“Thiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức – Bài của Tiểu Mai

129

(Vanchuongphuongnam.vn) – “Trò chuyện với thiên thần – Những tai họa thế giới và giấc mơ Việt Nam” là một cuốn sách lạ lùng! Nó lạ từ cái tựa cho đến thể loại mà tác giả lựa chọn. Nhưng nếu có thể vượt qua giây phút e dè ban đầu để mà tiếp cận sách, thì chắc chắn nó sẽ lập tức biến thành thỏi nam châm hút người đọc ngay từ trang đầu tiên.

Xa lạ mà gần gũi. Hiểu được băn khoăn thông thường của độc giả nên Trương Văn Dân đã có đôi dòng giải thích ngay rằng: “Độc giả chắc sẽ bất ngờ về quyển sách này và nghĩ rằng các đề tài đề cập trong sách đều xa lạ với cái thế giới mà ta đang sống, vì đó chỉ là một cuộc trò chuyện với một nhân vật siêu việt: Thiên thần.

Nhưng hoàn toàn không phải vậy, đó là quyển sách có những câu chuyện liên quan đến đời sống chúng ta, đến thân phận làm người, dù là nam hay nữ, trong cuộc sống hàng ngày.”

Tất nhiên rồi, dù là hư cấu đi chăng nữa, nếu không liên quan đến đời sống thì sẽ chẳng mấy ai tìm đọc. Nhưng “Trò chuyện với thiên thần – Những tai họa thế giới và giấc mơ Việt Nam” rõ ràng không phải là hư cấu. Bởi vì, tác giả trò chuyện với nhân vật tưởng tượng để nói với một tương lai hiện thực. Nhà văn Vũ Ngọc Tiến nói: “Nếu gọi đây là một giáo trình tổng hợp về nhân loại học như một “Bách khoa thư” về cuộc sống cũng không sai bởi mỗi lần trò chuyện của người cha với thiên thần nhỏ bé là một bài giảng bao chứa các vấn đề triết học, tôn giáo, đạo đức học, xã hội học; thậm chí cả những vấn đề về chính trị học, kinh tế học của thế kỷ XX vắt qua hai thập niên đầu của thế kỷ XXI như chiến tranh, toàn cầu hóa kinh tế, cách mạng tin học,…”

Xem chừng “nội thất” cuốn sách này hầu hết đều là những chủ đề đau đầu buốt óc và có vẻ khô khan, nhưng làm thế nào nó vẫn “thao túng” được người đọc, đến mức không thể đọc lướt mà phải đọc thật kỹ, thậm chí đọc đi đọc lại những đoạn làm họ tâm đắc?

Câu trả lời vẫn nằm gọn trong hai chữ: Thực tếđặc tính bám rễ và ăn sâu vào phong cách viết của Trương Văn Dân. Nói cách khác, những câu chuyện thực tế được tác giả quan sát, ghi nhớ để rồi viết ra bằng lối văn chương chân thật và minh triết, khiến những người bạn tri âm của ông cũng phải ngưỡng mộ. Nhà văn Đặng Châu Long nói: “Trò chuyện với thiên thần là một tác phẩm văn học dành cho ai yêu quá đỗi đời này”. Nhà văn Elena Pucillo Truong thừa nhận: “Đây là một quyển sách để chúng ta dừng lại và suy nghĩ.”

Không dừng lại để mà suy nghĩ sao được khi mà mỗi trang sách của Trương Văn Dân đều có một đoạn, thậm chí nhiều đoạn khiến người đọc chỉ muốn ghim ngay vào cuốn sổ ghi chú: “Chừng tuổi này, tôi quá hiểu là của cải không nằm lâu trong bàn tay của một người mà nó luôn được chuyển từ tay người này sang tay người khác. Chủ tài sản giống như những người ở trọ trong khách sạn hay hành khách trong một toa tàu: Tuy có mặt, nhưng chẳng bao giờ được ở lâu.

Trong nhịp sống mới, áp lực của người trẻ giống như một vận động viên điền kinh không tìm được vạch chiến thắng. Chạy miệt mài nhưng chạy đến đâu cũng không tìm thấy vạch cuối cùng.”

Hiện nay không chỉ ở Nhật dù xã hội phát triển, có internet và các mạng xã hội nhưng nỗi cô đơn đã trở thành bệnh dịch toàn cầu!

Nếu có một người nào đó hỏi ba: Bạn muốn con mình lớn lên sẽ trở thành gì? Luật sư? Bác sĩ? Kỹ sư? Nhà quản trị?, ba sẽ không ngần ngại trả lời: Hạnh Phúc.

Vì mỗi khi gặp nhau, phần lớn mọi người sẽ hỏi con: Con làm việc ở đâu? Công ty nào? Lập gia đình chưa? Có mấy con? Đã mua nhà chưa? Mua xe chưa?… như thể cuộc đời chỉ là bảng liệt kê những món hàng. Phần lớn đều xây nhà trên sa mạc mà cứ tưởng là vững chãi. Nhưng chỉ cần một câu hỏi thì tất cả những thứ đó liền chao đảo: Con có hạnh phúc không?

Thực ra thì ai cũng tin là mình đã hành động đúng, nhưng theo ba chỉ có một cách để kiểm chứng: Nếu không bình an và hạnh phúc có nghĩa là mình đã sai lầm.”

Là một độc giả đã thẩm rất kĩ cuốn sách “Trò chuyện với thiên thần”, nhà văn – nhà nghiên cứu văn học Nhật Chiêu khẳng định: “Tác giả hẳn sẽ nhận được đồng cảm tri âm bởi ông đã thắp lên một que diêm cho mỗi đêm buồn mất ngủ.

Đồng hành với cuốn sách này, độc giả sẽ thấy thiên thần thực ra cũng rất gần gũi, trong sáng, luôn ôm ấp và che chở chúng ta bằng đôi cánh mềm mại, làm bất cứ việc gì cũng bằng trái tim dù trong linh hồn họ luôn có rất nhiều vết sẹo…

Thức tỉnh để cứu rỗi mình thoát khỏi sự tự hủy diệt

Trương Văn Dân đam mê cống hiến cho nghề viết đến mức ông không cần người ta phải gọi tên sách của mình sao cho đúng.

Tôi chỉ viết với ý muốn được chia sẻ những suy nghĩ về cuộ sống và mong bạn đọc hiểu cho rằng những trang viết của tôi là không vô nghĩa, không giáo điều. Vả lại, những điều tôi nói cũng chưa hẳn là mới, mà chủ yếu chỉ là những nhận thức chung và ước muốn nhìn thẳng vào sự thật. Tôi cũng như bạn, không ai có thể chắc chắn về điều gì. Bản chất của cuộc đời là đổi thay liên tục. Khi chúng ta tưởng có mọi câu trả lời thì những câu hỏi đã bất ngờ thay đổi”, Trương Văn Dân tỉ tê như thế trong cuốn sách “Trò chuyện với thiên thần”.

Có lẽ, số đông độc giả sẽ đồng tình với nhà Elena Pucillo Truong, rằng “Trò chuyện với thiên thần” khiến chúng ta dừng lại và suy nghĩ. Động thái này của độc giả chính là thành công của tác giả bởi vì, “Đời sống không phải là một trò chơi trên mạng ảo nên khi ý thức được điều này sẽ làm nhiều người vô cùng khổ sở. Trong đời sống thực chúng ta đau khổ, chúng ta chết mà không thể nào tránh khỏi. Nhưng chúng ta không thể chạy trốn khổ đau bằng cách ngắt điện hay tắt chiếc điên thoại di động. Chúng ta hiểu là sự tiến bộ có thể giúp ích cho con người nhưng con người cũng cần phải phát triển những kỹ thuật có đạo đức, và chỉ có thế chúng ta mới mong cứu rỗi mình thoát khỏi sự tự hủy diệt, trước khi chạy đến điểm không còn có thể quay lại.”

T.M