Thiện nguyên tri ân – Tạp văn của Phạm Hồng Soi

1040

(Vanchuongphuongnam.vn) – Tình cờ ghé thăm trang facebook của em, tôi thật sự ngỡ ngàng thấy rất nhiều hình ảnh trên trang là bia mộ liệt sỹ, bằng Tổ quốc ghi công, giấy báo tử đã nhàu nát úa màu thời gian. Vừa qua nghỉ phép về thăm quê, may mắn tôi gặp được em mới biết hiện nay em đang đảm nhiệm trưởng nhóm “thiện nguyện viên tìm kiếm, tra cứu, hướng dẫn, kết nối các vấn đề liệt sỹ”. Đó là Thượng úy Quân nhân chuyên nghiệp Lê Văn Thành, nhân viên Kho K899, Tổng Cục kỹ thuật Quân đội nhân dân Việt Nam, em quê ở Thanh Hóa, nay gia đình đã chuyển vào tỉnh Lâm Đồng an cư lập nghiệp.

Tác giả Phạm Hồng Soi 

“Sao em lại chọn công việc này”? Em trải lòng: “Là thế hệ được sinh ra và lớn lên khi đất nước hòa bình, nhưng những vết thương do chiến tranh để lại thì chưa bao giờ lành, nó vẫn đau đớn âm ỉ. Có những người mẹ, người vợ, người con dẫu biết rằng người thân của mình đã nằm lại chiến trường. Họ đã mòn mỏi đợi chờ hơn mấy chục năm qua với ước nguyện là được nhận được nắm xương trắng, thậm chí chỉ là một kỷ vật nhỏ nhoi từ người thân, để vơi bớt nỗi đau nhưng vẫn chưa được toại nguyện. Là một người lính trẻ em biết rằng công tác tri ân, hàn gắn nỗi đau chiến tranh là một việc làm cần thiết nhằm bù đắp được phần nào những mất mát, đau thương còn sót lại”.

Tôi nhìn ánh mắt đăm chiêu của em và nghe hơi thở có chút nghẹn ngào, trong hơi thở đó có nỗi đau hòa cùng nỗi đau của vô vàn nỗi đau mà chiến tranh đã để lại trên đất nước này. Tôi hiểu và cảm kích những suy tư, trăn trở và ước nguyện tốt đẹp của em, đó còn là lý tưởng sống của những người thanh niên may mắn được sinh ra và lớn lên khi đất nước đã độc lập, tự do. Bởi trong dòng ký ức của thế hệ chúng tôi, đã có hàng triệu người con đất Việt đang độ tuổi xuân phơi phới với bao hoài bão, khát vọng, dự định tương lai phải dở dang, xếp bút nghiên lên đường ra trận mà không hẹn ngày về. Có biết bao người đã anh dũng hy sinh, mãi mãi nằm trong lòng đất lạnh nơi xứ lạ quê người, các thế hệ ấy đã “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”.

Đã bốn mươi lăm năm, kể từ ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, nhưng vẫn còn đó sự chờ đợi, hy vọng tưởng chừng như vắt kiệt thân xác của những người mẹ, người cha, người vợ, người con… Họ vẫn ngày ngày đau đáu, đêm đêm khắc khoải, chờ mong tin về phần mộ người thân của mình còn nằm lại đâu đó nơi núi rừng lạnh lẽo, có liệt sỹ nằm ở nghĩa trang nhưng đó chỉ là phần mộ “vô danh”. Mặc dù công tác quy tập mộ liệt sỹ được Đảng, Nhà nước, Quân đội, các cựu chiến binh… trong thời gia qua đã nỗ lực và cố gắng nhưng vẫn chưa thể tìm hết được hài cốt những liệt sỹ còn nằm lại chiến trường.

Từ ước nguyện và niềm đam mê, em đã tranh thủ ngày nghỉ, giờ nghỉ để tra cứu các trang mạng tìm kiếm thông tin về các trận đánh, thời gian liệt sỹ hy sinh, tìm các tài liệu và thông tin của các cựu chiến binh qua các thời kỳ. Tra cứu trang www.nguoiduado.vn, www.thongtinlietsy.gov.vn, www.chinhsachquandoi.gov.vn, để cập nhật các ảnh mộ và lấy hồ sơ tìm kiếm. Qua tra cứu thông tin, thấy có rất nhiều các liệt sỹ trên bia mộ còn thiếu danh, hoặc sai danh nhưng chưa được chỉnh sửa, em đã nghĩ ra ý tưởng thành lập nhóm Thiện Nguyện. Việc đầu tiên của nhóm là lấy các ảnh bia mộ rồi tìm các hồ sơ có tên giống, hoặc gần giống so sánh mã hóa vùng địa danh nơi liệt sỹ hy sinh, mã hoá đơn vị, thời điểm hy sinh và tìm kiếm tư liệu về các mốc trận đánh… Sau đó ghép hồ sơ và ảnh bia mộ đưa lên trang mạng xã hội…

Đồng hành cùng với em có các thành viên: Lê Quang Mùa (Hải Dương), Đỗ Thành Trung (Bà Rịa-Vũng Tàu), Nguyễn Thị Thanh Xuân (Đà Lạt), Long Ngân (Thanh Hóa)… Sau hơn ba năm hoạt động (2017-2020), có sự hỗ trợ của các cơ quan chính sách, bạn bè, người thân, nhóm Thiện Nguyện đã mang tin vui đến hơn một trăm gia đình liệt sỹ, hỗ trợ hồ sơ hàng trăm gia đình hoàn thiện các thủ tục liên quan. Ngoài ra nhóm đã hỗ trợ hơn chục gia đình có hoàn cảnh khó khăn trong việc cất bốc, đưa hài cốt liệt sỹ về nghĩa trang quê nhà.

Em xúc động khi kể về liệt sỹ Mai Đình Cả, quê Quảng Phong, Quảng Xương, Thanh Hóa. Giấy tờ liệt sỹ bị mất hết, mọi tia hy vọng tìm mộ như mò kim đáy biển. Sau khi em đăng ảnh bia mộ liệt sỹ lên trang mạng xã hội, em họ liệt sỹ đã cập nhật và nhận thấy đó chính là mộ của anh mình. Chúng em đã giúp gia đình hoàn thiện hồ sơ, tổ chức cất bốc hài cốt đưa về quê hương vào ngày 8-7-2020 trong niềm vui khôn xiết. Còn trường hợp liệt sỹ Nguyễn Minh Tục, sinh năm 1939, quê quán Hưng Xuân, Hiệp Hòa, Hà Bắc (nay là Bắc Giang), nhập ngũ năm 1962, hy sinh 1967. Trong giấy báo tử ghi đơn vị liệt sỹ là “KN”, rất khó khăn trong quá trình tìm kiếm. Em ruột và con gái của liệt sỹ đã nhiều lần khăn gói lên đường đi tìm khắp các nghĩa trang ở khu vực Tây Nguyên và Bình Định, đều trong tuyệt vọng khi ra về lòng quặn thắt đớn đau. Gia đình đã gửi hồ sơ nhờ nhóm em với niềm hy vọng còn nước còn tát. Sau một tuần tra cứu, em vô cùng vui mừng khi tìm thấy thông tin mộ liệt sỹ nằm tại xã Mỹ Thành, huyện Phú Mỹ, tỉnh Bình Định. Sau năm tháng hoàn thiện thủ tục hồ sơ, ngày 10.10.2020 nhóm em đã giúp gia đình cất bốc di dời hài cốt liệt sỹ trở về quê hương…

Những việc làm của nhóm Thiện Nguyện chính là sự tri ân, là lòng thành kính biết ơn của thế hệ đi sau đối với thế hệ đi trước. Chia tay em, tôi miên mang trong dòng suy nghĩ, tôi khâm phục em, khâm phục sự nỗ lực vượt qua khó khăm và kiên nhẫn của nhóm Thiện Nguyện. Hy vọng rằng, mô hình này sẽ tiếp tục được nhân rộng và ngày càng có thêm nhiều mô hình mới hoạt động ý nghĩa hơn, thiết thực hơn lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng để mang đến nhiều giá trị tốt đẹp cho cuộc sống này, để mỗi cuộc đời dù phải chịu vất vả, hy sinh, mất mát, thăng trầm bao nhiêu vẫn có được những khoảnh khắc đáng sống nhất trong cuộc đời mình.

Phú Quốc, ngày 23.11.2020

P.H.S