Thi sĩ Nguyễn Bính: Nặng những mối tình phân ly

199

Nguyễn Bính đã sống trọn một đời thơ mộng đẹp đẽ, với những vần thơ da diết, đượm đà, đầy ái tình, như chính trong thơ ông viết: “Mộng đẹp theo ngày tháng/ Đi êm đềm như thơ”.

Bốn mươi chín tuổi đời với hơn ba mươi năm cầm bút, Nguyễn Bính đã để lại cho đời 22 thi phẩm, trong đó có 14 tập thơ, 8 truyện thơ, 5 tác phẩm kịch bản sân khấu gồm 2 kịch bản chèo, 3 vở kịch thơ (vở Bóng giai nhân phác thảo ban đầu của nhà thơ Yến Lan) và các tác phẩm văn xuôi như truyện ngắn, tiểu thuyết.

Nguyễn Bính có một tuổi thơ mất mát, buồn bã khi mất mẹ từ lúc ba tuổi, nhưng thi sĩ vẫn được dạy dỗ cẩn thận. Ông thụ giáo cả chữ Nho, chữ Quốc ngữ ở đây. Là người sáng dạ, ông nhập tâm chữ nghĩa chân truyền, kinh sách, văn học, lịch sử… và tài thi ca của ông đã nảy nở từ khi còn là một cậu bé mười ba tuổi.


Nhà thơ Nguyễn Bính.

Dấu tình thơ mùa xuân

Nguyễn Bính viết nhiều về mùa xuân. Mùa xuân run rẩy, lộc biếc, hoa tươi. Tâm hồn thi sĩ dễ rung cảm ấy chẳng thể nào giấu được niềm bâng khuâng trước những bài thơ xuân tuyệt tác như: Mưa xuânXuân vềThơ xuân hay Xuân tha hương

Hãy lắng nghe Xuân về của Nguyễn Bính để lạc vào một cõi yên bình trong trẻo…

Đã thấy xuân về với gió Đông

Với trên màu má gái chưa chồng

Bên hiên hàng xóm cô hàng xóm

Ngước mắt nhìn giời đôi mắt trong.

Nhìn trời xanh thiên thanh, nhìn những cành lá xanh mơn mởn, nhìn những đồng lúa xanh non, nhìn những bãi cỏ, những lũy tre làng xanh biếc và nhất là nhìn thấy cái thắt lưng xanh yêu kiều của người mình yêu đang dần đến bên mình để tự tình, thi sĩ đã đưa đến cho chúng ta cả một… “mùa xuân xanh” không còn gì xanh hơn thế:

“Mùa xuân là cả một mùa xanh

Giời ở trên cao, lá ở cành

 Lúa ở đồng tôi và lúa ở

 Đồng nàng và lúa ở đồng quanh

 Cỏ nằm trên mộ đợi thanh minh

 Tôi đợi người yêu đến tự tình

 Khỏi lũy tre làng tôi nhận thấy

 Bắt đầu là cái thắt lưng xanh.”

 (Mùa xuân xanh)

Những câu thơ đầy chất dư tình đẹp đẽ ấy, nung nấu trong lòng một mùa xuân miên man của đất trời. Mùa xuân ấy được Nguyễn Bính vẽ lại bằng những rung động bé mọn sâu sắc vô cùng.

Thơ Nguyễn Bính viết về xuân rất nhiều nhưng bài Mưa xuân có một vẻ đẹp lung linh huyền diệu hơn tất cả. Đặc biệt nghệ thuật tả cảnh tài tình của Nguyễn Bính được vận dụng vào đây để tạo thành những câu thơ:

“Bữa ấy mưa xuân phơi phới bay

Hoa xoan lớp lớp rụng vơi đầy”

Đọc câu thơ, ta hình dung rõ mồn một cảnh trên đường làng gió tung hoa lên từng trận mịt mù phủ kín không gian. Dường như là hoa nhiều lắm. Hoa từ đầu làng đến cuối ngõ. Chỉ thấy hoa chứ không thấy cảnh vật nữa. Làng quê qua ngòi bút tả cảnh của Nguyễn Bính hiện lên đẹp như một bức tranh.

Người con gái quê trong bài thơ Mưa xuân ấy rất mới, nàng đợi người tình trong đêm hát, lòng say đắm:

Thôn Đoài vào đám hát thâu đêm

Em mải tìm anh chả thiết xem

Chắc hẳn đêm nay giường cửi lạnh

Thoi ngà nằm nhớ ngón tay em

 (Mưa xuân)

Nhưng mùa xuân đẹp đẽ ấy rồi cũng lại báo hiệu một nét ly biệt buồn bã trong thơ lãng mạn của Nguyễn Bính, như một định mệnh, của ngóng trông, mòn mỏi xa cách. Cái ái tình ấy là ái tình của biệt ly và dang dở:

Nhưng rồi người khách tình, xuân ấy

Đi biệt không về với… bến sông


Gia đình nhà thơ Nguyễn Bính.

“Lỡ bước sang ngang” và những mối tình phân ly

Với Nguyễn Bính, tình yêu trong đời thực chỉ có sự giả dối và phản bội. Và Nguyễn Bính đã phải tạo ra đời mộng để yêu và được yêu. Ông dành những vần thơ tình đẹp nhất của mình cho những người đàn bà không quen: Người hàng xómCô lái đòCô hái mơDòng dư lệViếng hồn trinh nữ

Tất cả đều… không quen, vậy mà “bao nhiêu đau khổ của trần gian trời đã dành riêng để tặng nàng” Nguyễn Bính đều thấu cảm và rung động tỏ tường.

Những người không quen biết nhau ấy đã gặp nhau trong mộng. Họ là những giấc mơ bạc mệnh của nhau. Họ sống mơ nhưng yêu thật, yêu cái mệnh bạc, cái ngắn ngủi của giấc mơ, hiện thân sự cô đơn của chính mình.

Phần hồn của kẻ cô đơn, tự chẻ đôi chẻ ba ra cho có bạn và mỗi nửa riêng lẻ, mỗi phần xẻ ra ấy, tự cảm thấy không còn cô đơn: “Những một mình em uống rượu hồng” (Xuân tha hương).

Hay:

Chân bước hững hờ theo bóng lẻ

Một mình làm cả cuộc phân ly

 (Những người trên sân ga)

Tập thơ Lỡ bước sang ngang, với những vần thơ đầy quyến rũ của ông thu hút được nhiều bạn đọc lúc bấy giờ, nhất là đối với phái đẹp. Các bà, các chị, các em đã đọc Lỡ bước sang ngang bằng tình cảm đặc biệt. Họ coi bài Lỡ bước sang ngang là tiếng lòng u uất của người phụ nữ trong xã hội đương thời đầy bất công và bất bình đẳng.

Bài thơ như phản ánh cuộc đời của chính mỗi người phụ nữ. Nhiều bà, nhiều chị từ thành thị tới nông thôn đã thuộc lòng bài thơ để suy tư, giãi bày tâm sự và dùng nó làm bài hát ru con, ru cháu:

“… Em ơi, em ở lại nhà

     Vườn dâu em đốn, mẹ già em thương

     Mẹ già một nắng hai sương

     Chị đi một bước trăm đường xót xa…”

Mối cảm thông của Nguyễn Bính với những người phụ nữ mệnh yểu, bị tình phụ, ngoài tâm sự của chính mình, còn là sự giao cảm của nhà thơ với định mệnh, với cái chết, tương tự như mối linh cảm giữa Kiều và Đạm Tiên. Sự cảm thông tình yêu qua cái chết, giải thích mối linh ứng diệu kỳ giữa những người không quen ấy:

“Tôi với nàng đây không biết nhau,

Mà tôi thương tiếc bởi vì đâu ?

Mỹ nhân tự cổ như danh tướng

Bất hứa nhân gian kiến bạch đầu.”

(Viếng hồn trinh nữ)

Cũng trong cảm thức những người đàn bà không quen, Nguyễn Bính đã viết nên bài thơ Cô hàng xóm, có lẽ là một trong những bài thơ tình đẹp nhất của thế hệ ông.

Đây là một bài thơ liên hoàn, không thể đọc câu trên mà không đọc tiếp câu dưới, lời lẽ hoàn toàn là ngôn ngữ hàng ngày nhưng keo sơn gắn bó với nhau như một hơi nhạc, một âm giai ngũ cung bám vào hồn người Việt:

Nhà nàng ở cạnh nhà tôi

Cách nhau cái dậu mùng tơi xanh rờn

Hai người sống giữa cô đơn

Nàng như cũng có nỗi buồn giống tôi

Cái tình xa lạ mà tha thiết ông dành cho những người phụ nữ ấy đã khiến thơ ông trở thành một dấu tình sầu muộn, mang nặng cảm thức phân ly buồn thương, nhưng cũng vì thế mà đậm đà, da diết, khiến bao thế hệ say đắm.

Thơ Nguyễn Bính dẫn dắt người đọc đắm chìm trong một bầu không khí lãng mạn của ái tình. Đó là cái cốt lõi quan trọng nhất trong sự nghiệp thơ ca của thi sĩ, và cũng là điều khiến độc giả yêu thơ say đắm những bài thơ của ông. Đọc thơ Nguyễn Bính hôm nay nỗi lòng run rẩy vẫn còn vang vọng, như những cơn gió lang thang qua biển vắng, mộng mơ và xa vắng.

Theo Thủy Nguyệt/Zing