Thi sĩ Bùi Đức Ánh: Người mãi say thơ!

284

(Vanchuongphuongnam.vn) – Cái tuổi quá lục tuần, thường người ta ngơi nghỉ, hưởng thụ, nhưng thi sĩ Bùi Đức Ánh (SN 1949) lại khác. Ông “say” thơ và viết rất khỏe! Vậy nên chỉ trong vòng chưa đầy 4 năm, Bùi Đức Ánh đã cho ra mắt đến 4 đầu sách… Đáng nể!


Thi sĩ Bùi Đức Ánh.

Cách đây không lâu, thi sĩ Bùi Đức Ánh đã trình làng tập thơ thứ 3 mang tên “Đo chiều dài mùa đông”. Một cái tên nghe rất gợi và lãng mạn. “Mùa đông dài bao nhiêu”? – 3 tháng ư? Với Bùi Đức Ánh, mùa đông có thể rất ngắn, chỉ: “Một cơn mưa/ Một trận gió/ Hay một nỗi nhớ thầm?”… Trong những khắc khoải nhớ về người mình yêu: “Anh không thể nào đoán được ngày xa em/ Cái rét lại đến cồn cào như thế/ Anh mặc thêm áo ấm/ Vẫn thấy lạnh trong từng niềm bâng quơ”… Nhưng mùa đông cũng có thể rất dài, dài vô tận, không thể đong đếm: “Anh ngồi lại căn phòng vắng em/ Đo chiều dài mùa đông bằng mong ngóng…”. Đọc những câu thơ, ta nhận ra với thi sĩ Bùi Đức Ánh, sự xa cách người mình yêu như nỗi cô đơn nghìn trùng, như sự xa xót, cồn cào bất tận vậy.


Bìa tập thơ “Đo chiều dài mùa đông” của thi sĩ Bùi Đức Ánh.

“Đo chiều dài mùa đông bằng… mong ngóng” – một thước đo chỉ có người thi sĩ dùng. Tình tứ, chất chứa và đẹp mê hoặc…

Giọng thi sĩ Bùi Đức Ánh trẻ trung thế, mãnh liệt thế, lửa yêu bập bùng, hừng hực đến thế, tưởng đâu người còn trẻ, tóc còn xanh. Hóa ra lại khác, thi sĩ… già rồi! 66 tuổi còn gì! Và khi cầm trên tay đến 3 tập thơ, 1 tập truyện ngắn của Bùi Đức Ánh tôi mới hiểu, ông đúng là “một gã say thơ”, một thi sĩ “tóc tuy đã bạc mà hồn mãi xanh”.

Nói Bùi Đức Ánh “say” thơ rất đúng. Ông yêu thơ, viết thơ từ cái thời còn mài đũng quần trên ghế nhà trường. Trên bục giảng, khi là ông giáo, Bùi Đức Ánh cũng làm thơ, đọc thơ, ngâm thơ cho học trò nghe. Giờ khi về hưu, tóc bạc, Bùi Đức Ánh vẫn ngày ngày, đêm đêm cày cuốc cùng những con chữ trên “cánh đồng thi ca” diễm lệ. Có “say”, có “xanh đời” nên Bùi Đức Ánh mới có thể mỗi năm ra một tập thơ: “Thong dong ký ức” – 2012, “Biển không em” – 2013, tập truyện ngắn “Người đàn bà bên bếp lửa” – 2014 và “Đo chiều dài mùa đông” – 2015. Sở dĩ người viết dẫn ra tập truyện ngắn là vì trong truyện, thi sĩ Bùi Đức Ánh cũng rất thường lồng ghép những câu thơ của mình vào. Đó là chưa kể, tháng 7 này, ông lại ra mắt tập tạp văn “Dưới ánh trăng ấm áp”. Đáng nể thật!

Và cũng có lẽ, do Bùi Đức Ánh quá say thơ nên nhiều khi đọc thơ ông, tôi có cảm giác Bùi Đức Ánh viết vội (hay do tôi khó tính chăng?!). Bởi trong nhiều bài thơ của Bùi Đức Ánh, tôi có cảm giác có rất nhiều từ lặp đi lặp lại, đọc nghe… quen quen! Hay đó là phong cách của ông? Để cảm xúc tuôn trào và ông cứ vậy nhả vào con chữ thật tự nhiên, dung dị, không cần phải chỉn chu, màu mè, hoa lá! Tôi sẽ không nói nhiều về điều này. Đơn giản, với một người yêu thơ, hết lòng với thơ như Bùi Đức Ánh thì rất đáng mừng, đáng trân trọng. Phải có một tâm hồn đẹp mới có thể viết ra những dòng tâm sự vốn đã vương mang từ thuở thiếu thời, mãi đến khi tóc đã bạc rồi mà mỗi khi nhắc lại lòng vẫn cứ rưng rưng.

Đó là sự hoài niệm thiết tha về một thời áo trắng sân trường: “Học trò đi mấy ngả/ Bục giảng rưng rưng buồn” (Nhớ trường xưa – tập thơ Thong dong ký ức); Mùa hạ nhắc gì/ Mà tháng tư vội thế/ Em có thấy hàng phượng dài nỗi nhớ/ Từng đốm gầy lửa cháy suốt phố xưa… (Nỗi nhớ tháng tư – Biển không em).

Hay nỗi lòng da diết, đăm đắm với quê hương: “Tôi về thăm lại sông quê/Trà Giang ơi có còn nghe tiếng lòng/ Cánh diều buông bóng vào sông/ Mặt trời khuất núi vẫn không muốn về/ Những ngày tắm bến sông quê/ Nước trong ai thả bùa mê ơi người?/ Tôi về gặp lại sông tôi/ Chạnh buồn bên lở bên bồi rưng rưng (Sông tôi – Biển không em).

Là chút tình xưa vương vấn mãi: “Không còn ai ở bên tôi/ Ngày buồn những giọt mưa rơi bên chiều/ Nhớ lầm lũi/ Nhớ liêu xiêu/ Hoàng hôn giấu một niềm yêu lỡ làng…” (Mưa muộn – Đo chiều dài mùa đông); “Em đừng nhắc chuyện trăm năm/ Anh đâu ngậm ngải tìm trầm ngày xưa/ Trách mùa hạ vẫn đong đưa/ Người đi bạc tóc sao chưa gặp người?…” (Chốn cũ – Thong dong ký ức); “Thôi đừng nhắc nữa chuyện xưa/ Cái thời thơ ấu tắm mưa sân trường/…Thôi đừng nói những lời thương/ Thôi đừng dâng nữa nỗi buồn trong anh” (Thôi đừng – Biển không em).

Là hình ảnh mẹ cha vời vợi: “Mẹ ngày xưa áo tơi trên đồng cỏ/  Cha ngày xưa chân nứt nẻ bốn mùa…” (Sông Trà trôi xa – Biển không em); “Anh ơi, mắt mẹ mờ rồi/ Bao năm cuối đất cùng trời tìm anh/ Trường Sơn thăm thẳm rừng xanh/ Hồn anh lẫn với đất thành lời ru…” (Lòng mẹ – Biển không em).

Và đâu đó thơ Bùi Đức Ánh viết về một Hà Nội trầm mặc với thời gian; về Trường Sa sóng biển, nơi những chiến sĩ ngày đêm canh giữ chủ quyền biển đảo thiêng liêng…

Viết về bất kỳ đều gì cũng vậy, Bùi Đức Ánh hay viết bằng thơ, viết say sưa, viết miệt mài. Người ta bảo Bùi Đức Ánh say thơ là phải!

PV