Thi trung hữu họa

3537

(Vanchuongphuongnam.vn) – Văn học nghệ thuật hay văn nghệ ở lĩnh vực văn hóa, thuộc phạm trù thượng tầng kiến trúc mang dấu ấn sáng tạo của con người.

Nghệ thuật cơ bản được coi bao gồm bảy bộ môn : thi văn (thơ, truyện ngắn, tiểu thuyết), hội họa, kiến trúc, âm nhạc, ca múa, kịch nghệ (sân khấu), nhiếp ảnh… Trong gia đình văn hóa văn nghệ phi vật thể gồm bảy thành viên trên, đặc thù với thi ca và hội họa từ xưa đến nay được coi là hai anh em gần gũi tựu trung có nhiều khăng khít hỗ tương như một quả đôi khó tách rời nhau. Thi ca hay thơ, thuộc vận văn theo quan niệm phổ thông, là chủng loại văn chương có vần điệu, câu cú, thanh trắc bình…sử dụng mỹ từ, có niêm luật, đối lập về với văn xuôi còn gọi là tản văn. Hội họa thuộc phạm vi nghệ thuật tạo hình theo quan niệm thông thường là bộ môn hình thành tác phẩm bằng bay cọ, sắc màu, bố cục đường nét… với đối tượng là sự vật, phong cảnh, con người hữu hình trông thấy được.

Cụm từ “Thi trung hữu họa” thuộc bình diện lý luận thẩm mỹ học, được nhà phê bình sử dụng với mục đích ca ngợi thi tài, phong cách nghệ thuật của một nhà thơ. Nội dung câu nói có nghĩa: trong thơ có họa, nghĩa là bài thơ, câu thơ có hình ảnh như tranh vẽ về con người, cảnh vật do người đọc hoặc tưởng tượng ra hoặc trông thấy được. Các nhà thơ nổi tiếng bậc thầy trên thế giới đa phần sử dụng phong cách nghệ thuật này, nhờ đó làm tăng thêm giá trị nghệ thuật của tác phẩm văn chương bằng cách dùng từ ngữ tượng hình gợi màu sắc hay câu thơ minh họa được cảnh vật hay con người. Đệ nhất thi hào Nguyễn Du thật tuyệt vời chỉ với vài nét chấm phá ngắn gọn đã minh họa được chân dung các nhân vật điển hình.

Đại thi hào Nguyễn Du (1765 – 1820)

Vẻ đẹp sắc sảo, quyến rũ của nàng Kiều khiến cho bao nhiêu giai nhân khác phải hờn ghen: Làn thu thủy, nét xuân sơn/ Hoa ghen thua thắm, liễu hờn kém xanh; dáng dấp thư sinh nho nhã của Kim Trọng : Hài văn lần bước dặm xanh/ Một vùng như thể cây quỳnh cành dao; chân tướng cao lớn, béo bở nhưng da thịt bủng beo của mụ má mìn :Thoắt trông nhờn nhợt màu da/ Ăn gì cao lớn đẫy đà làm sao (Tú Bà); hình dạng quắc thước của một tay giang hồ chọc trời khuấy nước chẳng sợ ai: Râu hùm hàm én mày ngài/ Vai năm tấc rộng/ Thân mười thước cao (Từ Hải). Mấy nét ký họa tả cảnh hoang sơ hiu quạnh của vườn Thúy khi Kim Trọng trở về tìm lại nàng Kiều cũng nói lên tâm trạng u hoài của chàng thư sinh: Xập xòe én luyện lầu không/ Cỏ lan mặt đất rêu phong dấu giày/ Cuối tường gai góc mọc dầy/ Đi về này những lối này năm xưa… Cái tài hoa của Nguyễn Du là chỉ qua mấy nét phác thảo tuyệt khéo, ta khó có thể nhầm lẫn nhân vật tác giả miêu tả với bất luận người nào khác.

Ở những nhà thơ tài danh khác có những đoạn thơ không khác nào bức tranh thủy mặc như Đoàn Thị Điểm với cảnh người chinh phụ tiễn chinh phu: Ngòi đầu cầu, nước trong như lọc/ Đường bên cầu, cỏ mọc còn non..// Áo chàng đỏ tựa ráng pha/ Ngựa chàng sắc trắng như là tuyết in (Chinh phụ ngâm); Bà Huyện Thanh Quan với Lom khom dưới núi, tiều vài chú/ Lác đác bên sông, chợ mấy nhà  (Qua đèo Ngang); Hồ Xuân Hương với Cầu trắng phau phau đôi ván ghép/ Nước trong leo lẻo, một dòng thông/ Cỏ gà lún phún quanh leo mép/ Cá diếc lơ thơ lách giữa dòng (Cái giếng); Một đèo, một đèo lại một đèo/ Khen ai khéo tạc cảnh cheo leo/ Cửa son đỏ loét tùm hum nóc/ Hòn đá xanh rì lún phún rêu (Đèo Ba Dội); rồi Hàn Mặc Tử với: Sóng cỏ xanh tươi gợn tới trời/ Bao cô thôn nữ hát trên đồi/ Ngày mai trong đám xuân xanh ấy/ Có kẻ theo chồng bỏ cuộc chơi (Mùa xuân chín); Vườn ai mướt quá xanh như ngọc/ Lá trúc che ngang mặt chữ điền (Đây thôn Vỹ Giạ) … người đọc tìm không khó những câu thơ hay chứng minh cho nội dung câu nói Thi trung hữu họa.

Còn nữa, thơ của Đoàn Văn Cừ với cảnh chợ Tết, của Anh Thơ có bức tranh quê, của Xuân Diệu với Rặng liễu đìu hiu đứng chịu tang/ Tóc buồn buông xuống lệ ngàn hàng…/Với áo mơ phai dệt lá vàng (Đây mùa thu tới) ; Lưu Trọng Lư với Con nai vàng ngơ ngác/ Đạp trên là vàng khô (Tiếng thu) đều hiển thị những bức họa vẽ cảnh thu cây lá úa vàng trong thơ, hay Thế Lữ với bài Nhớ rừng. Đông Hồ (1906-1969) với Hà Tiên thập vịnh (vịnh 10 cảnh đẹp Hà Tiên); là những bức tranh hữu tình hùng vĩ tại một vùng biên giới duyên hải Tây Nam miền cuối Việt.

Trong thời kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, thơ của Nguyễn Đình Thi (Đất nước, Lá đỏ,) của Chính Hữu (Đầu súng trăng treo), của Chế Lan Viên (Tiếng hát con tàu), của Huy Cận (Đoàn thuyền đánh cá,Các vị La Hán chùa Tây Phương ), của Tố Hữu (Việt Bắc), của Quang Dũng (Tây Tiến)… Bàng Bá Lân (Trưa hè). Hay đoạn thơ với thi tứ sáng tạo, rất mới chưa từng gặp của nhà thơ Hữu Thỉnh: Năm anh em trên một chiếc xe tăng/ Như năm bông hoa nở cùng một cội/ Như năm ngón tay trên một bàn tay/ Đã xung trận cả năm người như một… (Năm anh em trên một chiếc xe tăng) vẽ lên một xen (scene) sinh động dễ gây cảm xúc về tình đồng chí, đồng đội, đầy tính nhân văn của chiến sĩ thiết giáp trong thời chống Mỹ.

Rồi bài “Độc huyền cầm” của nhà thơ Lương Ngọc An: Rồi vác cuốc ra vườn nhặt cỏ/ Rồi quẩy thùng gánh nước tươi hoa/ Bếp sẽ đỏ mỗi ngày hai buổi/Chim sẽ về bên mái hót ngân nga… cũng là một bức tranh đẹp về cảnh nhàn yên bình, thanh thoát với mấy vệt màu thắm tươi sinh động về hoa, cỏ, chim, bếp lửa đỏ rất ấm áp hơi người bộc lộ rõ nét tính chất trong thơ có họa…  Hoặc Ngũ Lang vẽ mấy nét về sông Hậu: Một dải trường giang khoe nước biếc/ Mấy chòm tiểu đảo gợi hồn thơ trong bài thơ “Hậu Giang”. Tất cả ngần ấy là những vần thơ sinh động minh họa những bức tranh màu sắc, đôi khi phấp phới ánh sáng với sự hiện diện của con người đang hoạt động hay những cảnh trí cỏ cây hoa lá sum suê, núi sông hùng vĩ không khác nào những bức tranh sơn thủy hữu tình.

Đặc biệt, ở Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngoài tập “Nhật ký trong tù”, ta thấy trong bài thơ bằng tiếng Hán và tiếng Việt của Bác đều không vắng những bài thơ, đoạn thơ  mang tính hội họa mà cũng chan hòa tinh thần lạc quan cách mạng, thể hiện rõ nét ở người cán bộ và chiến sĩ ta khi đất nước còn ngập chìm trong khói lửa…Bài tứ tuyệt “Tặng Bùi Công” của Bác đã vẽ lên một bức tranh thủy mặc tràn ngập ánh xuân, rất sống động, rộn rã tiếng reo vui mà cũng nồng ấm hơi người và thiên nhiên đầy chất thi-họa: Đọc sách, chim rừng vào cửa đậu/ Phê văn, hoa núi ghé nghiên soi/ Tin vui thắng trận dồn chân ngựa/ Nhớ cụ, thơ xuân tặng một bài. Mấy nét đan thanh thật thanh thoát về “Cảnh rừng Việt Bắc” trong bài thơ thất ngôn bát cú Đường luật của Người: Cảnh rừng Việt Bắc thật là hay/ Vượn hót chim kêu suốt cả ngày/ Khách đến thì mời ngô nếp nướng/ Săn về thường chén thịt rừng quay/ Non xanh, nước biếc tha hồ dạo/ Rượu ngọt, chè tươi mặc sức say/ Kháng chiến thành công ta trở lại/ Trăng xưa, hạc cũ với xuân này. Rõ ràng đây là một bức tranh đầy hơi thở ấm áp, lòng yêu đời và tinh thần lạc cách mạng của chiến sĩ ta trong bối cảnh kháng chiến gian khổ ở núi rừng Việt Bắc.

Nhìn sang thi ca thế giới, người yêu thơ cũng thấy không thiếu những vần thơ đầy tính thi họa. Bài tứ tuyệt “Phong Kiều dạ bạc” của Trương Kế là bức tranh phong cảnh thơ mộng có âm thanh, với mấy nét họa chấm phá: quạ, trăng, núi, thuyền, cây, người, lồng trong tiếng chuông chùa từ xa vọng lại … rất Á Đông : Quạ kêu,trăng lặn, sương rơi/ Lửa chài, cây bãi, đối người nằm co/ Thuyền ai đậu bến Cô Tô/ Nửa đêm nghe tiếng chuông chùa hàn san (Nguyệt lạc ô đề sương mãn thiên/ Giang phong ngư hỏa đối sầu miên/ ô Tô thành ngoại hàn san tự/ Dạ bán chung thanh đáo khách thuyền). ”Bạc tần hoài” (Đêm ghé bến Tần Hoài) của Đỗ Mục là bài tứ tuyệt, một bức tranh thủy mặc đầy sắc màu hội họa mà cũng rất thơ mộng. Một họa phẩm thể hiện hùng khí của tráng sĩ Kinh Kha giã từ nước Yên Đan, bên bờ sông Dịch sang đất Tần để hành thích vua Thủy hoàng, được hiển thị trong bài thơ “Dịch thủy tống biệt” (Đưa tiễn bên sông Dịch) của Lạc Tân Vương (640-684): Thử địa biệt Yên đan/ Tráng sĩ phát xung quan/ Tích thời nhân dĩ một/ Kim nhật thủy do hàn (Nơi đây từ biệt Yên Đan/ Khí hùng dựng tóc căm hờn lòng sôi/ Người xưa giờ đã khuất rồi/ Hôm nay dòng nước còn trôi lạnh lùng – NT dịch thơ) cho người đọc thấy rõ được bức vẽ về chân dung người tráng sĩ yêu nước với hùng khí lẫm liệt, ý chí căm thù bạo chúa đến dựng tóc sôi lòng. Vương Duy (701-761), một nhà thơ-họa sĩ Trung Quốc rất đặc thù trong việc sử dụng rất nhiều màu sắc một cách đa dạng trong thơ. Matsuo Basho (1644- 1694), cùng Yosa Buson (1716-1781) – những nghệ sĩ Nhật Bản tiêu biểu của dòng thơ Haiku chỉ 17 chữ ngắn gọn trong 3 câu theo tiết tấu 5/7/5 hay 8/6/3…- đều từng thể hiện sát sao mối tương quan nghệ thuật giữa thơ – họa trong tác phẩm của mình.

Ta không thể không nhắc đến tám bài thơ “Tiêu Tương bát cảnh” (Tám cảnh đẹp trên sông Tiêu Tương) : Bình sa lạc nhạn (Đàn nhạn sà xuống bãi cát bằng), Sơn thị tình lam (Sương mù chợ núi), Viễn phố quy phàm (Thuyền về phố xa), Ngư thôn tịch chiếu (Bóng chiều trên xóm chài), Sơn tự vãn chung (Tiếng chuông chiều nơi sơn tự), Giang thiên mộ tuyết (Tuyết chiều trên sông), Động Đình thu nguyệt (Trăng thu trên hồ Động Đình), Tiêu Tương dạ vũ (Mưa đêm trên sông Tiêu Tương), được gọi là Tiêu tương bát cảnh đồ mang rõ nét dấu ấn hội họa trong thi ca Trung Quốc mà bất cứ ai sính thơ ca đều không xa lạ…

Thi ca phương Tây cũng không vắng những bài thơ hay đẫm chất hội họa. Những nhà thơ: Victor Hugo (1802-1885) với bài Le semeur (Người gieo hạt), Henri de Régnier (1864-1936) với La colline (Đồi mơ), Théophile Gautier(1811-1872) với La fumée (Khói quê)… của nền văn học Pháp và William Wordsworth (1770-1850) với Lines written in early morning (Mấy vần thơ xuân), J. Milton (1608-1674) Song on May morning (Khúc hát ngày Xuân), Lord Byron (1788-1824) với The ball before Waterloo (Dạ hội ở Waterloo)… trong thi ca Anh quốc đều là những nhà thơ nổi tiếng, đã bộc lộ rõ nét chất hội họa trong trong thơ.

Vấn đề thuộc phạm vi lo-gic cần đặt ra là tại sao thi ca hay dính dáng đến hội họa và âm nhạc, điều rất hiện thực thường thấy trong thi phẩm của nhiều nghệ sĩ bậc thầy trên thế giới. Thơ có nhạc gần như là lẽ đương nhiên vì luật thơ thông thường ràng buộc đến tiếng bình trắc, âm thanh, vần điệu trong thi pháp nhất là Đường thi. Vài nhạc phẩm có lời đậm chất thơ như những ca khúc của Văn Cao, Trịnh Công Sơn (1939-2001)…

Nhìn chung, có thể, từ thời cổ đại hoang sơ, vì con người chưa có nhà cửa đàng hoàng, phải sống trong hang động hoặc giữa thiên nhiên núi rừng, sông biển, do đó ấn tượng gần gũi và đến trước hết với họ thuộc về phạm vi thị giác và thính giác. Những gì mắt thấy tai nghe như cỏ hoa, núi non, sông biển, đất trời, cùng các loài sinh vật như chim chóc, muông thú, con người trong mối tương quan thường nhật không thể thiếu vắng ở sản phẩm vật chất lẫn tinh thần của họ. Những câu thơ, bài hát mang tính dân gian vẫn còn hằn in trên gỗ, đá trong hang động, dưới lòng đất hay nơi đáy biển sâu những hình vẽ, mang dấu ấn mỹ thuật ở dạng thô sơ, đã phản ánh sinh hoạt của người xưa.

Tóm lại, thi ca và hội họa, kể cả âm nhạc có mối quan hệ hữu cơ nói lên hoạt động lẫn cảm xúc, tâm tư, nguyện vọng con người là một điều hiển nhiên không xa lạ trong tác phẩm nghệ thuật mà trước tiên là thi ca. Ta nhớ lại trong văn học sử hay lịch sử mỹ thuật nước nhà, công chúng hay nhắc đến những nghệ sĩ tài hoa muôn mặt như: một Văn Cao (1923-1995) thi – họa – nhạc sĩ, Nguyễn Đình Thi (1924-2003) thi-văn-nhạc sĩ, rồi Quang Dũng (1921-1988) thi – họa – nhạc, Đinh Hùng (1920-1967) thi – họa sĩ, nhà thư pháp, một Vũ Hoàng Chương (1916-1976) thi sĩ-nhà thư pháp…

Vượt lên tất cả, ở Bác Hồ vĩ đại kính yêu của chúng ta, đã có những vần thơ thép, mang phong cách một nghệ sĩ lớn đa tài (multi-talented great artist) đã làm thơ-vẽ tranh-viết văn, đã thể hiện mối tương quan thơ họa trong nhiều thi phẩm nổi tiếng của Người. Trong khi nhiều nghệ sĩ hàng đầu Đông Tây có quan điểm: “Thơ là họa vô hình, họa là thơ hữu hình”, ta có thể nói: Thơ là bức tranh vẽ bằng thanh âm bình trắc, vần điệu, từ hoa, bằng câu nói ví von có ý nghĩa sâu lắng; còn Hội họa là bài thơ sáng tác bằng đường nét bố cục, phối hợp sắc màu theo phong cách kỹ thuật sáng tạo riêng của tác giả. Chính nhà thơ Sóng Hồng (1907-1988) – đồng chí Trường Chinh – trong bài tựa tập thơ của tác giả, cũng đã thâm thúy ẩn dụ khi nhận định về tính cách trung tâm đầy màu sắc lý luận của thi ca: “Thơ là một viên ngọc long lanh dưới ánh sáng mặt trời… đồng thời cũng là vẽ, là nhạc” đã minh họa thêm tinh thần nội dung tư tưởng “Trong thơ có họa” (Thi trung hữu họa).

Đan Thanh