt qua chính mình.
Huy chương Giải thưởng Nghệ thuật Danube của nhà thơ Phan Hoàng
Đồng Nai là địa phương có lực lượng sáng tác văn học khá hùng hậu, với Chi hội Nhà văn Việt Nam tỉnh Đồng Nai mới được thành lập. Là Ủy viên Ban chấp hành (BCH) Hội Nhà văn Việt Nam phụ trách khu vực Đông Nam bộ và Tây nguyên, ông có điều gì muốn chia sẻ hoặc gửi gắm?
– Tôi có nhiệm vụ làm cầu nối giữa BCH Hội Nhà văn Việt Nam với chi hội trong mọi hoạt động, nhằm gắn kết và chia sẻ nhau trên tinh thần đồng nghiệp. Chi hội Nhà văn Việt Nam tại Đồng Nai là chi hội đầu tiên được thành lập ở khu vực ĐNB, với 21 hội viên, trong đó có nhiều nhà văn, nhà thơ, nhà phê bình tên tuổi. Đồng hành cùng chi hội từ tháng 9-2022 đến nay, tôi cũng có thêm cơ hội học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm sáng tác, quảng bá tác phẩm. Chuyên đề Văn học Đồng Nai trên website của Hội Nhà văn Việt Nam giới thiệu tác phẩm của các tác giả tiêu biểu của Đồng Nai, cùng với các chương trình, kế hoạch của chi hội chính là sự khởi đầu rất ấn tượng.
Chi hội với nhiều cây bút tài năng, còn nhiều tiềm năng phát triển và nhất định sẽ có nhiều đóng góp tích cực cho Hội Nhà văn Việt Nam cũng như Hội VHNT Đồng Nai. Sự gắn kết thân ái, vô tư sẽ mang lại nguồn cảm hứng, khích lệ tinh thần sáng tác cho hội viên. Chi hội cũng là cái nôi để phát triển hội viên và phát hiện, bồi dưỡng các cây bút sáng tác văn học trẻ. Thời trẻ tôi đã từng được tiếp xúc, phỏng vấn, lắng nghe chuyện đời, chuyện nghề của các bậc lão thành như Lý Văn Sâm, Hoàng Văn Bổn, Đại tá – Anh hùng LLVT Lê Bá Ước…; nên tôi luôn tin vùng đất Trấn Biên linh thiêng này cũng là một mạch nguồn tươi tốt để những người trẻ tuổi sống, trải nghiệm và dấn thân với văn chương.
Xin cảm ơn nhà thơ Phan Hoàng!
Theo Trần Thu Hằng/ Báo Đồng Nai