Ở nhiều địa phương, hoạt động sáng tác của các cây bút trẻ đã có những khởi sắc. Trong đó có đóng góp của các cây bút là người dân tộc thiểu số, sống và làm việc ở vùng sâu, vùng xa. Nhưng vẫn còn không ít những hạn chế nhất định về các điều kiện, cơ chế để các cây bút đó phát huy tài năng.
Một hoạt động trưng bày tại Làng Văn hóa – du lịch các dân tộc Việt Nam với sự phối hợp tổ chức của Ban Nhà văn trẻ – Hội Nhà văn Việt Nam nhiệm kỳ 2021-2026.
Mày mò “tự biên tự diễn”
Thực tế cho thấy, những cây bút trẻ là người dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa còn thiệt thòi trong việc giao lưu nghề nghiệp và điều kiện sáng tác. Không ít người sáng tác chủ yếu do đam mê và tự mày mò, viết theo cảm tính và gần như không nhận được sự tham gia góp ý hay định hướng, chỉ đường nào. Những tác phẩm họ viết ra cũng chỉ dám gửi đến tạp chí văn nghệ của tỉnh mình chứ chưa đủ tự tin để gửi tác phẩm đi xa hơn đến những tờ báo, tạp chí lớn trong nước. Hoặc cũng không biết địa chỉ để gửi tác phẩm đi. Vì thế, có những tác giả trẻ viết rất tốt, nhưng cũng chỉ được biết đến trong tỉnh.
Dù viết văn từ khi còn là một học sinh trung học, nhưng mười mấy năm cầm bút ấy, như chia sẻ của nhà văn Kiều Duy Khánh ở Sơn La, anh cũng chỉ viết và gửi cho tờ báo Thiếu nhi dân tộc và tạp chí văn nghệ của tỉnh mình. Đến tận năm 2016, Kiều Duy Khánh mới bắt đầu làm quen và biết gửi bài qua email, cũng bắt đầu biết dùng Facebook. “Nhờ Facebook tôi may mắn quen được nhiều nhà văn trên cả nước. Nhà văn Uông Triều và sau này là các nhà văn Tống Ngọc Hân, Chu Thị Minh Huệ, Phạm Thanh Thúy… đã giúp đỡ tôi rất nhiều trong việc góp ý, định hướng, chỉnh sửa tác phẩm và động viên, khuyến khích tôi gửi tác phẩm đến những tờ báo, tạp chí lớn trong nước”, nhà văn cho biết.
Thiếu tự tin, thiếu giao lưu nghề nghiệp, thiếu phương pháp sáng tác, hoạt động sáng tác tự phát, tự thân nỗ lực, tự tạo thành quả, tự quảng bá; không ít cây bút trẻ còn thiếu được hội nghề nghiệp địa phương quan tâm, hỗ trợ một cách tương xứng. Chưa kể, như cảm nhận của nhà văn Hoàng Thanh Hương ở Gia Lai, có những trường hợp mất đoàn kết trong lãnh đạo hội, gây ảnh hưởng đến tác giả trẻ. Nhà văn nhận xét thêm: Đa số các bạn đang làm việc ở các trường học, đoàn thể các cấp, phải lo hoàn thành nhiệm vụ chuyên môn trước tiên, nên thời gian dành cho sáng tác phải tranh thủ. Cũng vì thiếu đầu tư công sức và thời gian cho việc viết một cách chuyên nghiệp nên tác phẩm dễ bị “làng nhàng”. Trong khi đó, chế độ nhuận bút cho tác phẩm còn thấp.
Cơ hội và bản lĩnh
Nhà văn Hoàng Thanh Hương chia sẻ, mong các cây bút trẻ là người dân tộc thiểu số, các bạn viết sống và làm việc ở vùng sâu, vùng xa, trước tiên hãy yêu việc viết văn, hãy viết những gì thuộc về đời sống của các bạn – nơi buôn làng các bạn sinh ra, lớn lên, lập thân, lập nghiệp. Thứ hai, mạnh dạn gửi tác phẩm cho các báo, tạp chí chuyên ngành; mạnh dạn kết nối, học hỏi thêm những người đi trước có tâm, có tầm để họ trở thành người truyền cảm hứng và hỗ trợ các bạn trẻ trong nghề viết.
Trong những năm qua, sự phát triển của internet, báo điện tử, mạng xã hội và nhiều diễn đàn văn chương trên không gian mạng đã giúp cho các tác giả trẻ nói chung có thêm nhiều cơ hội để giới thiệu, công bố tác phẩm của mình đến với bạn đọc. Công nghệ thông tin đã giúp cho các cây bút trẻ dù ở vùng sâu, vùng xa có thêm sân chơi để thể hiện, thử nghiệm, cũng như giúp họ tương tác, giao lưu trực tiếp, nhanh chóng với bạn đọc, bạn viết… Được biết đến nhanh hơn, tác phẩm phổ biến rộng hơn đến độc giả, các tác giả cũng có cơ hội tự giới thiệu mình với các nhà xuất bản trong nước để xuất bản tác phẩm.
Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi đó, còn có những góp ý cho rằng, các bạn trẻ cũng nên cẩn trọng khi nhận những khen, chê, tán tụng của độc giả. Cần khiêm tốn, khiêm nhường trong phát ngôn, ứng xử để tránh tạo ra những dư luận không tốt đối với những người cầm bút sáng tác văn chương, đối với đội ngũ văn nghệ sĩ. Càng tự trọng và chăm chỉ bồi dưỡng kỹ năng viết, nâng cao nhận thức chuyên môn, càng lương thiện, người viết trẻ càng có cơ hội thành công trong nghiệp viết. Nhận được sự tôn trọng, yêu mến của đồng nghiệp và công chúng.
Để người viết trẻ dân tộc thiểu số có đủ bản lĩnh, niềm yêu thích công việc viết lách khó nhọc, đòi hỏi nỗ lực phần lớn ở mỗi tác giả. Nhưng bên cạnh đó, mong muốn chung hướng tới đồng nghiệp đi trước, lãnh đạo cơ quan, tổ chức hội văn học nghệ thuật địa phương, hội chuyên ngành Trung ương là: Cần quan tâm, động viên, dìu dắt các em một cách có tâm, có tầm. Cần có những hoạt động thiết thực dành cho các bạn viết trẻ ở các khu vực như tổ chức các trại sáng tác, các buổi tọa đàm nghề nghiệp, học thuật, tổ chức in các tuyển tập văn học, các lớp bồi dưỡng…
Theo Ngũ Bút/Thời nay