Thi sĩ triết gia hứng chữ từ nhựa sống phồn sinh

300

TS Phạm Thạch Hoàng

Điều đặc biệt ở Nguyễn Linh Khiếu là ông, với tâm thế của một triết gia – thi sĩ đã lấy phồn sinh làm cảm hứng chủ đạo để hứng chữ từ nhựa sống phồn sinh của cuộc sống, khơi dòng phồn sinh chảy lên đầu ngọn bút, diễn ngôn phồn sinh bằng ngôn ngữ thi ca.

1. Phồn sinh là một trạng thái tự nhiên không do ai sáng tạo ra, chữ phồn sinh ấy chỉ là mô tả trạng huống sự vật, từ hiện tượng đến bản chất. Phồn sinh là sức sống tự nhiên, sống đầy đủ, thỏa thuê, dôi dư thì gọi là phồn, nó là khởi điểm của những trạng thái phồn vinh mà người đời mong ước. Trong văn minh nông nghiệp, dân gian đã mơ ước về phồn sinh và đắc phồn sinh. Đây chính là đắc phồn sinh: Thóc lúa đầy đồng, lợn gà chật bãi và đầy nhà vang tiếng trẻ thơ. Có thể có sự nhìn nhận khác nhau về cái hiện thực ấy: Tín ngưỡng và triết lý dân gian gọi là Phồn thực. Phồn nghĩa là nhiều, thực là biểu hiện cho thực tại sự vật. Sự sinh sôi, nảy nở của vạn vật theo những chu kỳ đó là quy luật của sự sống. Nhà văn, nhà thơ, gọi nó là phồn sinh. Nói như vậy, để thấy, phồn sinh không phải là cách diễn đạt độc ngôn để đến mức phải trao tác quyền. Nghìn năm qua, phồn sinh đã tự nhiên hiển lộ, chỉ khác là ta sẽ gọi như thế nào về các trạng huống phồn sinh trong cuộc đời này. Văn chương, với ưu thế về sử dụng ngôn ngữ đã mang đến cho triết lý phồn thực, phồn sinh những biểu cảm mới và trong dòng sông văn chương nước Việt đương đại, Nguyễn Linh Khiếu là gương mặt đánh thức Phồn Sinh từ trong bản năng, tự tính của nó.


Nhà thơ Nguyễn Linh Khiếu.

2. Điều đặc biệt ở Nguyễn Linh Khiếu là ông, với tâm thế của một triết gia – thi sĩ đã lấy phồn sinh làm cảm hứng chủ đạo để hứng chữ từ nhựa sống phồn sinh của cuộc sống, khơi dòng phồn sinh chảy lên đầu ngọn bút, diễn ngôn phồn sinh bằng ngôn ngữ thi ca. Và phồn sinh dưới ngòi bút của ông đã hiện ra một đời sống khác, vừa thực tại vừa siêu thực tại, vừa tự nhiên lại phi tự nhiên, vừa bình thường lại vừa phi thường.

Một con trâu mộng của bờ bãi sông Hồng lúc nào cũng hừng hực động dục, những sa hồng của sông ngòi nước nôi Bắc bộ tràn trề, những hân hoan cây lá từ buổi còn chồi non, những hoa mộc miên đỏ suốt tâm can, những lau sậy biên giới ngút ngát…Đời sống vật và người, qua thơ Nguyễn Linh Khiếu, những sự vật, con vật đều rậm rạp và rạo rực phồn sinh, hơn chính đời thực của chúng vậy. Chất phồn sinh rất nổi bật ở hình ảnh Sông Hồng, Sa Hồng.

“châu thổ âm vang tinh thần phồn sinh tràn trề chan chứa đầm đìa tràn ngập thấm thía linh thiêng”

“trên xứ sở châu thổ Sông Hồng của ta rực rỡ sắc màu sinh sôi

vang lừng âm thanh đâm chồi nảy lộc

sôi động thanh điệu cường tráng

xao xuyến giai điệu cành la cành bổng

lộng lẫy sắc màu căng mẩy

tràn trề tinh thần luyến ái

náo nhiệt nhịp điệu truyền giống lộng lẫy huy hoàng”

“sông Hồng dịu dàng đôi mươi nước nôi sa hồng lai láng

những bãi ngô non những bãi dâu xanh những mùa hoa cải những bông trinh nữ run rẩy tím ngát triền đê” (Dòng Thiêng)

“…phù sa non đầm đìa đam mê

lộng lẫy như đàn trâu cái vào mùa động đực” (Dòng Thiêng)

“mỗi sáng mai trên bờ bãi sông Hồng

chập chờn trong sương tiếng sột soạt ngô dậy thì thẹn thùng thay xiêm áo

nây nẩy những bắt non tươi ẩn hiện

mùa nước sinh đang hổn hển trở về.” (Dòng Thiêng)

“Ta sinh ra nơi cửa mở sông Hồng

nước rực đỏ cuồn cuộn dâng trào hùng tráng những bến bờ

nước phơi phới phập phồng cồn cào sinh lực” (Phồn Sinh)

“hơn tất cả ta là con trai của châu thổ Sông Hồng cồn cào rạo rực giàn giụa phù sa

châu thổ Sông Hồng xứ sở quanh năm suốt tháng tưng bừng những mùa động đực” (Phồn Sinh)

đi dọc triền đê ngát hương những bãi bồi rộn rã mùa hổn hển

những nàng trâu cái nở nang những chàng trâu đực vạm vỡ tung tăng đùa dỡn hân hoan (Dòng Thiêng)

Trong thơ Nguyễn Linh Khiếu, ta bắt gặp rất nhiều câu thơ hoan ca như thế về Sông Hồng, dòng sông khởi thủy của văn minh sông Hồng vùng Bắc bộ. Bên cạnh đó còn là phồn sinh của thực vật, của động vật, của những thể vô tri vô giác và phồn sinh của tâm lý người giao hòa trong cảm thức của nhà thơ. Phồn sinh của những vật và người ấy, không còn là cá thể riêng lẻ mà là phồn sinh của vùng quê, của tầng người, của văn hóa, của miền đất đi qua, của khung cảnh thế nhân v.v…

Mọi sự vật đều tự tính phồn sinh, nhưng chỉ có tâm lý ý thức của người mới cảm thức sâu xa về phồn sinh. Cho nên, qua phồn sinh của tâm lí người để nhìn phồn sinh của sinh thể, thể tính tự nhiên. Phồn sinh vật và phồn sinh người qua lăng kính của thi sĩ Nguyễn Linh Khiếu đã được đẩy đến tầng nấc sáng tạo. Một con trâu đực sao cứ mãi hừng hực động dục, một vùng nước nôi châu thổ sao cứ mãi tràn trề. Nó dường như không là sự hừng hực, tràn trề của cá thể mà là của thế hệ, của sinh sôi, nẩy nở, của hôm nay và muôn đời sau. Sự bất thường là chỗ ấy và phi thường cũng chính là chỗ ấy.

Trong mắt của thi sĩ Nguyễn Linh Khiếu, phần nhiều phồn sinh lên như một dòng năng lượng- Năng lượng sống. Năng lượng ấy cần cho tất cả mọi người.

“đã đến rồi những giọt mưa đầu mùa/ không khí hân hoan giai điệu tưng bừng thánh thót

mới mẻ lần đầu tiên đến với chúng mình

những giọt nước nồng nàn linh thiêng tràn ngập…” (Dòng Thiêng).

“một miền hồng tươi dịu dàng ban mai tinh khiết

một miền biếc xanh mơn mởn long lanh nước trời

một miền lênh loang miên hương thoang thoảng

một miền ngào ngạt hương biển bổi hổi bồi hồi

miên hương miên hương” (Phồn Sinh)

“thế gian này mỡ màu là giống cái

thế gian này mỡ màu là Mẹ

thế giới này tuôn chảy dạt dào dòng mẫu hệ linh văn

mỡ màu dung dưỡng muôn loài sinh sôi nảy nở

mỡ màu là sự sống

mỡ màu là tình yêu

mỡ màu nghĩa là thiên mệnh” (Phồn Sinh)

Đọc những câu thơ viết về Phồn sinh của Nguyễn Linh Khiếu, ta thấy thể tính “Phồn sinh” ấy cũng có một cuộc đời cựa mình thai nghén, thậm chí vật vã đớn đau nhưng sau tất cả vẫn ào ạt sự sống, vẫn hồn nhiên như hoa khởi trinh khép mở, vẫn chân thành xanh tươi đến lạ.

“tất cả đã ra đi tất cả dường như không có gì biến mất

tiếng chim thiêng vang vọng mấy ngàn năm xúc động thi nhân

nàng đừng nghĩ ra đi là sẽ hết

hân hoan chim Lạc vẫn bay trên nhịp điệu mùa màng xứ sở phồn sinh” (Dòng Thiêng)

“lá non là thông điệp phồn sinh trên đất đai màu mỡ mùa màng cấy cày vun trồng chăm bón gặt hái châu thổ lúa nước của chúng mình…” (Dòng Thiêng)

“hoa ở đâu cũng ngát hương mặt đất

người ở đâu cũng tươi tắn dưới trời xanh” (Dòng Thiêng)

“thế giới này không gì vĩ đại hơn là được sống

thế giới này không gì vĩ đại hơn là làm cho nòi giống của mình mãi mãi sinh sôi mãi mãi trường tồn” (Dòng Thiêng)

Có thể nói Nguyễn Linh Khiếu đã thổi vào phồn sinh của tự nhiên bằng chính sự phồn sinh trong lòng ông, và ông đã biểu thức sự phồn sinh của cuộc sống qua lăng kính thi ca đẫm chất triết lí. Lúc này phồn sinh cá nhân và phồn sinh tự nhiên là đồng điệu thống nhất.

3. Loài người với những bản tính tốt và xấu của mình, sẽ mãi ưu thức về phồn sinh, hoan ca về phồn sinh và khổ đau với phồn sinh. Khác chăng, ở những bậc thức giả sẽ thấy bản chất thấu triệt của phồn sinh, còn con người trong giới hạn sống đời của mình, vẫn thấy một phồn sinh tục tính, thể tính của loài, vượt lên bản năng mà vẫn khắc khoải bản năng, một thứ bản năng gốc Thiên tạo.

Nếu ở bậc tu đạo, sự phồn sinh đã trở lên một trạng thái khác trong suốt hơn, tinh thể hơn, không còn bản năng trần tục, như ta thấy trong những câu thơ thiền sau:

“Ở đời vui đạo, hãy tùy duyên.

Khát uống, đói ăn, mệt ngủ liền.

Báu sẵn trong nhà, đừng kiếm nữa.

Vô tâm trước cảnh hỏi chi Thiền”

(Cư trần Lạc đạo của Giác hoàng Trần Nhân Tông)

Còn phồn sinh của con người và cuộc đời nó sẽ phức tạp và đầy xung đột, cái thông minh của con người phải là ở chỗ, chung sống với phồn sinh bằng thái độ hài hòa, tôn trọng, bao dung, như là Nguyễn Linh Khiếu đã biểu đạt trong những câu thơ về phồn sinh của ông.

Do đó, với người đời, dung dưỡng phồn sinh để tồn tại, đó là một nhu cầu thực tế. Không ai có thể phá vỡ phồn sinh trong tự tính của nó và dù duy mĩ đến mấy đi chăng nữa, không ai chối bỏ được tính đa diện của phồn sinh.

4. Ấp ủ và ngân nga những suy tưởng về phồn sinh cho đến những ngày không còn trai trẻ, Nguyễn Linh Khiếu vẫn trung thành với phồn sinh. Ông lấy phồn sinh làm đối tượng để tư duy, biểu đạt triết lý phồn sinh theo cách cảm của ông. Bằng cớ là “Phồn sinh của Lá non”. Lá non đang buổi khởi đầu xanh tươi thì phồn sinh rồi, nhưng lá non trong cuộc đời này chịu cộng hưởng của nhiều va đập lắm, nhiều nhiễu sinh lắm. Quanh lá non mà bao chuyện đời biến động của một cộng đồng, một cá nhân, của thân phận người. Lá non rồi sẽ thành lá già, úa vàng vọt và rụng đi nhưng cảm thức về lá non, mãi vẫn là xanh non. Nghĩa là từ gốc gác khởi thủy mọi thứ đã phồn sinh riêng theo cách của nó.

“… mùa lá non bắt đầu khi những hạt mưa lập xuân chuyếnh choáng trên phố phường nghiêm trang cổ kính/ khi những ngọn xuân mơn mởn miên man ô cửa mỗi ngôi nhà/ khi những cánh đào Nhật Tân xốn xang long lanh ánh mắt/ thành phố bảng lãng sương mai dịu dàng hơi xuân yểu điệu bâng khuâng mùi hương da diết/ …/ thành phố lá non ngân nga chuông chùa Trấn Quốc/ mịt mờ âm dương phủ Tây Hồ linh sương lành lạnh/ văn bia tỏ mờ nguyên linh lay động/ những ban mai nắng sớm lảo đảo bút nghiên/ mỗi hoàng hôn dóng dả chuông chùa Hàm Long da diết/ réo rắt Đồng Xuân lanh chanh xẩm xờ phố thị/ bì bõm lặn lội Tễu hoan hỉ le te ao bèo rối nước/ tiếng ra đêm cửa ga ời ợi diệu vợi khê nồng/ trà nóng vỉa hè chén hoa hồng nồng nàn ngạt ngào hương hôi hổi/ thành phố uy nghi ngàn tuổi hồn nhiên tò he xanh đỏ tím vàng/ thành phố trẻ thơ non dại ngày lộc biếc lá non/ xao xuyến mặt hồ những vòm cây lòa xòa lung linh bóng nước/ lung linh bóng ta bóng nàng…” (Dòng Thiêng).

5. Không dễ gì người đọc hiểu phồn sinh trong những trang thơ trang văn của Nguyễn Linh Khiếu, nếu không tư duy về phồn sinh từ góc độ triết lí mỹ học. Trong thơ ông ta thấy những câu từ rậm rạp, xô đẩy nhau, nối liền nhau. Ở những trang viết về phồn sinh, tác giả dùng những động từ mạnh, những tính từ đậm. Đôi khi nghe thì tục, nhưng đấy là trạng huống thực của sự sống mà nhà thơ là người trực diện biểu đạt nó bằng chính thứ ngôn ngữ đậm chất phồn sinh ấy. Để hiểu phồn sinh của Nguyễn Linh Khiếu đôi khi phải mặc khải và từ những kinh nghiệm cá nhân đa dạng của mỗi người. Có phải vì ông mang trong mình chuyên môn triết học mà triết lí phồn thực thành lựa chọn đối tượng để ông tư duy thơ ca, hay chính ông tìm thấy vẻ đẹp trong triết lí phồn thực ấy và đưa nó vào những đứa con tinh thần thơ ca của mình, để rồi những đứa con ấy có sự hòa quyện giữa chất bác học của triết lý và thực tại sự vật đa diện đa sắc màu, nhiều chiều cạnh, thậm chí là rất gai góc, nhức nhối. Thơ của ông đầy chất triết lý, một thứ triết thơ ta cũng gặp ở nhiều người, nhưng giọng điệu phồn sinh ấy là của riêng ông.

Có thể với ai đó, không thích giọng điệu ràn rạt đi, ngầu ngẫu tiến của Nguyễn Linh Khiếu ở những trang thơ “Phồn Sinh”. Những câu thơ không ngắt, liền nhịp, đọc xong phải dừng lại thở dốc. Mệt nhọc lắm mới hứng được phồn sinh từ câu chữ của Nguyễn Linh Khiếu, dễ chừng phải bỏ cuộc trong khi cảm thụ phồn sinh ấy. Nhưng sáng tạo nghĩa là buộc phải lựa chọn thi pháp sáng tạo, thì cách viết của Nguyễn Linh Khiếu là một sự lựa chọn, lựa chọn lối biểu đạt, một sự lựa chọn trúc trắc như bản thân đời sống, ngày cả phồn sinh cũng vậy, nó cũng có một sự trúc trắc của nó, chứ không phải phồn sinh là cứ thắm tươi, nhuần nhị, viên mãn.

Thơ Nguyễn Linh Khiếu, ngay cả trong tập “Phồn Sinh” (Nxb Hội nhà văn, 2018), đã viết cả về những thực tướng đời đa dạng với những cung cách diễn đạt như văn xuôi, những lối không tuân thủ văn phạm ngữ pháp Tiếng Việt. Nên bảo nó là thơ theo cung cách truyền thống cũng không phải, bảo cách tân sáng tạo cũng chưa hẳn, có những chỗ rất khó đọc, và rất khó cảm về nội dung trong đó nếu đơn thuần nhìn từ con mắt “định kiến”, bởi có những chỗ ông đã đụng tới những vấn đề đầy chiều sâu triết học như dân chủ, thể chế – những nội dung vốn gắn với chính trị, những khái niệm vốn khô khan, mà nói về đó, thơ ca khó có thể diễn đạt được nhuần nhị như thơ viết về tình yêu hay thân phận con người. Vì vậy, ngoài những lời khen cũng không ít tiếng chê. Âu cũng là chuyện thường tình.

Từ góc nhìn mỹ cảm triết học, với cách hiểu như đã nói ở trên, tôi vẫn tin rằng, ông đã cất lên tiếng nói phồn sinh và thơ ông sẽ sống được với chất phồn sinh khó lẫn vào ai.

Mến chúc cho thi sĩ triết gia Nguyễn Linh Khiếu dồi dào phồn sinh chữ nghĩa. Giữa cuộc đời đầy biến động, giao tạp muôn mặt thói đời và tình người, ông tiếp tục khám phá những rạo rực phồn sinh, hoan ca về phồn sinh, đau đáu về phồn sinh và tiếp tục trao gửi những thông điệp về phồn sinh từ cảm thức của triết gia thi sĩ đã nghiệm sinh bao sương gió cuộc thời.

“nếu ta có một nắm đất

ta sẽ vùi hạt hạnh vào trong

cầm trên tay đợi khi mùa xuân tới

hạt hạnh trong tay sẽ lặng lẽ nảy mầm

 

nếu ta có một cánh đồng

ta sẽ cày bừa xới vun đất đai màu mỡ

trên cánh đồng ta chỉ trồng hoa hạnh

ai đi qua cũng trầm trồ cánh đồng hoa hạnh của nhà thơ

 

nếu ta có một quốc gia

trên lãnh thổ nhiệt đới phì nhiêu của mình ta chỉ trồng hoa hạnh

người yêu hoa khắp thế gian hành hương về chiêm ngưỡng

thiên đường hoa hạnh của thi nhân” (Dòng Thiêng).

P.T.H