Thiền sư Thích Nhất Hạnh lặng lẽ thắp sáng con đường tỉnh thức

494

(Vanchuongphuongnam.vn) – Thiền sư Thích Nhất Hạnh sau khi viên tịch, đã được nhiều tác giả tưởng nhớ và tri ân qua cuốn sách “Thích Nhất Hạnh – Người thắp sáng con đường tỉnh thức”.

Thiền sư Thích Nhất Hạnh nhập niết bàn ở tuổi 96 vào rạng sáng ngày 22/ 1/ 2022 tại chùa Từ Hiếu- Huế, nơi ông khởi đầu tu học. Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã để lại cho đời trên dưới 140 tác phẩm giá trị thuộc nhiều thể loại và nhiều ngôn ngữ khác nhau.


Thiền sư Thích Nhất Hạnh (1926-2022).

Giáo sư – Tiến sĩ Huỳnh Như Phương chia sẻ: “Vậy Thích Nhất Hạnh là thi sĩ hay thiền sư, hay thiền sư – thi sĩ? Phải chăng ông hóa thân vào thi sĩ. Có thể nói thơ Nhất Hạnh cho thấy sự hóa thân mầu nhiệm của thiền học vào văn chương, của lịch sử vào nghệ thuật, của tâm cảnh vào thông điệp, của hiện hữu vào ngôn thuyết”.

Thiền sư Thích Nhất Hạnh là một trong những người tiên phong mang đạo Phật đến với xã hội phương Tây. Suốt đời theo đuổi lý tưởng phục vụ nhân sinh, thiền sư Thích Nhất Hạnh hướng Thiền học của Phật giáo vào con đường dấn thân, tích cực hoạt động xã hội để xây dựng và bảo vệ nền hòa bình, vun đắp đời sống hạnh phúc. Trong gần 40 năm sống xa quê hương, thiền sư Thích Nhất Hạnh đã đóng góp công sức rất lớn để xây dựng một cộng đồng Phật giáo dấn thân với gần 1.250 đệ tử xuất gia, hàng triệu đệ tử tại gia khắp năm châu.

Thiền sư Thích Nhất Hạnh trao gửi một di sản quý giá, đó là chánh niệm tỉnh thức, tâm từ bi và lý tưởng phục vụ nhân sinh, kiến tạo hòa bình. Tinh thần của di sản ấy thể hiện rõ ràng, giản dị nhưng vô cùng sâu sắc trong các tác phẩm văn chương học thuật của ông. Nhiều tác phẩm của ông đã cuốn hút hàng triệu lượt độc giả ở mọi lứa tuổi như “Đường xưa mây trắng”, “Phép lạ của sự tỉnh thức”, “Hạnh phúc cầm tay”, “Phật trong ta”, “Mỗi hơi thở một nụ cười”, “Con gà đẻ trứng vàng”…

Cuốn sách “Thích Nhất Hạnh – Người thắp sáng con đường tỉnh thức” do Nhà xuất bản Tổng hợp TP.HCM vừa ấn hành, mong muốn phần nào giúp bạn đọc hiểu hơn về cuộc đời và sự nghiệp hoằng pháp của một bậc tôn sư uyên bác, tài năng… Nhóm biên soạn tâm niệm: “Hòa thượng Thích Nhất Hạnh được hầu hết mọi người trong cũng như ngoài Phật giáo coi là một nhân vật có công rất lớn trong việc đánh động lương tri và sự tỉnh thức của con người trong một thế giới tuy văn minh hiện đại nhưng vẫn còn đầy trục trặc phức tạp đi cùng với những nỗi lo âu khắc khoải”.


Cuốn sách tri ân và tưởng nhớ thiền sư Thích Nhất Hạnh.

Mở đầu tập sách là bài viết “Giấc mơ Việt Nam” của Thiền sư Thích Nhất Hạnh cùng lời kêu gọi sự chung tay kiến tạo một đời sống hòa bình và hạnh phúc không chỉ riêng cho đất nước Việt Nam chúng ta, mà còn cho cả toàn thế giới còn nhiều lộn xộn và đang phải đối đầu với mối đe dọa của chiến tranh hủy diệt. “Giấc mơ Việt Nam là người Việt có khả năng sống đơn giản mà hạnh phúc, có thì giờ và tình thương để làm việc giúp cho người trong nước và ngoài nước vượt thắng nghèo khổ, bệnh tật, thất học, hòa giải được với người thân và tìm được nguồn vui sống. Giấc mơ Việt Nam là sông, núi, rừng, biển và ruộng vườn của chúng ta được bảo vệ an lành để chúng ta và con cháu chúng ta cũng như thế giới được bảo vệ an lành và để cho mọi người được tiếp tục thừa hưởng tất cả những gì hùng vĩ, cẩm tú và giàu sang của đất nước này” – lời của Thiền sư Thích Nhất Hạnh.

Tiếp theo là hàng loạt bài viết như: Thích Nhất Hạnh – biểu tượng của đối thoại và hòa giải (Huỳnh Như Phương), Thiền sư của tư tưởng và hành động (Nguyễn Văn Tuấn), Người mẹ qua Bông hồng cài áo của Nhất Hạnh (Trần Văn Chánh), Thiền sư Nhất Hạnh và những tác phẩm để lại đời (Hà Thu), Tôi luôn cảm thấy sự ủng hộ của ông ấy (Marc Andrus, Hồng Anh chuyển ngữ), Truyền thông thế giới đồng loạt đưa tin thiền sư Thích Nhất Hạnh tạ thế (Trần Phương, Tuổi Trẻ online), Thư yêu thương gửi đến cộng đồng Phật giáo sau khi sư ông viên tịch (Ocean Vương – Pháp danh: Đức Hải, Đào Lê Na chuyển ngữ) … Bên cạnh đó, hai phụ lục gồm niên biểu hoạt động của Thích Nhất Hạnh và danh mục các tác phẩm của thiền sư sẽ cung cấp cho người đọc những cột mốc thời gian trong cuộc đời và sự nghiệp trứ tác đồ sộ của ông.

Tinh thần văn chương trong các sáng tác của hòa thượng Thích Nhất Hạnh qua cảm nhận của GS. TS Huỳnh Như Phương: “Vậy Thích Nhất Hạnh là thi sĩ hay thiền sư, hay thiền sư – thi sĩ? Phải chăng ông hóa thân vào thi sĩ. Có thể nói thơ Nhất Hạnh cho thấy sự hóa thân mầu nhiệm của thiền học vào văn chương, của lịch sử vào nghệ thuật, của tâm cảnh vào thông điệp, của hiện hữu vào ngôn thuyết”.

M.A