Bùi Văn Kha
(Vanchuongphuongnam.vn) – Văn học phương Tây hiện đại có dạng thơ văn xuôi gọi là trường ca, hay là thơ văn xuôi đều được. Như F. Ra bơ le viết Gargantua và Pantaguel thế kỷ XVI bị nhà thờ quan phương coi là tác phẩm dị giáo, phản đối Giáo hội và Đức tin Cơ đốc giáo hiện hữu. Nên nhớ đây là thời kỳ của Ga li lê, của thần quyền thống trị nhà nước, đức tin và xã hội.
Nguyễn Linh Khiếu và tập Phồn Sinh
Hay Lời dâng của R. Ta gor gồm 103 khúc thơ văn xuôi đoạt giải Nobel văn học. Thơ ông là tiếng nói của tinh thần dân tộc và dân chủ sâu sắc, của tinh thần nhân văn cao cả và tính chất trữ tình triết lý nồng đượm. Tác phẩm của ông đậm chủ nghĩa tự nhiên và những chiêm nghiệm không tự nhiên, nhất là khi đọc tập Mây và mặt trời thì xếp vào loại truyện thơ văn xuôi cũng được.
Trong chiến tranh chống Mỹ cứu nước, thơ nhập cuộc không chỉ “Dẫu một cây chông trừ giặc Mỹ/ Hơn nghìn trang giấy luận văn chương” (Tố Hữu), mà còn “Không có sách chúng tôi làm ra sách/ Chúng tôi làm thơ ghi lấy cuộc đời mình” (Hữu Thỉnh). Có thể dẫn rất nhiều ở trường ca của Thu Bồn, Thanh Thảo, Hữu Thỉnh những năm chiến tranh, của Nguyễn Trọng Tạo, Nguyễn Thụy Kha, và cả Thanh Thảo nữa thời hậu chiến tranh, những năm trước và sau Đổi mới 1986, và thời kỳ Đổi mới.
Kể từ năm 2000 trở đi, tình thế và thực tại Việt Nam đã khác trước nhiều. Các nhà thơ có nhiều bối cảnh để cảm hứng. Có thể cái bi hài của giai đoạn chuyển tiếp đã không còn trọng tâm nữa. Dẫn lời nhà thơ Thanh Thảo: “Những tráng ca thuở trước/ Còn hát trong sách thôi/ Những thanh gươm yên ngựa/ Giờ đã cũ mèm rồi/ Bài ca của chúng tôi/ Là bài ca ống cóng/ Hành trang Quân Giải phóng/ Đơn giản nhất trên đời”.” (bài này viết bắt đầu giai đoạn ba của thơ ca chống Mỹ, khoảng 1972 – 1976, mặc dù kết thúc chiến tranh năm 1975, nhưng do nhiều sáng tác trước 1975 mãi đến năm 1976 mới công bố được!).
Sang giai đoạn đã khác hơn, chuyển đổi nhiều về nội dung, thơ cần phải hướng tới luận thuyết. Nguyến Linh Khiếu hướng chính của mình vào vấn đề này. Ông bắt tay vào viết Phồn Sinh từ năm 2002 đến năm 2014. Tác phẩm được xuất bản vào năm 2018.
Nguyễn Linh Khiếu xuất hiện với tư cách nhà thơ và nhà triết học khoảng cuối thế kỷ 20. Sang đầu thế kỷ 21, ở ông, thơ và triết học đã vững vàng lắm rồi. Vậy nên, khi ông viết Phồn Sinh, ông đã có cho mình một định hướng thi pháp. Ta hãy bắt đầu trong Phồn Sinh để lật tìm thi pháp đó.
Tổng quan của Nguyễn Linh Khiếu trong Phồn Sinh là thi pháp TRỮ TÌNH TRIẾT HỌC LẬP NGÔN! Là nhà thơ và là nhà triết học, ông không thể không sáng tác vừa bằng cảm xúc tình cảm, vừa bằng lý trí thức tuệ. Ông tuyên ngôn cho sự sống ở vùng châu thổ sông Hồng, cái nôi của văn hóa Việt. Nhưng ông không xét đến cái tận cùng hóa học của nó như các nhà triết học tự nhiên. Ông cảm nó vào bộ óc mình để dùng ngôn ngữ trái tim bật ra câu chữ. Câu thơ vì vậy sinh động như một tồn tại kinh nghiệm tự ý thức.
“ta là nhà thơ của thời đại mình.
Thời đại rực rỡ huy hoàng thời đại chói sáng thời đại vinh quang thời đại sáng ngời đạo đức thời đại văn minh thời đại trí tuệ thời đại văn hóa thời đại tân tiến thời đại của những cuộc đảo lộn lật ngược khủng khiếp bãi biển nương dâu thời đại một ngày bằng hai mươi năm thời đại bất minh… thời đại của những cuộc cách mạng long trời lở đất thời đại của những cuộc cách mạng sắc màu thời đại của những cuộc cách mạng nhưng lụa… những từ điển đẫn máu những thi ca đẫm máu những âm nhạc đẫm máu những hội họa đẫm máu… những ngôn ngữ đẫm máu những… đẫm máu… đẫm máu… đẫm máu.”.
Thế là hỗn loạn bắt đầu. Sự hỗn độn ấy là cách đặt vấn đề của tư tưởng. Nguyễn Linh Khiếu tiếp tục tư tưởng Đông phương vẽ lại trong tư duy dồn ra cảm xúc ngôn ngữ bức tranh của thời đại mình. (nhân đây tôi cũng phải nói rằng trường ca này vừa thâm sâu vừa đơn giản. vừa suy ngẫm vừa dễ đọc, tùy đối tượng, tùy lúc…).
Cho nên “ta là triết gia của sự biến đổi
Biến đổi từ con vật thành con người từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa cộng sản từ nến văn minh nông nghiệp sang nền văn minh công nghiệp… từ quan hệ vợ chồng sang quan hệ không vợ không chồng… từ quan hệ con người với con người sang quan hệ không phải con người với con người…
Chỉ có ta là nhà thơ của thời kỳ biến đổi tình yêu biến đổi hận thù biến đổi tình thương biến đổi… phồn sinh biến đổi hiếu sát biến đổi… anh hùng biến đổi thi sĩ biến đổi mong manh biến đổi bất hủ biến đổi giây lát biến đổi vĩnh hằng”.
Giờ ta thấy thơ và phồn sinh xuất hiện. Đây là lúc Nguyến Linh Khiếu quyết liệt tận cùng về phương pháp luận, nghĩa là triệt để cực hạn để bắt đầu bước vào thế giới của mình. Ông triết học để dựng một phủ định khái niệm khi ông tuyên bố ta là triết gia…Ông lập ngôn bằng vai trò nhà thơ của thời kỳ biến đổi. Đến đây, ông bắt đầu Hạ Thương Chu bằng Dịch, nhưng không phải từ Hà đồ Lạc thư, có lẽ là Thái cực của tam đoạn luận triết học Hegel. Là tôi đoán vậy thôi, chứ tôi vẫn nghĩ nghệ thuật vị nghệ thuật đạt đến đỉnh cao là nhân sinh. Nghệ thuật vị nhân sinh đạt đến đỉnh cao của nhân sinh là chính trị. Khúc hai và khúc ba của Phồn Sinh đã thể hiện điều đó. Giải quyết những đỉnh cao này thế nào. Ta chuyển sang khúc bốn.
Ta xem ông bắt đầu thế giới của mình như thế nào?
“ngụp lặn và đồng hành trong thời đại mình
Như muôn người ta là một đứa con đích thực
…như muôn người ta là một khuôn mặt một hình hài một chân dung một nhân cách…
chẳng có ai sống ngoài thời đại mình
chẳng thời đại nào tồn tại ngoài những con người đang sống…
những gì của con người đều thuộc về ta
những gì của ta đều thuộc về con người…
khi ta yêu nghĩa là ta đang sống
khi ta ghét nghĩa là ta đang yêu
khi ta ham muốn nghĩa là ta khởi một hành trình…”.
Nguyễn Linh Khiếu mời ta theo ông để ta thấy con người của thực tại. Ông không nói rõ khoảng lịch sử nào, nhưng ông khẳng định đó là thời đại của ông. Ông bơi trong dòng sông thời đại ấy. Còn cái đã qua ông không nhắc lại. Trong tư duy ông vẽ ra thời đại theo ông là thời bây giờ, nhưng ông không chôn nó đi, mà bơi trong nó. Trước hết, như vậy là ông chấp nhận những bi hài, chứ không tiễn đưa cái bi bằng cái hài. Ông dùng tính phản tư lưỡng cực để phản phác quy chân. Ông đẩy hết độ biên của tư tưởng để trở về với:
“ta là vô vàn thế giới
Là hạt bụi lơ lửng trong vắt giữa trời trong
…là giọt nước xao xuyến đầm đìa mái tóc ai óng ả mượt mà
Là tia nắng mặt trời tươi ngời hồng rực nồng nàn sinh khí thấm nhuồn dòng máu đỏ của ai mỗi ban mai tinh khiết…”. Cũng là trở về với cái đẹp của trinh tuyết. Như vậy là Chân của nghệ thuật rồi.
Cái Chân của Phồn Sinh là cái Chân trong tư duy. Tư duy này, nói theo triết học, là cái vật chất được đưa vào trong đầu và cải biến đi trong đó. Cho nên, Nguyễn Linh Khiếu đang nói về thời đại mình, một thời đại hỗn loạn. Từ cái hỗn loạn ấy ngoài hiện thực chuyển thành cái hỗn độn trong tư duy, để mà tư tưởng, Tây Tàu tôi không biết, ở Việt Nam hiện nay, duy nhất chỉ có Nguyễn Linh Khiếu!
Xin được trình bày giọng điệu của Phồn Sinh.
Phồn Sinh là thơ văn xuôi, phảng phất thể phú, cáo. Nhưng mà là phú cáo của Nguyễn Linh Khiếu dù tôi đồ rằng Nguyễn Linh Khiếu thuộc Bạch Đằng Giang Phú và Bình Ngô Đại Cáo từ rất lâu rồi, có khi còn được mẹ và bà ngâm ru ấy chứ. (Quê tôi ở Thái Bình. Bà tôi một chữ cắn làm đôi không biết, nhưng thuộc làu Truyện Kiều, Phạm Tải Ngọc Hoa, Rắn báo oán, hay Đức Thánh Trần,…Bà hay ngâm ru, kể chuyện đêm khuya trong chiếc ổ rơm khi đêm đông giá rét.).
Cái thực của phú, cái hiện của cáo được Nguyễn Linh Khiếu đẩy lên một tư thế mới. Nội dung phú cáo ngày xưa thuộc dạng tụng ca. Giờ trong Phồn Sinh thể hiện ra là các mệnh đề. Nhìn Phồn Sinh tưởng không theo cú pháp hiện tại. Thực ra Phồn Sinh chấm phẩy theo hơi thở. Nó đầy dấu phẩy, dấu chấm, ngắt dòng. Chỉ là Nguyễn Linh Khiếu giản lược hình thức cho cái bên ngoài không hoa mắt. Bạn cứ tưởng tượng trong một khúc thơ dài như thế mà cứ ngắt, cứ viết hoa thì khúc thơ thành ma trận, cho nên tôi bảo đọc thơ Phồn Sinh ta cứ như xem tranh nuy, trực tiếp, đơn giản mà tâm hưởng.
Tôi cho cái liên vần liên ý trong Phồn Sinh có sử dụng Tân hình thức. Nhưng Tân hình thức ở đây là sự phát triển độ rộng của ý và độ dài của tư duy. Tưởng như nhà thơ muốn cái gì cũng ôm vào mình nhưng không phải. Ông muốn tận dụng phép biện chứng của tâm hồn để đẩy cảm xúc lên đỉnh sin. Phồn Sinh không lơ lửng, nửa chừng, hoa trong gương, trăng trong nước. Phồn Sinh phải “Trăm năm tính cuộc vuông tròn/ Phải dò cho đến ngọn nguồn lạch sông” (Nguyễn Du). Nguyễn Linh Khiếu, trong chừng mực nào đó, cũng dùng một chút Hậu hiện đại khi ông phủ định và khẳng định lưỡng cực nội dung. Là người đọc rộng biết nhiều Tây Tàu đi khắp, chuyện ảnh hưởng vào bút pháp là lẽ đương nhiên. Vấn đề là các mệnh đề triết học mà Nguyễn Linh Khiếu đưa vào từng câu thơ đều chuẩn và đẹp, “đến từng xăng ti mét”!
Mỹ học trong Phồn Sinh quả thực là bức tranh bài ca sự sống, là thế giới sự sống phồn thực và ảo mộng vùng châu thổ sông Hồng.
“hơn tất cả ta là con trai của châu thổ sông Hồng cồn cào rạo rực giàn dụa phù sa
châu thổ sông Hồng xứ sở quanh năm suốt tháng tưng bừng những mùa động đực…
châu thổ cái nôi của văn minh sông hồ dầm dề ướt át lướt mướt
châu thổ cái nôi của văn minh lúa nước nôn nao sai cành trĩu mẩy
châu thổ cái nôi của sinh sôi nảy nở cương cứng lồ lộ
châu thổ cái nôi của dồi dào chộn rộn xôn xao tưng bừng thống thiết
châu thổ âm vang tinh thần phồn sinh tràn trề chan chứa đầm đìa tràn ngập thấm thía linh thiêng…”.
Dừng một chút để nói về cách tu từ của Phồn Sinh. Thơ là phải tu từ, phải “thôi xao”. Nguyễn Linh Khiếu tung hoành như một vị tướng khi sử dụng đội quân tính từ. Có thể nói các loại tính từ tràn ngập trong Phồn Sinh làm tràn ngập màu sắc, phẩm chất, tính tình, thuộc tính. Mà dùng rất đắt. Mà đâu vào đấy. Đây cũng là mặt mạnh về mỹ học trong Phồn Sinh.
Nhân vật trong Phồn Sinh là cả một quốc gia Phồn Sinh. Ngoài nhân vật Ta đại diện chủ thể ra, thì cái gì cũng là nhân vật trữ tình. Từ đất đai, sông hồ, biển khơi, bờ bãi cánh đồng , đến cây cối, hoa màu,… đều có hồn, có linh, có tình , có cảm, như người, cá tôm, như vật nuôi, như chim trời, cá nước. trong không gian châu thổ, như:
“thế gian này mỡ màu là giống cái
Thế gian này mỡ màu là mẹ
Thế giới này tuôn chảy dạt dào dòng mẫu hệ linh văn
Mỡ màu dung dưỡng muôn loài sinh sôi nảy nở
Mỡ màu là sự sống
Mỡ màu là tình yêu
Mỡ màu nghĩa là thiên mệnh…”.
Bây giờ ta xem đến một phần rất quan trọng của Phồn Sinh. Đó là các mệnh đề được đưa ra.
Đầu tiên là Tự do (hiếm thấy nhà thơ viết hoa, trừ Sông Hồng, Linh, Tự do và vài từ khác. Linh là kết tinh của tinh thần, của linh hồn và một miền ngoài nào đó, giống cái, là người yêu của nhà thơ, nhưng Linh phải ở sông Hồng, là chủ thể tôn giáo sinh ra từ đất mẹ, đất mẹ Sông Hồng. Chủ ý thật tuyệt!).
“trên xứ sở châu thổ Sông Hồng của ta tinh thần Tự do vô cùng kỳ vĩ
bản chất xứ sở châu tổ Sông Hồng là xứ sở tự do
xứ sở này tự do không gì sánh nổi….
xứ sở này tự do là máu là xương là da là thịt là lông là tóc…là tinh hoàn là buồng trứng là nụ cười là tiếng khóc là mồ hôi là nước mắt
xứ sở này đã ngàn năm tối tăm phương Bắc đô hộ
xứ sở này đã trăm năm nô lệ thực dân phương Tây mắt xanh mũi lõ…
nếu không có một sức sống phi thường
nếu không có một tình yêu vĩ đại
đất nước này đã ngàn lần thay tên đổi chủ
dân tộc này đã ngàn lần bị đồng hóa lai tạo bị diệt chủng…”.
Ở khúc hai và khúc ba là trình bày lý do ra đời của Phồn Sinh. Các đấng sáng tạo ra đời đều từ Hỗn Độn để cứu thế. Trong thế giới Phồn Sinh, Ta (chủ thể đại diện – nhà thơ chính là người sáng tạo!). Từ khúc mười, Phồn Sinh lại là tự sự sử thi. Nhà thơ bám theo chủ đề nhưng lại nêu những lịch sử đã diễn ra ở đất nước Việt Nam. Có thể nói từ đây, Phồn Sinh tựa vào lịch sử để mà trừu tượng, để mà cảm xúc, để mà triết luận.
Mệnh đề thứ hai là Dân chủ. Khúc mười ba.
“trên xứ sở châu thổ Sông Hồng thiêng liêng của ta dạt dào không khí Dân chủ
dân chủ là hồn vía của muôn loài
dân chủ là sức sống của vạn vật
dân chủ là tinh thần của xứ sở…”
Mệnh đề thứ ba là Sự Thật. Khúc thứ mười lăm.
“trên xứ sở châu thổ Sông Hồng của ta không gì cao hơn Sự Thật
Trên xứ sở châu thổ Sông Hồng của ta không có gì sâu hơn sự thật
Trên xứ sở Sông Hồng của ta không có gì rộng lớn hơn sự thật…”
Mệnh đề thứ tư là Giải Phóng. Khúc thứ mười bảy.
“trên xứ sở châu thổ Sông Hồng của ta sục sôi tinh thần Giải Phóng
Giải phóng là bản năng
Giải phóng là lẽ sống…
…
khi nhà thơ chưa hát được bài ca của mình
nhà thơ đanh bị gông cùm giam cầm trong tù ngục
khi nhà thơ chưa hát được bài ca của mình
cả dân tộc đang rên xiết trong xà lim giam hãm
khi nhà thơ chưa hát được bài ca của mình
cả dân tộc nhẫn nhục quằn quại chờ phút giây vùng lên đồng khởi”.
Đọc đoạn này sao tôi liên tưởng đến Bài ca chim báo bão của Mác xim Gooc ki quá, nhất là nhớ đến câu “Vinh quang thay sự điên cuồng của những người dũng cảm”.
Bắt đầu từ khúc hai hai, nhà thơ trở về khúc một để lý giải ngữ và nghĩa, bắt đầu cuộc dạo chơi trong các khái niệm. Sau đó, nhà thơ phân thân ra mười hai con giáp TÝ SỬU DẦN MÃO THÌN TỴ NGỌ MÙI THÂN DẬU TUẤT HỢI,
Lại hóa thân vào các con vật , con bay trên trời, con trên mặt đất, con ở trong đất, con ở dưới nước, giống đực, giống cái, vv…
Chính trị lớn nhất là cái Thiện. Sự phân thân, hóa thân của nhà thơ trong Phồn Sinh chính là sự khẳng định sự sống, là cái Thiện được Linh hóa, nói cách khác, cái Thiện đối với Nguyễn Linh Khiếu là linh hồn vật hóa cùng tồn tại. Tồn tại, vì vậy là chính trị cao nhất. Sự lý giải ấy chỉ thơ mới có.
Khúc bảy mốt:
“ta là giáo chủ của phồn sinh giáo
tôn giáo cổ xưa nhất trong các tôn giáo
tôn giáo hiện đại nhất trong các tôn giáo…
đó là tôn giáo được đức linh cao cả sáng tạo đầu tiên trước khi sáng tạo vũ trụ
ta truyền giảng những lời kinh khởi thủy
ta truyền giảng những lời kinh sáng thế…
bất cứ cái gì sinh sôi nảy nở đâm chồi nảy lộc nở hoa kết trái thụ phấn thụ thai giao hợp chửa đẻ sinh sản tốt tươi héo khô tàn lụi đều thuộc tôn giáo phồn sinh
tất cả những gì sinh diệt đều là tín đồ phồn sinh giáo…”.
Tôi đọc đến khúc một trăm năm mươi của Phồn Sinh, cũng thấy bình thản đón nhận một quan niệm nhân sinh. Tôi khẳng định Nguyễn Linh Khiếu không khó đọc. Chỉ là những chấp niệm trong lòng có đồng cảm với Phồn Sinh.
Thi pháp trữ tình triết học lập ngôn là chủ đạo trong Phồn Sinh. Nhưng trong Phồn Sinh có cả phép hiện thực, cả lãng mạn, cả tự sự, cả trữ tình… Với tôi, đây là cách tiếp cận Phồn Sinh, cũng là cách tôi hiểu Nguyễn Linh Khiếu trên bình diện tư tưởng. Theo tôi, đây cũng là sự đóng góp lớn nhất của Nguyễn Linh Khiếu với thi ca Việt Nam 20 năm đầu thế kỷ XXI.
Tôn giáo phồn sinh của Nguyễn Linh Khiếu, xét đến cùng là cảm xúc nhân linh. Thơ ông tôn vinh tinh thần, nhưng tinh thần ấy được vật thể hóa. Muôn loài vật sống ấy có thể là bất cứ cái gì trong không gian của ông. Trong không gian ấy, đến đất, nước, lửa, gió, lôi, mây, cây, khoáng chất đều sống, đều có linh như con người, như sinh vật. Hiểu được điều ấy rồi, ta càng tôn trọng cách lập thuyết của ông. Nguyễn Linh Khiếu đã luyện ngục trăm lần để giúp chúng ta đến xứ sở của châu thổ Sông Hồng của ông, để cùng Phồn Sinh tôn trọng sự sống, tự do, dân chủ, sự thật, giải phóng, để mà hòa vào muôn loài đực cái vào mùa động đực mà sung sướng giao hoan những gì bản thể nhất.
Hà Nội, mùa Thu năm 2023.
B.V.K