Thị trấn ngày xưa – Truyện ngắn của Vũ Khắc Tĩnh

565

(Vanchuongphuongnam.vn) – 1. Vừa rồi chị kêu thợ tân trang lại quán cà phê và nhân tiện quét sơn trần với tường nhà. Quán cà phê của anh chị nằm ở một vị trí khá thoáng mát, mặt tiền hướng ra phía biển và sau lung là thành phố. Suốt mùa đông vừa qua, gió biển thông thốc và những cơn mưa lạnh buốt da nên vắng vẻ. Ngược lại, khi trời nắng nóng ai cũng muốn ra đó để hưởng chút mát mẻ từ biển khơi và gió từ bốn bề lồng lộng. Chỗ ở của gia đình anh chị nằm ở tầng trên lầu và có nhiều cửa sổ nên đứng ở hướng nào cũng thấy biển. Suốt ngày tất bật với bao công việc, hết việc quán rồi việc nhà, nhưng dù có bận bịu đến đâu, chị vẫn luôn dành thời gian rảnh rỗi cho việc trang trí lại quán.

Những chậu cây kiểng và bức tranh thuỷ mạc rất gắn bó và thân thiết với chị, nên anh cùng các con không còn lạ gì, khi chị đặt tên quán là “Thuỷ Mạc”. Nhưng rất nhiều người trong gia đình lại không thích cái tên đó, vì nó liên quan đến một người hoạ sĩ chuyên vẽ tranh thuỷ mạc. Ngay đến anh là chồng của chị, cũng tỏ ra phản đối. Như thằng Út cũng ngứa cổ. Con thì thích “giò phong lan”, mẹ nên đặt tên quán Phong Lan nghe hay hơn, khiến chị phải trừng mắt với anh và các con để đè nén nổi bực dọc “Hết chuyện để nói rồi sao“. Giò phong lan là để treo lủng lẳng trước cửa ra vào cho đẹp mắt.

Nói thật, cũng khá nhiều những cái tên lọt vào tâm trí chị và cuối cùng cũng trôi đi, chỉ có “Thuỷ Mạc” là được ở lại. Hồi còn trẻ, chị ao ước sau này mình được làm chủ một quán cà phê nhưng chưa định hình được cái tên. Khi chị thuộc về nơi này, chị quyết thực hiện ao ước đó và thường xuyên nghĩ ngợi, có lúc chập chùng trong những giấc mơ của chị. Khi còn trẻ chưa lập gia đình, chị có quen một hoạ sĩ chuyên vẽ tranh thuỷ mạc.

Từ ngày anh đến ở cái thị trấn này, chị thay đổi. Chị nhủ thầm trong bụng mình phải thay đổi, từ cái ăn đến cái mặc, chị thường xuyên đi chợ, nên chăm chút sửa soạn quần áo tươm tất mỗi khi đi ra khỏi nhà. Để giữ vẻ tươi tắn, lúc nào chị cũng môi son má phấn. Nhiều khi gặp bạn bè, họ lại có cái nhìn khác về chị:

– Sao lúc này mày lại ăn diện quá?

– Tao muốn như thế! Có sao không?

– Thì đẹp chớ sao!

Chị biết, ở cái thị trấn miền núi này, mỗi lần đi ra đường thì hết người này để ý đến người kia săm soi phiền toái lắm. Nhưng chẳng sao, mình làm đẹp chớ có làm chi hại ai đâu. Tại mình không được đẹp như các chị em khác, nên phải làm đẹp thôi.

Những ngày anh lên đây thường không có lúc nào rảnh tay, anh dành trọn niềm say mê để vẽ, dù anh vẽ chỉ để tặng những người quen và bạn bè mỗi người một bức tranh làm kỷ niệm. Chỉ có ngày chủ nhật là anh dành trọn ngày đó để đến thăm chị. Chị đi chợ, nấu những món ăn ngon cho anh ăn.

– Em có tài nấu thức ăn ngon lắm.

– Anh quá khen.

– Ước gì sau này anh có một người vợ như ri thì tuyệt vời.

– Nếu anh muốn lúc nào chả có.

– Một người đi lông bông như anh ai mà thèm lấy. Cuộc đời nghệ sĩ như anh không làm ra tiền, có nhiều người họ không am hiểu về nghệ thuật, họ nói anh là người không thức thời, đi làm những cái vu vơ không thực tế, trong khi cuộc sống luôn phải có đi làm mới có cái ăn.

– Vậy mà có người hiểu và thông cảm đó!

– Ai?

– Nói làm chi, tự anh tìm hiểu!

Anh mỉm cười một mình. Anh rất quí mến chị, nhưng anh không thể thổ lộ tình cảm với chị được. Theo anh nghĩ, vì anh không có một cái nghề nào vững chãi. Với cuộc đời nghệ sĩ như anh, đi lông bông khắp nơi tứ xứ thì làm sao có sự ổn định. Nơi này là nơi anh thường đến nhất, vì anh có quen biết một số bạn bè làm rừng ở đây. Anh đến chơi một thời gian rồi đi, chớ không thể ở lâu dài, bạn bè chẳng lẽ nuôi anh hoài, với chị cũng vậy. Chị mến và thương yêu anh, anh biết. Nhưng ngặt một nổi là anh không thể… Về lâu dài, nếu mà lấy nhau, lấy gì mà sống, trong khi đồng lương ít ỏi mỗi tháng chị nhận về chỉ đủ nuôi bản thân chị, anh đâu có cửa để núp bóng. Nhưng lần nào gặp chị, anh vẫn cố giấu tình cảm của mình để vẫn vui vẻ, cởi mở thì làm sao mà chị biết được.

Rồi cái gì đến thì nó sẽ đến, anh hoạ sĩ đó không còn vẽ tranh thuỷ mạc tặng chị nữa. Anh không muốn kéo dài sự nhờ vã nơi bạn bè và chị. Anh tạm biệt bạn bè, nhưng không hề cho chị biết ngày anh vào phương Nam sinh sống. Anh nghỉ đến thành phố lớn, biết đâu nghệ thuật sẽ cần đến cái tài vẽ của anh. Lâu nay anh lưỡng lự vì chưa có tiền. Đúng như anh nghĩ, sau những ngày tháng đầu cuộc sống hơi vất vả, nhưng nhờ một người bạn cưu mang, anh tạm ổn ở môi trường thành phố, rồi cái nghề vẽ của anh cũng phát triển theo chiều hướng tốt, theo đà đất nước mở cửa hội nhập với thế giới. Trong một chuyến đi triển lãm tranh ở Singapore, anh được một người bạn Mỹ mến cái tài của anh, và đã bảo trợ cho anh đi Mỹ, anh ở luôn bên đó không về nữa. Nghe đâu, anh ở Mỹ làm ăn khấm khá với cái nghề phụ bán xe cho một hãng xe hơi, sau này có về Việt Nam một, hai chuyến, mỗi chuyến đều có gởi cho tiền bạn bè, chị và một người đã cưu mang anh thời anh sống ở thành phố.

Qua một thời gian dài bặt tăm, sau này nghe tin anh chết trong một tai nạn giao thông. Để tiễn biệt một người hoạ sĩ tài hoa, chị thắp nén nhang vái giữa đất trời, nguyện hương hồn anh sớm siêu thoát nơi miền cực lạc. Một thoáng buồn. Định mệnh đã an bài.

Để tưởng nhớ đến anh, chị giữ lại những bức tranh thuỷ mạc và chị đã phóng to để treo trong quán cà phê. Nhiều người thấy thích, hỏi chị để mua nhưng chị từ chối không bán.

2. Một năm sau đó chị đi lấy chồng. Chồng chị là một doanh nhân, người tròn trịa, hiền lành, ít nói, không sành về nghệ thuật. Anh chỉ biết chị sinh ra cho anh vài đứa con, còn mọi thứ trên đời do chị quán xuyến. Ngày nghỉ việc anh ở nhà trông nom con cái và phụ chị dọn dẹp, lau chùi bàn ghế trong quán. Là một người hay ghen, nên mỗi khi nhìn thấy những bức tranh thuỷ mạc là anh cau có với chị.

– Ngày xưa anh hay đến nhà trọ em ở, anh thích nhất giàn hoa giấy hai màu tím, đỏ trước nhà và ban công đầy nắng gió, nhìn lên choá mắt bởi hoa tím, đỏ rực rỡ. Bây giờ chắc mọi thứ đã khác.

– Em không trở lại đó cũng như mọi thông tin liên lạc ở nơi đó ra sao rồi em không biết. Em không thích quay lại cũng như nhắc lại chốn cũ, nhất là nơi đó có nhiều kỷ niệm có thể làm mình trầy xước, hay đau đớn bởi khơi lại vết thương đã lành. Mọi thứ trên đời này đều có nguyên nhân và kết quả, cái gì cũng có kết thúc. Suy cho cùng, giải thoát nào cũng mang lại sự nhẹ nhõm và con người sẽ tốt đẹp hơn, cuộc sống luôn diễn ra đúng theo qui luật của nó.

Thế là anh không còn xem những bức tranh thuỷ mạc là nổi ám ảnh trong anh nữa. Mà anh xem đó là những kỷ vật mà vợ anh gìn giữ.

3. Mấy năm sau một cái quán cà phê như thế mới góp mặt với đời. Vừa mừng vừa lo, chị mất ăn mất ngủ. Quán rộng gần ba trăm mét vuông, chỉ thoả sức sắp xếp quán theo ý mình. Cũng may hồi đó thằng Út con chị học ngành kiến trúc, nên nó đã góp ý thêm trong thiết kế. Những ý tưởng lại bay trong đầu giúp chị tạo được cái thông thoáng mới mẻ, có sức thu hút người nhìn. Những tưởng như thế sẽ lôi cuốn được khách khắp nơi đổ về, vậy mà suốt thời gian đầu, quán hết ế ẩm lại đến những cơn mưa dai dẳng hỗn tạp với muôn sự rối ren khiến chị ốm o. Anh nhiều lần nói đến chuyện dẹp quán nhưng chị không cho phép mình được quyền nghĩ đến một kết thúc tồi tệ như vậy. Chị đã đặt vào quán tất cả vốn liếng của gia đình mình. Chị đã gom góp cho quán đâu chỉ có bạc tiền mà còn là danh dự của chị với gia đình chồng. Có những đêm chỉ có hai, ba vị khách còn ngồi lại tỉ tê tới khuya, chị cũng phải thức. Nhiều đêm như thế làm chị rã rượi. Nhưng chị không hề than vãn hay nản lòng. Lúc nào mệt mỏi, chị ra hiên ngồi để hứng những ngọn gió biển thổi về, nghe nhẹ thoáng hơn và có thêm sức mạnh. Năng lượng được nạp trở lại khiến chị tỉnh táo cân bằng với tâm thế ấy. Chị đã giữ được quán cà phê cho đến tận lúc này.

Quán cà phê “Thuỷ Mạc” gắn kết vào đời chị như thế đó! Mạnh mẽ, mượt mà cảm xúc. Quán cà phê của chị, có số khách không đến nổi thưa thớt! Chỉ có bấy nhiêu khách vô ra cũng đủ để cho chị thấy vui. Để được như vậy, quán cũng đã phải mất một thời gian dài cho những thay đổi thích nghi với mọi lứa tuổi và sự sàng lọc. Khách của chị phần đông thích cái không gian thoáng mát, im ỉm trầm trầm. Họ đến và ngồi lại góp với bạn bè vài câu chuyện. Nghe những khúc nhạc hay và thưởng thức thứ nước uống mà mình ưa thích. Họ quí chị, cả mùi cà phê đậm đặc, những bức tranh thuỷ mạc, những lùm cây, một khoảng trời, một hồ cá cảnh, tiếng cốc ly va chạm nghe lanh tanh… Và họ đã nhận ra mình không thể rời bỏ nơi này bởi sự gắn bó và gần gũi thân quen.

Tất nhiên, chủ yếu là những cảm xúc. Khi có anh và các con, trong tổ ấm gia đình tràn ngập yêu thương. Cứ như thế quán đã giúp chị nhận ra mình. Chị là chị chứ không phải một ai khác. Mỗi buổi sáng thức dậy đi bộ ra con đường phía trước nhà đi mấy vòng loanh quanh quán để hít thở không khí trong lành. Rồi đun nước sôi pha trà, chế cà phê. Anh thì quét dọn tưới nước cây kiểng sân vườn và lau chùi bàn ghế. Mỗi người mỗi công việc liền tay. Anh hay nhắc chị nên dậy trễ để giữ gìn sức khoẻ vì có nhiều đêm phải thức khuya. Nhưng chị vẫn dậy sớm để chuẩn bị các việc làm cho chu đáo, và hơn hết là để thưởng thức trọn vẹn ly cà phê do chính tay chị pha. Chị ngồi vào bàn, nhâm nhi từng ngụm cà phê trong muôn vàn hứng thú.

Anh thỉnh thoảng phải đi công tác xa hai, ba ngày mới về. Mỗi lần về đến nhà, công việc đầu tiên là thả người thoải mái trên cái võng mắc nơi bụi cây mận, xin bà chủ quán một bình trà, một ly cà phê đen đá. Rồi lững thững đi về phía biển hít thở không khí trong lành của buổi sớm mai. Còn chị, lúc nào vơi khách và đẹp trời, chị thích ra ngoài hiên bên bờ hồ. Mắt chị dừng lại ở mặt nước trong hồ. Bóng hàng cây xô nghiêng dưới ánh đèn điện cụng đầu vào mái phố.

Chiều nay cũng vậy. Những chiếc xe chạy tới, chạy lui bóp còi inh ỏi. Từng cơn gió biển thổi về làm chị cảm thấy lạnh, rất lạnh. Mọi thứ chấm dứt khi nghe sấm chớp ngang một góc trời, kéo theo những hạt mưa bay bay rơi lộp độp trên lá.

Có tiếng động lớn trong nhà vọng ra. Thì ra con mèo nhảy làm vỡ mấy cái ly. Chuyện xảy ra cũng bình thường, vậy mà sao chị lại thấy nó bất thường, chị đóng cánh cửa. Mọi âm thanh ở xung quanh ngưng bặt. Chị đến tủ lạnh rót một ly nước. Mắt chị dừng lại ở bức tranh trên tường. Một màu nắng mênh mang trên cánh đồng, màu của mây trời, màu chiều hoàng hôn với đàn cò trắng bay về núi, xa xa thấp thoáng mấy ngọn núi mịt mờ sương khói….

Tự dưng chị thèm được ngồi ở một nơi nào đó trong thị trấn ngày xưa để thả mình rong chơi trong một buổi chiều quê thơ mộng..

Đã lâu lắm rồi chị chưa một lần trở lại nơi ấy…

V.K.T