Thì thào trong giông bão – Tạp bút của Trọng Bình

95

(Vanchuongphuongnam.vn) – Năm nào cũng vậy, tháng chín mưa nổi nước, cây cối nhà cửa ngập tràn. Mưa không mở mắt ra được. Bờ ao, bờ ruộng mênh mông nước, cánh đồng xa xa nhìn trắng như biển cả. Dòng sông trước nhà chảy cuồn cuộn một màu phèn trong suốt của nước…

Tác giả Trọng Bình

Nước sông đen trong nhìn thấu xuống tới tận đáy, mùi thum thủm của nước khiến con cá rô bơi ngược không nhúc nhích, nó cứ đứng yên như chào cờ. Bầy tép con nhẩy chong chóc trên mặt nước, tạo ra thứ âm thanh là lạ quen quen. Cứ nhìn bèo lững lờ trôi trong tiếng mưa rả rích, tưởng tượng con chàng hiu lẽo đẽo chống gậy bên hiên mà rầu thúi cả ruột.

***

Mọi người cũng không dừng lại vì mưa, việc ai người đó làm, mưa thì cứ mưa, làm thì cứ làm. Anh Ba vác cây phảng, cây cù nèo, tay cầm cục đá mài, anh Tư vai vác cây bờ cào, tay kia cầm hai cái cán. Dưới chiếc xuồng ba lá nhỏ tôi cật lực tát nước theo mưa, nó từ từ nổi lên để hai ông anh bỏ những nông cụ đó lên xuồng. Ba anh em ra đồng.

– Bữa nay cào hay chế tụi bây? nghe tiếng chú Tư lái heo bỗng cả ba giật mình.

– Cào một nửa, chế một nửa chú ơi. Đằng chú xong hết chưa? Anh Ba hỏi.

– Chưa mày ơi! Hổm rày mưa thúi đất, không mần ăn được gì á, mớ mạ của tao chắc bỏ luôn quá! Chú Tư lái heo đáp.

– Nhà con có hơn gì chú đâu, mấy trăm đóm mạ đưa tuốt trong rừng về thúi gốc hết rồi, mà ổng cứ mưa hoài chắc năm nay chú cháu mình thất mùa là cái chắc. Đói nữa chú ơi! Anh Tư chen vào.

Trên mũi xuồng, anh Ba mài cây phảng cũ mèm nghe ngót ngét, lưỡi của nó mòn gần tới sống lưng, không biết mài có bén không mà thấy ổng làm nhiệt tình lắm. Anh Tư chống xuồng, nhiệm vụ duy nhất của tôi là tát nước, chiếc xuồng này lớn tuổi rồi nên nước đã ngấm vào thân gỗ từ mấy mùa trước lận, nó nặng và lỳ lắm, tới mùa hạn là ba kéo lên phơi cho khô để mùa sau tiếp tục. Bữa đó mấy ông choai choai bạn anh Ba qua chơi, ghẹo ba tôi kéo xuồng lên chồng hành, ổng làm cho một mát, cả đám im re hết gám ghẹo ổng. Quê nghèo mà, nhà ai cũng tận dụng hết cỡ thợ mộc.

Thấy anh Tư chống cực khổ quá! tôi có hơn, đã còi cọc ốm yếu mà còn phải chống trọi với mưa trên xuống, nước ngoài thấm vô. Nước thấm qua kẽ nẻ rỉ rỉ vô xuồng, tiếng kêu xè xè như một cái rổ. Mấy cái vệt nứt dài sọc, nó không phải chét bằng chai xuồng mà ba ổng nhém vải vụn vô đó mới mệt chứ. Tát thì cứ tát, chảy thì mặc chảy, hai tay tôi cứ đổi qua đổi lại liên tục như cái máy, mỏi quá giơ lên bóp bóp cái khớp kêu à..hà.

– Út gáng lên cưng, gần tới nơi rồi. Anh Ba động viên tôi.

– Thô..i …n….è! chống thế anh đi, để anh tát thay cho. Anh Tư cười châm trọc.

Tôi chẳng nói năng gì, bèn đứng dậy hai chân dạng chàng hảng qua hai bên cong xuồng, gồng hai tay tát càng hăng thêm.

***

– Bỏ hết mọi thứ lên bờ dòng, chứ lỡ chìm xuồng là khó mò lắm, cái ấm nước kia kìa, chìm là uống nước phèn luôn đó. Vừa tới đầu công anh Tư lên tiếng, đến lúc này cái xuồng không tra tấn tôi nữa.

Tôi cầm cây dao, ấm nước, cục đá mài, anh Ba cầm cây phảng, cây cù nèo, anh Tư nghiêng mình bỏ bờ cào lên bờ dòng, rồi nhún mình cặm cây sào cột chiếc xuồng lên sát mé ruộng. Là anh nhưng anh Ba hiền hơn anh Tư, tướng tá như công tử, việc gì anh Tư cũng chủ động rồi phân công anh Ba và mấy đứa em làm, nhưng tính anh Tư ẩu tả nên Ba không tin vào những công việc lớn trong gia đình. Làm ruộng thì Ba rất tin.

– Tui cào, anh Ba chế, thằng Út lội cặp theo mé bờ dòng vớt năn thúi bỏ lên, để đó mai mốt cấy xong dớn nó cuốn cổ lúa, gió lên nó trôi đi, nhổ gốc làm nổi hết mạ, mất công phải đi dặm đi đạm lại. Anh Tư truyền “mệnh lệnh”.

– Làm miếng trước nước đã.

Anh Ba nói rồi anh ngửa cổ, đưa cái vòi ấm vào miệng dốc đít ấm lên trời nuốt ừng ực, miệng tràn nước từ trong ra thấy mà ớn. Dường như ai đi ruộng tôi thấy cũng uống theo kiểu đó, uống xong anh Ba bưi bưi năn dậm dậm cái ấm xuống bờ dòng cho chắc, đằng kia anh Tư đã làm được một cào nặng trịch kéo đến lòng mương phèn cuốn thành bờ dòng. Tôi chạy lại tiếp anh Tư vớt năn đắp thành luống cho cao, tôi ngước nhìn lên phía chiếc xuồng, nó đã thành “chiếc tàu ngầm không người lái”.

***

Mưa xối xả, gió giựt hù hù, tưởng trừng như là giông bão đang tới, từ ô ruộng phía trên tôi thấy má mặc chiếc cao su trắng. Nói là cao su chứ thực ra nó là cái bao ni lon, người ta dùng lót bên trong bao phân ure cho khỏi thấm nước làm tan đạm. Rắc hết đạm, má lấy cái bao để đựng lúa, cái túi ni lon đó thì khoét cổ và hai lỗ cánh tay thành cái áo đi mưa, nó chỉ che được phần thân má thôi, còn hai cánh tay thì chịu chống chọi với mưa giông.

Má đang cấy đất nhà với mấy người giằng công trong xóm, bữa nay là bữa xuống đồng cấy đầu tiên nên hồi đêm hôm nghe mọi người bàn tán xì xào. Năm nay lụt dữ, nhà mình nên cấy tầm chín cây hay mười cây, người thì nói do mạ để lâu nó hao nếu cấy mười cây thì thiếu mạ, mà nước lớn quá cấy chín cây nhìn thưa lắm, đất này cấy chín cây sợ không có ăn…. Nằm nghe tầm chín cây, mười cây mà chẳng hiểu gì hết.

Gió càng giựt mạnh, cái tấm cao su của má đờn phành phạch, má lom khom tay cầm cây nọc thọc xuống nước sâu ngoáy ngoáy, làm vậy để bỏ gốc mạ vô cho vừa lỗ, mạ để lâu ngày rễ dài khó ăn đất lắm, còn lỗ nọc ngoáy cho sâu là để lúc cấy xong mạ không bị nổi, tay kia má cầm cây mạ mò mò cái lỗ nhét vô. Những năm trước nghe má nói phải lấy vải vụn bó các đầu ngón tay, mặc áo tay dài bảo vệ, chứ để lá mạ mà liếm là rớn máu đau lắm. Hèn chi tôi thấy má bịt kín mặt mũi, hông nách kẹp một mớ mạ lúc nào cũng sẵn sàng rút ra cắm xuống đất.

Mưa vẫn cứ tuôn đổ trắng xóa, gió giựt từng cơn re ré ầm ầm, hai hàm tôi đánh bò cạp như cái giàn gằm máy trà của ông Ba Phước ngoài đầu kinh. Mưa quá chẳng ai nói với ai tiếng nào, cứ lom khom, cặm cụi, mùi năn thúi xộ lên trong dòng nước ruộng đen ngòm, mưa tạt rát mặt, mây đen kéo vần vũ, sấm chớp giựt sáng cả góc trời, y như trận cuồng phong.

Bỗng nghe một cái “phựt” má la lên ối ối, mọi người ngừng lại ngẩn ngơ nhìn, thấy má giựt mình ai cũng cười hô hố…. rồi lại tiếp tục công việc. Thì ra cái nón lá của má bị gió giựt cuốn phăng đi, nó nhào lộn trên bờ dòng mấy vòng rồi bay xuống ruộng nước đen ngòm, quay tròn như chiếc lá rồi từ từ chìm xuống. Thấy vậy tôi chạy lại vớt cái nón lên đưa cho má, cũng không kịp vì nó chìm nhanh quá, cái nón lá của má nó đã phai màu theo thời gian, theo những mùa cấy và những mong mỏi về các con của má. Chóp thủng một lỗ, vành nón ọp ẹp, cái gẫy cái còn, màu lá bạc phơ bạc phếch, đường chỉ bung tứ tung. Tan tác vậy, nhưng vẫn còn sử dụng được đối với má. Tôi thấy cuộc đời má như cái nón này vậy, suốt cả tuổi trẻ cho đến bây giờ lúc nào cũng xoay tròn vì chồng vì con, nhưng màu vẫn bạc. Tôi vảy cho ráo nước. Tay run run, miệng lắp bắp “nè má”!

– Con thấy nỗi khổ cực của người nông dân chưa? Mai này nhớ học thiệt giỏi để thoát cảnh cực khổ nghe con. Má thì thầm với tôi trong giông bão.

Má nói trong dòng nước mưa nên nhàu hết mái tóc pha sương bởi thời gian, nước chảy trên đôi gò má xạm nắng rồi lăn hối hả xuống vành môi thâm đen xám xịt. Lòng tôi quặn lại, thương má quá! Tôi lí nhí trong cuống họng tiếng “Dạ” không nên lời.

– Lão nông tri điền năm nay lớn quá ta, lớn mau lên để tiếp má mày nghen, tao thấy má tụi bây cực lắm đó. Thím Đề đang lúi húi ngẩng đầu lên ghẹo tôi.

Câu nói của thím mạnh như trận cuồng phong, nước mưa thôi mà làm mắt tôi cay xè. Tôi cũng không hình dung được mình đang đứng hay đang đi, mặt thì nhìn về phía cuối chân trời mênh mông, trong đầu tôi ong ong hai chữ “Má ơi”. Tôi bước mạnh đôi chân, hình như cơn mưa đã lịm tắt tự bao giờ./.

T.B