Thơ Bùi Minh Vũ – Như nắng gió cao nguyên

618

Lê Thành Nghị

(Vanchuongphuongnam.vn) – Nếu muốn tìm hiểu về một nhà thơ, hãy tìm đọc thơ họ. Những góc khuất của tâm tư, những riêng tư của tình cảm, những sâu xa của khát vọng… sẽ hiện dần với những câu thơ trong vẻ đẹp giản dị, tự nhiên của ngôn từ. Lật từng trang thơ của Bùi Minh Vũ, gặp ngay những ngôn từ tự nhiên, phóng khoáng như nắng gió cao nguyên, những điều giúp ta đến gần tác giả, nhận biết một ngòi bút quả quyết chọn thơ để bày tỏ những sâu kín của tâm hồn mình.


Nhà thơ Bùi Minh Vũ.

Sinh ra từ biển Kỳ Tân, Quảng Ngãi nhưng vào đời lập nghiệp tại Tây Nguyên, Bùi Minh Vũ như bất cứ người làm thơ nào, luôn nhớ về nơi chôn nhau cắt rốn của mình, như từ rừng nhớ biển. Nhưng anh mang tâm hồn đa cảm của người dân vùng quê nhiều lễ nghĩa, nặng tình thương: Chiều chiều mây phủ Sơn Trà/ Lòng ta thương bạn nước mắt và lộn cơm (Ca dao), cho nên thơ anh thương khắc khoải nỗi nhớ quê, nhớ người: Nhớ xanh lá mùng tơi ngoài hiên rào mẹ hái/ Nhớ vàng lúa ngồn ngộn sân phơi (Ánh mắt), Quê hương/ Cái cây mọc trên đá/ Treo con mắt mặt trời/ Quê hương/ Dòng sông mùa xuân/ Chở những bao muối về nguồn/ Quê hương/ Cái lưỡi liềm cắt cỏ/… Quê hương là mâm cơm/…Quê hương là cái kiềng ba chân (Quê hương)… Vậy nên mỗi khi đi xa, cho dù Xác thành tro đi nữa/ Hồn cũng bay đi khắp quê hương (Quê hương):

An Viên ơi!, người yêu hỡi

Tiếng kèn dài thôi thúc nỗi chờ mong

(Nước trổ bông)

Với Bùi Minh Vũ, quê hương luôn luôn ở nơi sâu nhất của ký ức: Nhớ tiếng Kỳ Tân, An Chuẩn, An Mô, Vĩnh phú/ Trộn vào giấc mơ/ Trôi vào trái tim/ Hình thành nên phù sa ký ức (Phù sa ký ức), quê hương luôn gắn với những kỷ niệm: Tôi nhớ buổi chiều nắng vàng hơn rơm/ Bóng mây uống rượu (Ký ức), Ta nói với ta về hay ở/ Bên thành giếng cũ nước trong veo/ Lòng ta là chiếc gàu xưa cũ/ Bên rào ta đứng, bóng mưa theo (Nhớ nhà), quê hương là gương mặt và cuộc đời cơ cực của người đã khuất: Mẹ tôi/… là con đường làng/ Một nắm cơm nguội/ Một tiếng ru đêm/ Một mảnh vỡ/ Của dòng sông/ Giặt chiếu (Mẹ tôi). Những con người lam lũ ấy, những khung cảnh miền quê yêu dấu ấy, dù gian nan đến đâu, dù đi xa đến đâu anh cũng tìm về:

Mẹ nằm ngoài bãi tóc thề gió bay

Lật từng nắm đất đắng cay

Hình cha nhòe ố luống cày mồ côi

Cuối làng bồi bãi nhà tôi

Cách sông cũng lội xa xôi cũng về

(Bãi bồi)

Thường gặp nhất và cũng ấn tượng nhất của thơ Bùi Minh Vũ là những bài thơ tình yêu. Người con gái trong thơ anh là người hạnh phúc, vì được yêu, vì được chờ đợi, vì không thể thiếu trong không gian tình yêu, một không gian không phải chỉ thoáng chốc mà là mãi mãi:

Anh đợi em như đợi cơm chiều

Đợi đò qua sông

Mắt đợi đêm về để thức

Ly cà phê đợi một người

Mãi mãi

(Nước trổ bông)

Người con gái ấy có mặt khắp nơi những chân trời anh qua, hiện lên sau những dòng sông anh tới, in trong những màu mây, sắc lá anh gặp, và sâu trong trái tim anh lưu giữ

Anh viết tên em lên làn mây trắng

Mây bay về trời

Anh viết tên em lên dòng sông mùa đông

Dòng sông trôi về biển cả

Anh viết tên em lên chiếc lá

Lá rụng về cội

Anh viết tên em vào tim

Máu chạy ngoài cơ thể

(Tên em)

Một tình yêu chất chứa những kỷ niệm khi xa cách:

Gió nghiêng lá rụng, cành ngơ ngác

Tiếng suối reo trong như tiếng em

Nhà ta Đức Lợi xa xôi quá

Trăng vàng hay nỗi nhớ, vàng đêm?

(Nỗi nhớ)

Một tình yêu như mọi tình yêu chân chính khác có nhớ nhung, lãng mạn, nhưng cũng nhuốm màu thế sự: Chiều nay anh ra hồ Ea Kao/ Ai đã múc hết nước/ Trong đôi mắt trống rỗng của em (Mùa đông bất tận). Phải chăng, vì thế nhuốm buồn:.

Chấm rượu vẽ chân dung em

Nụ cười nghiêng chao đàn chim núi

Tiếng hát vỡ ly

Rượu khóc

(Rượu khóc)

Những hoa trái ngoài đời

Mỏi mệt

Tiếng cười giòn rêu phong

(Bóng tối)

Tình cảm ấy đôi khi gắn với một mùi hương đã xa: Em có còn/ Mái tóc dài bồ kết (Banmêthuột em), Ngày mưa gió/ Anh làm thơ/ Tràn đầy hương tóc em (Chiếc ô); đôi khi gắn với một nỗi buồn vô cớ: Cảm ơn nỗi buồn của em/ Những vì sao chẳng hề biết mỏi mệt (Niềm vui). Nhưng người trong cuộc cũng biết phong kín nỗi buồn bởi sự rắn rỏi thường có: Đành khâm liệm nỗi buồn/ Tống cổ ngày cuối cùng của riêng anh/ Mượn đôi cánh gió/ Ghép vào thân xác/ Tìm nụ cười em ở tận cuối chân trời (Đêm phương bắc); đôi khi là nỗi nhớ trong cảm giác trộn lẫn hương sắc: Nhớ em, nắng cũ, chiều rực tím/ Gió đỏ, hoa đen, nắng ngọt ngào/ Ẩn nấp một mùi hương ngọc bích/ Nhớ em, se lạnh lưỡi chiêm bao (Nhớ em), Thân chiếc lá bay trong thinh lặng/ Bỏ lại khoảng trống mùa xuân rực rỡ sắc màu/ Tìm em trong tâm tưởng/ Trong giấc ngủ, trong hốc núi, trong giếng tưới cà phê (Ngày Tây Nguyên), Nhớ mòn, nhớ mỏi đường đến nhà em/ Hai hàng cau xanh dịu dàng chào đón/ Nhớ những tiếng chim lẻ bầy ríu rít/ Chùm khế vàng rơi ngọt lịm môi đêm (Nhớ An Mô); đôi khi là niềm hoan lạc: Khi ta trộn hai cơ thể/ Như trăng thượng tuần năm ngoái/ Hương thời gian không bao giờ phai (Em là sự lấp đầy vô tận); đôi khi như là ảo ảnh, chập chờn bất định như không thật nữa, xâm chiếm tâm tư như một cảm thức mơ hồ: Anh gọi mơ hồ trong giấc mộng/ Con chim khuyên bẽn lẽn trộm nghe rồi/ Vẫn cứ gọi tên em trong trời rộng/ Đêm đã tàn tiếng gọi giọt trăng rơi (Giọt trăng rơi), Em đi lâu rồi, em đi đâu rồi/ Sương còn giữ làn hương bên vạt cỏ/ …Em đi xa mờ/ Anh vẫn đứng nơi ngày xưa em đợi (Vẫn hát), Tôi buông thả giấc mơ thành lửa/ Để nghe em cười như gió bay (Nước trổ bông); đôi khi là sự che khuất, chìm lấp là cảm giác “nghẹn thở” từ làn nắng cao nguyên sang tâm trạng con người: Vườn cà phê che khuất nụ cười em/ Rung rinh hương hơi thở em chìm lẫn…/ Nắng ngập ngừng nghẹn thở giữa cao nguyên (Nghẹn thở). Tình yêu còn có cả dặn dò ân cần: Em nên nhìn rõ chân dung bóng tối/ Trước khi bước chân vào nhà (Chạm), bởi vì chung quanh em đầy cạm bẫy: Bóng tối thường nghiêng vào tình yêu (Bóng tối), bởi vì giữa anh với em là không gian rộng rãi, là thời gian vô thường, là hiển hiện niềm vui và cả những nỗi đau: Anh là con đường dài chân trời/ Em là gió thổi/ Đêm hun hút/ Ngao du/ Trăng thiếu nữ/ Nay hẹn mùa qua, mai hẹn mùa về (Nước trổ bông), Đêm hôm qua/ Bên kia tĩnh lặng/ Bên này bão dông (Đêm hôm sau), Em khâu nỗi đau bằng nước mắt/ Vội vã bước đi nắng nhạt màu/ Thế giới trôi nhanh về phía trước/ Sau lưng bàng bạc gió ngàn lau (Lung linh đêm)…

Bên cạnh “bức tranh hiện thực” đời sống và tâm trạng bề bộn trên kia, thơ Bùi Minh Vũ có xu hướng triết lý như một biện pháp tăng cường tính tư tưởng của ngòi bút. Những triết lý từ cuộc sống, những suy nghiệm về sự sống, những đúc kết trong quá trình sống…dồn nén trong những câu thơ hiện rõ cá tính và trải nghiệm của người viết, trở thành suy nghĩ của mọi người, cho thấy người viết đã sống không hời hợt, dễ dãi, ngược lại luôn suy nghĩ, luôn có ý thức về cuộc sống. Thơ anh, vì thế thường có những ý nghĩ độc đáo, dễ ở lại trong trí nhớ người đọc, như một thi cảm lan tỏa tới người đọc, như một thi cảm lưu giữ một thoáng trần gian. Chẳng hạn, đây là tương quan giữa một bên là vô hạn của biển và một bên là hữu hạn của “chiếc ghe ngủ”: Biển cô đơn/ Khi chiếc ghe/ Ngủ (Cô đơn). Còn đây là một sự diễn đạt độc đáo của những gì nhìn thấy trước mắt “hương hoa che kín” và những gì tác giả liên tưởng tới “không bao giờ trần truồng”: Mùa xuân/ Không bao giờ trần truồng/ Vì có hương hoa che kín (Mùa xuân). Đây là lời nhắc nhở về thế thái nhân tình, về sự nếu “không nhớ” sẽ dẫn tới sự “không bao giờ”: Em không nhớ đường về làng tôi/ Sẽ không bao giờ nhớ đường về trái tim em (Nhớ). Hoặc là một cảnh báo sẽ ám ảnh với những ai tàn phá thiên nhiên: Một hôm cây đổ/ Tiếng khóc vòng quanh/ Giai điệu cắt tiết/ Nhớ cái đầu rơi trên sa mạc (Ngọn lửa). Có khi là một ý nghĩ “cuộc tranh giành” chợt hiện giữa hai đợt sóng đang đang đổ vào bờ: Im lặng, chuẩn bị cho cuộc tranh giành/ Giữa biển và bờ (Bọt sóng). Hoặc có khi là một triết lý về nhân sinh: Tôi không thể đi một mình/ Trên vạt cỏ thời gian (Tôi không thể đi một mình). Một khoảnh khắc tâm trạng trong một ngày buồn: Tôi nhúng khăn trên dòng Srepok/ Lau mặt/ Lau chủ nhật buồn/ Mặt tôi ướt nước mắt em (Tôi đã tìm thấy em). Một sự khẳng định giá trị của cái thiện, cái đẹp: Tất cả đều biến dạng trừ hương thơm/ Tay anh cành trăng úa (Tồn tại), Ảo giác là lời hẹn gối đầu/ Trên những ngõ tắt gió bay ca dao (Câu hát chiều)… Ở những câu thơ này, Bùi Minh Vũ thường rất chú ý đến cách diễn đạt. Người làm thơ trải nghiệm văn hóa Tây Nguyên, cảm nhận khá tinh tế ngôn ngữ diễn đạt giàu hình ảnh, ẩn dụ, so sánh của người vùng cao, và thường khi trong thơ anh người đọc bắt gặp cách dùng từ độc đáo ấy: Rẫy dài như một ngày voi đi (Tìm mẹ), Cơn mưa vỡ tung ánh sáng (Tất cả chỉ là tiếng ồn), Cầm tiếng chim màu dã quỳ (Tĩnh lặng), Nụ cười nghiêng chao đàn chim núi (Rượu khóc), Lối đi cơn mưa, lối về hạt lúa (Mưa),… tiếng chiêng hóa thạch dưới lòng đất đỏ (Những đêm mất ngủ), Rẫy trước mặt như con gái lấy chồng/ Rẫy sau lưng như con trai lấy vợ (Rẫy hồn làng)… Những câu thơ nhỏ xinh nhưng chắc mẩy, rắn rỏi này, tự nó cất giấu trong câu chữ lời “bình chú” như dư vị sau ngụm cà phê buổi sáng, lan tỏa tới người đọc sự phấn chấn và thanh thản như tâm trạng của tác giả:

Làm xong bài thơ

Như đi trên cánh đồng lúa chín

(Bếp lửa)

vv…

Rất nhiều chủ đề được đề cập trong 14 tập thơ của Bùi Minh Vũ. Có cảm giác, với anh, thơ có thể đến bất cứ lúc nào, và bất cứ điều gì cũng có thể được diễn đạt bằng thơ. Tên các bài thơ, vì vậy cũng rất giản dị, từ nhà ra ngõ, cụ thể sát sườn như: cái kèo cái cột, cái sân cái vườn, cây si cây cau, cái kiềng ba chân, lưỡi liềm cắt cỏ, xa ngoài không gian như gió như nắng, vô hình như: một thoáng buông lơi, ngoái lại, trừu tượng như: hồn hoa, năm tháng già, nước trổ bông…, một “phạm vi hiện thực” mở rộng không giới hạn sự quan sát, những tầng vỉa của đời sống và sự sống không e ngại sự khám phá, những cung bậc cảm xúc không rào cản sự biểu hiện… Các tập thơ của anh, tập nào cũng dày dặn, cũng ngót nghét vài trăm bài dài ngắn khác nhau, có bài dài hàng trăm câu, mười mấy đoạn, dáng dấp của trường ca, của sông Srepok tràn bờ (Ngày Tây Nguyên, Đêm phương Bắc, Nước trổ bông…, lại có bài chỉ vài ba câu, có khi một câu (Mắt em, Trên cỏ, Động biển…) dáng dấp một “giọt cà phê Ban mê” rớt loang trên trang viết như thể một ý nghĩ bất chợt, một “triết lý” vu vơ khi đọc sách, khi suy nghĩ về thế thái nhân tình, sau những trải nghiệm về những vùng đất đi qua… Nghĩa là ngòi bút anh tung thả không giới hạn, không tiết chế, đắn đo, một “trò chơi” mải miết như có thể quên luôn cơm ăn, nước uống, Tôi mê mải làm thơ chơi/ Quên cả ngày kiếm sống (Em sẽ cưới quỷ sứ cho anh), phóng túng như thể nắng và gió cao nguyên, nơi anh sinh sống. Nhưng chính sự “hào phóng” này cũng chứa đựng những nhược điểm mà anh để lại trên trang viết. Chẳng hạn, đã có sự bề bộn, phóng khoáng kia, lại cần một sự lắng đọng hơn, hàm súc hơn, tiết chế hơn, cần “bay” một chút, cần “bớt rõ rệt” đi một chút để “nhòe mờ” hơn một chút, để câu thơ “nhẹ nhõm” hơn một chút, nếu phải đọc một mạch hết mười mấy tập thơ anh.

*

Cầm bút dễ đã mươi lăm năm, Bùi Minh Vũ là một cây viết có khả năng nhiều mặt. Anh đã cho in 14 tập thơ dày dặn (Ngủ mơ trên cát, Ngày về quê ngoại, Tình một thuở, Dòng sông mùa xuân, Chim sơn ca, Lão ngư Kỳ Tân, Tôi hát về ngày không em, Tình yêu muộn, Chìa khóa mở vào thế giới, Màu thổ cẩm, Không ai già hơn tình yêu, Nhớ và kể lại giấc mơ, Biển và quê hương, Nơi bắt đầu lời nguyền), 4 tiểu thuyết (Cõi hồng, Người có lúc,… A, Nụ cười thiên nữ), và rất nhiều các tác phẩm nghiên cứu, biên khảo, sưu tầm văn học các dân tộc thiểu số Tây Nguyên. Với ngòi bút xông xáo trên nhiều lĩnh vực, và “ngang dọc” phóng túng trên mỗi lĩnh vực thể loại văn chương, rất nhiều giải thưởng ở địa phương và trung ương đã được trao tặng…, Bùi Minh Vũ để lại những ấn tượng đẹp trong trí nhớ người đọc.

Hà Nội, tháng 6 năm 2021

L.T.N