Thơ 1-2-3 Nguyễn Trọng Lĩnh: Khát vọng sống vươn lên từ bàn tay tuyệt vọng

503

(Vanchuongphuongnam.vn) – Khát vọng sống vươn lên từ bàn tay tuyệt vọng//Những bàn tay ngọ nguậy sâu non giữa dòng hồng thủy/những bàn tay vấu víu hư không mặt hố cát lầy ma trận//Những bàn tay vất vơ bi ai thảm hoạ, chiến tranh…/cử động lịm dần theo vọng âm lời cuối cầu xin/thốt lên khổng lồ đau trên bàn tay tuyệt vọng sa mạc Atacama.

Thơ 1-2-3 mỗi bài thơ là chỉnh thể độc lập gồm 3 đoạn, 6 câu.

Đoạn 1 chỉ có 1 câu gồm tối đa 11 chữ hoặc ít hơn, đồng thời cũng là tên bài thơ, nhằm tránh trùng lắp tên những bài thơ đã xuất hiện.

Đoạn 2 có 2 câu, với mỗi câu tối đa 12 chữ hoặc ít hơn. Còn đoạn 3 có 3 câu, với mỗi câu tối đa 13 chữ hoặc ít hơn. Chữ càng tinh lọc càng đa nghĩa càng giá trị.

Đề tài Thơ 1-2-3 hoàn toàn tự do, nội dung chủ yếu đi từ ngoại cảnh dần vào chiều sâu nội tâm tác giả muốn biểu hiện.

Đặc biệt khuyến khích tính độc lập từng câu thơ trong mối tương quan toàn bài, đồng thời giữa câu 1 và câu 6 có tính hô ứng để nội dung bài thơ chặt chẽ, thống nhất trong một không gian thẩm mỹ riêng biệt.

Không khuyến khích biến thể các loại thơ truyền thống: lục bát, song thất lục bát, tứ tuyệt, ngũ ngôn, lục ngôn, thất ngôn… thành Thơ 1-2-3.


Nhà thơ Nguyễn Trọng Lĩnh.

Câu hỏi những li kì từ sa mạc Namib

Là đứa con của cơn thịnh nộ thần linh?

nơi cánh cổng không gian và thời gian ẩn hiện bóng hình?

Nơi chìm đắm chiếc thuyền vượt phong ba gập ghềnh hoang mạc?

giấu những dấu vì sao trên cát

gửi linh thư gợi mở khát khao khám phá phía con người.

Huyền bí hồn em anh tìm trong ánh mắt

Con mắt em ngọc bích xanh của biển

trắng bay áng mây trời

Ô cửa tâm hồn du huyễn ánh trăng trôi

anh mải miết phiêu diêu sông đồi làm con chiên gõ cửa

như thể khám tìm kỳ bí con mắt giữa sa mạc Sahara…!

Khát vọng sống vươn lên từ bàn tay tuyệt vọng

Những bàn tay ngọ nguậy sâu non giữa dòng hồng thủy

những bàn tay vấu víu hư không mặt hố cát lầy ma trận

Những bàn tay vất vơ bi ai thảm hoạ, chiến tranh…

cử động lịm dần theo vọng âm lời cuối cầu xin

thốt lên khổng lồ đau trên bàn tay tuyệt vọng sa mạc Atacama (1)

(1) Phía Bắc nước Chile.

Với anh – em là vô cùng huyền bí

Những diệu kỳ núi sông xuân nữ đôi mươi

anh như kẻ ngắm hoa giữa áo the bụi mờ sương phủ

Tâm hồn em biển sâu trời cao rì rào ngữ thanh sóng gió

anh cảm thức từ phần nổi kề bù toạ độ em san

em – huyền bí nụ cười “Người đẹp Lâu Lan” nguyên vẹn 4000 năm (2)

(2) Ở sa mạc Taklamakan, thuộc khu tự trị Tân Cương, Trung Quốc.

Mê cung Gonur Tepe (3) rực rỡ văn minh giữa lòng sa mạc

Cung điện, đền thờ, cửa nhà, nghĩa địa… trang hoàng phức hợp

giữa những tường cao thành đồng lũy thép gìn giữ mê cung

Tinh xảo nghệ nhân tạo kiệt tác tuyệt kĩ thời đại Đồ Đồng

nung chảy bạc vàng, chế tác đồ khảm, xương, tráng men lên đá

hơn 4000 năm văn hóa Gonur Tepe sáng lung linh cát mẹ Karakum

(3) Ở Turkmenis tan.

Sa mạc Taklamakan (4) – “một đi không trở lại”

Ngôn ngữ cát nguyên sinh kể vuông tròn bí ẩn xa xưa

thành cổ, nhà cửa, vải thêu kim tuyến, “mộ lạch”, đền chùa

Nụ cười “Người đẹp Lâu Lan” giữ thanh xuân như vừa chớm nở

thế giới cổ đại linh sâu gánh trên lưng Con đường Tơ lụa

“Biển chết” nhiệm màu ngày sa mạc sinh sôi.

(4) Tân Cương, Trung Quốc. Theo ngôn ngữ của dân tộc Duy Ngô Nhĩ, Taklamakan nghĩa là “một đi không trở lại”.

Poveglia – hòn đảo “ma ám” rùng rợn

Thiên đường được Unesco vinh danh thành nơi hoang vu chết chóc

chiếc hố khổng lồ vùi chôn sinh linh lây cơn dịch hạch

Lởn vởn đoàn ma hỗn độn thét gào bi thương oán trách

hồn cô bé Maria hiện lên cơn đau xót nhớ quê nhà

bí ẩn siêu linh hòn đảo của nghìn ma (5)…!

(5) Đảo Poveglia ở Ý là nới hỏa thiêu và chôn tập thể khoảng 160.000 nạn nhân dịch hạch, bao gồm người mới có dấu hiệu.

Thơ đánh thức huyền năng ngủ thiếp

Giữa ngàn phương khám phá sắc màu tôi chọn tìm cách viết

ngôn ngữ lung linh ủ chín trái tiềm tàng

Như óng ánh vàng càng luyện càng trong

khơi nhát thêm sâu thêm bao dung lượng rộng

là hưởng vị tinh thần hương sáng tạo nhân văn!

N.T.L