Thơ 1-2-3 khơi nguồn cho đam mê sáng tạo

555

Lê Văn Ri

(Vanchuongphuongnam.vn) – Những người đọc thơ 1-2-3 thường nói với tôi rằng thể loại thơ mới này rất ấn tượng bởi sự ngắn gọn, hàm súc, đa nghĩa về câu chữ và có sự liên tưởng, day dứt cho người đọc khi gấp lại trang thơ. Đây cũng là nguồn cảm hứng sáng tạo cho nhà thơ đồng thời cũng là thách thức cho nhà thơ bởi sự đa nghĩa của ngôn từ cần chọn lựa, sự hoàn chỉnh của cấu trúc trong một bài thơ ngắn…

Nhà thơ Lê Văn Ri

Tôi đến với thơ 1-2-3 một cách tình cờ qua bạn thơ Võ Văn Trường ở Quảng Nam chia sẻ những chùm thơ 1-2-3 của anh và các tác giả được chọn đăng trên trang Văn Học Sài Gòn (VHSG). Thật tình tôi hơi bất ngờ với cách tiếp cận và khởi nguồn sáng tạo từ nhà thơ Phan Hoàng cho sự ra đời của thể loại thơ mới – Thơ 1-2-3 trên thi đàn văn học Việt.

Thơ 1-2-3 hiểu một cách cô đọng nhất đó là bài thơ gồm 6 câu, chia thành 03 đoạn, trong đó đoạn thứ nhất chỉ có 01 câu cũng là tên của bài thơ, các câu của đoạn 1-2-3 tương ứng với số chữ tối đa cho mỗi câu thơ là 11-12-13. Bài thơ được giải phóng triệt để khỏi các phép tắc tu từ, thanh vận chặt chẽ của các thể loại thơ truyền thống, tác giả mặc nhiên thỏa sức sáng tạo trên cánh đồng chữ nghĩa, ngôn ngữ bình thường trong đời sống hàng ngày được nâng lên thành ngôn từ nghệ thuật trong thơ, nội dung đa diện, hoàn toàn tự do chủ yếu đi từ ngoại cảnh dần vào chiều sâu nội tâm tác giả muốn thể hiện. Đặc biệt, khuyến khích tính độc lập từng câu trong mối tương quan toàn bài, thống nhất trong một không gian thẩm mĩ riêng biệt.

Có lẽ nhà thơ Phan Hoàng đã có lý khi sáng tạo ra thể thơ mới vừa mang tính phóng khoáng, tự do, không bị ràng buộc bởi vần, nhịp điệu nhưng cũng có những giới hạn nhất định (số câu, số chữ trong mỗi câu). Bởi lẽ, giá trị của một bài thơ hay không được định bởi sự dài hay ngắn của bài thơ, điều này người yêu thơ có thể thấu cảm ở thể loại thơ Haiku nổi tiếng của Nhật Bản chỉ giới hạn trong 03 câu thơ với 17 âm tiết nhưng mỗi bài thơ đều có sức liên tưởng, sáng tạo độc đáo mà người đọc phải đi cùng nhà thơ mới có thể thấu cảm hết cái hay, cái đẹp của bài thơ. Ví như bài thơ Con ếch của thi hào Basho:

“Xưa cũ một bờ ao

Con ếch tung mình xuống

Và vang tiếng nước xao”

Theo Hải Thượng Lãn Ông: “Thơ cốt ở ý, ý cốt sâu xa thì thơ mới hay. Không phải bất cứ điều gì phải nói ra bằng lời thì mới là thơ có giá trị. Ý hết mà lời dừng là cái hết mực song lời dừng mà ý chưa hết thì càng hay tuyệt”. Điều này được thể hiện khá rõ trên cánh đồng chữ nghĩa qua các bài thơ 1-2-3 của các tác giả trên VHSG.

Viết về nỗi đau của bao người mẹ sau cuộc trường chinh cứu nước vĩ đại có lẽ cần đến nhiều áng văn, tác phẩm nghệ thuật nhưng với bài thơ 1-2-3 cũng đủ để chúng ta day dứt, tri ân đối với những người mẹ khi đọc câu thơ: “Những người mẹ cuối cùng đợi con/ Lặng ngắm hàng bia vẫn trắng dòng địa chỉ” (Võ Văn Trường) hay chỉ một câu thơ cũng giúp người đọc thấu cảm được nỗi đau của người con gái ước một lần được làm mẹ, làm vợ nhưng chỉ là giấc mơ: “Giấc mơ đôi chân trần nõn nà hằn lên ghềnh đá/ Đôi bàn tay búp măng, suối tóc con gái, mái chèo… vàng trăng” (Võ Văn Trường), “Thời gian như màu vôi, trầu không vàng lá/ Cánh cửa đợi chờ khuyết mảng trăng khuya/ Chị ngồi đếm bao mùa bồi lỡ”(Hoài mong sắc nhạt hương rơi bóng chiều – Lê Văn Ri). Hay sự cảm nhận về nỗi đau của người mẹ góa chồng: “Bên dòng sâu mẹ soi tóc một mình”, “Mẹ ngồi vá bao mùa nước nổi/ Khâu tháng năm thiếu vắng nụ cười cha” (Lê Văn Ri).

Có lẽ không nhất thiết phải đọc nhiều, chỉ qua vài câu thơ trong bài thơ ngắn, người đọc với sự thấu cảm của riêng mình có thể cảm nhận được những gì tác giả muốn gửi gắm, lan tỏa đến người đọc. Nếu có dịp đọc những tác phẩm thơ 1-2-3 trên VHSG, người đọc sẽ cảm nhận được nhiều chùm thơ hay của các tác giả: Phạm Thị Kim Khánh, Khang Quốc Ngọc, Lê Tuyết Lan, Lưu Minh Hải, Mai Thìn, Nguyễn Hồng Linh, Võ Văn Trường, Nguyễn Bá Hòa, Trần Nguyệt Ánh, Nguyễn Ngọc Hưng, Nguyễn Trọng Văn, Trần Thế Vinh, Lê Văn Hiếu, Đỗ Toàn Diện, Lê Thanh Hùng, Trần Mai Ngân, Đỗ Quảng Hàn…

Với riêng tôi, khi viết những bài thơ 1-2-3 luôn có cảm xúc khác lạ so với khi cầm bút sáng tạo những bài thơ thể loại khác. Tôi thường tập trung tìm kiếm tứ thơ, tinh lọc ngôn từ để diễn ngôn cho tứ thơ mới chợt xuất hiện vừa cô đọng, vừa có tính lan tỏa cảm xúc trong một chỉnh thể cấu trúc của bài thơ 1-2-3. Trong sự dồn nén ấy, nhiều lúc cảm xúc ngôn từ bật ra rất tự nhiên và giúp tôi kết thúc bài thơ trong khoảng thời gian rất ngắn so với những thể thơ khác mà tôi từng viết.

Những người đọc thơ 1-2-3 thường nói với tôi rằng thể loại thơ mới này rất ấn tượng bởi sự ngắn gọn, hàm súc, đa nghĩa về câu chữ và có sự liên tưởng, day dứt cho người đọc khi gấp lại trang thơ. Đây cũng là nguồn cảm hứng sáng tạo cho nhà thơ đồng thời cũng là thách thức cho nhà thơ bởi sự đa nghĩa của ngôn từ cần chọn lựa, sự hoàn chỉnh của cấu trúc trong một bài thơ ngắn. Nhìn nhận ở góc độ này có thể cảm nhận sự cô đọng, mới lạ ở thể thơ 1-2-3 sẽ khơi nguồn sáng tạo và tạo động lực cho nhà thơ tinh lọc ngôn từ để diễn ngôn cho tứ thơ của mình được bật lên, chạm đến cảm xúc và tâm hồn người đọc qua quá trình phát triển cảm xúc từ ngoại cảnh đến nội tâm người đọc mà nhà thơ đã dày công sắp đặt.

Trong dòng chảy văn học và nền thi ca Việt Nam gần 100 năm nay là cả quá trình kiếm tìm đổi mới thi ca. Bắt đầu từ mùa xuân năm 1932, bài thơ Tình già của Phan Khôi ra mắt bạn đọc trên báo Phụ Nữ Tân Văn cùng với bài giới thiệu mang tên Một lối thơ mới trình chánh giữa làng thơ đã có tiếng vang mạnh mẽ, được xem là bài thơ mở đầu cho phong trào Thơ mới. Ngày nay, có nhiều quan niệm và cách sáng tạo thơ mới khác nhau nhưng trên hết, một tác phẩm thơ hay phải là tác phẩm thơ có được quyền năng lan tỏa tín hiệu, thông điệp cái đẹp của thi ca, phải dễ nhớ, đi vào lòng người, được người đọc cảm nhận, thấu hiểu để nhân lên cái đẹp về tâm hồn và nghệ thuật thi ca. Người đọc thơ không chỉ là người đọc thông thường mà còn là người đọc thấu cảm, người đọc giàu tư duy và sự liên tưởng, nhà thơ phải thực hiện được sứ mệnh sáng tạo và sự đồng điệu dẫn dắt người đọc trong bối cảnh không gian và thời gian đang vật vã, níu kéo nhau trong dòng chảy tất bật của nhân loại. Trên bình diện này, sự ra đời của thể thơ mới 1-2-3 đã đáp ứng được nhu cầu sáng tạo nghệ thuật và công chúng yêu thơ đang không có nhiều thời gian đọc và sự diễn ngôn quá đà của một bộ phận sáng tác đang gào thét và nhân danh đổi mới thơ ca với bài thơ dài, những câu thơ chặt khúc xuống dòng nghịch dị.

Với sự đón nhận và cộng hưởng tích cực của những nhà thơ trong và ngoài nước, những người yêu thơ, chỉ sau bốn tháng phát động Cuộc vận động sáng tác Thơ 1-2-3, VHSG đã nhận được hơn 380 chùm thơ của gần 150 tác giả. Điều đó khẳng định sức sống và định hình giá trị nghệ thuật của thể thơ mới 1-2-3 trên diễn đàn văn học Việt Nam. Tin rằng với sự mới lạ, độc đáo và phù hợp của thơ 1-2-3 trong bối cảnh mới, với  cách làm rất riêng, sáng tạo của nhà thơ Phan Hoàng và cộng sự trong sự khích lệ, lan tỏa, giới thiệu thể loại thơ mới, thơ 1-2-3 sẽ ngày càng lan tỏa mạnh mẽ trong giới văn nghệ sĩ và công chúng yêu thơ, đánh dấu bước chuyển mình mới trong quá trình đổi mới nền thi ca Việt Nam.

L.V.R