Thiên sử về một ‘chế độ (độc quyền) thất nhân tâm’ bậc nhất trong nền cai trị của thực dân Pháp ở Đông Dương

298

(Vanchuongphuongnam.vn) – Với mục đích vạch trần chế độ độc quyền rượu “thất nhân tâm” vào loại bậc nhất trong nền cai trị của thực dân Pháp suốt 30 năm ở Đông Dương, nhưng nhờ cách viết tài hoa của mình, tác giả Gerard Sasgas đan xen trong sách “Độc quyền rượu và chế độ thuộc địa Pháp ở Đông Dương” (do NXB Tổng hợp TP.HCM vừa ấn hành) cả bề dày văn hóa, lịch sử, khoa học kỹ thuật xứ này.


Bìa sách “Độc quyền rượu và chế độ thuộc địa Pháp ở Đông Dương”.

Cuốn sách này là thiên sử về một “chế độ (độc quyền) thất nhân tâm” vào bậc nhất trong nền cai trị của thực dân Pháp ở xứ Đông Dương. Tác phẩm giúp người đọc hình dung câu chuyện của những cá nhân, những nhóm người hay cả một tập đoàn của các nhà tư bản kết hợp với quan chức thực dân lũng đoạn cả nền kinh tế – chính trị – xã hội của xứ Đông Dương thuộc địa trong suốt 30 năm. Giai đoạn lịch sử được đề cập đến trong cuốn sách này khi đất nước ta chưa có thực thể chính trị mang tên Việt Nam mà đang bị chia thành Nam Kỳ (Cochinchina), Trung Kỳ (Annam) và Bắc Kỳ (Tonkin), và cùng với hai vương quốc Ai Lao (Lào) và Cao Miên (Campuchia) hình thành nên Đông Dương thuộc Pháp. Chế độ độc quyền rượu ở Đông Dương ra đời từ sự tổng hòa của ba yếu tố: những tiến bộ khoa học, quá trình công nghiệp hóa trong ngành sản xuất rượu, và một nhà nước bảo hộ quyết tâm đẩy mạnh phát triển kinh tế và mở rộng quyền lực.

Quyển sách Độc quyền rượu và chế độ thuộc địa Pháp ở Đông Dương có độ dày 416 trang với phần mở đầu, 8 chương: Những di sản – Một nền độc quyền khoa học – Các lập luận tài chính – Những giới hạn của chủ quyền lãnh thổ – Ngành công vụ vẻ vang – Đàn áp, phản kháng và nổi loạn – Nền kinh tế chính trị của rượu cồn – Biến thể kèm theo 3 phụ lục: Thành phần của men Tàu – Nếp uống rượu ở vùng thượng du – Tập đoàn kinh tế Fontaine… Kết lại nội dung, Gerard Sasges đưa chúng ta trở về với hành trình tìm lại những di tích vật chất của tập đoàn công nghiệp Công ty Rượu Đông Dương ở Hà Nội, Sài Gòn và Phnôm Pênh.

Bắt đầu từ năm 1897, cùng với thuốc phiện và muối, rượu chính thức trở thành một trong ba “con ngựa thồ” của tổng ngân sách Đông Dương tạo ra nguồn thu để chi cho các hoạt động mở mang cũng như chương trình phát triển kinh tế đầy tham vọng của nhà nước bảo hộ. Ba trụ cột làm nên chế độ độc quyền rượu bao gồm các nhà máy của Công ty Rượu Đông Dương (Société française des distilleries d’Indochine, SFDIC) trên thực tế nắm độc quyền sản xuất các loại “rượu bản xứ”; tiếp đến là các cơ quan thuộc Sở Thương chính và Công quản (Département des Douanes et Régies) chịu trách nhiệm quản lý hành chính và thực thi nền độc quyền rượu của SFDIC; sau hết là hàng chục ngàn các “cờ bài” nhà bán sỉ và lẻ phân phối loại hàng hóa này đến người tiêu dùng Đông Dương. Rượu được tiêu thụ với số lượng lớn không giới hạn giới tính, độ tuổi, và giai tầng xã hội lúc bấy giờ. Thời điểm đó, rượu đã trở thành một phần không thể tách rời trong tất cả các mặt từ kinh tế, đến bữa ăn hàng ngày, nghi lễ, y học và giao tế xã hội.

Độc quyền rượu và chế độ thuộc địa Pháp ở Đông Dương còn đề cập đến sự trỗi dậy và suy tàn cũng như cơ sở khoa học và tài chính của cho sự ra đời của Vua Rượu Đông Dương Auguste R. Fontaine (còn được gọi là “rượu ty” Phông-ten), một biểu tượng về sự khắc nghiệt của nền cai trị thực dân; hay sự hình thành và bành trướng của Sở Thương chính và Công quản (Administration des Douanes et Régies de l’Indochine), tục danh là Nhà Đoan, ngành công vụ lớn nhất Đông Dương đã gieo rắc bao sự kinh hoàng đến từng làng quê khắp Việt Nam, trong những cuộc lùng bắt rượu lậu; cũng như những mâu thuẫn nội tại của bộ máy cai trị thực dân giữa các quan chức thuộc địa nắm giữ các vai trò và quyền hạn khác nhau, và giữa họ với các thượng cấp ở Paris trong việc thiết kế và thực thi chế độ độc quyền rượu.

Có lẽ phần hấp dẫn bậc nhất của cuốn sách là về chính món hàng mà người Pháp phải đổ bao công sức để cấm ngăn không cho dân ta nấu, bán và uống, đó chính là Rượu. Những khảo cứu công phu của Gerard Sasges mang đến cho người đọc bức tranh sống động về kỹ thuật nấu rượu cổ truyền và “hệ sinh thái” rượu của ông cha ta. Sâu xa hơn nữa là những cách thức mà những người dân và cộng đồng làng xã Việt Nam đã thương thuyết và kháng cự chế độ độc quyền rượu của Pháp ngay trong các hoạt động thường nhật lẫn những sự kiện gây tiếng vang trên báo chí đương thời. Vai trò của báo chí trong việc phản ánh những bất công mà người dân phải gánh chịu cũng như sự bất hợp lý của chế độ độc quyền rượu cũng được tác giả phân tích tỉ mỉ bên cạnh việc chỉ ra chính những cơ quan ngôn luận này, dù chống độc quyền rượu, vẫn gián tiếp liên quan đến nền kinh tế – chính trị “rượu cồn” dù vô tình hay hữu ý.

Trên mọi phương diện, chế độ độc quyền rượu là một trong những định chế trung tâm nhất và cũng gây ra nhiều thắc mắc nhất của Đông Dương thuộc Pháp. Dù cho chính quyền thực dân đã ra sức che giấu thực tế hoạt động tài chính nhưng không khó để sớm nhận ra rằng thuế rượu dù có cao ngất ngưởng nhưng lại góp rất ít cho ngân sách chính quyền bảo hộ. Thay vào đó, nó được dùng chủ yếu để biện giải cho sự phình to của Sở Thương chính và Công quản Đông Dương và trả lương cho bộ máy đó. Chế độ độc quyền rượu đã cắm rễ rất sâu vào xã hội, nền kinh tế và chính trị của thực dân Pháp ở Đông Dương. Và trong bối cảnh sức mạnh dư luận ngày càng tăng qua thời gian, chế độ độc quyền rượu ở Đông Dương trở thành một biểu tượng của sự bóc lột và thực tế bạo tàn của chế độ thực dân Pháp ở xứ sở này. Bản chất toàn trị và phân biệt chủng tộc của chế độ thực dân Pháp càng bộc lộ rõ hơn không chỉ trên toàn cõi các xứ Đông Dương thuộc Pháp mà nó còn tạo ra những chế độ độc quyền rượu ở nhiều nơi khác trên thế giới.

M.A