Thơ 5 chữ viết về tình yêu  trong thơ Xuân Quỳnh

1465

Nguyễn Văn Ngọc

(Vanchuongphuongnam.vn) – Tôi đọc lại thơ Xuân Quỳnh trong những ngày giữa mùa thu Hà Đông, Hà Nội. Qua vùng quê Xuân Quỳnh, lòng tôi cứ nao nao với mùa thu cùng những cung bậc tình yêu Xuân Quỳnh. Xuân Quỳnh đã để lại cho đời một gia sản lớn cho thơ ca dân tộc . Lần giở những trang thơ trong tập thơ Xuân Quỳnh có đến 16 bài thơ 5 chữ, trong đó có nhiều bài thơ viết về tình yêu (Thơ tình cuối mùa thu, Sóng, Thuyền và biển, Mùa hoa doi, Sân ga chiều em đi, Tháng năm, Mái phố, Đêm cuối năm). Đặc biệt “Sóng”, “Thuyền và biển” ta bắt gặp một tiếng thơ hiếm lạ.


Nữ thi sĩ Xuân Quỳnh (1942 – 1988)

Tôi hình dung Xuân Quỳnh đắm mình trong không gian lá vàng thu cuối mùa và lắng lại tình yêu đã trải qua bão gió, để có khoảnh khắc yên tĩnh của tình yêu:

“Tình ta như hàng cây

Đã qua mùa bão gió

Tình ta như dòng sông

Đã yên ngày thác lũ”

(Thơ tình cuối mùa thu)

Những gam màu thiên nhiên được cảm nhận bằng tâm hồn thơ tinh tế. Không gian  được mở ra với những  khoẳng khắc cuối mùa:

“Mùa thu đi cùng lá

Mùa thu ra biển cả

Theo dòng nước mênh mang

Mùa thu và hoa cúc

Chỉ còn anh và em”

(Thơ tình cuối mùa thu)

Lời thơ giàu nhạc điệu, chất trữ tình thấm đượm trong từng hình ảnh. Sự lặp lại các từ ngữ: mùa thu, chỉ còn anh và em, tình ta, kết hợp với các từ: đi, ra, vào, về, làm cho không gian thơ luôn thay đổi và trên cái nền không gian trữ tình ấy, Xuân Quỳnh lắng lại tiếng nói của tình yêu tha thiết:

Chỉ còn anh và em

Cùng tình yêu ở lại

– Kìa bao người yêu mới

Đi qua cùng heo may

(Thơ tình cuối mùa thu)

Thế giới thơ Xuân Quỳnh neo đậu những khao khát vô bờ:

“Qua bao ngày lửa đạn

Đất về với mùa xuân

Như anh về với em

Qua những ngày sóng gió”

(Đêm cuối năm)

Đời Xuân Quỳnh và thơ Xuân Quỳnh có sự đan cài máu thịt – sự giao thoa giữa cuộc đời và thơ Xuân quỳnh tạo ra sức hấp dẫn đặc biệt, đầy nữ tính. Nhà phê bình văn học Vương Trí Nhàn có nhận xét: “Mỗi bài thơ ra đời đều có lý lịch cụ thể của nó và nếu chắp các bài thơ đó lại, người ta có cả cuộc đời Quỳnh”. Những dòng thơ 5 chữ gối vào nhau có sức nén bên trong rồi dâng trào thành những cơn sóng tình mãnh liệt. Đọc những dòng thơ trong “Thuyền và biển”, “Sóng” của Xuân Quỳnh, ta thấm thía biết chừng nào bản chất tình yêu trong Xuân Quỳnh, nổi lên là trạng thái khát vọng và lo âu. Nỗi lo âu vốn có trong hành trang tình yêu, khát vọng càng lớn lại càng lo âu. Những tâm tư giãi bày của Xuân Quỳnh  chứa đựng năng lượng trữ tình rất dồi dào trong từng hình ảnh. Thế giới nội tâm trong thơ Xuân Quỳnh không khép kín trong không gian nhỏ hẹp mà hướng nội tâm đến không gian rộng mở để được khám phá chính bản thân mình:

“Sóng không hiểu nổi mình

Sóng tìm ra tận bể”

Sóng là hình tượng ẩn dụ cho tình yêu Xuân Quỳnh với những cung bậc dạt dào đầy nữ tính khi khao khát mãnh liệt khi lặng lẽ dịu êm. Xuân Quỳnh bộc lỗ rất chân thật cảm nhận của người phụ nữ mong muốn một tình yêu trọn vẹn. Câu chuyện kể thuyền và biển  là minh chứng cho sức mạnh tình yêu trong thơ Xuân Quỳnh. Thuyền và biển ra đời sau sự đổ vỡ về hạnh phúc cá nhân Xuân Quỳnh. Sự khơi thông cảm xúc về tình yêu được tinh chất từ những trắc trở đã qua trong đời thực, từ đó mới có khát khao vô cùng cho một tình yêu lý tưởng. Giọng điệu thơ khi thì chậm rãi khi thì dào dạt. Hai hình ảnh thuyền và biển đối nhau hô ứng mà lại thống nhất theo mạch cảm xúc tự nhiên hồn hậu của Xuân Quỳnh. Gom những hình ảnh của thuyền, biển trong bài thơ ở từng không gian cụ thể, đặt trong tình huống thử thách mới thấy được sự sắc nét trong tâm lý tình yêu:

“Cũng có khi vô cớ

Biến ào ạt xô thuyền”

(vì tình yêu muôn thuở

Có bao giờ đứng yên)

Cấu tứ bài thơ độc đáo, hình ảnh hàm súc, cảm xúc phát triển lô gích, đến đỉnh điểm của tình huống đặc biệt, tiếng lòng của Xuân Quỳnh mới phát lộ ra:

“Nếu phái cách xa nhau

Em chỉ là bão tố”.

Nhìn bài thơ thì phải nhìn toàn bài, nhận diện nét riêng dòng thơ nổi trội thì phải thâu tóm cả bài. Cũng như thấy cây mà không thấy rừng. Hoặc nhìn rừng mà không dừng lại một loại cây nào đó để khám phá vẻ đẹp riêng. Trong thơ ngoài cảm xúc còn phải thể hiện tư duy. Hướng con người tới tư duy, trăn trở nghĩ suy về một vấn đề nào đặt ra trong bài thơ. Thơ 5 chữ viết về tình yêu trong thơ  xuân Quỳnh dễ đi vào suy tư. Tôi cứ nghĩ thơ Xuân Quỳnh có 2 miền: miền thực và miền mơ. Miền thực đó là cuộc đời nếm trải sóng gió và miền thực đang diễn ra hàng ngày. Miền mơ là khát vọng, ước mơ về một vùng đất mà Xuân Quỳnh đặt chân lên được, vùng đất chở nặng tình yêu đích thực, miền mơ đó là cả một thế giới thơ Xuân Quỳnh. Một thế giới thơ thật gần gũi, đa dạng trong cách biểu đạt về tình yêu đôi lứa, tình yêu cuộc sống, tình yêu con người, tình mẫu tử thiêng liêng. Miền thực khơi nguồn cho những khát vọng miền mơ. Miền mơ hòa quyện miền thực tạo nên một giọng điệu thơ mới mẻ. Chính vì vậy dư vị của mỗi bài thơ có sức lan tỏa lâu bền. Xuân Quỳnh luôn để cái riêng hòa vào cái chung, nhưng luôn giữ cái riêng không lẫn vào ai được. Không gian thơ có vui có buồn, có thiên nhiên thơ mộng, có không gian hẹp như ngõ phố, có không gian rộng như biển cả. Trong những không gian đó ta bắt gặp một Xuân Quỳnh với nụ cười lạc quan trong gian khổ, một Xuân Quỳnh  thủ thỉ, trò chuyện tâm tình, những lời yêu chân thành cảm động. Một Xuân Quỳnh đầy nghị lực vượt lên mọi biến cố cuộc đời. Không gì hạnh phúc bằng, được đi hết tình yêu trong tâm thức của Xuân Quỳnh:

“Em đi hết lòng em

Lại gặp lời hát đó

Hoa ngâu ở nơi nào

Em cũng không biết nữa

Em chỉ biết tình em

Như ngâu vàng vẫn nở”

(Bao giờ ngâu nở hoa)

Sau đỗ vỡ hạnh phúc cá nhân, Xuân Quỳnh luôn khát vọng có được một tình yêu trọn vẹn. Xuân Quỳnh ước vọng mang tình yêu đến được bến bờ. Nơi bến bờ Xuân Quỳnh dừng chân đầy ắp tình yêu đồng điệu tâm hồn. Ở đó Xuân Quỳnh “tự hát” cho tình yêu tha thiết, một tình yêu đúng nghĩa:

“Em trở về đúng nghĩa trái tim em

Là máu thịt đời thường ai chẳng có

Vẫn ngừng đập lúc cuộc đời không còn nữa

Nhưng vẫn yêu anh cả khi chết đi rồi”

(Tự hát)

N.V.N